Thước đo FDI của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đi cùng với mức độ niềm tin kinh doanh thấp kỷ lục của các doanh nghiệp Mỹ và những mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, thước đo FDI của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm kể từ khi số liệu được theo dõi.

Trung Quốc đã ghi nhận thâm hụt đầu tư nước ngoài hàng quý lần đầu tiên kể từ năm 1998. Điều này cho thấy rõ xu hướng các công ty nước ngoài rời khỏi quốc gia này như một biện pháp đối phó với những thách thức kinh tế và căng thẳng địa chính trị.

Theo dữ liệu sơ bộ do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 3/11, nợ đầu tư trực tiếp, thước đo hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã giảm 11,8 tỷ USD trong quý III. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm đầu tư nước ngoài kể từ năm 1998 khi cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu.

Dữ liệu chính thức mới nhất báo hiệu nhiều rắc rối hơn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang suy yếu trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục (đối với những người từ 16 đến 24 tuổi).

Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm FDI có liên quan đến bất lợi về lãi suất của Trung Quốc.

Goldman Sachs viết trong một ghi chú, theo Reuters: “Một số điểm yếu trong FDI vào Trung Quốc có thể là do các công ty đa quốc gia chuyển thu nhập về nước”. “Với lãi suất ở Trung Quốc ‘thấp hơn trong thời gian dài hơn’ trong khi lãi suất bên ngoài Trung Quốc ‘cao hơn trong thời gian dài hơn’, áp lực dòng vốn chảy ra ngoài có thể sẽ tiếp tục kéo dài”.

Một số chuyên gia tin rằng sự sụt giảm trong nợ đầu tư trực tiếp, chỉ số theo dõi các giao dịch tài chính của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài ở Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị với phương Tây.

Ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết chênh lệch lãi suất lớn bất thường “đã khiến các công ty chuyển lợi nhuận giữ lại của họ ra khỏi đất nước”, theo Reuters.

Mặc dù ông Evans-Pritchard thấy có rất ít bằng chứng cho thấy các công ty nước ngoài nhìn chung đang giảm sự hiện diện ở Trung Quốc, nhưng “chúng tôi thực sự nghĩ rằng, ít nhất trong trung hạn, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng sẽ cản trở khả năng thu hút FDI của Trung Quốc và thay vào đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thị trường mới nổi vốn thân thiện hơn với phương Tây".

Thước đo FDI của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm
Các tòa nhà dân cư và thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/8/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Mức độ niềm tin kinh doanh thấp lịch sử của doanh nghiệp Mỹ

Theo một cuộc khảo sát từ Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, 60% số người được hỏi cho rằng căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng là một thách thức nghiêm trọng ở Trung Quốc. AmCham cho biết trong báo cáo thường niên rằng môi trường đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

“Báo cáo cho thấy trong bối cảnh căng thẳng song phương Mỹ-Trung, sự gián đoạn do Covid và áp lực kinh tế vĩ mô, các công ty thành viên báo cáo kết quả kinh doanh tồi tệ hơn và triển vọng kém lạc quan hơn đối với Trung Quốc”.

Báo cáo cho biết: “Năm 2023 được cho là năm mà niềm tin và sự lạc quan của nhà đầu tư phục hồi trở lại sau nhiều năm gián đoạn và hạn chế do Covid”. “Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn chưa thành hiện thực và tâm lý kinh doanh tiếp tục xấu đi”.

Báo cáo cho thấy: “Bất chấp những hạn chế của thời đại COVID đã kết thúc, tỷ lệ các công ty tự mô tả mình là lạc quan hoặc hơi lạc quan vẫn đạt mức thấp kỷ lục là 52%”. Đó là mức độ niềm tin kinh doanh thấp nhất mà AmCham ghi nhận kể từ báo cáo đầu tiên của tổ chức vào năm 1999.

Tháng trước, một báo cáo từ Trung tâm Địa kinh tế Hội đồng Đại Tây Dương và Nhóm Rhodium, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc cần thực hiện cải cách cơ cấu một cách hiệu quả.

Báo cáo lưu ý: “Khó khăn kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang phải đối mặt hiện nay không phải do các yếu tố mang tính chu kỳ như Covid gây ra, mà do sự thất bại trong việc cải cách hệ thống kinh tế của đất nước”.

Báo cáo chỉ ra vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc là “khoảng cách cải cách cơ cấu dai dẳng”, dẫn đến “tụt hậu” so với các nền kinh tế tiên tiến “ở hầu hết các khía cạnh thị trường”.

Những mối lo ngại

Một số cuộc đột kích và bắt giữ hồi đầu năm nay đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng. Theo dữ liệu từ Goldman Sachs được Reuters trích dẫn, dòng vốn ngoại hối chảy ra của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng mạnh lên 75 tỷ USD, mức tăng hàng tháng đáng kể nhất kể từ năm 2016.

Những thách thức mà các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt còn vượt ra ngoài những lo ngại như trợ cấp của nhà nước cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Một loạt vấn đề mới, bao gồm “các khoản tiền phạt cắt cổ mà không có bất kỳ lời giải thích nào” và các cuộc điều tra nhằm vào các công ty Mỹ, đã được Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nhấn mạnh trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 khi nói chuyện với các quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc.

Điều khiến tình hình thêm phức tạp là luật chống gián điệp với những diễn đạt mơ hồ, có hiệu lực vào ngày 1/7. Luật này đã mở rộng phạm vi “hoạt động gián điệp” để bao gồm “tài liệu, dữ liệu, tư liệu hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia” mà không có xác định cụ thể những gì được xem là thuộc phạm vi an ninh quốc gia. Bà Raimondo cho biết việc sửa đổi luật là “không rõ ràng và gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng Mỹ”.

“Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng Trung Quốc là nơi không thể đầu tư vì nó trở nên quá rủi ro”, bà nói với các phóng viên trên chuyến tàu cao tốc đến Thượng Hải vào đêm 29/8.

Kể từ tháng 3, chính quyền Trung Quốc đã đột kích công ty thẩm định Mintz và công ty tư vấn Capvision, thẩm vấn nhân viên của Bain & Co. và điều tra nhà sản xuất chip Micron.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thước đo FDI của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm