Trung Quốc: Thất nghiệp cao đáng sợ, chuyên gia buồn cho nền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội đang cho thấy tình hình thất nghiệp tại Trung Quốc đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Trong lúc đó, các tin tức và nhận định tiêu cực về kinh tế Trung Quốc vẫn liên tiếp xuất hiện.

Tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài đang rời đi và các công ty tư nhân bị mất niềm tin, dẫn đến sự sụp đổ của các công ty và làn sóng cắt giảm.

Trên mạng xã hội, một số cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở nước này rất đáng sợ. Nền tảng tìm kiếm việc làm nổi tiếng Maimai chứa đầy thông tin thất nghiệp. ByteDance đã quyết liệt cắt giảm nhân viên và Ping An cũng đang cắt giảm nhân viên; một số người bị cắt giảm hai lần một năm; có người nói rằng họ đã làm việc mười năm và chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy. Trước đây, người dân có thể có việc làm trong vòng nhiều nhất là hai tháng sau khi nghỉ việc. Bây giờ, thật may mắn nếu tìm được việc làm trong vòng nửa năm. Một số người nói rằng khắp nơi đang có những tiếng kêu la về việc bị cắt giảm, và một số người đã bắt đầu thu dọn đồ đạc và về nhà đón năm mới.

​​Hai ngày trước, trên mạng xã hội Weibo xuất hiện tin tức rằng Tập đoàn Zhengzhou Zhengwei, xếp thứ 124 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới, đã dọn sạch các tòa nhà của mình chỉ trong một đêm. Tất cả các thiết bị và văn phòng đều bị dọn sạch và lương của nhân viên không được trả. Nhà máy giày Baoyi ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, đã hoạt động được 17 năm, đang chuẩn bị đóng cửa trước cuối năm và chuyển nhà máy sang Indonesia. Công nhân đã đình công vào ngày 30/11 về vấn đề bồi thường.

Trung Quốc: Thất nghiệp cao đáng sợ, chuyên gia buồn cho nền kinh tế
Một người tìm việc nói chuyện với một nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Các chuyên gia ngao ngán

Nền kinh tế lao dốc, và tỉnh Thiểm Tây dẫn đầu lập các kỷ lục tiêu cực. Chuyên gia Lao Man, một nhà truyền thông cá nhân về tài chính, cho biết trong chương trình mới nhất rằng theo số liệu thống kê chính thức, trong 3 quý đầu năm nay, cán cân thu chi của người dân tỉnh Thiểm Tây đã giảm so với năm ngoái. Trong ba quý đầu năm nay, con số này là 7.984 CNY (nhân dân tệ), giảm 4,6% so với 8.369 CNY của năm ngoái.

Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là lần đầu tiên cán cân thanh toán của người dân cấp tỉnh giảm kể từ khi thống kê được thu thập trên khắp Trung Quốc và mức giảm không hề thấp.

Cán cân thu chi của cư dân là phần còn lại khi lấy thu nhập khả dụng bình quân đầu người trừ đi chi tiêu tiêu dùng cần thiết. Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là một chỉ số rất quan trọng. Số tiền người dân chi để mua nhà, đi du lịch, mua sắm xa xỉ đều đến từ cán cân thu chi này [người dân dùng phần tiền thừa còn lại cho các hoạt động kể trên]. Xu hướng tiêu cực trong cán cân thu chi của Thiểm Tây sẽ tạo ra tác động to lớn và khó cưỡng lại cho nền kinh tế Thiểm Tây.

Chuyên gia Lao Man liệt kê những tác động lên nền kinh tế Thiểm Tây, từ sự sụt giảm đầu tư tài sản cố định đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong tiêu dùng. Cuối cùng ông kết luận rằng nền kinh tế Thiểm Tây sụp đổ nhanh hơn các tỉnh khác và nó đã lập kỷ lục lịch sử, bắt đầu từ khía cạnh thu chi của người dân.

Sẽ rất đáng để quan sát sự “bi thảm” này sẽ lan rộng khắp đất nước nhanh như thế nào.

Ngày 30/11, The Wall Street Journal đăng một bài báo cho rằng sự yếu kém về kinh tế và các chính sách của Trung Quốc khiến người nước ngoài cảm thấy không an toàn, dẫn đến việc các công ty nước ngoài liên tục di dời khỏi Trung Quốc. Tình hình vốn nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc tệ đến mức nào? Tờ Wall Street Journal đã hỏi và tự trả lời câu hỏi: "Nói một cách đơn giản, điều đó thật tồi tệ".

Bài báo sau đó trích dẫn dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết, thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý III là âm 11,8 tỷ USD, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận giá trị âm. Bài báo trực tiếp tuyên bố rằng điều này tồi tệ đến mức ngay cả những người bi quan cũng sẽ bị sốc.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy mà số lượng sinh viên, khách du lịch quốc tế tới Trung Quốc cũng ngày càng giảm. The Wall Street Journal cho biết, theo dữ liệu từ Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, hơn 11.000 người Mỹ đã học tập tại Trung Quốc vào năm 2019 và số lượng người Mỹ học tập tại Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống chỉ còn 350 người.

