Vật lộn với thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ lệnh cấm 3 hãng thịt Úc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm được áp đặt một cách tùy tiện đối với ba lò mổ ở Úc khi Trung Quốc không chỉ đang vật lộn với tình trạng thiếu lương thực thực phẩm mà còn đang tiếp tục tìm cách giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ với chính phủ đảng Lao động của Úc.

Cơ quan Hải quan Bắc Kinh thông báo rằng các sản phẩm từ các công ty Úc bao gồm Teys, Australia Lamb Company và JBS sẽ được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Lệnh cấm ban đầu được đưa ra giữa một loạt các hành động cưỡng chế thương mại vào năm 2020 nhắm vào các nhà xuất khẩu Úc nhằm đáp trả việc chính phủ cũ của ông Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.

Các lệnh trừng phạt đã quét qua một loạt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm rượu vang, thịt bò, lúa mạch và tôm hùm với các lệnh trừng phạt ước tính khiến các công ty Úc thiệt hại 20 tỷ AUD (13 tỷ USD).

Tuy nhiên, đồng thời, nó thúc đẩy các chính phủ dân chủ bắt đầu áp dụng chiến lược “đa dạng hóa thương mại” nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm nguy cơ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây áp lực.

Những động thái được hoan nghênh

Phản ứng trước việc dỡ bỏ lệnh cấm thịt bò đối với ba lò mổ, Bộ trưởng Thương mại Don Farrell cho biết đây là một “bước tích cực” khác hướng tới ổn định quan hệ với Bắc Kinh.

Ông nói trong một tuyên bố: “Chính phủ Albanese sẽ tiếp tục thúc đẩy việc loại bỏ những trở ngại thương mại còn lại càng sớm càng tốt”.

Theo trang web của bộ trưởng thương mại, vào tháng 8, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với lúa mạch Úc với 314.000 tấn sản phẩm đã được nhập khẩu vào Trung Quốc.

“Đây là lần đầu tiên trong hơn ba năm, chính quyền Trung Quốc công bố dữ liệu chính thức cho thấy lúa mạch Úc đã quay trở lại Trung Quốc”, trang web cho biết.

Hơn nữa, chính phủ Úc phát hiện ra rằng Bắc Kinh đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu khác bao gồm lúa mạch, than đá, bông, quặng đồng, gỗ tròn, quả hạch và cỏ khô yến mạch.

Trước năm 2020, xuất khẩu lúa mạch mang về 916 triệu USD cho nền kinh tế Úc.

Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết: “Quan hệ thương mại với Trung Quốc đang trên một quỹ đạo tích cực nhờ cách tiếp cận chín chắn của chính phủ này đối với quan hệ quốc tế”.

Vật lộn với thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ lệnh cấm 3 hãng thịt Úc
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong cuộc họp qua hội nghị trực tuyến tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm Thứ Hai, ngày 06/02/2023. (Ảnh: Lukas Coch - Pool/Getty Images)

Chính phủ đảng Lao động đang quảng bá cho cách tiếp cận quan hệ quốc tế của mình như là điểm khác biệt chính so với chính phủ Quốc gia-Tự do trước đây, vốn đã công khai chỉ trích Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền và vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

“Tôi chờ đợi việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với rượu vang Úc sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình xem xét; và tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tái nhập khẩu tôm hùm sống và thịt đỏ của Úc vào Trung Quốc”, ông Farrell nói.

Hiện tại, Bắc Kinh đang xem xét lại lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu rượu vang của Úc, trong khi 7 lò mổ khác vẫn bị cấm nhập khẩu sản phẩm vào Trung Quốc, bao gồm Australian Country Choice, Kilcoy Pastoral, Beef City, JBS Dinmore, Northern Cooperative Meat Company, John Dee và Meramist.

Trung Quốc vật lộn với thiếu thực phẩm

Theo bản cập nhật tháng 8 của S&P Global, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực thực phẩm đang tiếp diễn, với việc Trung Quốc hiện là một trong những nước mua đậu nành, ngô, lúa mì, gạo, thịt bò, thịt lợn, lúa mạch và lúa miến lớn nhất toàn cầu.

Một phần lý do đằng sau cuộc vật lộn tự nuôi sống bản thân của Trung Quốc là vì nông nghiệp đơn giản không phải là một hoạt động sinh lợi ở nước này.

