Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc là không đơn giản, và đã tồn tại từ trước khi có đại dịch. Trong khi đó, ngay cả số liệu thất nghiệp cao chót vót trong thanh niên cũng không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tốt nghiệp, nhiều sinh viên đại học ở Trung Quốc vẫn đang chật vật tìm việc làm.

Tại một hội thảo trực tuyến phát trực tiếp miễn phí của một công ty đào tạo người tìm việc vào giữa tháng 6, nhiều người trong số 800 người tham gia - chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp năm 2023 và 2022 chưa có việc - đã để lại những bình luận háo hức nhằm xin các mẫu CV miễn phí.

Người dẫn chương trình nói với những người tham dự: “Nhiều thực tập sinh của tôi nói với tôi rằng họ sống với cha mẹ, những người luôn mắng mỏ họ vì đã không cố gắng hết sức để kiếm được việc làm".

“Tôi có thể nói với họ [cha mẹ]: tìm việc làm trong năm nay là một thách thức. Đó là vấn đề của thị trường; không phải vấn đề của bạn”, người dẫn chương trình nói thêm. “Gửi hội thảo trực tuyến của tôi tới bố mẹ bạn sẽ giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng”.

Căng thẳng, lo lắng chắc chắn là tâm trạng phổ biến của những người tham dự hội thảo trực tuyến được tổ chức trên một ứng dụng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. Chúng được thể hiện qua các biểu tượng cảm xúc và nhận xét trong phần bình luận. Các con số vĩ mô cũng thể hiện bức tranh tương tự.

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của thanh niên Trung Quốc lần lượt là 20,8 và 20,4% trong tháng 5 và tháng 4, gấp khoảng bốn lần tỷ lệ thất nghiệp chung là 5,2%. Nó cũng gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc ngay trước khi các biện pháp chống đại dịch được áp dụng.

Tỷ lệ này có nghĩa là cứ 5 thanh niên từ 16 đến 24 tuổi tìm việc ở khu vực thành thị thì có 1 người không có việc làm. Và tỷ lệ này không bao gồm những người không tìm kiếm việc làm: 2/3 trong số 100 triệu dân thành thị trẻ của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng này đã khiến chính quyền Trung Quốc vào tháng 4 công bố một loạt chính sách khuyến khích có hiệu lực vào cuối năm 2023. Chúng bao gồm các trợ cấp để mở rộng việc tuyển dụng của các doanh nghiệp nhà nước (SOE), việc khuyến khích các tổ chức tài chính tăng tuyển dụng và phát hành khoản vay kinh doanh, cung cấp đào tạo nghề nhiều hơn và tạo ra không ít hơn một triệu vị trí thực tập.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dự kiến sẽ cao hơn trong vài tháng tới, theo ước tính vào tháng 5 của Goldman Sachs.

Vào ngày 18/06, ngân hàng đầu tư này cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc từ 6 xuống 5,4%, viện dẫn các vấn đề kinh tế vĩ mô - lĩnh vực bất động sản, vấn đề nợ và căng thẳng Mỹ - Trung. Các vấn đề này khó có khả năng được giải quyết bằng gói kích thích của Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa tháng 6, sau khi các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động. Việc Goldman hạ bậc xếp hạng theo sau những đánh giá tương tự của một loạt ngân hàng lớn, bao gồm UBS, Bank of America và JPMorgan. Các tổ chức này cũng đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'
Một người đàn ông làm việc tại công trường xây dựng một tòa nhà chọc trời ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 29/11/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Một vấn đề tồn tại từ trước đại dịch

Theo ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên ngày nay là một biểu hiện sau nhiều năm tăng trưởng đầy tham vọng trên giấy tờ được hỗ trợ bởi một nền kinh tế nợ nần chồng chất.

Ông nói, vấn đề này xảy ra trước đại dịch và đã hình thành được 15 năm.

