Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các thách thức về kinh tế của Trung Quốc đã trở nên quá rõ ràng, và đã được lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận. Các biện pháp đối phó của Bắc Kinh không tạo ra nhiều hiệu quả trước những vấn đề cơ cấu sâu xa, và triển vọng cho năm 2024 còn tồi tệ hơn năm vừa rồi.

Trong thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Chủ nhật (31/12/2023), ông tuyên bố, trong một lần thừa nhận hiếm hoi, rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức và ông cam kết đẩy mạnh cải cách. Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng một nền kinh tế đang chậm lại và những thay đổi chính sách sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) trong năm 2024.

Tệ hơn nữa, các nhà phân tích cho biết, sau một năm 2023 đầy sóng gió, Trung Quốc bước vào năm mới trong tình trạng bất ổn với những vấn đề cơ cấu sâu xa không dễ giải quyết.

“Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và phản ứng chính sách đang biến đổi của chính phủ sẽ tiếp tục dẫn đến những trở ngại về hiệu quả hoạt động trong năm 2024 ở một số lĩnh vực trên khắp Trung Quốc. [Và, trong khi] chính phủ Trung Quốc gần đây chỉ ra rằng các biện pháp chính sách trong năm tới sẽ ưu tiên phát triển, hiệu quả của các biện pháp này sẽ là đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc hạn chế rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế, thứ mà Fitch Ratings dự báo sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2024 từ mức 5,3% trong năm 2023”, bà Lan Wang, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, viết trong một ghi chú dành cho khách hàng được công bố hôm thứ 3 (2/1), được The Epoch Times tiếp cận.

Bà nói thêm, một số lĩnh vực ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức từ tốc độ tăng trưởng chậm lại và phản ứng chính sách đang biến đổi của chính phủ.

Thật vậy, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực vực dậy tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu sau một loạt các biện pháp hỗ trợ vào năm ngoái, các nhà phân tích tin rằng những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024, khi các vấn đề mang tính hệ thống kết hợp với việc củng cố quyền kiểm soát chính trị của ông Tập Cận Bình đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Tâm lý suy sụp, triển vọng phục hồi bị lu mờ

Tổ chức xếp hạng toàn cầu Moody's Investor Service tháng trước tuyên bố rằng sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chậm chạp, bị cản trở bởi niềm tin yếu kém của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức kỷ lục và suy thoái kinh tế toàn cầu, thứ đang làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc.

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Tên của hãng xếp hạng Moody's tại trụ sở công ty ở New York, ngày 18/9/2012. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP/Getty Images)

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã thu hẹp trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12 và ở mức thấp hơn dự đoán (được phản ánh qua chỉ số PMI sản xuất), làm lu mờ triển vọng phục hồi kinh tế của đất nước và củng cố khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp kích thích bổ sung.

Theo một cuộc khảo sát chính thức về các nhà máy được công bố vào Chủ nhật (31/12/2023), chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 49,0 trong tháng 12 từ mức 49,4 của tháng trước, giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm phân biệt giữa tăng trưởng và thu hẹp và không đạt được dự đoán trung bình của 49,5 trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng do dự về chi tiêu sau gần hai năm đóng cửa và hạn chế biên giới.

Theo dữ liệu mới nhất, vào tháng 7, Trung Quốc đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và bước vào giai đoạn giảm phát, thứ mà nước này vẫn chưa thoát ra được. Giá cả đã giảm 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 11, theo dữ liệu mới nhất - mức giảm lớn nhất trong ba năm.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang mất niềm tin.

Theo bài báo của Financial Times, hơn 75% khoản đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Trung Quốc vào năm 2023 đã bị rút ra do tâm lý suy sụp trong bối cảnh lo ngại về quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc và tác động từ các tổn thất trong lĩnh vực bất động sản.

Dữ liệu được thu thập từ Hong Kong Stock Connect và được Financial Times phân tích cho thấy, kể từ khi đạt đỉnh 33 tỷ USD vào tháng 8, đầu tư ròng (lượng vào trừ lượng ra) của nước ngoài vào các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đã giảm 87%, xuống chỉ còn 4,3 tỷ USD.

Ngoài ra, một bài báo của Business Insider cho thấy gần 90% dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2023 đã rời khỏi nước này, trong đó các quỹ nước ngoài bán tháo cổ phiếu Trung Quốc trước lo ngại về khủng hoảng thanh khoản và sự phục hồi kinh tế thiếu mạnh mẽ.

