Chuyên gia: Khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc sẽ còn trầm trọng hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang có tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao kỷ lục. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã cảnh báo trong phân tích gần đây của mình rằng, con số thất nghiệp có thể tăng cao hơn nữa trong ba năm tới.

“Nói chung, từ nay đến năm 2030, đây sẽ là giai đoạn khó khăn nhất về việc làm kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa”, ông Wang Mingyuan, nhà nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, viết.

Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị của những người trong độ tuổi 16 - 24 là 20,4%, gần gấp 4 lần tỷ lệ quốc gia là 5,2%, theo ông Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tại một cuộc họp báo vào tháng 5.

Tỷ lệ thất nghiệp này đã vượt quá mức cao trước đây là 19,9% mà Bắc Kinh công bố vào năm 2022 trong thời kỳ phong tỏa nghiêm trọng nhất vì đại dịch. Đó là thời điểm mọi người bị hạn chế đi lại và các doanh nghiệp đóng cửa.

Ông Wang Mingyuan đã phân tích tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong báo cáo nghiên cứu gần đây của mình và ông kết luận rằng nó sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.

Chuyên gia: Khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc sẽ còn trầm trọng hơn
Người dân tham dự một hội chợ việc làm ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 26/05/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tương lai ảm đạm

Một số yếu tố cho thấy Trung Quốc có thể sẽ trải qua tình trạng thất nghiệp rất nghiêm trọng. Đây là điều được tiết lộ trong báo cáo nghiên cứu của ông Wang Mingyuan, “Chính xác có bao nhiêu thanh niên thất nghiệp?”

Yếu tố đầu tiên là sự khác biệt giữa số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng và số lượng vị trí tuyển dụng ngày càng giảm.

Theo ông Wang, số lượng sinh viên tốt nghiệp vào năm 2023 sẽ cao kỷ lục, đạt 11,58 triệu người, làm tăng thêm áp lực việc làm ở Trung Quốc.

Ông Wang viết rằng, con số chính thức 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp vào năm 2023 chỉ bao gồm sinh viên tốt nghiệp đại học, trong khi 5,64 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề “cổ cồn xanh” của Trung Quốc và 600.000 người từ nước ngoài trở về không được tính vào số liệu thống kê chính thức về sinh viên tốt nghiệp. Nếu tính tất cả, tổng số sinh viên tốt nghiệp sẽ là gần 17,82 triệu vào năm 2023.

Theo ông Wang, sự khác biệt giữa mức gia tăng hàng năm của việc làm và số lượng sinh viên mới tốt nghiệp từ năm 2020 đến năm 2023 lần lượt là -2,49 triệu, -2,20 triệu, -4,49 triệu và -5,82 triệu. Điều này có nghĩa là 15 triệu sinh viên tốt nghiệp đã không thể tìm được việc làm trong giai đoạn này.

Ngoài ra, do những khó khăn của nền kinh tế tư nhân, nền kinh tế kỹ thuật số và ngành dịch vụ, số thanh niên mất việc ước tính vào khoảng 25 triệu người, theo phân tích của ông Wang.

Ngoài ra, khoảng 14 triệu lao động trẻ nhập cư đã mất việc làm và trở về quê hương ở các vùng nông thôn trong 3 năm phong tỏa do đại dịch. Do đó, tổng số thanh niên thất nghiệp (từ 16 - 24 tuổi) là 54 triệu người trong ba năm qua.

Ông Wang tin rằng, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn do việc mở rộng tuyển sinh. Ông ước tính rằng sẽ có gần 20 triệu sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2030.

Theo ông Wang, trong những năm tới, chính phủ Trung Quốc phải giải quyết tình trạng thất nghiệp của 54 triệu thanh niên thất nghiệp, đồng thời, nhu cầu việc làm ở thành thị sẽ đạt mức cao nhất lịch sử, một phần do số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng. Ông cho rằng tình thế khó khăn về việc làm của Trung Quốc sẽ trở nên nổi bật hơn bao giờ hết.

Tình hình thực tế còn tồi tệ hơn

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng, tình trạng thất nghiệp thực tế còn tồi tệ hơn nhiều so với dữ liệu chính thức.

“Khảo sát thất nghiệp ở thành thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ tính những người thất nghiệp có hộ khẩu ở thành thị và được đăng ký, còn những người không đăng ký thì không được tính. Hơn nữa, các hộ gia đình nông thôn cũng không nằm trong diện thất nghiệp vì ĐCSTQ coi họ là một phần của lực lượng lao động nông thôn. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp được duy trì trong khoảng từ 4% đến 5% trong quá khứ, điều này hoàn toàn không phản ánh con số thất nghiệp thực tế”, nhà bình luận thời sự Trung Quốc Cai Shenkun nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 19/04.

Chuyên gia: Khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc sẽ còn trầm trọng hơn
Bốn cặp vợ chồng công nhân nhập cư ngồi trong lều tại một công trường xây dựng đường ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2008. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Ông Cai nói rằng, việc mở rộng tuyển sinh là yếu tố thứ ba che đậy tỷ lệ thất nghiệp thực sự.

Ông Qiu Wanjun, giáo sư tài chính tại Đại học Đông Bắc ở Boston, nói với The Epoch Times rằng việc mở rộng tuyển sinh của ĐCSTQ là một giải pháp nhằm trì hoãn vấn đề việc làm.

“Sinh viên đang đi học không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp của dân số lao động. Việc họ đến trường làm giảm số lượng thất nghiệp”, ông nói.

Ông Li Hengqing, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng, các trường đại học Trung Quốc cũng giả mạo số lượng sinh viên tốt nghiệp, điều này cũng làm giảm dữ liệu thất nghiệp chung vì sinh viên tốt nghiệp mà không có bằng tốt nghiệp không được tính đến trong số sinh viên tốt nghiệp chính thức.

“Các trường đại học Trung Quốc không cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho sinh viên. Các cán bộ giáo dục bậc cao nói với các sinh viên tốt nghiệp: ‘Chúng tôi sẽ cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho bạn khi bạn tìm được việc làm’”, ông Li cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 05/06.

Ông Wang Guo-chen, một chuyên gia kinh tế Đài Loan, đồng ý với ông Cai rằng số liệu thống kê thất nghiệp của ĐCSTQ không bao gồm dân số lao động ở nông thôn.

Nhà kinh tế Đài Loan nói thêm rằng, thực sự có một thiếu sót trong số liệu thống kê về tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đại lục, vì tỷ lệ mẫu của nó quá thấp, dưới 0,07%.

Ông Wang là trợ lý nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (CIER) của Đài Loan. Ông chuyên về kinh tế Trung Quốc và thế giới, kinh tế chính trị quốc tế và nghiên cứu định lượng.

“[Wang Mingyuan] đưa ra con số cuối cùng là 54 triệu thanh niên thất nghiệp, một con số tương đối thận trọng, và đó là lý do tại sao bài báo nghiên cứu của ông ấy được xuất bản”, ông Wang Guo-chen nói.

Trong lúc thế hệ trẻ đang phải đối diện với một tương lai ảm đạm, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích giới trẻ Trung Quốc “ngậm đắng nuốt cay”, một thành ngữ của Trung Quốc có nghĩa là “chịu đựng gian khổ”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc sẽ còn trầm trọng hơn