“Tôi không nghĩ rằng đóng góp của đại dịch vào việc này là bằng không. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nó chiếm phần đa số”, ông Balding nói với The Epoch Times. “Đại dịch có thể làm cho nó tồi tệ hơn một chút, nhưng những vấn đề này sẽ tồn tại dù có hay không có đại dịch”.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích tài chính trị giá 4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (586 tỷ USD vào thời điểm đó), tương đương 12,5% GDP năm 2008, theo Ngân hàng Thế giới. Để so sánh, gói kích thích của Mỹ là 939 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2010 và chiếm khoảng 6% GDP năm 2008 của nước này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất hơn 2% xuống còn 5,31% vào tháng 12/2008.

Ông Balding nói rằng, Trung Quốc đã đi trên con đường thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao giả tạo sau năm 2008. Nước này tập trung phát triển cơ sở hạ tầng bất kể nhu cầu. Đồng thời, chính quyền, các công ty và gia đình Trung Quốc đã tích lũy những khoản nợ chồng chất.

Nợ cốt lõi của Trung Quốc - tín dụng cho khu vực phi tài chính - gần gấp ba lần GDP của nước này, so với tỷ lệ của Mỹ là 2,5 và của các nền kinh tế thị trường mới nổi ở mức trung bình là 2,2, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, được biết đến là Ngân hàng Trung ương của các Ngân hàng Trung ương.

Vào ngày 17/06, Cục quản lý thị trường nhà nước của Trung Quốc đã ban hành một quy định mới để “khôi phục tín dụng cho các thực thể kinh doanh”.

Ông Balding nói: “Về cơ bản, nó khuyên các ngân hàng giúp các công ty cải thiện tín dụng cho họ, bỏ qua các khoản thanh toán bị lỡ của các công ty, v.v. “Việc họ đưa ra loại lời khuyên đó cho các tổ chức tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý, nói lên chiều sâu của vấn đề liên quan đến nợ”.

“Và nếu bạn là một công ty đang nợ nần chồng chất, thì việc gánh thêm nợ hoặc thuê thêm lao động là một vấn đề rất lớn”, ông nói thêm, đề cập đến các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm kích thích tuyển dụng.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Trung Quốc tăng đều đặn từ 17,9% vào tháng 12/2008 lên 63,3% vào tháng 03/2023, so với 65,7% ở Mỹ. Đáng chú ý hơn, nợ hộ gia đình Trung Quốc tính theo phần trăm thu nhập khả dụng đã lên tới 130% vào cuối năm 2020, cao hơn cả mức 100% của Mỹ trong cùng năm.

Theo quan điểm của ông Balding, tăng trưởng dựa vào phía cung của Trung Quốc đã chạm ngưỡng và về mặt lý thuyết có thể được giải quyết bằng cách kích thích nhu cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng việc thúc đẩy nhu cầu là không thực tế vì ĐCSTQ không thể thực hiện những gì cần thiết - trao quyền cho người tiêu dùng và trao cho các cá nhân quyền tự do lựa chọn.

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều khả năng hoặc rất nhiều hy vọng cho Trung Quốc, nhưng nó chắc chắn đòi hỏi phải dỡ bỏ các chính sách ở Trung Quốc, những thứ sẽ không bị dỡ bỏ”, ông nói, ám chỉ các hạn chế về di cư giữa các tỉnh và các hạn chế quản lý nông thôn mới nhất đối với sử dụng đất canh tác.

Ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, cho biết chế độ này thường đối phó với khó khăn kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng cách tiếp cận đó có thể không hiệu quả lần này.

“Tất cả các cơ sở hạ tầng hợp lý đã được xây dựng ở Trung Quốc; chúng ta đang ở thời điểm mà tất cả các cảng lớn, các thành phố, mọi thứ đều được kết nối. Vì vậy, khi họ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng tại thời điểm này, nó thực sự chỉ tạo ra thêm việc”, ông nói với The Epoch Times.