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Các tòa nhà của khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/7/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện một số sáng kiến nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái.

Ví dụ, vào đầu tháng 12, cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã cam kết tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) hàng năm, một sự kiện được theo dõi chặt chẽ và thường đề ra các chính sách kinh tế cho năm sắp tới.

Trong suốt nửa cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng đã hành động để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu vào cảng và các cơ sở hạ tầng khác, giảm lãi suất cho vay và nới lỏng các hạn chế mua nhà.

Tác động yếu kém của các biện pháp hỗ trợ kinh tế

Bà Wang của Fitch viết: “[Tuy nhiên] các biện pháp chính sách hỗ trợ kể từ tháng 8/2023 đã không thay đổi được môi trường hoạt động đầy thách thức”. Bà đồng thời cho biết thêm, “quy mô, thành phần và hiệu quả của hỗ trợ chính sách ở Trung Quốc đại lục cũng như mức độ mà chúng ảnh hưởng đến các thước đo tài chính và đòn bẩy hệ thống sẽ là yếu tố quan trọng đối với hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đại lục trong năm 2024”.

Bà Wang cũng tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến có thể có tác động lan tỏa đến hiệu quả hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm và đặc biệt là ngân hàng, công ty cho thuê và nhà phát triển bất động sản.

Theo Fitch, sự thiếu niềm tin vào các công ty xây dựng tư nhân - hậu quả của sự thất bại của Evergrande và Country Gardens - sẽ tiếp tục kéo dài xu hướng chia rẽ trong các công ty xây dựng và kỹ thuật, với các doanh nghiệp nhà nước - đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền trung ương - đang củng cố vị thế dẫn đầu thị trường của họ.

Khi luật môi trường mạnh mẽ hơn sẽ loại bỏ các công ty nhỏ hơn, kém hiệu quả hơn, ngành thép và xi măng cũng sẽ chứng kiến sự hợp nhất (sự gia tăng các công ty lớn và các công ty nhỏ bị loại bỏ) ngày càng tăng,

Triển vọng tồi tệ hơn vào năm 2024

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế Trung Quốc trải qua một năm thăng trầm, những thách thức của nó khiến triển vọng cho năm 2024 thậm chí còn tồi tệ hơn.

Điều này là do một số sự kiện được coi là bước ngoặt có thể xảy ra vào năm 2023 hóa ra lại gây thất vọng.

Đầu tiên, đó là việc kết thúc chính sách zero-Covid, điều đã không dẫn đến sự phục hồi kinh tế như mong đợi. Sau đó, việc nới lỏng các hạn chế về bất động sản đã không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trở nên trầm trọng.

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Một công nhân đứng nhìn chuẩn bị băng qua đường bên ngoài một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/4/2022. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Sự kiện CEWC thường niên kết thúc vào tháng trước đã có thể tạo ra một bước ngoặt khả dĩ khác để định hướng lại chính sách. Tuy nhiên, thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách lại truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng chính sách chủ yếu tiếp tục đường hướng cũ.

“Trọng tâm có thể sẽ vẫn là chuyển mô hình tăng trưởng ra khỏi lĩnh vực bất động sản, đồng thời tập trung vào ổn định tài chính bằng cách cung cấp hỗ trợ nhanh chóng cho chính quyền địa phương”, JP Morgan cho biết trong một báo cáo giữa tháng 12, được The Epoch Times tiếp cận.

Theo ngân hàng tư nhân toàn cầu, mặc dù các tín hiệu chính sách ít nhiều phù hợp với mong đợi, nhưng không có bất kỳ biện pháp kích thích lớn nào có thể xảy ra, trong khi các động lực tăng trưởng được ưa chuộng hướng tới tương lai hiện nay đơn giản là quá nhỏ bé để bù đắp những thiệt hại đã bị tạo ra.

Ngân hàng lưu ý trong báo cáo: “Cán cân trong chính sách của Trung Quốc rõ ràng đang nghiêng về việc hỗ trợ nhiều hơn cho phía cầu [của nền kinh tế], nhưng nếu không có sự kích thích mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế cũ, thật khó để mong đợi một sự tăng tốc lớn trong tăng trưởng kinh tế danh nghĩa”.

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Người dân ghé thăm một con phố kinh doanh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/8/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Người dân Trung Quốc: Năm 2024 sẽ còn bi thảm hơn

Đối với người dân Trung Quốc, khó khăn về kinh tế dường như thật dễ cảm nhận. Các vấn đề điển hình của Trung Quốc đã trở nên nổi bật trong mắt họ, và chắc chắn, họ là những người hiểu rõ nhất tình hình thực sự lúc này.

Ông Yan là một người dân Phúc Châu. Ông Yan từ lâu đã chú ý đến nền kinh tế Trung Quốc và tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ông cho biết trong tương lai nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng tồi tệ hơn và ông đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục thắt lưng buộc bụng.

Tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Khi mức tiêu dùng của người dân giảm, điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập giảm. Ngày càng có ít người tiêu thụ thực phẩm ở một số chợ nông sản nhỏ và chuỗi siêu thị lớn. Ông Yan nói: "Gần đây, buổi tối khi tôi đến Siêu thị Yonghui thì có rất ít người. Tôi hỏi nhân viên bán hàng tại sao lại ít người như vậy. Anh ấy nói rằng người [khách hàng] càng ngày càng ít, nền kinh tế đóng băng và sức mua ngày càng thấp hơn”.

Ông Yan nói: “Tôi đánh giá rằng do tất cả lao động nhập cư ở nơi khác đã quay trở lại [quê hương], trong khi lao động nhập cư chủ yếu làm công việc trang trí phụ trợ, ngành bất động sản suy thoái, việc làm của họ không còn, nên họ đều quay trở lại [quê hương], và tiêu dùng đương nhiên sẽ trở nên trì trệ. Phúc Châu vẫn còn tốt hơn một chút. Quảng Châu, Đông Quản, Thâm Quyến, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang còn nghiêm trọng hơn. Ở đó có nhiều ngành công nghiệp, và nhiều nhà máy đã đóng cửa".

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Nhân viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Wuling Motors ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 1/3/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Yan cho biết: “Các phương tiện truyền thông cũng đưa tin. Tôi đã hỏi một số bạn bè từ nhiều nơi và hỏi họ rằng liệu nhiều nhà máy ở địa phương có đóng cửa không, có nhiều người mất việc làm không và giá nhà có giảm mạnh không? Họ đều nói: 'Đúng, mọi chuyện là như thế. Nền kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ, số người thất nghiệp ngày càng tăng, ngày càng có nhiều cửa hàng đóng cửa, và ngày càng có nhiều người không đủ khả năng trả nợ thế chấp trên thị trường bất động sản'".

Ông nói: "Ngày nay, nhiều người trẻ đã dừng thanh toán khoản thế chấp. Một số người không đủ khả năng trả tiền thế chấp và đã nhảy khỏi tòa nhà vì điều này. Thật đáng buồn! Bạn có thể thấy trên Internet ngày càng có nhiều những ngôi nhà bị tịch thu tại tòa án, và con số đã tăng lên nhiều lần. Đây là số liệu tôi đã tận mắt chứng kiến. Đây mới chỉ là khởi đầu, và sẽ còn nhiều vụ hơn nữa trong tương lai. Bây giờ giá nhà đã giảm gần một nửa và chúng sẽ giảm thêm nữa, vì bong bóng thị trường nhà ở quá lớn!”

Ông Li đến từ tỉnh Thiểm Tây, làm thợ điện trang trí, cho biết: “Bây giờ thợ điện trang trí không có việc làm và không thể tìm được công việc. Bởi vì nhiều công ty bất động sản hiện đã đóng cửa… Hiện nay có rất ít công trình cải tạo và có một số công việc bạn không thể được trả tiền”.

Trong khi đó, làn sóng cắt giảm lương và cắt giảm nhân sự đối với công chức ở Trung Quốc tiếp tục lan rộng, trong lúc Bắc Kinh đang đối mặt với khủng hoảng tài chính. Trước đây, người ta đều biết rằng quỹ duy trì ổn định xã hội của Bắc Kinh vượt quá chi tiêu quân sự, nhưng gần đây, ngoài việc cắt giảm lương đối với công chức, quỹ duy trì ổn định xã hội cũng bị cắt giảm.

Một nhà bất đồng chính kiến ở Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô cho biết: “Tôi bị giam giữ trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á nhằm phục vụ việc duy trì sự ổn định. Trong cuộc trò chuyện, các nhân viên chính trị và an ninh cho biết họ không biết có thể tìm lương tháng tới ở đâu. Chính quyền hiện nay rất keo kiệt trong mọi việc chính quyền làm và không có đủ kinh phí để duy trì sự ổn định”.

Bà Yan đến từ Hàng Châu cho biết: “Đúng là lương nhân viên công đang bị cắt giảm. Có lần tôi trò chuyện với những người công nhân đường phố, họ nói rằng bây giờ họ không thể nhận được lương. Đất không thể bán được và các công ty nước ngoài đã rút lui. Chính phủ hết tiền rồi!”

“Ở Hàng Châu ngày càng có ít người, nhà không thể cho thuê. Điều tệ nhất là những người mua nhà phải trả nợ thế chấp hàng tháng”.

Ông Yan cho biết, "Ngoại thương, tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, bộ ba thúc đẩy nền kinh tế, đều đã bị đình trệ. Nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang dần tách rời khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhu cầu trong nước trì trệ. Năm tới [2024] dự kiến sẽ còn bi thảm hơn nữa!”

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới

Trong báo cáo công bố hôm thứ 5 (14/12/2023) Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024 và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ 5,2% trong năm 2023 xuống còn 4,5%.

Trong báo cáo, WB cho biết tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn “mong manh” do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, cùng với nhu cầu toàn cầu yếu đối với hàng hóa Trung Quốc, mức nợ cao và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải
Hai người đi ngang qua tòa nhà của Ngân hàng Thế giới, tổ chức cho vay phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington, ở Washington, Mỹ, vào ngày 17/1/2019. (Ảnh: ERIC BARADAT/AFP qua Getty Images)

WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 5% trong năm 2023 nhưng sẽ giảm trong thời gian tới, phù hợp với các dự báo khác. WB cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại hơn nữa trong năm 2025, giảm xuống 4,3% từ mức 4,5% của năm 2024.

Những hạn chế nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với việc đi lại và các hoạt động khác trong đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành sản xuất và vận tải. Sau đó, chính quyền thắt chặt giám sát đối với ngành công nghệ và dạy thêm, khiến nhiều việc làm bị cắt giảm. Cùng với thị trường nhà ở trì trệ, nhiều người Trung Quốc bắt đầu thắt chặt hầu bao.

Báo cáo của WB chỉ ra rằng hầu hết việc làm được tạo ra trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đều là những công việc đòi hỏi tay nghề thấp trong ngành dịch vụ với mức lương thấp. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội mong manh và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đã làm tăng gánh nặng hỗ trợ người già cho thế hệ trẻ, điều này cũng khiến người dân Trung Quốc thận trọng hơn trong thái độ tiêu dùng.

Báo cáo cho biết: “Triển vọng [kinh tế Trung Quốc] phải đối mặt với những rủi ro suy yếu đáng kể, với sự suy thoái của thị trường nhà đất có thể kéo dài hơn dự kiến, đè nặng lên tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời gia tăng áp lực đối với các chủ nợ và nhà cung cấp thượng nguồn”.

Báo cáo nói thêm rằng sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản sẽ có tác động rộng lớn hơn và sẽ tiếp tục siết chặt nguồn tài chính của chính quyền địa phương vốn đã trong tình trạng căng thẳng.

Báo cáo cho biết đầu tư bất động sản của Trung Quốc đã giảm 18% trong hai năm vừa qua và chính quyền cần khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp hơn để giải quyết các khoản nợ khổng lồ của các nhà phát triển bất động sản.

WB chỉ ra rằng doanh số bán nhà mới của Trung Quốc giảm 5% so với cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, trong khi lượng xây dựng nhà mới giảm hơn 25%. Sự suy giảm này diễn ra nghiêm trọng nhất ở các thành phố dưới hạng hai, tuy nhiên những thành phố này lại chiếm khoảng 80% thị trường bất động sản của Trung Quốc.

Đầu tư mạnh vào sản xuất đã tạm thời bù đắp một số điểm yếu, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe điện, pin, chip và các công nghệ năng lượng tái tạo khác.

Tuy nhiên, WB cho rằng để duy trì tăng trưởng vững chắc, Trung Quốc cần sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng vốn đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19 và trì trệ kể từ cuối năm 2021.

Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã có đủ đường sá, bến cảng, đường sắt và nhà ở hiện đại, nhưng các ngành như xi măng, thép và nhiều ngành sản xuất khác vẫn gặp phải vấn đề dư thừa công suất nghiêm trọng. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư vào ngành xây dựng sẽ không thực sự có hiệu quả trong việc thúc đẩy nền kinh tế.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Sau năm 2023 sóng gió, kinh tế Trung Quốc bước vào 2024 với hàng loạt vấn đề khó giải