Lời giải đáp cho câu hỏi liệu Trung Quốc có sớm rơi vào khủng hoảng tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với những tin tức kinh tế bi quan và nguy cơ phá sản của các nhà phát triển bất động sản, các câu hỏi về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đang thu hút được sự quan tâm. Do sự gay gắt của các mối lo ngại về bất động sản và ngân hàng, câu hỏi rõ ràng nhất là: Liệu Trung Quốc có rơi vào khủng hoảng tài chính không?

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các học giả và nhà phân tích đã bị ám ảnh bởi khủng hoảng. Một loại rối loạn căng thẳng hậu chấn thương dường như đang khiến mọi chuyên gia tài chính tự phong phải bận tâm với việc dự đoán về sự sụp đổ tiếp theo.

Thực sự là tồn tại những điểm tương đồng giữa Mỹ năm 2008 và Trung Quốc năm 2023. Người tiêu dùng đã vay nhiều tiền do giá trị nhà tăng nhanh khi các ngân hàng cho các hộ gia đình và nhà phát triển vay quá mức mà không tính đến các loại rủi ro. Những người khác đã đưa ra một so sánh khác với quá trình Nhật Bản hóa nền kinh tế Trung Quốc (việc Trung Quốc đi theo con đường của thập kỷ mất mát ở Nhật). Giá bất động sản cao, cùng với dân số già đi nhanh chóng và nền kinh tế chịu ảnh hưởng của nhà nước, dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài. Mỗi bức tranh đều có những điểm tương đồng và khác biệt.

Trước khi cố gắng trả lời câu hỏi về khủng hoảng kinh tế, chúng ta hãy lùi lại một bước và hỏi chính xác điều gì tạo nên một cuộc khủng hoảng hay đợt tăng trưởng kinh tế liên tục. Đối với nhiều nhà quan sát, những câu hỏi này có vẻ hiển nhiên nhưng khi đối chiếu với thực tế, sự đánh giá lại trở nên khó khăn hơn. Liệu sự phá sản của một ngân hàng lớn của Trung Quốc có tạo thành một cuộc khủng hoảng? Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc đơn phương phá giá đồng nhân dân tệ 50%? Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục mở rộng bằng cách xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và nhà ở không được sử dụng? Chúng ta phải chống lại sự cám dỗ của việc yêu cầu lịch sử lặp lại nhưng cần cho phép nó có vần điệu để hiểu được một nền kinh tế độc đáo với những áp lực và mục tiêu mới.

Việc so sánh các sự kiện kinh tế đã không xem xét đến các biến số chính. Ví dụ, không giống như Mỹ, Nhật Bản hoặc các quốc gia khác, chúng ta có thể cho rằng Trung Quốc không phải là một nền dân chủ. Năm 2008, cử tri Mỹ đã chọn Barack Obama và tiếp tục tiến lên phía trước, và các quốc gia khác từ Nhật Bản đến Tây Ban Nha, khi đối mặt với các vấn đề kinh tế sâu sắc, đã bỏ phiếu bầu ra đại diện mới ở nhiều thời điểm khác nhau. Trung Quốc không có lựa chọn đó. Không chỉ như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn đặt cược khả năng cầm quyền của mình vào việc mang lại kết quả tích cực cho người dân.

Khả năng ngăn chặn khủng hoảng của Bắc Kinh

Tuy nhiên, chúng ta nên hết sức thận trọng khi đi đến kết luận rằng bất kỳ sự chậm lại hoặc sự kiện đặc biệt nào cũng sẽ dẫn đến khủng hoảng. ĐCSTQ, biết rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào cũng có thể dẫn đến một sự kiện toàn cầu tầm cỡ thế kỷ, muốn đảm bảo không có cuộc khủng hoảng nào. Mối đe dọa thực sự về cái chết hoặc án tù có khả năng kỳ lạ trong việc tập trung tâm trí của các nhà quản lý và cán bộ nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

Lời giải đáp cho câu hỏi liệu Trung Quốc có sớm rơi vào khủng hoảng tài chính
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân tại một doanh trại ở Hong Kong vào ngày 30/6/2017. (Ảnh: Dale De La Rey/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc có nguồn lực to lớn có thể giúp nước này ngăn chặn khủng hoảng. Từ việc kiểm soát cực kỳ chặt chẽ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức như phương tiện truyền thông và cơ quan quản lý cho đến việc thu thập dữ liệu không rõ ràng sẽ giúp họ che giấu các vấn đề, Bắc Kinh có sẵn nhiều công cụ để đẩy lùi làn sóng khủng hoảng tài chính hơn có lẽ là bất kỳ chính phủ nào khác trong lịch sử. Điều này không hề đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng sẽ không xảy ra, nhưng nó cải thiện đáng kể khả năng ngăn chặn khủng hoảng của ĐCSTQ.