“Bạn chỉ đang tạo ra việc làm, trả tiền cho nó từ nguồn thu công và nó không nhất thiết mang lại bất kỳ loại lợi thế GDP đáng kể nào”.

Ông nói, nước này không còn các loại dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải để thúc đẩy tăng trưởng GDP trở lại. “Tôi nghĩ Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất mà họ có thể thấy”, ông Graceffo nói thêm.

Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'
Cảnh sát bán quân sự tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/07/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Toàn bộ câu chuyện

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chính thức của Trung Quốc có thể không thể hiện được toàn bộ câu chuyện.

Những người tìm việc trong độ tuổi từ 16 đến 24 bao gồm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông từ các vùng nông thôn tìm kiếm việc làm ở thành thị và sinh viên thành phố có bằng đại học.

Một giáo sư tại một trường đại học tư thục ở Quảng Châu, một thành phố lớn ở vùng ven biển giàu có phía nam của Trung Quốc, tin rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức 20% - cao tới 80%. Bà giáo sư đã trao đổi với The Epoch Times với điều kiện The Epoch Times phải giấu tên, trường đại học và lĩnh vực chuyên môn của bà để né tránh việc bị ĐCSTQ theo dõi.

Chỉ có hai trong số 350 sinh viên tốt nghiệp trong khoa của bà năm nay tìm được việc làm. Với ngày tốt nghiệp 28/06, sinh viên phải cung cấp thông tin việc làm để nhận bằng tốt nghiệp.

Bằng chứng chính thức cho việc làm là “thỏa thuận ba bên”, nhưng các trường cũng chấp nhận bất kỳ hình thức hợp đồng lao động nào. “Thỏa thuận ba bên” được ký kết giữa sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà trường để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan nhân sự chính quyền địa phương.

“Sinh viên không được cấp bằng tốt nghiệp nếu họ không cung cấp giấy tờ việc làm. Quy tắc này được mọi người hiểu nhưng không được viết ra”, vị giáo sư nói với The Epoch Times. Bà đồng thời cho biết thêm rằng, nếu một sinh viên thách thức quy tắc này với nhà trường hoặc sở giáo dục của thành phố, thì nhà trường sẽ giữ lại bằng tốt nghiệp với lý do không đủ tín chỉ thực tập.

Kết quả là, sinh viên giả mạo việc làm theo nhiều cách khác nhau, theo giáo sư. Bà nêu ví dụ về một người bạn có con trai đã không đi làm trong ba năm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn đang “làm việc” trên giấy tờ.

Ở Trung Quốc, các trường công lập có chất lượng học thuật cao hơn các trường tư thục và thu học phí thấp hơn. Họ là nguồn tuyển dụng phổ biến cho các SOE và họ có những cách sáng tạo để tăng tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Vị giáo sư trên trước đây đã giảng dạy tại một trường đại học công lập. Bà nói rằng, các tổ chức công lập thực hiện một phương pháp được gọi là “quá giang” để lách các quy tắc. Ví dụ: nếu một SOE có chỉ tiêu tuyển dụng hai người mới cho một trường đại học, trường đó sẽ cung cấp cho SOE một danh sách gồm 12 tên sinh viên khác để ký kết thỏa thuận 3 bên theo cách gian lận. Bằng cách này, báo cáo "chất lượng giáo dục" của trường đại học trông đẹp đẽ hơn, và tỷ lệ thất nghiệp của trường trên giấy tờ cũng là thấp hơn.

Vì các thỏa thuận ba bên không phải là hợp đồng lao động thực sự, nên việc ký các giấy tờ “quá giang” như vậy không dẫn đến việc làm trên thực tế.

Năm ngoái, vị giáo sư bắt đầu nghe về những khó khăn về việc làm từ các sinh viên của mình, một vấn đề trở nên nổi bật hơn trong năm nay. Tại Quảng Châu, hầu hết sinh viên tìm được việc làm trong các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tư nhân Trung Quốc; rất ít người đến các doanh nghiệp nhà nước, nơi các mối quan hệ gia đình của sinh viên là điều cần thiết để có được việc làm. Tuy nhiên, khả năng có việc làm ở các công ty nước ngoài và tư nhân đã giảm đáng kể do đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và sự đàn áp của chính quyền đối với khu vực tư nhân.

Lo lắng và vỡ mộng

Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Geneva, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu vào năm 2022 là khoảng 14% và thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có nguy cơ thất nghiệp cao gấp ba lần so với người trưởng thành.

Để so sánh, tỷ lệ hơn 20% của Trung Quốc gấp khoảng bốn lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đó là “thực sự là một vấn đề nghiêm trọng”, bà Jean Yeung, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với The Epoch Times.

Bà ấy cũng ước tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trên thực tế cao hơn 20% khi tính đến những người bán thất nghiệp - những người phải làm công việc bán thời gian vì họ không thể tìm được việc làm toàn thời gian hoặc ổn định như những người lao động có trình độ cao.

“Nhìn chung, chắc chắn có sự gia tăng lo lắng, thất vọng và nghi ngờ về những gì sắp xảy ra trong tương lai”, bà Yeung nói về tâm lý của giới trẻ.

Bà ấy nói thêm rằng, khó khăn khi kiếm được công việc đầu tiên, được coi là dấu hiệu đánh dấu quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành của một thanh niên, có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi tiếp theo của họ sang hôn nhân và làm cha mẹ.

Một nghiên cứu của Đại học Stanford vào năm 2019 cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đại học trong thời kỳ suy thoái kiếm được ít tiền hơn trong 10 đến 15 năm so với những sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ thuận lợi. Những sinh viên tốt nghiệp đại học kém may mắn cũng ít có khả năng kết hôn và làm cha mẹ hơn.

Ông Graceffo cảnh báo rằng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao có thể dẫn đến “sự vỡ mộng” đối với ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Ông Graceffo nói, theo một cách nào đó, những người trẻ tuổi thực sự là những người quan trọng nhất trong việc duy trì một hệ thống chính trị như ĐCSTQ. ĐCSTQ kiểm soát giáo dục vì họ muốn bọn trẻ thấm nhuần chính sách của ĐCSTQ và yêu ĐCSTQ.

“Những đứa trẻ này không có anh chị em; họ không có ai khác để nương tựa ngoại trừ cha mẹ và ĐCSTQ”, ông nói thêm.

Ông nói, một số thanh niên ở Trung Quốc đã chuyển sang “nằm ngửa”. Đó là một phong trào phản văn hóa, trong đó những người trẻ tuổi từ bỏ việc theo đuổi của cải vật chất như một phản ứng đối với việc bị thu hẹp cơ hội và điều kiện làm việc khắc nghiệt.

'Cung tăng gặp cầu yếu'

Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'
Một người tìm việc nói chuyện với một nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng cao hơn so với tổng dân số trong thời kỳ khó khăn do thanh niên thiếu kinh nghiệm làm việc, bà Yeung đã tóm tắt tình hình của Trung Quốc là “cung tăng gặp cầu yếu”.

Từ năm 1999, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách mở rộng trường đại học để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế sử dụng nhiều lao động sang sử dụng công nghệ và tri thức. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Khoảng 1 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2000. Con số đó tăng gấp 10 lần lên 10 triệu vào năm 2022, đánh dấu mức tăng trưởng 18% từ năm 2021.

Vấn đề gia tăng nguồn cung sinh viên tốt nghiệp đã trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu về người lao động suy yếu. Đây là một vấn đề được thúc đẩy một phần bởi các biện pháp phong tỏa do đại dịch của ĐCSTQ và các chính sách không liên quan đến đại dịch.

Dữ liệu từ tháng 5 cho thấy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ suy yếu trong bối cảnh nhu cầu trì trệ.

