Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý III, sự phục hồi còn sơ khai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Thống kê Quốc gia đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thừa nhận môi trường bên ngoài ngày càng “phức tạp và nghiêm trọng” và nhu cầu trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Nhu cầu toàn cầu yếu, áp lực giảm phát và thị trường bất động sản chững lại tiếp tục cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại còn 4,9% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, giảm từ mức 6,3% của quý trước, theo thông tin Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào thứ 4 (18/10).

NBS cũng cảnh báo môi trường bên ngoài ngày càng “phức tạp và nghiêm trọng” và nhu cầu trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Sau gần ba năm áp dụng các biện pháp hạn chế “zero-COVID", Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế vào cuối năm 2022, mang lại sự kích thích ngay lập tức vào đầu năm nay khi người dân đổ xô đến các cửa hàng và quán ăn.

Tuy nhiên, cơn sốt hậu đại dịch bất ngờ bị đình trệ ngay sau đó và sớm hơn dự đoán. Trong khi Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm, giới tài chính nhanh chóng thất vọng và các nhà phân tích bắt đầu dự đoán rằng tăng trưởng có thể sẽ giảm xuống 4,5% do nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong quý III cao hơn kỳ vọng - so với mức đồng thuận là 4,5% và của Nomura là 4,1% - nhưng ANZ cho biết, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, dù theo góc độ nào đi nữa.

“Dữ liệu của tháng 9 cho thấy một nền kinh tế có hai vùng phát triển khác nhau”, các nhà phân tích tại ANZ viết trong một ghi chú độc quyền dành cho khách hàng được The Epoch Times truy cập. “[Mặc dù] doanh số bán lẻ tăng mạnh ở mức 5,5% và tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng ngạc nhiên xuống 5% từ mức 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách sản lượng [so với tiềm năng] vẫn ở mức âm do giá cả trong nước yếu và sự yếu kém trong đầu tư cho thấy lãi suất thực quá cao”, ghi chú cho biết.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý III, sự phục hồi còn sơ khai
​​Trụ sở chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương Trung Quốc) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli/Bloomberg qua Getty Images)

Những tín hiệu trái ngược

Theo NBS, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ổn định ở mức 4,5% trong tháng 9 và không thay đổi so với tháng 8, “cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường với mức đồng thuận 4,4% và 4,3% của Nomura”, ghi chú của Nomura Asia Insights cho biết.

Nhưng tăng trưởng đầu tư tài sản cố định đã chậm lại ở mức 2,5% so với cùng kỳ vào tháng 9, thấp hơn dự báo 3,2% của Nomura.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã mạnh hơn dự kiến, đạt mức 5,5% so với cùng kỳ trong tháng 9 từ mức 4,6% trong tháng 8, cao hơn kỳ vọng của thị trường (mức đồng thuận: 4,9%).

Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, xuống còn 30,2% trong quý III so với mức 31,8% của quý trước. “Chuỗi dữ liệu này mang tính thời vụ cao và tỷ lệ 30,2% trong quý III đã giảm xuống dưới mức 32,3% trước đại dịch trong quý III năm 2019, điều này cho thấy nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch COVID là không bền vững”, ghi chú của Nomura cho biết thêm.

Các nhà phân tích cho biết, những con số thấp hơn mong đợi của nhiều chỉ số tần suất cao khác như chi tiêu của chính quyền địa phương, tăng trưởng khối lượng thương mại, cùng một số chỉ số khác, cũng báo hiệu rằng sự phục hồi đầy khó khăn của Trung Quốc vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực.

Gánh nặng từ thị trường bất động sản

Các nhà phân tích lưu ý rằng trong khi các biện pháp hỗ trợ nhỏ lẻ trong những tuần gần đây mang lại sự thúc đẩy tạm thời ở các thành phố cấp một, phần còn lại của Trung Quốc vẫn phải vật lộn với tình trạng dư cung nhà ở và niềm tin thấp khiến lĩnh vực bất động sản khó phục hồi.

Theo NBS, tăng trưởng đầu tư bất động sản đã giảm từ -10,9% xuống -11,2% trong tháng 9, trong khi xét về số lượng, tốc độ tăng trưởng doanh số bán nhà mới giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng doanh số bán nhà mới về mặt giá trị cũng vẫn ở mức âm (-13,9%) và tốc độ tăng trưởng doanh thu của chính quyền địa phương từ việc bán đất ở mức -19,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là tăng 0,4% trong năm.

Trong bối cảnh sự sụp đổ của thị trường bất động sản ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tín dụng bất động sản kể từ giữa tháng 8, Bắc Kinh cuối cùng đã khởi động một đợt nới lỏng bất động sản mới vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, Nomura cho biết, việc cắt giảm lãi suất thế chấp, giảm tỷ lệ thanh toán ngay và nới lỏng các hạn chế đối với giao dịch mua nhà rõ ràng là chưa đủ.

Phục hồi kinh tế vẫn còn ở giai đoạn sơ khai

Do đó, “sự phục hồi kinh tế vẫn còn ở giai đoạn sơ khai”, theo như ghi chú của Moody's Analytics được The Epoch Times truy cập.

Với tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản không có dấu hiệu chậm lại, một đám mây đen vẫn đang lơ lửng trên nền kinh tế Trung Quốc. Các ghi chú cho biết thêm, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có thể là liều thuốc cần thiết để giải tỏa căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhưng sự hỗ trợ như vậy dường như ngày càng khó xảy ra.

Do đó, không ngạc nhiên khi NBS dự báo rằng sự phục hồi của Trung Quốc vẫn còn xa vời.

NBS cho biết: “Chúng ta nên lưu ý rằng môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn trong khi nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ và nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế cần được củng cố hơn nữa”.

Do niềm tin của hộ gia đình có thể vẫn ở mức thấp và tài chính của chính quyền địa phương có thể vẫn bị hạn chế trong năm tới, hạn chế khả năng tăng chi tiêu của chính phủ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, UBS Securities dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ còn chậm hơn vào năm 2024, ở mức khoảng 4,2%.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý III, sự phục hồi còn sơ khai