Sự kết hợp giữa tham nhũng – với các loại thuế tùy tiện do quan chức cấp địa phương áp đặt lên nông dân – và các chính sách của chính quyền, thứ dẫn đến việc chính quyền kiểm soát đất nông nghiệp, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận rất thấp cho các nhà khai thác đất đai và tạo ra rất ít sự hấp dẫn để thế hệ trẻ tham gia vào lĩnh vực này.

Ngược lại, hệ thống ở nước phương Tây cho phép nông dân khai thác những lô đất lớn hơn và giúp họ thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh - khiến các hoạt động kinh doanh nông nghiệp trở nên hấp dẫn đối với nhiều thế hệ.

Kẻ bắt nạt Trung Quốc gánh ‘nghiệp báo'

Vật lộn với thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ lệnh cấm 3 hãng thịt Úc
Người dân nếm thử rượu vang đỏ từ Úc tại Triển lãm Thực phẩm và Nông sản ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 5/11/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Úc dường như đang trải qua những biến đổi to lớn. Đằng sau đó là một câu chuyện thú vị về kẻ bắt nạt - Bắc Kinh, và đối tượng bị bắt nạt - Úc.

Chuyên gia Milton Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Gần đây, ông Ezrati đã có bài phân tích về sự thay đổi trong mối quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc. Bài viết có tựa đề “Nghiệp cho giới lãnh đạo Bắc Kinh", đăng ngày 26/11 trên tờ The Epoch Times. Từ bài viết này, có thể thấy vấn đề lương thực thực phẩm chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ bức tranh lớn hơn.

Ông Ezrati mở đầu bài phân tích bằng việc nói về nghiệp. Theo ông Ezrati, nghiệp thường có vị đắng trong miệng người đang phải gánh chịu nó nhưng lại luôn sưởi ấm trái tim người chứng kiến. Nghiệp là cốt truyện của vô số truyện ngắn, phim ảnh và truyền hình. Một người ích kỷ - kẻ bắt nạt, kẻ trộm, kẻ vũ phu - lợi dụng người khác một cách không công bằng để rồi sau đó phát hiện ra khi bản thân mình cần giúp đỡ thì người bị hại sẽ nhớ chuyện cũ và đáp lại những hành vi xấu một cách đầy đủ bằng những điều tương tự.

Mặc dù cốt truyện mang tính nhân quả này được sử dụng tốt trong các vở kịch cường điệu, nhưng theo ông Ezrati, nó hiếm khi xảy ra trong quan hệ quốc tế. Đó là lý do tại sao những tin tức gần đây về quan hệ Trung - Úc lại khiến người ta hài lòng đến như vậy.

Câu chuyện bắt đầu vào thập kỷ trước đại dịch năm 2020. Trong thời gian đó, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Úc ngày càng trở nên thân thiết hơn. Đó là một mối quan hệ thương mại tự nhiên. Úc có lĩnh vực nông nghiệp và khai khoáng hùng mạnh, và Trung Quốc cần những gì Úc cung cấp. Than và quặng sắt của Úc đã đến với ngành thép đang bùng nổ của Trung Quốc. Bông Úc cung cấp cho ngành dệt may đang phát triển của Trung Quốc. Rượu vang Úc xuất hiện trên bàn ăn của các hộ gia đình đang ngày càng giàu có ở Trung Quốc. Đổi lại, người Úc mua các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ đồ chơi, điện thoại thông minh đến sản phẩm lắp ráp máy tính. Đến năm 2020, mối quan hệ này đã trở nên cực kỳ quan trọng đối với Úc. Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng lượng hàng xuất khẩu của Úc. Công bằng mà nói thì nền kinh tế Úc phụ thuộc vào doanh số bán hàng tới từ Trung Quốc.

Mối quan hệ này đột nhiên tan vỡ vào năm 2020 khi Thủ tướng Úc lúc đó là ông Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19. Giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ trước đề xuất của Thủ tướng Úc. Cho dù bị xúc phạm hay bị đe dọa bởi đề xuất này, giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn quyết định buộc Canberra phải lùi bước. Theo cách tiếp cận chỉ huy và kiểm soát thông thường mà Bắc Kinh sử dụng để ra lệnh cho nền kinh tế và cai trị người dân, các mệnh lệnh đã được đưa ra nhằm khuất phục Canberra bằng cách áp đặt mức thuế nặng nề từ 100 đến 200% hoặc hơn đối với hàng nhập khẩu của Úc. Các doanh nghiệp Úc đột nhiên rơi vào tình thế khó khăn – họ phải nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới.