Trong khi đó, sự đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân đã dẫn đến tình trạng cắt giảm hàng loạt lao động trong các ngành công nghệ, bất động sản và dạy thêm, những lĩnh vực thường thuê nhiều sinh viên mới tốt nghiệp.

Thay vào đó, những sinh viên gặp khó khăn đã chuyển sang học sau đại học. Lần đầu tiên ở Bắc Kinh, lượng sinh viên tốt nghiệp chương trình sau đại học được dự đoán sẽ vượt qua sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân trong năm nay.

Theo Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp bậc cao là khoảng 110.000 vào năm ngoái, ít hơn 40.000 so với những sinh viên tốt nghiệp với bằng cử nhân hoặc bằng cao đẳng. Nhưng năm nay, sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp bậc cao sẽ đạt 160.000, nhiều hơn 1.000 so với sinh viên có bằng đại học.

Theo bà Yeung, những nỗ lực của ĐCSTQ để đối phó với tình trạng thất nghiệp của thanh niên, chẳng hạn như đẩy mạnh việc đăng ký vào các chương trình sau đại học và mở rộng tuyển dụng một lần của các doanh nghiệp nhà nước, chỉ là những giải pháp tạm thời.

Theo quan điểm của bà, điều quan trọng là thúc đẩy nhu cầu thuê lao động. Điều này sẽ đòi hỏi việc tuyển dụng nhiều hơn từ cả khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Bà nói: “Trung Quốc cần phải rất cố gắng để lấy lại niềm tin và tinh thần của người dân”. Bà đồng thời cho biết thêm rằng, Trung Quốc cần khiến thị trường hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của người dân sau đại dịch.

Bà Yeung cho biết thêm, là một nhóm đóng góp một phần đáng kể vào mức tiêu dùng chung - 20% theo ước tính của Goldman Sachs, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao sẽ càng kéo tụt đà phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19.

Ưu tiên của ông Tập

Đối với ông Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã phơi bày các ưu tiên của ông Tập Cận Bình.

Theo ông Ezrati, một cộng tác viên của The Epoch Times, mặc dù ông Tập thường xuyên tuyên bố mong muốn Trung Quốc chuyển từ nền kinh tế có kỹ năng thấp và trung bình sang nền kinh tế định hướng dịch vụ, nhưng ưu tiên thực sự của ông là trong lĩnh vực sản xuất và khai thác mỏ. Ông coi những ngành này là phương tiện để đạt được sự thống trị toàn cầu. Một báo cáo chính thức ước tính gần 30 triệu công việc sản xuất sẽ không được lấp đầy vào năm 2025 do sự không phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Ông Ezrati nói: “Vấn đề thanh niên thất nghiệp của ĐCSTQ là do chính họ gây ra". “Nếu ông Tập cam kết với tham vọng của mình là có một nền kinh tế dịch vụ, tri thức, có lẽ vấn đề này sẽ tồn tại, nhưng không nghiêm trọng bằng".

“Cùng thời điểm khi nói về nền kinh tế tri thức và nền kinh tế dịch vụ, ông ấy đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc thực sự kiểm soát thị trường trong một số ngành công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như sản xuất chip, xe điện và pin”.

Theo quan điểm của ông Ezrati, lối thoát của ĐCSTQ là áp dụng nền kinh tế dựa trên thị trường, điều mà chính quyền này sẽ không bao giờ làm bởi vì kế hoạch hóa tập trung độc đoán đã ăn sâu vào hệ tư tưởng cốt lõi. Một nền kinh tế dựa trên thị trường có nghĩa là một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực mà ĐCSTQ đã đàn áp trong gần ba năm.

Ông nói: “Tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đối với ĐCSTQ là những nguồn quyền lực độc lập mà các công ty lớn hướng tới người tiêu dùng có được".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng, tiếp tục 'nằm ngửa'