Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loạt các trào lưu tiêu cực đã xuất hiện trong giới trẻ Trung Quốc, như chụp ảnh “xác sống" khi tốt nghiệp, “trẻ em toàn thời gian" hay “thanh niên 45 độ”. Tinh thần của họ dường như đã kiệt quệ, và nguy cơ trầm cảm hay tự tử đang gia tăng.

Năm 2024 đã bắt đầu và người dân Trung Quốc vẫn chưa thể ăn mừng sự phục hồi kinh tế sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ. Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý. Một học giả cho rằng vấn đề thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc có thể tiếp diễn trong 10 năm, điều có thể dẫn đến các vấn đề chính trị và gây nguy hiểm cho chế độ Trung Quốc.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kêu gọi "ổn định việc làm" trong những năm gần đây, nhưng tình hình việc làm của thanh niên Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi. Năm 2023, 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã tham gia thị trường việc làm. Tuy nhiên, trước “mùa tốt nghiệp khó khăn nhất” trong lịch sử, việc sinh viên đại học thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đã trở thành chuyện phổ biến.

Tác động của các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vài năm qua vẫn còn đó, nhiều ngành vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, không có đủ việc làm cho sinh viên đại học tốt nghiệp.

Chụp ảnh “xác sống” (zombie) khi tốt nghiệp đã trở thành xu hướng mới để sinh viên đại học thể hiện sự bất lực của mình. Đông đảo bạn trẻ chọn cách “nằm ngửa" (sống mà không có mong muốn đạt được thành tựu gì) và trở thành “thanh niên 4 xấu”, những người “không yêu, không lấy chồng, không sinh con, không mua nhà”.

Bộ Giáo dục của Trung Quốc hôm 5/12/2023 công bố rằng 11,79 triệu sinh viên đại học Trung Quốc sẽ tốt nghiệp vào năm 2024, tăng 210.000 so với năm 2023, thiết lập một mức cao mới.

Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp tạo dáng chụp ảnh khi màn hình kỹ thuật số chiếu bài phát biểu của người sáng lập Công ty Công nghệ Xiaomi Lôi Quân trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Vũ Hán vào ngày 20/6/2023 tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Ông Liu Yuanchun, hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đồng thời là một nhà kinh tế, đã cảnh báo vào tháng 6/2023: “Thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là vấn đề mang tính chu kỳ mà còn là vấn đề mang tính hệ thống và vấn đề xu hướng”.

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá vấn đề thất nghiệp ở thanh niên có thể kéo dài trong 10 năm tới và sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trong ngắn hạn”. Ông tiếp tục: “Nếu không được xử lý đúng cách, nó sẽ gây ra các vấn đề xã hội khác ngoài lĩnh vực kinh tế và thậm chí trở thành ngòi nổ cho các vấn đề chính trị".

Ngày 17/7/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Vào tháng 8/2023, Cục Thống kê đã ngừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc với lý do “các phương pháp thống kê cần phải được tối ưu hóa”.

Theo số liệu kinh tế của Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở thành thị trong tháng 6 là 5,2%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16 đến 24 tăng lên 21,3%; tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 25 đến 59 tuổi là 4,1%.

Vấn đề thất nghiệp ở thanh niên sẽ không tự được giải quyết bằng cách ngừng công bố dữ liệu. Ngược lại, điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng niềm tin.

Mặc dù dữ liệu về thanh niên thất nghiệp đã biến mất nhưng những người thất nghiệp này thì không biến mất. Thay vào đó, họ xuất hiện trong các thư viện ở các thành phố lớn. "Chỉ số Thư viện" đã trở thành công cụ để quan sát tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc.

Có rất nhiều video trực tuyến cho thấy các thư viện công cộng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và các thành phố khác đã trở thành nơi ẩn náu cho những người thất nghiệp. Ở đây có máy lạnh, nước nóng và ổ cắm sạc miễn phí. Nhiều sinh viên đại học chưa tìm được việc làm và những người trung niên mất việc đang chen chúc trong thư viện, học bài để thi tuyển sau đại học hoặc giả vờ đi làm. Giống như nhân viên văn phòng, họ đến sớm và về muộn mỗi ngày. Sự khác biệt duy nhất là họ không có việc làm và không được trả lương.

