Khủng hoảng nợ BĐS Trung Quốc leo thang: Từ nhà phát triển tới công ty ủy thác đều lún sâu vào rắc rối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Country Garden không phải là cái tên đáng chú ý duy nhất không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một công ty ủy thác lớn với truyền thống tham gia vào lĩnh vực bất động sản cũng đã bỏ lỡ nghĩa vụ trả nợ.

Đây là lần đầu tiên nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc Country Garden tìm cách trì hoãn thanh toán trái phiếu tư nhân trong nước. Sự việc diễn ra sau khi ngay trước đó, nhà phát triển này đã bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu nước ngoài được niêm yết bằng đồng USD. Điều này là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng khan hiếm tiền mặt trong lĩnh vực bất động sản.

Như để gia tăng những lo lắng về rủi ro lây lan, một công ty ủy thác lớn của Trung Quốc với truyền thống tham gia và thị trường bất động sản, Zhongrong International Trust Co., đã bỏ lỡ nghĩa vụ trả nợ đối với một số sản phẩm đầu tư.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự gia tăng vỡ nợ của các công ty ủy thác, còn được gọi là ngân hàng ngầm sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc. Các tổ chức này có mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực bất động sản của đất nước này.

Lo lắng về rủi ro lây lan đang lan rộng khắp các thị trường toàn cầu.

Từng được coi là một nhà phát triển vững mạnh về mặt tài chính, những tai ương của Country Garden cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với người mua nhà và các công ty tài chính.

Lĩnh vực bất động sản đã phải chứng kiến doanh số sụt giảm, thanh khoản eo hẹp và hàng loạt nhà phát triển vỡ nợ kể từ cuối năm 2021, trong đó Tập đoàn China Evergrande là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ.

Nhu cầu ở nước ngoài yếu, tiêu dùng trong nước ảm đạm và các vấn đề dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản là những yếu tố chính khiến Trung Quốc phải vật lộn để phục hồi vững chắc sau COVID.

Trong một động thái giáng một đòn mới vào tâm lý nhà đầu tư, cuối tuần qua, hai công ty niêm yết của Trung Quốc cho biết họ chưa nhận được khoản thanh toán cho các sản phẩm đầu tư đáo hạn từ Zhongrong International Trust Co.

Các công ty ủy thác, hay ngân hàng ngầm, nằm ngoài các nguyên tắc điều phối ngân hàng, chuyển tiền thu được từ các sản phẩm tài chính của ngân hàng cho các nhà phát triển và các lĩnh vực khác, những đối tượng không thể khai thác trực tiếp nguồn vốn của ngân hàng.

Những lo ngại về sự ảnh hưởng quá mức từ các nhà phát triển đối với các ngân hàng ngầm Trung Quốc - một ngành công nghiệp trị giá 3 nghìn tỷ USD, gần bằng quy mô của nền kinh tế Anh - đã tăng lên trong năm qua khi lĩnh vực bất động sản chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.

JPMorgan trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ 2 (14/08) cho biết, tình trạng gia tăng vỡ nợ của các quỹ tín thác sẽ trực tiếp kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 0,3 đến 0,4% và họ dự đoán các thách thức tài chính bất động sản sẽ tạo ra "vòng tròn các tính".

“Ngoài những rủi ro tài chính rõ ràng và sự lan truyền của chúng, làn sóng vỡ nợ mới nhất từ ​​các công ty quản lý tài sản đối với các sản phẩm liên quan đến tín thác có khả năng gây ra một số tác động lan tỏa đáng kể cho nền kinh tế rộng lớn hơn thông qua các hiệu ứng của cải”, Nomura cho biết trong một lưu ý riêng. [Hiệu ứng của cải: người dân chi nhiều tiền hơn khi tài sản của họ tăng giá trị].

Khủng hoảng nợ BĐS Trung Quốc leo thang: Từ nhà phát triển tới công ty ủy thác đều lún sâu vào rắc rối
Biển hiệu của nhà phát triển Country Garden Holdings của Trung Quốc tại một khu nhà ở ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam miền trung của Trung Quốc, vào ngày 14/08/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

'Thời khắc then chốt'

Trong các hồ sơ riêng biệt được gửi đi vào cuối tuần trước, Country Garden cho biết họ sẽ tạm dừng giao dịch 11 trái phiếu trong nước từ thứ 2, một động thái mà các nhà giao dịch cho biết thường báo hiệu kế hoạch tìm cách gia hạn trả nợ.

Theo tính toán của Reuters, chỉ riêng trong tháng 9, Country Garden có thể cần phải hoàn trả hơn 9 tỷ CNY (nhân dân tệ) (1,25 tỷ USD) trái phiếu trong nước.

Việc đình chỉ giao dịch trái phiếu trong nước theo sau một báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc Yicai vào thứ 6 (11/08) rằng công ty đang hướng tới tái cơ cấu nợ, sau khi không thanh toán hai phiếu trái phiếu USD đáo hạn vào ngày 06/08 với tổng trị giá 22,5 triệu USD.

Những tai ương của Country Garden đang làm tăng thêm mối lo ngại về rủi ro lan tỏa trên thị trường bất động sản vốn đang phải vật lộn với nhu cầu yếu của người mua.

Ông Dickie Wong, giám đốc điều hành của Kingston Securities, cho biết: “Các vấn đề trong lĩnh vực này đã âm ỉ từ lâu, nó xóa sạch hiệu ứng của cải giữa các nhà đầu tư và không ai muốn mua bất động sản lúc này”.

Ông Wong cho biết tác động của lĩnh vực này đối với nền kinh tế đã đạt đến "thời điểm then chốt" và các cơ quan quản lý nên thực hiện nhiều chính sách hơn bao gồm cắt giảm thêm lãi suất và tỷ lệ dự trữ.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý II khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, khiến các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của họ trong năm.

Trong một hồ sơ gửi đi vào Chủ Nhật (13/08), công ty bất động sản China Jinmao thuộc sở hữu nhà nước cho biết họ dự kiến ​​sẽ ghi nhận sự sụt giảm 80% lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay, do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm ở một số dự án và sự sụt giảm doanh thu phát triển đất.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng nợ BĐS Trung Quốc leo thang: Từ nhà phát triển tới công ty ủy thác đều lún sâu vào rắc rối