Bình luận: Sự xuống dốc của BĐS thương mại khiến Bắc Kinh càng thêm đau đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản thương mại có thể không phải là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà, nhưng những tin tức mới nhất trong lĩnh vực này hoàn toàn không phải là tin tốt cho đất nước Trung Quốc hay chính quyền Bắc Kinh.

Bài bình luận

Bất động sản thương mại ở Trung Quốc dường như đang đi vào con đường nguy hiểm như người anh em bất động sản nhà ở của nó.

Trong khi các tin tức vẫn đang tập trung vào sự sụp đổ của các nhà phát triển bất động sản nhà ở như Evergrande và Country Garden, thì đã xuất hiện các thông tin về sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản thương mại, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng. Tỷ lệ văn phòng trống đã tăng lên, và giá thuê đã giảm. Vấn đề dường như sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, đặt ra một trở ngại khác đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại quỹ đạo tăng trưởng phù hợp.

Không giống như không gian nhà ở, Bắc Kinh không bao giờ cường điệu hoá hay thúc đẩy việc xây dựng văn phòng. Vấn đề của lĩnh vực này không phải do xây dựng quá mức. Thay vào đó, bất động sản văn phòng phải chịu hậu quả của việc đóng cửa và cách ly do dịch bệnh COVID-19. Giống như nhân viên văn phòng ở Mỹ và châu Âu, giới cổ cồn trắng Trung Quốc dường như thích làm việc tại nhà hơn. Thật vậy, xu hướng này có thể mạnh hơn ở Trung Quốc so với ở phương Tây vì chính sách zero-COVID của Bắc Kinh đã kéo dài các biện pháp đóng cửa và cách ly rất lâu sau khi các nền kinh tế phương Tây mở cửa và hoạt động trở lại. Thực tế này và việc cắt giảm nhân sự nhằm đối phó với sự suy thoái chung của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến nhu cầu về không gian văn phòng giảm.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đưa ra rất ít số liệu về tỷ lệ văn phòng trống, nhưng có những nguồn thông tin khác. Một nguồn thông tin đến từ các báo cáo định kỳ của nhà cung cấp dịch vụ bất động sản Savills của Anh. Công ty này đưa ra đánh giá về không gian văn phòng hạng A ở các thành phố hàng đầu của Trung Quốc - Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Nó cho thấy một cách rõ ràng sự gia tăng toàn diện về tỷ lệ văn phòng trống trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu. Tỷ lệ ở Thâm Quyến tăng khoảng 4,1% lên 27%. Tại Quảng Châu, nó tăng mạnh hơn, 5,9% lên 20,8%. Hai thành phố khác cho thấy số liệu nằm ở giữa. Một thống kê chung bao gồm 18 thành phố cho thấy tỷ lệ văn phòng trống trung bình là 24%.

Bình luận: Sự xuống dốc của BĐS thương mại khiến Bắc Kinh càng thêm đau đầu
Người dân đi bộ trong một trung tâm mua sắm ở quận Tĩnh An ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 16/3/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Giá thuê theo đó đã giảm. Ví dụ, văn phòng hạng A ở Bắc Kinh được cho thuê trong quý mùa xuân với giá tương đương 45 USD/foot vuông, thấp hơn 7,4% so với số liệu năm trước. Giá thuê ở Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến cũng giảm.

Với giá thuê giảm, hoàn toàn hợp lý khi nêu lên mối lo ngại về tình hình tài chính của các nhà phát triển bất động sản thương mại và liệu họ có theo bước Evergrande, Country Garden và các nhà phát triển nhà ở khác và hướng đến sụp đổ tài chính. Một sự kiện như vậy hoặc thậm chí một sự kiện gần với nó chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm những vấn đề vốn đã nghiêm trọng mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt cũng như gây khó khăn cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quản lý tình hình. Cho đến nay, không có báo cáo nào về khó khăn tài chính của các nhà phát triển bất động sản thương mại, nhưng một số thông tin như vậy chắc chắn sẽ xuất hiện nếu giá thuê tiếp tục giảm, điều dường như rất có khả năng xảy ra.

Ngay cả trước khi tin tức về không gian văn phòng trở nên rõ ràng, Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Với việc châu Âu đang trong hoặc gần chạm tới suy thoái và nền kinh tế Mỹ đang chậm lại và có lẽ đang tiến gần đến suy thoái, hoạt động xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc vẫn đang suy giảm. Sự sụp đổ đầy kịch tính của lĩnh vực bất động sản nhà ở cùng với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này tiếp tục làm suy yếu nền tài chính Trung Quốc. Đây là một mối lo ngại không hề nhỏ vì ngay cả trước những vấn đề này, Trung Quốc đã phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ, đặc biệt là trong chính quyền địa phương và tỉnh.

Các vấn đề giữa các nhà phát triển, cũng như di chứng của việc phong tỏa và cách ly do đại dịch COVID-19, từ lâu đã làm cạn kiệt nhu cầu nhà ở và giá nhà ở giảm đã làm giảm giá trị tài sản ròng của hộ gia đình đến mức chi tiêu của người tiêu dùng không thể phục hồi như cách Bắc Kinh hy vọng. Đè nặng lên triển vọng tăng trưởng tổng thể, những yếu tố này, cộng với việc Bắc Kinh nhấn mạnh hệ tư tưởng kế hoạch hóa tập trung, đã làm nản lòng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, khiến dòng chi tiêu của họ thực sự bắt đầu giảm.

Và giờ đây, sự gia tăng tỷ lệ văn phòng trống có thể sẽ làm suy yếu hơn nữa hệ thống tài chính vốn đã bấp bênh của Trung Quốc và gia tăng thêm một khó khăn kinh tế khác vào hàng loạt các vấn đề đau đầu của Trung Quốc. Ít nhất, những vấn đề này sẽ cản trở Bắc Kinh thu hút dòng chi tiêu đầu tư tư nhân mà nước này đang cố gắng hết sức để phục hồi. Những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản thương mại có thể không phải là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà, nhưng tin tức mới nhất này hoàn toàn không phải là tin tốt cho Trung Quốc hay chính quyền Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Sự xuống dốc của BĐS thương mại khiến Bắc Kinh càng thêm đau đầu