Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bi kịch “già trước khi giàu" đã hiện rõ đối với Trung Quốc. Không những vậy, dân số già hóa đang đe doạ mô hình “công xưởng thế giới" của đất nước này. Thậm chí, Trung Quốc có thể xảy ra sụp đổ kinh tế.

Dân số già hóa của Trung Quốc đã trở thành một thách thức lớn về nhân khẩu học khi độ tuổi trung bình của lực lượng lao động ở thành thị và nông thôn đang tiến gần đến 40 tuổi.

Bộ Dân chính Trung Quốc công bố một báo cáo vào năm 2022 cho biết 19,8% dân số Trung Quốc trên 60 tuổi và 14,9% trên 65 tuổi. Tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên là 21,8%, tăng 1% so với năm 2021 và tăng 9,1 % so với năm 2012, cho thấy xu hướng tăng liên tục.

Những con số này thể hiện tỷ lệ nhân khẩu học trong độ tuổi nghỉ hưu so với độ tuổi lao động, được tính bằng số người từ 65 tuổi trở lên trên 100 người trong độ tuổi lao động (15 đến 64). Theo dữ liệu năm 2022, trung bình, chưa đến 5 người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ phải nuôi một người già từ 65 tuổi trở lên.

Điều quan trọng cần lưu ý là lượng dân số cao tuổi trong dữ liệu của chính quyền Trung Quốc không phản ánh các con số thực tế. Ở Trung Quốc, tuổi nghỉ hưu hiện nay là 60 đối với nam, 55 đối với nữ trong các doanh nghiệp nhà nước và những người làm việc trong chính quyền, và 50 đối với nữ công nhân cổ cồn xanh. Vì vậy, dân số cao tuổi của Trung Quốc về cơ bản bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, và báo cáo của ĐCSTQ có thể đã đánh giá thấp số lượng người về hưu ở nước này.

Ảnh hưởng tới nguồn lao động

Khi dân số già của Trung Quốc tăng lên, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động cũng tăng lên.

Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo "Vốn nhân lực ở Trung Quốc năm 2023", trong đó cho biết đến cuối năm 2021, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động Trung Quốc đã gần 40 tuổi, trong đó lao động nam ở khu vực nông thôn trung bình đã trên 40 tuổi.

Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn nhân lực của Trung Quốc đã giảm từ 10,9% xuống 6,7%. Điều này chủ yếu là do tác động của dân số già đi, dẫn đến giảm tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.

Đáng chú ý, tại thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ trung bình giữa người lao động và người về hưu là 2 trên 1.

Những con số này cho thấy thị trường lao động Trung Quốc đang gặp phải những thách thức chưa từng có. Theo thời gian, xu hướng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc
Một người phụ nữ lớn tuổi đẩy xe sau khi lục thùng rác để thu gom những món đồ có thể tái chế để bán, dọc theo một con phố gần Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2021. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

Quốc gia già hóa nhanh nhất

Trung Quốc có dân số người lớn tuổi lớn nhất thế giới.

Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Ren Zeping, năm 2001, hơn 7% dân số Trung Quốc trên 65 tuổi, đánh dấu sự khởi đầu của một xã hội già hóa, và nước này mất 21 năm để bước vào một xã hội “già hóa sâu sắc”, với hơn 14% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Ông Ren dự đoán đến năm 2050, một nửa dân số sẽ rơi vào nhóm người già do sự già đi nhanh chóng của những cá nhân sinh ra trong thời kỳ bùng nổ sinh con ở Trung Quốc từ năm 1962 đến năm 1975.

Vào tháng 9, học giả Trung Quốc Du Peng cho biết, do ảnh hưởng của đỉnh điểm sinh năm 1963, năm nay sẽ chứng kiến mức tăng ròng cao nhất về dân số cao tuổi. Từ năm nay trở đi, dân số già của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng đều đặn, đạt khoảng 500 triệu người vào năm 2050, trước khi giảm sau năm 2052.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12: “Nguyên nhân chính khiến dân số Trung Quốc già đi đáng kể là do chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thứ đã phá vỡ sự tăng trưởng tự nhiên của dân số. Phải mất bốn thập kỷ kể từ những năm 1970, Trung Quốc mới có dân số già hóa, vì vậy sẽ phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa để phục hồi”.

Chính sách một con do ĐCSTQ thực hiện từ năm 1979 đến năm 2015 đã dẫn đến một tình huống điển hình là một cặp vợ chồng có hai cặp cha mẹ ở hai bên nội ngoại phải chăm sóc.

