Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với động thái nhập khẩu than, Trung Quốc đang cho thấy họ có thể sẽ dỡ bỏ chính sách trừng phạt thương mại áp đặt lên Úc. Chuyến hàng than đã cập cảng Trung Quốc 2 ngày sau khi cuộc gặp giữa các bộ trưởng thương mại của 2 nước lần đầu tiên được tổ chức sau 3 năm.

Chuyến hàng than chính thức đầu tiên của Úc đã cập cảng Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh cố gắng “bình thường hóa” quan hệ với chính phủ đảng Lao động mới của Úc.

Khoảng 72.000 tấn than luyện kim đã cập cảng Trạm Giang vào ngày 08/02 ở phía đông nam Trung Quốc, lần đầu tiên sau hai năm kể từ khi các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Úc vào năm 2020.

Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell hoan nghênh động thái này.

“Bất kỳ bước đi nào hướng tới việc giải quyết các trở ngại thương mại đều được hoan nghênh”, ông nói trong một tuyên bố mà AAP có được.

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết mối quan hệ này rất quan trọng đối với việc làm tại địa phương và Trung Quốc đã nhận được nhiều giá trị xuất khẩu từ Úc hơn ba đối tác thương mại tiếp theo cộng lại.

“Chúng ta không chỉ có tài nguyên mà còn có rượu, thịt, lúa mạch, hải sản - những loại tốt nhất trên thế giới", ông nói với các phóng viên vào ngày 09/02. "Chúng tôi thận trọng về việc đưa ra thông báo trước khi [các báo cáo về than] được xác nhận”.

Thượng nghị sĩ đảng Quốc gia Úc Bridget McKenzie cho biết động thái này sẽ thúc đẩy việc làm ở nông thôn.

Bà nói với AAP: “Tất cả họ đều rất mong muốn đảm bảo rằng chủ quyền quốc gia của chúng ta là ưu tiên hàng đầu và là trung tâm của bất kỳ mối quan hệ nào của chính phủ liên bang với các thế lực nước ngoài".

Đồng thời, Thượng nghị sĩ kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn về mặt đối nội để cải thiện lĩnh vực này.

“Việc chính phủ liên bang tôn vinh mối quan hệ thương mại là điều tốt, nhưng điều đáng lo ngại là họ đã đồng thời tạm dừng 18 dự án than và khí đốt và chặn dự án than của [tỷ phú Clive Palmer] ở Queensland”, bà nói.

Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?
Một tàu container đang xếp hàng tại cảng Botany ở Sydney, Úc, vào ngày 16/04/2020. (Ảnh: Saeed Khan/AFP qua Getty Images)

Trừng phạt thương mại từ phía Trung Quốc

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp kinh tế chống lại các nhà xuất khẩu Úc - vào tháng 5 năm 2020 - sau khi chính phủ Morrison khi đó kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 - một trong những chính phủ đầu tiên trên thế giới làm như vậy.

Các biện pháp trừng phạt thương mại không chính thức đã quét qua một loạt hàng hóa của Úc, bao gồm lúa mạch, rượu vang, thịt bò, tôm hùm, gỗ và than đá.

Tuy nhiên, động thái này cũng dẫn đến sự gia tăng đột biến trong các hoạt động “thị trường xám”, nơi các doanh nghiệp chỉ đơn giản là lách qua các kênh xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc và đi qua các khu vực khác bao gồm Hong Kong và Đài Loan - những nơi không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Ví dụ, trước tháng 12/2020, số lượng xuất khẩu Tôm hùm đá miền Tây của Úc sang Hong Kong không đáng kể, nhưng đến tháng 04/2021, thành phố này đã nhận được 400 tấn mỗi tháng, theo số liệu của ngành.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với xuất khẩu rượu và than của Úc; trong một số trường hợp, than được các bên thứ ba mua và bán cho các nhà máy thép của Trung Quốc với giá cao hơn đáng kể.

Nỗ lực bình thường hóa thương mại

Thảo luận về “bình thường hóa” thương mại giữa Úc và Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn sau thắng lợi bầu cử của chính phủ Lao động.

Trước chiến thắng trong cuộc bầu cử của chính phủ Albanese vào tháng 05/2022, các cựu lãnh đạo đảng Lao động đã nhanh chóng chỉ trích chính phủ Morrison vì đã xử lý sai các mối quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sau khi giành được chính phủ, chính quyền này đã theo chân những người tiền nhiệm khi nhấn mạnh rằng họ sẽ không làm suy yếu lợi ích quốc gia của đất nước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước để thu hẹp khoảng cách ngoại giao với các đối tác của họ, bao gồm tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa các bộ trưởng thương mại của chính phủ kể từ năm 2019 - các bộ trưởng của chính phủ Morrison gần như hoàn toàn bị phớt lờ trong thời gian đó.

ĐCSTQ cũng đã ám chỉ tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt thương mại và bằng chứng vận chuyển than gần đây cho thấy điều này có thể xảy ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gần đây nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh sẵn sàng “nối lại đối thoại và liên lạc” với Úc trên nhiều lĩnh vực trong khi “cố gắng xây dựng lại lòng tin”.

Cuộc gặp giữa các bộ trưởng thương mại đầu tiên sau 3 năm

Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong cuộc họp qua hội nghị trực tuyến tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, vào ngày 06/02/2023. (Ảnh: Lukas Coch - Pool/Getty Images)

Cuộc gặp giữa các bộ trưởng thương mại giữa Úc và Trung Quốc đã được tổ chức lần đầu tiên sau 3 năm khi hai bên tìm cách nối lại quan hệ thương mại bình thường sau một thời gian căng thẳng.

Ngày 06/02, Bộ trưởng Thương mại Úc đã tham gia cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào để thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với nhiều mặt hàng chủ chốt của Úc.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Farrell cho biết thương mại và đầu tư luôn là một phần “nền tảng” của mối quan hệ giữa hai nước khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư quan trọng của Úc.

Bộ trưởng cũng cho biết chính phủ Úc quyết tâm hợp tác với Trung Quốc đồng thời vẫn giữ lập trường kiên định về lợi ích quốc gia của đất nước.

Trong khi hai bên còn bất đồng về nhiều vấn đề, chính phủ Úc cho rằng những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại.

Về phía Trung Quốc, ông Vương mời ông Farrell đến thăm Trung Quốc vào thời điểm thuận tiện để thảo luận thêm, nói rằng chuyến đi sẽ mang lại cho ông "một ấn tượng khác" về đất nước này.

Trong khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết ông muốn hợp tác với ông Farrel để đưa hợp tác kinh tế giữa Úc và Trung Quốc trở lại đúng hướng, thì ông Vương lưu ý rằng cuộc gặp không có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề.

Sau đó, ông cũng đề nghị cuộc họp tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tìm cách giải quyết những khác biệt nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước đối với “những vấn đề mang tính nguyên tắc”.

Trong khi cuộc họp kéo dài khoảng 90 phút không mang lại đột phá nào, ông Farrell cho biết đây là một bước quan trọng khác trong việc ổn định quan hệ của Úc với Trung Quốc.

“Cuộc thảo luận của chúng tôi đề cập đến một loạt vấn đề thương mại và đầu tư, bao gồm nhu cầu nối lại thương mại thông suốt đối với các nhà xuất khẩu Úc để người tiêu dùng Trung Quốc có thể tiếp tục hưởng lợi từ các sản phẩm chất lượng cao của Úc”, ông Farrell nói trong một tuyên bố sau cuộc họp.

“Bộ trưởng Vương và tôi đã đồng ý tăng cường đối thoại ở tất cả các cấp, bao gồm cả giữa các quan chức, như một con đường hướng tới việc nối lại thương mại kịp thời và đầy đủ”.

Ông Farrell cũng lưu ý rằng ông và ông Vương đã thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa hai nước về một số vấn đề khác ngoài thương mại, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và hoạt động hỗ trợ cho các phái đoàn doanh nghiệp.

Khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế vào tháng 1, ông Farrell cho biết Úc mong muốn thấy khách du lịch và sinh viên Trung Quốc quay trở lại Úc.

Bộ trưởng thương mại Úc cũng đã chấp nhận lời mời của ông Vương đến Bắc Kinh để tiếp tục “đối thoại hiệu quả”.

Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào được nhìn thấy trên màn hình trong cuộc họp qua hội nghị trực tuyến tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, vào ngày 06/02/2023. (Ảnh: Lukas Coch-Pool/Getty Images)

Trong khi đó, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin rằng trong cuộc họp, ông Vương bày tỏ quan ngại của chính quyền Trung Quốc về việc Úc thắt chặt rà soát an ninh đối với hoạt động vận hành và đầu tư của các công ty Trung Quốc tại nước này.

Ông Vương cũng hy vọng rằng Úc có thể xử lý vấn đề trên một cách “thích hợp” và cung cấp một môi trường kinh doanh “công bằng, cởi mở và bình đẳng” cho các công ty Trung Quốc.

Nhận xét của ông Vương được đưa ra khi chính phủ Úc phát đi tín hiệu rằng họ sẽ thận trọng hơn đối với quyền sở hữu nước ngoài đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng như lithium.

Một số chuyên gia về Trung Quốc giải thích rằng Trung Quốc hiện đang rơi vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc do lĩnh vực bất động sản sụp đổ và tài chính của chính phủ bị thu hẹp, buộc chính quyền Trung Quốc phải cải thiện quan hệ đối ngoại để cứu nền kinh tế.

