Nhu cầu tiêu dùng yếu, Trung Quốc giảm phát trở lại trong tháng 10

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã quay trở lại tình trạng giảm phát trong tháng 10 khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu và giá sản xuất giảm. Điều này nêu bật áp lực giảm phát dai dẳng và sự phục hồi không ổn định trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nỗ lực khôi phục tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát, đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10, sự sụt giảm cao hơn mức giảm dự đoán là 0,1% trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Hơn nữa, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 13 liên tiếp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 2,7% mà các nhà kinh tế dự đoán và mức giảm 2,5% trong tháng 9.

Giá thực phẩm yếu là lực cản lớn đối với chỉ số CPI, giảm 4% so với cùng kỳ trong tháng 10, so với mức giảm 3,2% trong tháng 9. Theo NBS, điều đó chủ yếu là do giá thịt lợn, một loại thịt chủ yếu ở Trung Quốc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng này vốn đã giảm 22% trong tháng 9.

Mặc dù mức giảm CPI lớn hơn dự kiến nhưng những con số yếu kém trong tháng 10 không nằm ngoài dự đoán.

Bức tranh về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn được thể hiện qua những con số gần đây khác. Chẳng hạn, tháng 10 là tháng giảm thứ 6 liên tiếp đối với xuất khẩu của Trung Quốc và mức giảm 6,4% tính theo đồng USD so với cùng kỳ năm trước còn tệ hơn mức giảm 3% được dự đoán bởi một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế của Reuters. Hoạt động sản xuất cũng giảm trong tháng 10.

Trong 4 tháng qua, khi sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc nhanh chóng phai nhạt, Bắc Kinh đã ban hành một loạt các biện pháp chính sách để khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hầu như không có dấu hiệu phục hồi lâu dài nào trong những tháng gần đây, khiến các nhà phân tích tranh luận liệu nó có đạt được mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh trong năm nay là 5% hay không, cho dù đây là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Khi bình luận về số liệu CPI của tháng 9, ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại ING, đã nói với The Epoch Times rằng nền kinh tế Trung Quốc cần sự hỗ trợ lớn hơn so với các sáng kiến từ phía cung đã được thực hiện và nền kinh tế này khó có thể cải thiện trong năm nay.

Khách hàng thận trọng trong chi tiêu

Tỷ lệ lạm phát thấp của Trung Quốc không chỉ là kết quả của những điểm yếu kinh tế trong nước: có vẻ như khách hàng cũng đang chi tiêu ít hơn.

Những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng có ý thức hơn về giá trị hàng hoá, và sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ trước đây của đất nước, điểm yếu tương đối trong niềm tin của người tiêu dùng và những lo ngại về thị trường bất động sản đang gây áp lực lên tâm lý của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu, Bain & Company lưu ý trong cuộc khảo sát mua sắm năm 2023 được công bố vào ngày 8/11.

Theo công ty tư vấn toàn cầu này, chiến dịch mua sắm Ngày Độc thân kéo dài 3 tuần, kết thúc vào ngày 11/11, đã bị ảnh hưởng tiêu cực do tổng cầu giảm.

“Có sự mất cân bằng trong ý định chi tiêu, với 77% trong số [3.000 người mua sắm Trung Quốc trong giai đoạn trước Ngày lễ độc thân hàng năm] được khảo sát dự định chi tiêu ít hơn hoặc duy trì chi tiêu cho sự kiện năm nay, so với chỉ 23% chuẩn bị chi tiêu nhiều hơn”, báo cáo cho biết và nói thêm, “Mức độ thận trọng đó phù hợp với triển vọng mờ nhạt mà chúng tôi đã thấy trước Ngày Độc thân năm ngoái”.

Ngay cả vào năm 2023, báo cáo lưu ý rằng quy mô và thời lượng của sự kiện cho thấy nó đang trải qua một loại hình suy giảm mang tính cấu trúc. Cuộc khảo sát đã hỏi người tiêu dùng về mức độ lạc quan của họ đối với Ngày Độc thân và nhận thấy rằng chỉ có 53% tỏ ra nhiệt tình như năm 2021. Điều này cho thấy việc chi tiêu thận trọng trong lễ hội mua sắm phù hợp với tâm lý kiềm chế chi tiêu nói chung.

Ngoài Ngày Độc thân, báo cáo cũng xem xét sâu hơn thói quen mua sắm dài hạn của người tiêu dùng và nhận thấy 71% số người được hỏi cho biết họ sẽ cắt giảm hoặc duy trì chi tiêu bán lẻ cho đến hết năm 2023.

“[Do đó], dữ liệu ngày hôm nay cho thấy rằng không cần nhiều từ một cú sốc tiêu cực của một trong các thành phần để đẩy tỷ lệ lạm phát cơ bản vốn đã thấp xuống dưới 0 so với cùng kỳ năm trước”, ông Carnell nói với The Epoch Times về số liệu CPI tháng 10.

Tình trạng sẽ còn dai dẳng

Với việc tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc đang thấp do các yếu tố trong nước như sự suy yếu trong thị trường nhà ở và niềm tin người tiêu dùng thấp, cũng như các yếu tố như giá hàng hóa toàn cầu giảm và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc trì trệ, các nhà phân tích tin rằng lạm phát của Trung Quốc, vốn lại quay về âm trong tháng 10, sẽ duy trì trong tình trạng này trong một thời gian.

Một lưu ý nghiên cứu của Capital Economics chỉ ra: “Nó [giảm phát] dường như [cũng] liên quan đến việc các nhà sản xuất Trung Quốc cắt giảm giá nhằm bảo vệ thị phần khi sự bùng nổ trong đại dịch đối với nhu cầu hàng hóa toàn cầu dần biến mất”. "[Do đó] lạm phát của Trung Quốc có vẻ sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai trước mắt".

Theo ghi chú của Goldman Sachs, lạm phát CPI của Trung Quốc chuyển sang âm (so với cùng kỳ trong tháng 10) chủ yếu do giá thịt lợn giảm phát mạnh hơn, trong khi giảm phát PPI tăng cao hơn (so với cùng kỳ trong tháng 10) do giá dầu thô và kim loại màu giảm.

“Nhìn về phía trước, khi so sánh theo năm, chúng tôi kỳ vọng giảm phát PPI sẽ thu hẹp hơn nữa. Lạm phát CPI sẽ tăng dần trong những tháng tới, mặc dù tình trạng giảm phát giá thịt lợn dai dẳng có thể sẽ làm chậm tốc độ”, ghi chú kết luận.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhu cầu tiêu dùng yếu, Trung Quốc giảm phát trở lại trong tháng 10