Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc đang chật vật khởi đầu năm mới. Đà suy yếu và các rủi ro là hết sức rõ ràng, và đã được các tổ chức quốc tế công nhận.

Kể từ đầu năm mới, những khó khăn kinh tế của Bắc Kinh ngày càng trầm trọng. Sự trượt dốc được đánh dấu bằng sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán và việc Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, nộp đơn xin thanh lý phá sản. Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư UBS AG của Thụy Sĩ đã đưa ra lưu ý cảnh báo nhấn mạnh bất động sản là mối đe dọa hàng đầu đối với nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024. Hơn nữa, Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại New York, đã xác định “việc Trung Quốc không có khả năng phục hồi về kinh tế” là một trong 10 rủi ro toàn cầu chính hàng đầu trong năm nay.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu năm 2024 với một quỹ đạo đi xuống. Vào tuần trước, nó đã chứng kiến sự sụt giảm đồng thời ở cả 4 chỉ số chính.

Vào ngày 8/1, các chỉ số cổ phiếu hạng A [cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến] mở cửa ở mức thấp và tiếp tục giảm, với mức giảm trong ngày vượt quá 1%. Chỉ số Shanghai Composite giảm đáng kể 1,4%, chạm mốc 2900 điểm và đánh dấu mức giảm trong 1 ngày lớn nhất trong hơn một tháng. Cả Chỉ số Thành phần Thâm Quyến và Chỉ số ChiNext đều đóng cửa ở mức thấp, tụt xuống mức chưa từng thấy trong hơn 4 năm.

Chỉ số Thượng Hải - Thâm Quyến 300 (CSI 300), được coi là đại diện blue-chip [cổ phiếu vốn hóa lớn] của cổ phiếu hạng A, giảm 1,3% xuống 3286 điểm, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019. Tiếp tục xu hướng giảm trong năm mới, CSI 300 đã chứng kiến sự sụt giảm lũy kế hơn 4% trong 5 ngày giao dịch đầu năm mới, sau ba năm thua lỗ liên tiếp.

Vào ngày 5/1, Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ nhất của Bắc Kinh đã tuyên bố chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của ZEG với lý do công ty không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn, không đủ tài sản để giải quyết tất cả các khoản nợ và rõ ràng là thiếu khả năng thanh khoản.

Được thành lập vào năm 1995 và có trụ sở chính tại Bắc Kinh, ZEG từng là tập đoàn tài chính tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Công ty quản lý tài sản trị giá hơn 140 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao nhưng đã phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản sau cái chết đột ngột của người sáng lập Xie Zhikun vào tháng 12/2021.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc được cho là chất xúc tác dẫn đến sự phá sản của ZEG, vì công ty này đã tham gia rất nhiều vào việc tài trợ cho các công ty phát triển bất động sản. Sự sụp đổ của ngành bất động sản Trung Quốc sau 30 năm phát triển mạnh mẽ đã dẫn đến sự đứt gãy chuỗi tài chính của nhiều công ty phát triển bất động sản, trong đó có Evergrande. Nhà kinh tế Zhao Jian, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính Atlantis ở Bắc Kinh, nói với Bloomberg rằng ông ước tính hơn một nửa tài sản của ZEG có liên quan đến lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp khó khăn.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Một người phụ nữ đi bộ trên đường trước văn phòng Bắc Kinh của Zhongrong International Trust Co, thuộc sở hữu một phần của Zhongzhi Enterprise Group, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/8/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Rủi ro lớn từ bất động sản

Bà Wang Tao, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Châu Á và Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng Đầu tư UBS, đã đưa ra cảnh báo rõ ràng vào tuần trước rằng bất động sản tiếp tục gây ra rủi ro đáng kể nhất cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Bà dự đoán thị trường bất động sản sẽ suy giảm chậm hơn so với năm ngoái nhưng nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ chính sách không đủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản, gây thêm áp lực cho việc phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị Trung Quốc lần thứ 24 của UBS vào ngày 9/1, bà Wang tiết lộ dự báo của UBS về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức 4,4% trong năm nay, giảm so với mức ước tính 5,2% cho năm 2023. Tác động bất lợi của bất động sản đối với nền kinh tế dự kiến sẽ giảm dần trong năm nay sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2022. Theo những giả định này, giá bất động sản có thể giảm nhẹ.

Bà Wang cũng cảnh báo: “Nếu bất động sản không ổn định và tiếp tục sụt giảm, nó có thể gây ra sự điều chỉnh đáng kể hơn về giá bất động sản, dẫn đến niềm tin của người dân sụt giảm hơn nữa. Điều này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định kinh tế và được coi là rủi ro chính dẫn đến suy giảm kinh tế trong năm nay”.

