Mối lo giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giảm phát sẽ khiến tiêu dùng và sản xuất suy giảm, ảnh hưởng xấu đến phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc không có sự thay đổi, trong khi các nhà sản xuất bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng, và người lao động đang phải đối mặt với mức lương thấp hơn và tình trạng thiếu việc làm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hy vọng rằng việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 sẽ khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên, sau một đợt tăng ngắn trong quý đầu tiên của năm, nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng yếu đi cho đến khi giá sản xuất bắt đầu giảm. Tháng trước, giá sản xuất đã giảm với tốc độ lớn nhất kể từ năm 2015. Trong 9 tháng qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) liên tục có xu hướng giảm và trong tháng 6, chỉ số này đã giảm đáng kể 5,4%. Đồng thời, giá tiêu dùng không thay đổi và các nhà phân tích dự đoán chúng sẽ kết thúc tháng này thấp hơn 0,5% so với năm ngoái.

Giá sản xuất là giá mà hàng hóa và dịch vụ được bán bởi các nhà sản xuất cho các nhà bán lẻ. Khi giá sản xuất giảm, điều đó có nghĩa là các nhà máy phải bán hàng hóa của họ với giá thấp hơn. Tuy nhiên, trong khi giá sản xuất đang giảm ở Trung Quốc, chi phí nguyên liệu toàn cầu đang tăng lên. Chỉ số giá nguyên liệu thô hiện cao hơn 18% so với năm 2022. Điều này đặt ra các vấn đề về tài chính cho các công ty Trung Quốc, vì tỷ suất lợi nhuận đang bị siết chặt. Lợi nhuận giảm đã dẫn đến sự chậm lại trong sản xuất, với hoạt động của nhà máy giảm dần trong ba tháng qua. Đây là tin xấu đối với giới trẻ Trung Quốc, những người đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp hơn 20%. Những sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây đang vật lộn để tìm việc làm, và nhiều người trong số gần 300 triệu lao động nhập cư từ nông thôn đến làm việc cho các nhà máy của Trung Quốc đang trên bờ vực vô gia cư.

Giá tại xuất xưởng tại nhà máy giảm và hoạt động sản xuất chung chậm lại cũng đồng nghĩa với việc giảm đầu tư và đổi mới. Nếu các nhà bán lẻ thấy rằng họ phải giảm giá để bán sản phẩm của mình, thì sẽ có ít động lực hơn để phát triển những sản phẩm mới. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là một kết quả tiêu cực tiềm ẩn khác. Một số lĩnh vực thượng nguồn có thể thấy chi phí tăng và thực hiện cắt giảm sản xuất nhiều hơn những lĩnh vực khác, gây ra tình trạng thiếu linh kiện và đầu vào ở hạ nguồn. Chi phí cao hơn và khối lượng hàng bán ra thấp hơn cũng sẽ khiến tiền lương giảm. Người lao động nhập cư đã chứng kiến mức lương trung bình hàng tháng của họ giảm từ 4.615 CNY (nhân dân tệ) (640,07 USD) vào cuối năm ngoái xuống 4.504 CNY (624,67 USD) trong quý đầu tiên của năm 2023. Năm ngoái, công nhân tạm thời tại nhà máy nhận được 18-20 CNY mỗi giờ. Năm nay, mức lương giảm xuống còn 15–17 CNY mỗi giờ. Ở miền nam Trung Quốc, công việc nhà máy vẫn có sẵn, nhưng hầu hết nhân viên hiện là tạm thời, nhận lương hàng ngày, nhưng không có phúc lợi. Mức lương trung bình hàng tháng trước đây là 7.000 CNY nhưng hiện đã giảm xuống còn 5.000 CNY. Cắt giảm tiền lương và việc làm có thể thúc đẩy một vòng tuần hoàn ác tính của việc giảm nhu cầu, điều làm giảm việc làm, làm tăng thêm áp lực giảm phát.

Giảm phát đe dọa nền kinh tế Trung Quốc
Một giao dịch viên ngân hàng đếm các tờ CNY và USD tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/07/2005. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Nếu giá tiêu dùng bắt đầu giảm, Trung Quốc có thể trải qua giảm phát, trong đó mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ suy giảm một cách bền vững. Giảm phát nhẹ có vẻ được hoan nghênh sau vài năm giá cả tăng cao, nhưng khi người dân thấy tiền lương và giá cả giảm xuống, họ có xu hướng tích trữ tiền mặt. Việc giảm chi tiêu này sẽ làm cho sự phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Một số vấn đề khác

Một vấn đề khác là nợ hiện tại sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với tiền lương, dẫn đến phá sản và tịch thu tài sản. Bởi vì mọi người ngừng chi tiêu và đầu tư trong thời kỳ khó khăn, ĐCSTQ có thể quyết định cắt giảm lãi suất, nhưng chúng vốn đã ở mức thấp. Cắt giảm lãi suất hơn nữa có thể không đủ để khuyến khích mọi người đi vay. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể tung ra một gói kích thích giống như cách Mỹ và các chính phủ khác đã làm trong đại dịch. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ hiệu quả nếu mọi người sẵn sàng chi tiêu, điều mà họ có thể không làm.

Thời kỳ kinh tế khó khăn ở Trung Quốc đang kìm hãm giá trị của đồng CNY, ở mức 7,20, vốn vẫn cao hơn ngưỡng tâm lý là 7 CNY đổi 1 USD. Giảm phát ở Trung Quốc có thể là tin tốt cho Mỹ. Khi nhu cầu ở Trung Quốc giảm, giá hàng hóa toàn cầu có thể giảm, khiến ngành sản xuất của Mỹ có nhiều lợi nhuận hơn. Giá hàng hóa thấp và đồng CNY yếu sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc, giúp giảm giá tại Mỹ. Mặt khác, ĐCSTQ thường dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. Nếu điều đó xảy ra, giá hàng hóa toàn cầu sẽ tăng, trong khi nợ công của Trung Quốc sẽ tăng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Một công nhân nhập cư băng qua đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/03/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)



BÀI CHỌN LỌC

Mối lo giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc