Kết quả khảo sát: Nhà đầu tư quốc tế có tâm lý 'tránh Trung Quốc' giữa khủng hoảng bất động sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một cuộc thăm dò vào tháng 9 của Bank of America, cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế nước này, khiến nhiều nhà quản lý quỹ toàn cầu phải cảnh giác.

Cuộc thăm dò đã khảo sát 222 nhà quản lý quỹ toàn cầu với tổng lượng tài sản quản lý trị giá 616 tỷ USD và nhận thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho sự suy giảm hơn nữa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Bank of America cho biết tâm lý “tránh Trung Quốc” đã trở thành một trong những quan điểm chính của những người được khảo sát.

1/3 các nhà quản lý quỹ được khảo sát cho rằng bất động sản Trung Quốc là nguồn dễ xảy ra “biến cố tín dụng mang tính hệ thống” nhất, tăng gấp đôi tỷ lệ so với tháng trước.

Hơn 1/5 số người được hỏi cho biết việc bán khống cổ phiếu của Trung Quốc sẽ là vị thế phổ biến nhất trên thị trường tài chính.

Trong khi đó, không ai được khảo sát kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện trong 12 tháng tới.

Cuộc khảo sát phản ánh mối lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản đang tiếp tục gây ra sự bi quan không chỉ về sự ổn định kinh tế của Trung Quốc mà còn của thế giới, Nikkei đưa tin.

Hậu quả của các cuộc vỡ nợ trong ngành BĐS

Ông Li Hengqing, kiểm toán viên cấp cao và giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Thông tin có trụ sở tại Washington, đã nói chuyện với The Epoch Times về cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc.

Ông nói, các nhà đầu tư sẽ không lấy lại được tiền khi một doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, cả lãi và gốc.

Ông Li cho biết vào ngày 15/9: “Tiền của [Nhà đầu tư] sẽ không bao giờ được lấy lại”. “Một khi tình huống này xảy ra, hậu quả sẽ rất sâu rộng”.

Vỡ nợ và phá sản

Vào ngày 17/8, tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York và yêu cầu tòa án công nhận kế hoạch sắp xếp tái cơ cấu nợ nước ngoài của mình. Động thái này ngăn cản các chủ nợ nộp đơn kiện Evergrande ở Mỹ hoặc đóng băng tài sản của công ty này.

Kết quả khảo sát: Nhà đầu tư quốc tế lo ngại về kinh tế Trung Quốc giữa khủng hoảng bất động sản
Một khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 17/9/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tính đến ngày 1/9, 34 trong số 50 nhà phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu của Trung Quốc đã vỡ nợ ở nước ngoài. Một bài báo của Bloomberg cho biết, 16 công ty còn lại chưa vỡ nợ phải trả tổng cộng 1,48 tỷ USD tiền lãi hoặc gốc trái phiếu của họ vào tháng 9.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp bất động sản nhà nước, Sino-Ocean Group, vốn được niêm yết tại Hong Kong, đã đình chỉ việc thanh toán tất cả các khoản nợ ở nước ngoài. Công ty thông báo vào ngày 15/9 rằng 8 chứng khoán bằng USD ở nước ngoài của họ đã bị đình chỉ từ 9 giờ sáng và công ty sẽ tiến hành cải tổ tổng thể. 8 trái phiếu đó cộng lại có tổng trị giá khoảng 3,92 tỷ USD.

Tuyên bố của Tập đoàn Sino-Ocean thừa nhận ngành bất động sản và các nhà phát triển Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về thanh khoản và nguồn vốn kể từ nửa cuối năm 2021.

Ngành bất động sản đang sụp đổ

Theo ông Li, ngành bất động sản Trung Quốc đang sụp đổ và một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống đã thực sự nổ ra.

Ông nói: Một trong những đòn chí mạng đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là giá nhà đang giảm “ít nhất 5% đến 10% so với giá ban đầu và ở một số nơi, lên tới 30%”.

Lợi nhuận dự kiến không còn, cùng với hàng loạt khoản nợ và thanh toán cho dự án, vật tư, tiền lương của công nhân xây dựng, tất cả đè nặng lên toàn ngành bất động sản.

Sự suy giảm của ngành bất động sản Trung Quốc, theo ông Li, còn do dân số Trung Quốc giảm mạnh và sức tiêu thụ yếu do 3 năm áp dụng chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Kết quả khảo sát: Nhà đầu tư quốc tế lo ngại về kinh tế Trung Quốc giữa khủng hoảng bất động sản
Logo Evergrande được nhìn thấy trên các tòa nhà dân cư ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 18/8/2023. (Ảnh: Stringer/AFP qua Getty Images)

Giáo sư Xu Chenggang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thể chế Trung Quốc tại Đại học Stanford, cho biết sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là “không thể chữa khỏi” bất kể chính quyền Trung Quốc có áp dụng biện pháp khắc phục nào.

Ông Xu cho rằng nếu chính quyền Trung Quốc cố gắng vào cuộc và cứu thị trường bất động sản, động thái đó sẽ không hiệu quả.

Ông Xu nói với NTD TV tiếng Trung vào 12/9: “Nếu Chính phủ Trung Quốc bơm vốn vào các doanh nghiệp này hoặc miễn nợ, hoặc đóng băng thị trường ở mức độ đáng kể để giữ giá bất động sản không giảm thì sẽ chỉ dẫn đến một thị trường niêm yết giá mà không có giao dịch”.

Ông Xu nói: “Bởi vì không ai có thể mua được một căn nhà với mức giá đó, nên nếu không bán tài sản, các nhà phát triển không thể trả được nợ… Vì vậy, [ĐCSTQ] không có cách nào để cứu thị trường”.

Ông Xu cho biết, sự suy yếu của các ngành liên quan đến bất động sản – từng chiếm khoảng 25% đến 30% GDP của Trung Quốc – có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc.

Dựa trên dữ liệu năm ngoái, ông ước tính năm nay nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng bằng 0 hoặc âm.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kết quả khảo sát: Nhà đầu tư quốc tế có tâm lý 'tránh Trung Quốc' giữa khủng hoảng bất động sản