Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt, các cuộc họp khẩn là vô ích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu muốn có tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh cần nới lỏng sự kiểm soát. Nhưng ông Tập không thể làm thế, điều đó có thể khiến ông mất đi quyền lực, thậm chí là mất mạng.

Dữ liệu kinh tế chính thức mới nhất do chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một sự suy giảm trên tổng thể. Những người trong cuộc tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây đã tổ chức ít nhất 6 cuộc họp kinh tế khẩn cấp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế, và giọng điệu của những người tham gia tỏ ra khẩn trương một cách bất thường.

Một nhà phân tích chính trị và kinh tế nói rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt và hệ thống kinh tế của Trung Quốc đã gây ra nhiều vấn đề không thể giải quyết, khiến những cuộc họp khẩn cấp này trở nên vô ích.

Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước vào ngày 16/06. Cuộc họp kết luận rằng, cần phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và nhấn mạnh rằng các chính sách và biện pháp phải được đưa ra kịp thời và thực hiện nhanh chóng bất cứ khi nào có thể.

Bloomberg cũng đưa tin vào ngày 14/06 rằng, các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các lãnh đạo doanh nghiệp gần đây đã tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp, và giọng điệu của những người tham gia là “khẩn trương một cách bất thường”.

Bài báo cho biết, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang tìm kiếm lời khuyên từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế về cách tái cấu trúc nền kinh tế. Theo một nguồn tin, các quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây đã tổ chức ít nhất 6 cuộc tham vấn với các giám đốc điều hành.

Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã yêu cầu những người tham dự đóng góp ý kiến về cách kích thích nền kinh tế, khôi phục niềm tin vào khu vực tư nhân và vực dậy lĩnh vực bất động sản, nguồn tin tiết lộ.

Đáp lại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế kêu gọi các cơ quan chức năng khẩn trương sửa đổi các chính sách và áp dụng “cách tiếp cận tăng trưởng theo hướng thị trường hơn là theo kế hoạch [tập trung của nhà nước]”.

Tại một cuộc họp vào khoảng cuối tháng 5, các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và khoảng 10 người tham gia khác đã đạt được sự đồng thuận rằng “cần có nhiều hơn các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ được phối hợp tốt hơn”, theo một người tham gia. Ngoài ra, tất cả những người tham dự bày tỏ mối quan tâm chung về thời điểm và nội dung của bất kỳ gói kích thích được đề xuất nào.

Sụp đổ hoàn toàn

Theo ông Lu Tianming, nhà bình luận chính trị và kinh tế làm việc tại Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể điều chỉnh và phát triển theo hướng được đề xuất bởi các giám đốc điều hành doanh nghiệp hoặc các nhà kinh tế này.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 18/06, ông Lu cho biết: “Những người này đề nghị áp dụng cách tiếp cận theo định hướng thị trường, nghĩa là nới lỏng hoặc thậm chí loại bỏ sự kiểm soát của chính phủ, nhưng hiện tại chính quyền Tập Cận Bình đang đối mặt với bế tắc”.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt, các cuộc họp khẩn là vô ích
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc, vào ngày 19/05/2023. (Ảnh: Florence Lo/AFP qua Getty Images)

Ông Lu cho biết, nếu sự kiểm soát được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, các đối thủ chính trị của ông Tập sẽ gây ra nhiều vấn đề cho ông trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để khiến ông gặp rắc rối và cố gắng làm suy yếu vị thế của ông.

“Đối với ông Tập Cận Bình, hậu quả của việc mất quyền lực là rất nghiêm trọng, thậm chí có thể là mất mạng. Đó là lý do tại sao ông ấy đang củng cố quyền lực”, ông Lu nói.

“Tập trung quyền lực hơn đồng nghĩa với kiểm soát nhiều hơn trên mọi lĩnh vực nên [Trung Quốc] không thể đi theo con đường thị trường. Mặt khác, một lộ trình phát triển theo kế hoạch [của nhà nước] không thể dẫn đến sự phát triển kinh tế vững mạnh. Do đó, không thể tránh khỏi việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và cuối cùng sẽ sụp đổ hoàn toàn”, ông nói.

“Do đó, ông Tập Cận Bình đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu tiếp tục tập trung quyền lực, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu; nếu ông ấy buông lỏng kiểm soát, nền kinh tế có thể phục hồi, nhưng rối loạn chính trị có thể khiến ông ấy mất đi quyền lực, thậm chí là mất đi tính mạng. Đối với chế độ ĐCSTQ, điều này đã trở thành một vấn đề nan giải không thể giải quyết được”.

Bức tranh kinh tế ảm đạm

Vào ngày 15/06, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố dữ liệu kinh tế cho tháng 5, cho thấy sự suy yếu chung của các chỉ số kinh tế chính.

Trong tháng 5, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc trên quy mô được chỉ định đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 2,1% so với mức tăng của tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 5,7% so với mức tăng của tháng trước; giá cả sản xuất công nghiệp quốc gia giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,9% so với tháng trước.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt, các cuộc họp khẩn là vô ích
Một con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 20/06/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát trên toàn quốc là 5,2%, không thay đổi so với tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao mới là 20,8%, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được công bố thường xuyên vào tháng 01/2018.

Ngoài ra, đầu tư tài sản cố định tư nhân lần đầu tiên tăng trưởng âm trong năm nay từ tháng 1 đến tháng 5, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần cuối cùng đầu tư tư nhân tăng trưởng âm là vào năm 2020.

Ông Lu nói rằng, ĐCSTQ luôn làm sai lệch dữ liệu của mình và tình hình thực tế rất có thể là nghiêm trọng hơn nhiều. Vì không còn có thể che đậy tình hình ảm đạm, Bắc Kinh phải thừa nhận tình trạng này ở một mức độ nhất định.

Về việc liệu một số biện pháp kích thích của ĐCSTQ có hiệu quả hay không, ông nói: “Ở một mức độ nhất định, nó có thể hiệu quả một chút và mang lại một số phục hồi và tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhưng đó không phải là giải pháp nền tảng, về lâu dài, nó chỉ là hành động uống thuốc độc để giải khát, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn”.

“Vì vậy, đây cũng là một tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Lu nói. “Nếu không có các biện pháp kích thích, không bơm tiền vào thị trường, nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm, mọi mặt sẽ xuống dốc. Tuy nhiên, việc nới lỏng tiền tệ sẽ chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn, khác xa so với kết quả mong muốn. Về lâu dài, hậu quả sẽ chỉ nghiêm trọng hơn và nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, ĐCSTQ đang đối mặt với tình thế của ngày tận thế, và những vấn đề này đã không còn có thể xử lý được dưới sự cai trị của nó”.

Ông Lu chỉ ra rằng, nhiều vấn đề là do hệ thống độc tài của ĐCSTQ gây ra, thứ mà về bản chất chắc chắn sẽ hạn chế và đàn áp tất cả các lĩnh vực. Nếu hệ thống không thay đổi, mọi vấn đề sẽ trở thành bài toán nan giải.

Vì vậy, hàng loạt cuộc họp kinh tế chỉ là nỗ lực giả vờ giải cứu, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt, các cuộc họp khẩn là vô ích