Trong khi đó, năm 2023 cũng là một năm mà trạng thái tinh thần chung của giới trẻ Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm. Các báo cáo cho thấy những người trẻ tuổi có nguy cơ gia tăng bị trầm cảm hay tự tử.

“Báo cáo Sự phát triển Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Trung Quốc (2021-2022)” do Viện Nghiên cứu Tâm lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc công bố vào tháng 2/2023 cho thấy giới trẻ là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm. Đặc biệt, nguy cơ trầm cảm ở nhóm tuổi từ 18 đến 24 sau sàng lọc là 24,1%, cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác; nguy cơ trầm cảm ở nhóm tuổi từ 25 đến 34 là khoảng 12,3%, cũng cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi từ 35 trở lên.

Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên “Tuần báo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc”, từ năm 2010 đến năm 2021, tỷ lệ tử vong do tự tử ở nhóm tuổi từ 5 đến 14 tuổi đã tăng trung bình gần 10% mỗi năm; tỷ lệ tử vong do tự tử ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi tăng 19,6% mỗi năm từ năm 2017 đến năm 2021.

Một số nhà phân tích truyền thông nước ngoài tin rằng giới trẻ Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giáo dục và việc làm. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cũng đẩy áp lực to lớn lên mức cao kỷ lục.

Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp
Một người phụ nữ nghỉ trên bàn tại hội chợ việc làm vào ngày 9/6/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Khi tình hình việc làm ngày càng trở nên trầm trọng, những thuật ngữ như “việc làm chậm”, “trẻ em toàn thời gian”, “thanh niên 45 độ” liên tục xuất hiện. Thuật ngữ mới nhất “thanh niên 45 độ” từng trở thành một chủ đề tìm kiếm nóng. “Nằm ngửa” là 0°, còn phấn đấu hết mình là 90°. Loay hoay tìm một vị trí giữa “nằm ngửa" và phấn đấu hết mình chính là trạng thái 45°, mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của thanh niên Trung Quốc, những người “không thể đứng thẳng nhưng cũng không thể nằm ngửa”.

Học giả Xia Zhuzhi, phó giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Vũ Hán, cho rằng trạng thái loay hoay của “cuộc sống 45°”, không có đường lên hay xuống, khiến ông nhớ đến khái niệm “tầng lớp trung lưu” trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội học, vốn chủ yếu đề cập đến người lao động cổ cồn trắng ở các thành phố. Những bạn trẻ mới gia nhập nhóm này sau khi ra trường thường phải chịu rất nhiều áp lực nhưng những ước muốn của họ thay đổi quá nhanh và cơ hội thì phân bố không đồng đều. Trong thực tế xã hội này, tinh thần của con người rất dễ rơi vào trạng thái bị kiệt sức.

Tỷ lệ thất nghiệp cao chưa phản ánh toàn bộ câu chuyện

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chính thức của Trung Quốc có thể không thể hiện được toàn bộ câu chuyện.

Những người tìm việc trong độ tuổi từ 16 đến 24 bao gồm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông từ các vùng nông thôn tìm kiếm việc làm ở thành thị và sinh viên thành phố có bằng đại học.

Một giáo sư tại một trường đại học tư thục ở Quảng Châu, một thành phố lớn ở vùng ven biển giàu có phía nam của Trung Quốc, tin rằng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức 20% (thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc cao tới 20,8% vào tháng 5/2023, vào tháng 6 sau đó, con số này là 21,3%) - cao tới 80%. Bà giáo sư đã trao đổi với The Epoch Times vào tháng 6/2023 với điều kiện The Epoch Times phải giấu tên, trường đại học và lĩnh vực chuyên môn của bà để né tránh việc bị ĐCSTQ theo dõi.

Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tại thời điểm đó, bà cho biết, chỉ có hai trong số 350 sinh viên tốt nghiệp trong khoa của bà trong tìm được việc làm. Với ngày tốt nghiệp vào 28/06, sinh viên phải cung cấp thông tin việc làm để nhận bằng tốt nghiệp.

Bằng chứng chính thức cho việc làm là “thỏa thuận ba bên”, nhưng các trường cũng chấp nhận bất kỳ hình thức hợp đồng lao động nào. “Thỏa thuận ba bên” được ký kết giữa sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà trường để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan nhân sự chính quyền địa phương.

“Sinh viên không được cấp bằng tốt nghiệp nếu họ không cung cấp giấy tờ việc làm. Quy tắc này được mọi người hiểu nhưng không được viết ra”, vị giáo sư nói với The Epoch Times. Bà đồng thời cho biết thêm rằng, nếu một sinh viên thách thức quy tắc này với nhà trường hoặc sở giáo dục của thành phố, thì nhà trường sẽ giữ lại bằng tốt nghiệp với lý do không đủ tín chỉ thực tập.

Kết quả là, sinh viên giả mạo việc làm theo nhiều cách khác nhau, theo giáo sư. Bà nêu ví dụ về một người bạn có con trai đã không đi làm trong ba năm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn đang “làm việc” trên giấy tờ.

Ở Trung Quốc, các trường công lập có chất lượng học thuật cao hơn các trường tư thục và thu học phí thấp hơn. Họ là nguồn tuyển dụng phổ biến cho các SOE (doanh nghiệp nhà nước) và họ có những cách sáng tạo để tăng tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Vị giáo sư trên trước đây đã giảng dạy tại một trường đại học công lập. Bà nói rằng, các tổ chức công lập thực hiện một phương pháp được gọi là “quá giang” để lách các quy tắc. Ví dụ: nếu một SOE có chỉ tiêu tuyển dụng hai người mới cho một trường đại học, trường đó sẽ cung cấp cho SOE một danh sách gồm 12 tên sinh viên khác để ký kết thỏa thuận 3 bên theo cách gian lận. Bằng cách này, báo cáo "chất lượng giáo dục" của trường đại học trông đẹp đẽ hơn, và tỷ lệ thất nghiệp của trường trên giấy tờ cũng là thấp hơn.

Vì các thỏa thuận ba bên không phải là hợp đồng lao động thực sự, nên việc ký các giấy tờ “quá giang” như vậy không dẫn đến việc làm trên thực tế.

Năm 2022, vị giáo sư đã bắt đầu nghe về những khó khăn về việc làm từ các sinh viên của mình, một vấn đề trở nên nổi bật hơn trong năm 2023. Tại Quảng Châu, hầu hết sinh viên tìm được việc làm trong các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tư nhân Trung Quốc; rất ít người đến các doanh nghiệp nhà nước, nơi các mối quan hệ gia đình của sinh viên là điều cần thiết để có được việc làm. Tuy nhiên, khả năng có việc làm ở các công ty nước ngoài và tư nhân đã giảm đáng kể do đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và sự đàn áp của chính quyền đối với khu vực tư nhân.

Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh tự tạo ra khủng hoảng thất nghiệp

Đối với ông Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã phơi bày các ưu tiên của ông Tập Cận Bình.

Theo ông Ezrati, một cộng tác viên của The Epoch Times, mặc dù ông Tập thường xuyên tuyên bố mong muốn Trung Quốc chuyển từ nền kinh tế có kỹ năng thấp và trung bình sang nền kinh tế định hướng dịch vụ, nhưng ưu tiên thực sự của ông là trong lĩnh vực sản xuất và khai thác mỏ. Ông coi những ngành này là phương tiện để đạt được sự thống trị toàn cầu. Một báo cáo chính thức ước tính gần 30 triệu công việc sản xuất sẽ không được lấp đầy vào năm 2025 do sự không phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Ông Ezrati nói: “Vấn đề thanh niên thất nghiệp của ĐCSTQ là do chính họ gây ra". “Nếu ông Tập cam kết với tham vọng của mình là có một nền kinh tế dịch vụ, tri thức, có lẽ vấn đề này sẽ tồn tại, nhưng không nghiêm trọng bằng".

“Cùng thời điểm khi nói về nền kinh tế tri thức và nền kinh tế dịch vụ, ông ấy đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc thực sự kiểm soát thị trường trong một số ngành công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như sản xuất chip, xe điện và pin”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thanh niên Trung Quốc kiệt sức vì khủng hoảng thất nghiệp