Dù liên quan đến nông nghiệp, quặng sắt hay rượu vang, quá trình phục hồi đối với doanh nghiệp Úc đều rất khó khăn và tốn kém. Theo lời của ông Lee McLean, giám đốc điều hành của Australia Grape and Wine, hiệp hội quốc gia của ngành, các doanh nhân Úc đã “gõ cửa từng nhà, làm mòn đế giày” để xây dựng các thị trường và mối quan hệ mới.

Trong những tháng sau hành động mạnh tay của Bắc Kinh, các doanh nghiệp Úc chịu thiệt hại nhưng cuối cùng đã tìm được giải pháp thay thế cho những người mua Trung Quốc. Than và quặng sắt của Úc đã đến với ngành thép đang phát triển của Ấn Độ. Bông Úc đã được cung cấp cho nỗ lực ấn tượng trong ngành may mặc của Việt Nam. Các nhà sản xuất ngũ cốc đã gửi sản phẩm của họ đi xa hơn và thậm chí đã tìm được những hợp đồng béo bở ở Ảrập Xêút. Những nhà buôn rượu đã tìm thấy khách hàng thay thế ở Bắc Mỹ và Nhật Bản, và xu hướng này hiệu quả đến mức theo thống kê cuối cùng, lượng rượu xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 5 triệu USD vào năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 770 triệu USD vào năm 2020.

Nhưng giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc không còn hùng mạnh và nổi bật như Bắc Kinh từng nghĩ cách đây 3 năm khi lên kế hoạch trừng phạt Úc. Với sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, giới lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên tích cực mong muốn phát triển các mối quan hệ thương mại mới và khiến các mối quan hệ cũ mạnh mẽ trở lại. Theo đó, để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Bắc Kinh đang nói về việc nới lỏng các mức thuế mà nước này đã áp đặt vào năm 2020. Ông Albanese rất vui mừng, nhưng trước sự thất vọng của tất cả các quan chức chính phủ có liên quan, doanh nghiệp Úc sẽ không hưởng ứng điều đó. Các nhà quản lý của các doanh nghiệp Úc vẫn nhớ thời kỳ khó khăn khi Trung Quốc lần đầu cắt đứt quan hệ với họ. Họ không mấy mong muốn hủy hoại các mối quan hệ thương mại mới của mình và quay trở lại một đất nước vốn sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng bức.

Vật lộn với thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ lệnh cấm 3 hãng thịt Úc
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào được nhìn thấy trên màn hình trong cuộc họp qua hội nghị trực tuyến tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, vào ngày 06/02/2023. (Ảnh: Lukas Coch-Pool/Getty Images)

Không còn nghi ngờ gì nữa, thương mại giữa Úc và Trung Quốc sẽ phát triển, đặc biệt nếu Bắc Kinh thực sự hành động và giảm bớt thuế quan đã áp đặt ba năm trước. Trung Quốc là một thị trường giàu có, và ngay cả những doanh nhân Úc giận dữ nhất cũng sẽ khó cưỡng lại sức hấp dẫn của số tiền lớn như vậy. Nhưng trừ khi tất cả các nhà quản lý của Australia bị mất trí nhớ nghiêm trọng, sẽ mất nhiều thời gian để họ quay trở lại Trung Quốc và họ có thể không bao giờ trở lại được mức độ phụ thuộc như năm 2020.

Đây không phải là lần đầu tiên hành vi bắt nạt mạnh tay của Bắc Kinh quay trở lại gây tổn hại cho Trung Quốc. Bằng cách đẩy Philippines ra khỏi các khu vực trên Biển Đông, Bắc Kinh đã khiến chính phủ ở Manila bất đắc dĩ phải hợp tác nhiều hơn với Mỹ về an ninh so với những gì đáng lẽ họ đã theo đuổi.

Thuế quan năm 2020 của Trung Quốc chắc chắn đã giúp thuyết phục Úc hợp tác nhiều hơn về quốc phòng với Mỹ và Vương quốc Anh. Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc thỏa hiệp về các điều kiện thương mại đã biến chính phủ Mỹ và châu Âu từ những người quan sát đa phần có tâm lý cảm thông thành những gì mà giờ đây chỉ có thể được mô tả là những chủ thể thù địch trong các vấn đề về Trung Quốc. Người ta có thể nghĩ rằng sau tất cả những điều này, ông Tập Cận Bình và các đồng sự của ông trong Tử Cấm Thành sẽ suy nghĩ lại cách tiếp cận của họ, nhưng dường như họ không thể tự cứu giúp chính mình, ông Ezrati kết luận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Vật lộn với thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ lệnh cấm 3 hãng thịt Úc