Duy trì tăng trưởng một cách không lành mạnh

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thận trọng khi cho rằng điều này hàm ý rằng Bắc Kinh sở hữu kiến thức hoặc mục tiêu để tạo điều kiện cho một nền kinh tế hoạt động lành mạnh, thúc đẩy loại hình tăng trưởng có thể cải thiện phúc lợi. ĐCSTQ tiếp tục ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước và các mục tiêu của nhà nước thay vì cơ sở doanh nghiệp tư nhân lành mạnh và phúc lợi người tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai và việc tránh khủng hoảng.

Mặc dù nhiều người coi mức tiêu dùng hộ gia đình thấp là một sai lầm về chính sách, nhưng trên thực tế, đây lại là trọng tâm của chính sách kinh tế Trung Quốc. Bằng cách giữ các phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế và trợ cấp thất nghiệp ở mức rất thấp, các hộ gia đình Trung Quốc tích cực thực hiện tiết kiệm. Những khoản tiết kiệm đó được tái huy động thông qua việc mua bất động sản với mức thuế ngầm lớn chảy vào kho bạc chính phủ hoặc được gửi vào các ngân hàng nhà nước lớn để tài trợ cho các ưu tiên của chính phủ về cơ sở hạ tầng và phát triển quốc gia. Đầu tư do nhà nước chỉ đạo không mang lại lợi nhuận thì cần phải có các khoản trợ cấp liên tục dưới nhiều hình thức khác nhau đến từ các hộ gia đình vốn đang chật vật quản lý tài chính.

Thực tế là Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng và tránh phải đối phó với căn bệnh ung thư tài chính của mình trong nhiều năm tới. Về cốt lõi, tăng trưởng GDP là thước đo hoạt động và không có nghĩa là nó cần phải mang lại hiệu quả hoặc mang lại lợi ích cho người lao động hoặc nhà đầu tư. Để mượn một ví dụ trong sách giáo khoa kinh tế, một nền kinh tế có thể tính đến tiền công lao động để đào một cái hố và sau đó yêu cầu người đào hố trả tiền cho người khác để lấp hố. Về mặt lý thuyết, hai công nhân này có thể trả tiền cho nhau để đào và lấp hố, giúp GDP tăng trưởng nhanh chóng ngay cả khi cả hai đều không giàu hơn hoặc có năng suất cao hơn.

Theo một số nghiên cứu, kể từ khoảng năm 2005–2008, năng suất của Trung Quốc - thước đo cơ bản về sức khỏe kinh tế dài hạn và việc tăng lương – đã ở mức yếu hoặc thậm chí là âm. Trung Quốc đang đào và lấp đầy các hố ở quy mô lớn trên thực tế bằng cách xây dựng nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng đến mức họ sẽ không bao giờ kiếm được tỷ lệ lợi nhuận cần thiết.

Bằng cách tiếp tục đóng cửa nền kinh tế, bài trừ nhập khẩu trong khi vẫn duy trì thặng dư thương mại lớn bằng USD, thứ dự kiến sẽ chiếm khoảng 10 - 12% thu nhập hộ gia đình vào năm 2023, Trung Quốc có thể trì hoãn việc đối mặt với các vấn đề nhưng vẫn duy trì tăng trưởng dựa vào cơ sở hạ tầng và con số việc làm đủ cao để tránh sự sụp đổ trong một thời gian. Điều này không có nghĩa là nước này sẽ tăng trưởng lành mạnh, giải quyết các điểm yếu tài chính tiềm ẩn hoặc đưa ra các chính sách nhằm cải thiện năng suất cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là ĐCSTQ sẽ giữ cho nền kinh tế đủ mạnh để tránh việc xuất hiện các sự kiện lớn và duy trì quyền lực.

Người ta đồn rằng trong một chuyến đi đến Trung Quốc, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman đã được cho xem một thung lũng có công nhân Trung Quốc đang xây đập bằng xẻng. Người dẫn đường thuộc chính phủ đã tự hào nhận xét về tất cả các việc làm mà Bắc Kinh đã tạo ra, và ông Friedman nhận xét: “Nếu bạn muốn việc làm, hãy đưa cho họ thìa thay vì xẻng”. Trung Quốc có xẻng, máy xúc và trí tuệ nhân tạo vào năm 2023. Thật không may, những chiếc máy đào đó đang bận rộn xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc những ngôi nhà sẽ không được sử dụng và trí tuệ nhân tạo đang được dùng để giám sát thời gian công nhân đọc "Tư tưởng Tập Cận Bình" trên một ứng dụng thay vì tham gia vào một hoạt động nhằm nâng cao năng suất.

Đừng mong đợi một cuộc khủng hoảng sớm xảy ra ở Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng không nên mong đợi sự tăng trưởng có thể cải thiện phúc lợi. ĐCSTQ có thể ngăn chặn khủng hoảng và duy trì mức tăng trưởng đủ tốt bằng cách thắt chặt kiểm soát hơn nữa. Hãy mong đợi nhiều hơn những điều hiện có nhưng tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Lời giải đáp cho câu hỏi liệu Trung Quốc có sớm rơi vào khủng hoảng tài chính