Tỷ lệ sinh thấp

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm trong 6 năm liên tiếp. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh đạt mức thấp lịch sử là 1,09, với các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải ghi nhận tỷ lệ thấp tới 0,7–0,9.

Số lượng cuộc hôn nhân ở Trung Quốc đã giảm trong 9 năm liên tiếp và đạt mức thấp kỷ lục 6,83 triệu vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu công khai vào năm 1986.

Để giải quyết vấn đề già hóa dân số, ĐCSTQ đã chuyển sang “chính sách hai con” vào năm 2015 và thay đổi thành ba con vào năm 2021. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả trong việc ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm.

Nhiều người Trung Quốc bày tỏ họ không sẵn sàng nuôi con vì chi phí quá cao.

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc
Một người phụ nữ lớn tuổi đang cõng một cậu bé dọc theo con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/05/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

‘Già trước khi giàu’

Nhà kinh tế học Li Xunlei làm việc tại Thượng Hải bình luận trên truyền thông Trung Quốc rằng, không giống như các nước phát triển “giàu trước khi già”, Trung Quốc “già trước khi giàu”. Ông nói, khi những làn sóng người lớn tuổi bước sang giai đoạn về hưu, vấn đề thiếu hụt lương hưu sẽ sớm xuất hiện. Hơn nữa, già hóa dân số sẽ dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động giảm, chi phí lao động tiếp tục tăng khiến Trung Quốc mất đi lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Lý Nguyên Hoa tin rằng mô hình kinh tế của ĐCSTQ từng dựa vào lao động giá rẻ để trở thành “công xưởng của thế giới”. Tuy nhiên, với sự sụt giảm tỷ lệ người trẻ và trung niên trong dân số và chi phí lao động tăng cao, mô hình kinh tế trước đây không còn bền vững nữa, ông nói. Hơn nữa, dân số già ngày càng tăng sẽ dẫn đến chi phí cao hơn cho chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội, v.v. Điều này có thể sẽ tác động đến nền kinh tế tổng thể của Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.

Ông Lý Nguyên Hoa cho biết: “Cuộc khủng hoảng lớn nhất có thể bùng phát trong xã hội Trung Quốc là nếu ĐCSTQ chiếm đoạt lương hưu nhà nước của đất nước”. “Đây là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng lớn trong tương lai và là yếu tố gây bất ổn cho chế độ”.

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc
Một nhóm người cao tuổi về hưu tổ chức một cuộc biểu tình trong khi ngồi bên ngoài Bộ Tư pháp Trung Quốc về khoản lương hưu không được trả của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/11/2011. (Ảnh: Goh Chai Hin/AFP qua Getty Images)

Phân tích: Nhân khẩu học kéo lùi nền kinh tế Trung Quốc

Những vấn đề nhân khẩu học và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến kinh tế Trung Quốc đã thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian qua. Vào ngày 23/10, chuyên gia Milton Ezrati đã có bài bình luận có tựa đề “Nhân khẩu học: Thảm họa kinh tế của Trung Quốc”, đăng trên The Epoch Times, nhằm cung cấp một lời giải thích cho những tác động tiêu cực nói trên. Chuyên gia Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho biết, kể từ khi Bắc Kinh công bố rằng dân số Trung Quốc đang suy giảm, các bài bình luận đã suy đoán về việc xu hướng này sẽ kéo lùi triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Những lo ngại là có cơ sở. Nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ là vấn đề cản trở nền kinh tế từng bùng nổ một thời.

Theo ông Ezrati, rắc rối về nhân khẩu học của Trung Quốc bắt nguồn từ một quyết định được đưa ra vào cuối những năm 1970 của nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình. Ngay khi nền kinh tế đang được mở cửa với thế giới, ông quyết định giải phóng càng nhiều người dân càng tốt để làm việc bằng cách ban hành chính sách chỉ cho phép mỗi gia đình có một con.

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc
Một tấm áp phích của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, vào ngày 8/11/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

“Chính sách một con” này đã phát huy tác dụng ở một mức độ nào đó. Vào những năm 1980, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm từ con số trung bình ở mức cao là 6 đến 7 ca sinh trong đời mỗi phụ nữ xuống còn dưới 3. Đến những năm 1990, mức trung bình đó đã giảm xuống dưới 2, con số cần thiết để giữ cho dân số không bị suy giảm. Nó đã ở mức thấp như vậy kể từ đó.