Trong trường hợp xấu nhất mà UBS đưa ra, tâm lý thị trường mong manh, lượng hàng tồn kho cao liên tục và hỗ trợ chính sách hạn chế có thể dẫn đến sự sụt giảm 15% đến 20% trong hoạt động xây dựng bất động sản mới trong năm 2024. Cả đầu tư và doanh số bán bất động sản đều có thể giảm mạnh hơn 10%, có khả năng kéo mức tăng trưởng kinh tế năm nay xuống dưới 3%.

Các ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán dự đoán thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ sụt giảm năm thứ ba liên tiếp, một điều chưa từng có.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Một tấm biến gần một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Lợi dụng lỗ hổng quy định tài chính

Sự suy thoái bất động sản tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc đã khiến doanh thu bán đất giảm sút, trong lúc các nhà tài trợ địa phương phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng do những căng thẳng đã tồn tại từ trước. Nợ địa phương leo thang đã lên tới xấp xỉ 9 nghìn tỷ USD, nổi lên như một yếu tố quan trọng khiến nền kinh tế giảm tốc. Không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ, chính quyền địa phương buộc phải liên tục phát hành trái phiếu mới để trả nợ hiện có.

Vào tháng 1/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra các quy định mới đối với nợ nước ngoài, quy định rằng trái phiếu nước ngoài có thời hạn dưới một năm sẽ không cần phải được phê duyệt nữa. Ban đầu nhằm mục đích cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, động thái này đã bị các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) khai thác.

Dữ liệu từ Tianfeng Securities tiết lộ rằng, kể từ khi nới lỏng các quy định, chính quyền địa phương Trung Quốc đã phát hành 27 trái phiếu LGFV ra nước ngoài với thời gian đáo hạn là 364 ngày - chỉ ít hơn một ngày so với trái phiếu kỳ hạn một năm (vốn bị rà soát chặt chẽ hơn). Tỉnh Sơn Đông đã phát hành số lượng “trái phiếu 364 ngày” lớn nhất với 12 đợt phát hành thu về hơn 1 tỷ USD.

Theo Reuters, trích dẫn “4 nguồn tin thông thạo vấn đề”, chính quyền ĐCSTQ đã lưu ý đến lỗ hổng quy định và gần đây đã đưa ra thông báo cho các LGFV chỉ dẫn họ ngừng phát hành trái phiếu nước ngoài kỳ hạn 364 ngày. Một nguồn tin tại một công ty môi giới quen thuộc với việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho biết loại trái phiếu này mâu thuẫn với các sáng kiến của Bắc Kinh nhằm đối phó với các thách thức liên quan đến nợ và ngăn ngừa rủi ro.

Việc khai thác các chính sách trung ương của chính quyền địa phương nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của căng thẳng tài chính đang lan rộng khắp Trung Quốc.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc chuẩn bị đếm một xấp USD và 1 chồng tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 9/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Hy vọng hão huyền và rủi ro không thể phục hồi

Vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới.

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Nó lưu ý rằng “các dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn ngày càng sâu sắc” đã được quan sát thấy vào năm 2023, bao gồm sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Moody’s hạ triển vọng, giao dịch bất động sản trì trệ và thị trường chứng khoán suy thoái. Những lo ngại hiện tại về rủi ro địa chính trị leo thang, các chính sách mơ hồ và mâu thuẫn của Trung Quốc cũng như các biện pháp đàn áp về mặt pháp lý được duy trì dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm sự quan tâm đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc trong suốt năm 2024.

Báo cáo của Eurasia Group chỉ ra cơ cấu nhân khẩu học không thuận lợi của Trung Quốc, lợi thế chi phí lao động ngày càng giảm, gánh nặng nợ nần đáng kể, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương, sự phụ thuộc vào đầu tư nhà nước để tăng trưởng và những nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm thiểu rủi ro” là những yếu tố bổ sung sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Báo cáo cũng dự đoán sự mờ nhạt đi trong động lực của việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, sự chậm lại trong nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự tiếp tục xuất hiện của các hiện tượng như sự vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và việc đóng cửa các ngân hàng.

Báo cáo còn dự đoán rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình và việc ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn cản trở khả năng phản ứng của Bắc Kinh trước các lỗ hổng kinh tế và tài chính. Cùng nhau, những yếu tố này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, “làm lộ ra những lỗ hổng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội”.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Người dân đi bộ trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/6/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Đánh giá của các viện nghiên cứu Nhật Bản

Trong khi đó, kể từ đầu năm mới, một số viện nghiên cứu của Nhật Bản đã công bố các báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 5% vào năm 2023 và sẽ giảm xuống vào năm 2024, có thể xuống mức 4%.

Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai, Viện nghiên cứu Itochu và các tổ chức nghiên cứu khác từ Nhật Bản đều đã đánh giá nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên dữ liệu do ĐCSTQ công bố. Họ đã xem xét nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 và dự đoán hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sẽ tiếp tục chậm lại, chủ yếu do nhu cầu trong nước thấp. Đồng thời, xuất khẩu và nhập khẩu đang giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giảm đáng kể, doanh số bán bất động sản thương mại trì trệ và đầu tư cơ sở hạ tầng đã được tổ chức lại. Đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc cũng đang suy yếu so với đồng USD và giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn những gì được phản ánh qua các con số, với tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không thể tránh khỏi vào năm 2024. Biện pháp phản ứng kinh tế hiện tại của Trung Quốc là mở rộng đầu tư nhà nước. Trong khi chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng tránh rủi ro tài chính, điều này không thể đạt được bằng cách né tránh các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu.

Viện nghiên cứu Itochu đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng vào năm 2023, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất hỗn loạn do bong bóng bất động sản vỡ, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và số lượng lựa chọn chính sách sẵn có còn hạn chế. Mặc dù ĐCSTQ cho biết họ muốn đạt được “tăng trưởng vững chắc” vào năm 2024, nhưng các chính sách của họ chỉ nhấn mạnh đến sự ổn định mà không thấy có sự thúc đẩy kinh tế cụ thể nào. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4%.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 yếu và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, và đến năm 2025 sẽ còn suy giảm hơn nữa.

Các nhà kinh tế Nhật Bản nhìn chung tin rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ và suy thoái kinh tế Trung Quốc là do chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ và sự lãnh đạo độc tài của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Một tháp camera an ninh trên Bến Thượng Hải, phía sau là khu tài chính Lục Gia Chủy, ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 23/5/2023. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Các vấn đề tồn tại dai dẳng được thể hiện qua số liệu và thông tin kinh tế

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009.

Trong số đó, giá thực phẩm giảm 3,7%, tốt hơn một chút so với mức giảm 4,2% trong tháng 11. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ 6, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông nói thêm, khi áp lực giá giảm vẫn tiếp tục, các công ty đã giảm giá bán và người lao động nhập cư cũng bị cắt giảm lương đáng kể.

Tình trạng giảm phát đang diễn ra cũng làm giảm giá trị các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá xuất khẩu chạm mức thấp mới kể từ năm 2006 và chỉ tăng nhẹ trong tháng 11.

Đồng thời, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn trì trệ, điều này có thể làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và làm tăng áp lực giá cả.

Cùng với xuất khẩu yếu hơn và việc giá cả giảm làm giảm doanh thu kinh doanh, vấn đề của ngành bất động sản có thể gia tăng ảnh hưởng đối với tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng. Với việc giảm pháp tiếp tục diễn ra dai dẳng, động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, “công xưởng thế giới" chứng kiến lĩnh vực sản xuất chìm trong diện thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp (với chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50) vào tháng 12/2023.

Ngoài các số liệu mới được cập nhật trên, rất nhiều các tin tức về khó khăn kinh tế và sự eo hẹp tài chính xuất hiện trong xã hội Trung Quốc lúc này. Khủng hoảng nhân khẩu học vẫn là một mối lo lớn. Tiêu dùng gặp khó với xu hướng “hạ cấp chi tiêu" (hướng chi tiêu tới các sản phẩm giá rẻ) và sự nghèo đi của người dân. Thất nghiệp trong thanh niên vẫn ngày một nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên mới được công bố cho tháng 12/2023 là 14,9%, tuy nhiên đây là con số bị nghi ngờ. Vấn đề nợ vẫn là một mối đe dọa lớn với nền kinh tế. Trong khi rủi ro về nợ của chính quyền địa phương đang cản trở việc đầu tư để phát triển kinh tế, thì các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc vẫn đang vật lộn với mối lo vỡ nợ, và áp lực trả nợ dường như tăng cao hơn trong năm 2024 so với 2023.

Trên thực tế, những tin tức về giảm phát và xuất khẩu hay sản xuất trì trệ đã xuất hiện nhiều trong năm 2023, chỉ là giờ đây, chúng trở nên nổi bật với những kỷ lục tiêu cực. Điều này cho thấy, các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế của Bắc Kinh không tạo ra nhiều hiệu quả, và nền kinh tế Trung Quốc vẫn ngày một chìm trong khó khăn. Mặc dù Bắc Kinh vẫn thường phủ định các thách thức kinh tế, và mới gần đây còn ra tay trấn áp các hành vi “nói xấu” kinh tế Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong bài phát biểu năm mới đã công khai thừa nhận các khó khăn về kinh tế mà Trung Quốc đang gặp phải. Dường như vấn đề đã quá rõ nét, và ngay cả Bắc Kinh cũng không thể không thừa nhận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trở thành rủi ro toàn cầu hàng đầu