Khoảng cách tiền lương giữa Trung Quốc và phương Tây đang dần biến mất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chi phí lao động sản xuất của Trung Quốc không còn chênh lệch quá lớn với chi phí ở phương Tây như trong quá khứ. Không những thế, những bất lợi khi đặt cơ sở cung ứng tại Trung Quốc khiến xu hướng di dời sản xuất sang đất nước này không còn mạnh mẽ như trước. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Một trong những lợi thế kinh tế lớn của Trung Quốc đang biến mất. Nguồn lao động với chi phí tương đối thấp, đáng tin cậy đã là trụ cột của động cơ kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Các nhà sản xuất từ châu Âu và Bắc Mỹ trong nhiều năm đã đổ xô đầu tư vào Trung Quốc để sản xuất sản phẩm của họ với chi phí thấp hơn so với khi sản xuất chúng ở trong nước, đầu tiên là những mặt hàng đơn giản, rẻ hơn và sau đó là những mặt hàng phức tạp hơn, có giá trị cao hơn. Khoản đầu tư này và thu nhập mà nó tạo ra đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế tuyệt vời của Trung Quốc. Nhưng trong một thời gian, tiền lương ở Trung Quốc và châu Á nói chung đã tăng nhanh hơn tiền lương ở phương Tây, vì vậy ngày nay, sức hấp dẫn của lợi thế chi phí thấp gần như đã biến mất.

Thời kỳ đầu trong quá trình phát triển của Trung Quốc, khoảng cách tiền lương là rất lớn. Ví dụ, vào năm 2000, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình hàng năm ở Trung Quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh, là khoảng 9.333 CNY (nhân dân tệ) một năm. Với tỷ giá hối đoái USD - CNY phổ biến lúc bấy giờ, khoản tiền trả hàng năm đó lên tới khoảng 1.127 USD. Một công nhân Mỹ trung bình vào thời điểm đó kiếm được khoảng 30.846 USD một năm, gần gấp 30 lần so với người lao động Trung Quốc.

Một nghiên cứu được thực hiện vào thời điểm đó bởi Hiệp hội Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) đã đưa ra mức lương trung bình cho một công nhân ô tô Trung Quốc tương đương 59 xu một giờ, mức nhỏ hơn 3% mức lương của đồng nghiệp người Mỹ của họ. Mặc dù sản xuất ở nước ngoài mang lại sự phức tạp và chi phí gia tăng, và công nhân Mỹ có thể tự hào do được đào tạo tốt hơn và có năng suất cao hơn so với công nhân Trung Quốc, nhưng khoảng cách tiền lương quá lớn khiến các nhà sản xuất không thể cưỡng lại việc đặt cơ sở ở Trung Quốc.

Khoảng cách tiền lương giữa Trung Quốc và phương Tây đang dần biến mất
Công nhân nhà máy tại Nhà máy Giày New Balance vận hành máy móc trước khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (Cộng hòa - Wisconsin) đến thăm cơ sở vào ngày 20/07/2017 tại Lawrence, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: Adam Glanzman/Getty Images)

Khoảng cách dần biến mất

Nhưng khi ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất phương Tây được đặt tại Trung Quốc và nền kinh tế đó phát triển, tiền lương bắt đầu tăng nhanh hơn nhiều so với ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Đến năm 2011, một công nhân Trung Quốc trung bình có mức lương hàng năm là 41.799 CNY, tương đương 6.120 USD sau khi tính theo tỷ giá hối đoái lúc bấy giờ. Năm đó, một công nhân Mỹ trung bình vẫn mang về nhà nhiều hơn đáng kể, khoảng 40.000 USD, nhưng khoảng cách đã được thu hẹp. Lương của người Mỹ gấp 6,5 lần mức lương của người lao động Trung Quốc.

Vào thời điểm xảy ra COVID-19 và tất cả những phức tạp bổ sung mà nó gây ra đối với việc tìm nguồn cung ứng tại Trung Quốc đối với phương Tây, khoảng cách tiền lương đã giảm xuống gần như không đáng kể. Vào năm 2021, năm cuối cùng mà Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh cung cấp dữ liệu, một công nhân Trung Quốc trung bình kiếm được 105.000 CNY hàng năm, tương đương 16.153 USD. Một công nhân Mỹ trung bình kiếm được khoảng 58.120 USD một năm, chỉ bằng 3,5 lần so với người lao động Trung Quốc.

Và theo công ty tư vấn độc lập ECA International, dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng cách tiền lương tiếp tục được thu hẹp vào năm 2022 và có khả năng sẽ thu hẹp hơn nữa vào năm 2023. Báo cáo Xu hướng tiền lương đáng tin cậy của công ty chỉ ra rằng tiền lương ở Trung Quốc và châu Á nói chung sẽ tăng nhanh hơn lạm phát trong năm mới này, trong khi người lao động ở châu Âu và châu Mỹ sẽ phải chấp nhận mức tăng lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát của họ. Đối với Trung Quốc, báo cáo dự đoán tiền lương thực tế sẽ tăng 3,8% vào năm 2023 và mức tăng thậm chí còn ấn tượng hơn ở Ấn Độ và các nơi khác ở châu Á. Dự đoán đối với châu Âu xoay quanh vào mức giảm 1,5% trong tiền lương thực tế, trong khi đối với châu Mỹ, họ dự đoán mức giảm thực tế 0,5%. Điều đó có thể khiến khoảng cách tiền lương giữa Mỹ và Trung Quốc giảm xuống mức gần 3,3 lần.

Chắc chắn, vẫn còn một khoảng cách, nhưng nó không còn đủ để thúc đẩy xu hướng di dời sang Trung Quốc như trong quá khứ. Với việc công nhân Mỹ vẫn tự hào về tỷ lệ năng suất cao hơn so với các công nhân Trung Quốc, có lẽ điều đó là đủ để xóa bỏ hoàn toàn tác động của khoảng cách chi phí lao động còn lại sau khi bị thu hẹp. Và trong những năm gần đây, một vấn đề đáng chú ý khác đã trở nên rõ ràng. Trung Quốc không còn đáng tin cậy để đảm bảo nguồn cung ứng như người ta từng nghĩ. Trong đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã tạm dừng xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng, chẳng hạn như khẩu trang. Những lý do rất dễ hiểu. Nhu cầu trong nước của Trung Quốc là rất gay gắt. Động thái này hầu như đã làm nản lòng người mua hoặc nhà sản xuất nước ngoài. Sau đó, khi chính sách zero-COVID của Bắc Kinh đã chặn hoạt động sản xuất trong thời gian dài, các nhà sản xuất phương Tây lại tìm thấy một lý do khác để xem xét lại nguồn cung ứng tại Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc ít dựa vào nhu cầu về nguồn cung của phương Tây hơn trước đây. Nó có thể tiếp tục phát triển ngay cả khi các nhà sản xuất phương Tây tìm kiếm địa điểm sản xuất khác. Nhưng sự thay đổi bắt nguồn từ khoảng cách tiền lương ngày càng thu hẹp, cũng như những yếu tố khác đã được nói về, sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp hơn nhiều so với tốc độ mà Trung Quốc và thế giới đã từng quen thuộc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Khoảng cách tiền lương giữa Trung Quốc và phương Tây đang dần biến mất