Ban đầu, xu hướng này đã giải phóng nhiều người hơn để làm việc. Những người này lấp đầy các nhà máy của Trung Quốc và tạo ra thặng dư kinh tế đủ để khiến xuất khẩu tăng vọt và hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng nổi tiếng của Trung Quốc. Nền kinh tế bùng nổ, tăng trưởng hơn 10% một năm trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, mặc dù “chính sách một con” đã có hiệu quả vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhưng chính sách này lại để lại rắc rối ở Trung Quốc tại thời điểm hiện nay. Tỷ lệ sinh thấp trong khoảng 35 năm qua đã làm chậm lại hoàn toàn dòng lao động trẻ để thay thế thế hệ người lao động hiện đang nghỉ hưu. Tình trạng thiếu lao động sẵn có đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài. Bắc Kinh tính toán rằng hiện tại, Trung Quốc chỉ có một nửa số công nhân nhà máy cần thiết.

Theo ông Ezrati, điều thậm chí còn quan trọng hơn từ quan điểm kinh tế là lực lượng lao động hạn chế sẽ ngày càng phải hỗ trợ số lượng người về hưu ngày càng tăng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Trung Quốc có 6,5 người trong độ tuổi lao động trên mỗi người trong độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2000. Đến năm 2010, con số đó giảm xuống còn 5,4 và đến năm 2020 còn 3,6 (con số này dường như cho thấy sự chênh lệch khá lớn so với con số được nêu ở đầu bài viết này). Đến năm 2040, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 1,7.

Số lượng người lao động hạn chế này sẽ phải tự nuôi sống bản thân, chu cấp cho những người phụ thuộc trực tiếp của họ đồng thời hỗ trợ nhiều thứ mà những người về hưu cần, ông Ezrati phân tích. Những người về hưu có thể sống dựa vào nguồn lương hưu hoặc phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ xã hội, vấn đề là đều như nhau. Người lao động, ngoài các nhu cầu khác, sẽ phải đáp ứng nhu cầu về lương thực, quần áo, chỗ ở, dịch vụ y tế, v.v. của người về hưu. Dưới áp lực như vậy, khó có thể thấy Trung Quốc vẫn có thể sản xuất ra thặng dư kinh tế để hỗ trợ cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của mình hoặc các dự án đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Tất nhiên là có những yếu tố làm giảm bớt vấn đề. Năng suất tăng lên - có lẽ nhờ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo - sẽ thay thế các công việc hiện do con người thực hiện. Nó cũng sẽ cho phép người lao động của tương lai sản xuất nhiều hơn người lao động trong quá khứ. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ có thể mang lại sự trợ giúp đến mức đó. Trong khi đó, vấn đề thất nghiệp trầm trọng ở giới trẻ Trung Quốc ngày nay cũng không phải là một yếu tố tích cực.

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc
Một công nhân Trung Quốc thao tác với máy nén dọc theo dây chuyền sản xuất máy điều hòa không khí tại Công ty Thiết bị Điện gia dụng Hitachi của Nhật Bản ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào tháng 03/2003. (Ảnh: Liu Jin/AFP qua Getty Images)

Hầu hết những người thất nghiệp ngày nay đều có trình độ đại học và ít có khuynh hướng thích lao động, vốn là chỗ có nhu cầu. Thay vì là một yếu tố trợ giúp, những người này đại diện cho một nỗ lực lãng phí thực sự làm suy giảm lực lượng lao động hiện có. Nhập cư có thể hữu ích, ít nhất là về mặt lý thuyết, nhưng rất ít người tỏ ra muốn nhập cư tới Trung Quốc. Quả thực, đất nước này có lượng di cư ròng.

Bắc Kinh đã thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ và hiện đang khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ngay cả khi người dân Trung Quốc tận dụng được “sự tự do mới này" thì cũng phải mất 15–20 năm để những ca sinh này ảnh hưởng đến lực lượng lao động của nền kinh tế. Tại thời điểm hiện nay, tỷ lệ sinh dường như đã giảm kể từ khi “chính sách hai con” được ban hành.

Nhân khẩu học chỉ là một trong những thách thức kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là một vấn đề nghiêm trọng và thực sự cơ bản theo mọi nghĩa của từ này. Hơn nữa, đó không phải là vấn đề mà Trung Quốc có thể hy vọng giải quyết nhanh chóng – chắc chắn là không đủ nhanh để Bắc Kinh đạt được các mục tiêu tăng trưởng dài hạn, chứ chưa nói đến tham vọng bá chủ kinh tế và ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Ezrati kết luận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Dân số già hóa là thách thức chưa từng có của Trung Quốc