Muốn bắt chước Trung Quốc? Hãy nhìn lại ví dụ về Nhật Bản!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những người Mỹ cách đây không lâu đã muốn Mỹ áp dụng một số chính sách kinh tế tập trung hoá từ trên xuống của Trung Quốc. Họ có nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng hiện nay của Trung Quốc không? Dĩ nhiên là không. Những người có tư tưởng bi quan này đã từng mắc phải những sai lầm tương tự trước đây.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn hậu COVID-19. Tăng trưởng chậm hơn dự kiến, xu hướng nhân khẩu học tiêu cực, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao, hoạt động xây dựng quá mức đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhà ở và nợ nần của chính phủ đang phình to. Đây chỉ là một vài trong số các triệu chứng tệ hại, và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Có những người Mỹ cách đây không lâu đã muốn áp dụng một số chính sách kinh tế tập trung hoá từ trên xuống của Trung Quốc. Họ có nhìn thấy trước tình trạng hiện nay không? Dĩ nhiên là không. Những người có tư tưởng bi quan này đã từng mắc phải những sai lầm tương tự trước đây.

Thật vậy, câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc của Nhật Bản đã thống trị luồng tin tức về kinh tế vào cuối thế kỷ 20. Chỉ vài thập kỷ trước, nhiều người trong các lĩnh vực học thuật và hoạch định chính sách đã đưa ra những dự đoán tương tự về cách mà sự hồi sinh sau chiến tranh của Nhật Bản sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Mỹ. Nhiều người cũng ủng hộ việc thay thế các chính sách thị trường tự do của Mỹ bằng các can thiệp kinh tế nặng tay. Họ tự tin rằng bí kíp của Nhật Bản để tạo ra tăng trưởng nhanh chóng chính là chính sách công nghiệp.

Chúng ta nên luôn luôn giữ thái độ hoài nghi về những giải thích dựa trên 1 yếu tố đơn lẻ duy nhất đối với một hiện tượng cực kỳ phức tạp như tăng trưởng kinh tế. Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) một thời nổi tiếng của Nhật Bản, cơ quan phụ trách chính sách công nghiệp, chỉ là một trong hàng triệu đối tượng ra quyết định lớn và nhỏ đã hoạt động, sản xuất và đầu tư tại Nhật Bản. Trong khi MITI thực sự tham gia vào các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế Nhật Bản, tập trung vào việc củng cố cơ sở công nghiệp của đất nước và tăng xuất khẩu, thì lời tuyên bố rằng nó đã tạo nên sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản hoàn toàn là sự phóng đại.

Thật vậy, một đối tượng đóng góp nhiều hơn nhiều cho thành công kinh tế của Nhật Bản là sự tự do kinh tế giữa những năm 1950 và 1970. Nhà kinh tế Đại học Texas Tech Benjamin Powell lưu ý rằng vào năm 1970, Nhật Bản là nền kinh tế xếp thứ 7 về tự do trên thế giới.

Sự suy giảm của chủ nghĩa thân hữu sau chiến tranh, việc thiếu vắng các hạn chế chống độc quyền đối với nghiên cứu và phát triển chung, và quyền tự do của các ngân hàng để sở hữu cổ phiếu là những ví dụ về các yếu tố đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng sau chiến tranh ấn tượng của Nhật Bản. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ thêm bởi cả xu hướng tiết kiệm trong văn hóa Nhật Bản và bởi các chính sách thuế ủng hộ tiết kiệm.

Môi trường tổng thể của Nhật Bản với mức thuế thấp và tự do kinh tế giữa những năm 1950 và 1970, cùng với tính tiết kiệm cao của Nhật Bản, đã thúc đẩy sự bùng nổ hợp lý trong đầu tư của khu vực tư nhân. Ông David Henderson từ Tổ chức Hoover chỉ ra rằng tổng đầu tư tư nhân tăng từ khoảng 17% GNP của Nhật Bản vào đầu những năm 1950 lên 30% vào đầu những năm 1970. Những con số này lấn át quy mô của bất kỳ khoản đầu tư nào của chính phủ vào nền kinh tế trong giai đoạn đó.

Hơn nữa, một số câu chuyện thành công quan trọng nhất của Nhật Bản xuất hiện trong các lĩnh vực không phải là trọng tâm chính của MITI. Một trong những ví dụ đáng chú ý là ngành công nghiệp ô tô. Các công ty như Toyota và Honda đã trở nên nổi bật trên toàn cầu bằng cách tinh chỉnh các quy trình sản xuất của họ, chẳng hạn như hệ thống sản xuất Toyota nổi tiếng. Những đổi mới này được thúc đẩy bởi chính các công ty, không phải bởi các chỉ thị từ MITI.

Trên thực tế, MITI đã từng cố gắng củng cố ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, tin rằng sẽ khiến hoạt động sản xuất trở nên hiệu quả hơn. May mắn thay, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp đã chống lại. Nếu họ không làm như vậy, chúng ta có thể không thể chứng kiến sự nổi lên trên phạm vi toàn cầu của các thương hiệu như Honda. Và may mắn thay cho Nhật Bản, MITI đã cố gắng nhưng không thể ngăn Sony mua quyền sản xuất từ Western Electric để phát triển đài bán dẫn. Phần còn lại là lịch sử.

Mặc dù một số ngành công nghiệp do MITI thúc đẩy ngày nay tạo ra lợi nhuận, nhưng đây không phải là bằng chứng cho thấy các ngành này sẽ không có lợi nhuận nếu không có khoản đầu tư ban đầu của chính phủ. Tương tự, việc chính phủ Nhật Bản thúc đẩy phân bổ lại các nguồn lực từ ngành nông nghiệp không hiệu quả vào sản xuất có thể đã đóng một số vai trò trong tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng có một giới hạn cho những thành tự của những chính sách này.

Khi Nhật Bản biến nền kinh tế của mình thành một nhà máy xuất khẩu, nó đã không thể trở thành một nền kinh tế dựa nhiều vào đổi mới hơn, phần lớn do các rào cản của chính phủ.

Chính phủ Nhật Bản cuối cùng đã cố gắng che giấu sự nghèo nàn này với các hạn chế nhập khẩu chặt chẽ hơn, chi tiêu của chính phủ nhiều hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Nhưng thật vô ích, bằng chứng là sự suy giảm kinh tế đau đớn. Đất nước bước vào những năm 1990, ngày nay được biết đến với cái tên là “thập kỷ mất mát", và giai đoạn này là một ví dụ về sự điều phối sai lầm của chính phủ.

Một cái gì đó tương tự đang xảy ra bây giờ ở Trung Quốc, với mức độ còn cực đoan hơn. Nhật Bản không có một chính phủ độc tài độc đoán để tạo ra những vấn đề lớn thậm chí còn lớn hơn. Câu hỏi duy nhất còn lại là: Tại sao người Mỹ dường như luôn tin vào những người nói rằng chính sách công nghiệp chứ không phải tự do kinh tế mới là con đường dẫn đến sự thịnh vượng?

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Veronique de Rugy là một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason. Bà đã làm chứng rất nhiều lần trước Quốc hội về tác động của kích thích tài khóa, nợ nần, thâm hụt và các quy định đối với nền kinh tế. Trước đây, bà De Rugy là thành viên thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một nhà phân tích chính sách tại Viện Cato, và là thành viên nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu kinh tế Atlas.



BÀI CHỌN LỌC

Muốn bắt chước Trung Quốc? Hãy nhìn lại ví dụ về Nhật Bản!