Tờ Wall Street Journal cho rằng trước tình hình này, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu lo lắng. Ông đưa ra lời hứa tại hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây ở San Francisco rằng Trung Quốc sẽ đảm bảo đầy đủ đối xử bình đẳng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tuyên bố này chưa đủ để tạo ra tác động đáng kể.

Trung Quốc: Thất nghiệp cao đáng sợ, chuyên gia buồn cho nền kinh tế
Người dân biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Tuần lễ Các Nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, California, Mỹ, vào ngày 15/11/2023. (Ảnh: Gilles Clarenne/AFP qua Getty Images )

Cạnh tranh khốc liệt trong thị trường việc làm

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất bán hàng sang thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với xu hướng mua hàng giảm sút, thể hiện qua chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới. Thêm vào đó, khoảng 300 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc, những người chuyển từ khu vực nông thôn đến trung tâm thành thị để làm việc tại nhà máy, hiện đang phải vật lộn để có được việc làm. Những công nhân này không được tính vào số liệu thất nghiệp chính thức của Trung Quốc vì họ được đăng ký tại quê nhà của họ. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 5% chỉ bao gồm người lao động ở thành thị, do đó không tính đến các vấn đề việc làm lớn hơn mà người lao động nhập cư phải đối mặt.

Khi cơ hội việc làm tiếp tục giảm đi, ngày càng có nhiều người trẻ cạnh tranh các vị trí trong các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và trung ương. Gần đây, con số kỷ lục là 2,83 triệu ứng viên đã tham gia kỳ thi công chức, cùng nhau cạnh tranh cho 39.000 vị trí. Chính quyền địa phương đang phải gánh khoản nợ đáng kể và với việc doanh số bán đất sụt giảm, triển vọng phục hồi của họ rất ảm đạm trừ khi chính quyền trung ương can thiệp. Khu vực chính phủ vốn đã quá cồng kềnh, và giờ đây, trong thời kỳ mà những người trẻ tìm việc làm đang tìm kiếm các vị trí trong chính quyền, một số tỉnh đang phải vật lộn với những thách thức về lương trong khi những tỉnh khác đang cắt giảm việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (đối với những người từ 16 đến 24 tuổi) của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Điều này đã trở thành mối lo ngại lớn. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã không công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cho các tháng sau đó kể từ sau số liệu cho tháng 6.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc (CMF), cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên đang diễn ra có thể kéo dài trong 10 năm tới và “tồi tệ hơn trong ngắn hạn”. Báo cáo cảnh báo: “Nếu [thất nghiệp ở thanh niên] không được quản lý hiệu quả, nó có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội ngoài lĩnh vực kinh tế và có khả năng châm ngòi cho các vấn đề chính trị”.

‘Công xưởng thế giới’ trầm lắng

Trung Quốc: Thất nghiệp cao đáng sợ, chuyên gia buồn cho nền kinh tế
Công nhân sản xuất khăn tắm để xuất khẩu tại một nhà máy ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, vào ngày 28/06/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images

Ngành sản xuất, một bộ phận rất quan trọng của kinh tế Trung Quốc và là nguồn cung cấp việc làm chính, vẫn đang chìm trong xu hướng thu hẹp.

Dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Năm (30/11) cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất trong tháng 11 là 49,4, giảm 0,1 so với tháng trước và dưới ngưỡng 50 phân biệt sự mở rộng với sự thu hẹp.

Trước đó, các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự kiến chỉ số sẽ ở mức 49,7. Trong số 31 tổ chức được khảo sát, chỉ có Goldman Sachs và Standard Chartered dự đoán chỉ số này sẽ ở mức thấp như vậy.

Chỉ số đơn đặt hàng mới giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ là 46,3, nằm trong phạm vi thu hẹp trong tháng thứ 8 liên tiếp.

Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc cũng bất ngờ giảm xuống 50,2 trong tháng 11 từ mức 50,6 trước đó, cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ khổng lồ và ngành xây dựng tiếp tục chậm lại.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một số yếu tố bất lợi, bao gồm khủng hoảng bất động sản lan rộng, rủi ro nợ của chính quyền địa phương, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và căng thẳng địa chính trị.

Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách nhưng vẫn chưa đạt được mấy thành công.

Chỉ số PMI sản xuất đã giảm 7 trong 8 tháng qua. Lần duy nhất chỉ số này trên ngưỡng 50 là mức 50,2 trong tháng 9. Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế dài hạn kiểu Nhật Bản vào cuối những năm 2020 trừ khi các nhà chức trách điều chỉnh định hướng kinh tế.

Ngành bất động sản vẫn là lực cản lớn cho tăng trưởng kinh tế. Doanh số bán nhà sụt giảm càng làm giảm thêm nhu cầu về đồ nội thất và thiết bị gia dụng. Đà phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ dần suy yếu, thị trường việc làm trì trệ cũng khiến người tiêu dùng thận trọng trong việc tăng chi tiêu.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Thất nghiệp cao đáng sợ, chuyên gia buồn cho nền kinh tế