Thất bại với biện pháp trừng phạt

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt thương mại đối với Úc vì Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi sự thất bại của các biện pháp trừng phạt thương mại.

Thủ tướng thứ 29 của Úc đã phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến về “Phản ứng trước sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc” do Tổ chức Liên minh các Nền Dân chủ tổ chức vào ngày 06/02.

Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?
Thủ tướng Malcolm Turnbull đọc diễn văn bầu cử của mình trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia vào ngày 30/06/2016 tại Canberra, Úc. (Ảnh: Ryan Pierse/Getty Images)

Quan hệ Úc - Trung Quốc xuống mức thấp vào tháng 05/2020 khi ĐCSTQ áp đặt các biện pháp trả đũa đối với hàng xuất khẩu trị giá hàng chục tỷ USD của Úc.

Ông Turnbull cho biết Bắc Kinh đang chùn bước vì các biện pháp trừng phạt của họ không hiệu quả.

“Nó được thiết kế để khiến Úc phải khuất phục", ông nói. “Nó hoàn toàn phản tác dụng. Chính phủ Úc đã không thay đổi. Phe đối lập [Lao động] ủng hộ chính phủ [Liên minh]… Dư luận [Úc] đã có những động thái rất mạnh mẽ chống lại chính phủ Trung Quốc”.

“Tôi hy vọng các biện pháp trừng phạt thương mại này sẽ được dỡ bỏ. Chúng không đạt hiệu quả", ông ấy nói thêm. “Chúng… không tạo ra sự khác biệt nào đối với lúa mạch… thực sự không tạo ra sự khác biệt nào đối với than đá. Giá than đang ở mức cao nhất mọi thời đại”.

“Các biện pháp trừng phạt thương mại nhìn chung có tác động rất khiêm tốn. Nó thất bại vì một chính sách phản tác dụng”.

Không khuất phục trước kẻ bắt nạt

Cựu Thủ tướng Đảng Tự do lưu ý rằng ĐCSTQ rõ ràng đã “có một cách tiếp cận sai lầm” và sẽ tìm cơ hội để thoát ra.

“Tôi đã nghĩ vào thời điểm đó, đến một lúc nào đó, họ sẽ tìm cách thoát khỏi điều này vì rõ ràng họ đã thực hiện một cách tiếp cận sai lầm", ông nói. “Tôi đã từng có một vài kinh nghiệm về việc này xảy ra trong quá khứ, vậy là sau đó họ tìm kiếm một lối thoát và đôi khi bạn có thể giúp cung cấp một lối thoát”.

Ông Turnbull cho biết sự thay đổi của chính phủ liên bang vào tháng 5 năm ngoái đã mang đến cho Bắc Kinh cơ hội như vậy.

Ông nói: “Tình hình đã hạ nhiệt đáng kể và các hoạt động giao tiếp bình thường thân thiện hơn đang diễn ra, và tôi chờ đợi các biện pháp trừng phạt thương mại này sẽ được dỡ bỏ".

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc bắt đầu tan băng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của đảng Lao động vào tháng 05/2022.

Sau cuộc gặp của Thủ tướng Albanese với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong tới Bắc Kinh vào cuối năm 2022, đến lượt Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào gặp nhau qua hội nghị truyền hình vào ngày 06/02/2023.

Ông Turnbull nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Úc không khuất phục trước sự bắt nạt thương mại của ĐCSTQ.

“Sự cưỡng bức về kinh tế của Trung Quốc luôn là công cụ triệt để", ông nói. Ông Turnbull cho biết, nó được thiết kế để làm một việc, đó là khiến các quốc gia, người dân hoặc công ty khác phải khuất phục và làm theo những gì họ được ra lệnh và không làm những điều khiến ĐCSTQ phật lòng.

“Điều duy nhất đảm bảo bạn sẽ bị bắt nạt nhiều hơn là nhượng bộ những kẻ bắt nạt. Điều đó áp dụng cho dù bạn là [một] cậu bé hay cô bé trong sân chơi ở trường hay bạn đang điều hành một đất nước vì kẻ bắt nạt luôn muốn bắt nạt một lần nữa”.

Năm 2018, Thủ tướng khi đó là Malcolm Turnbull đã cấm Huawei tham gia mạng 5G của Úc do lo ngại về an ninh quốc gia. Quyết định này đã trở thành tâm điểm của tài liệu “14 điều bất bình” bị rò rỉ cho các hãng truyền thông Úc từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra vào năm 2020.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc để than Úc cập cảng sau 2 năm trừng phạt thương mại - Kẻ bắt nạt đã chịu thua?