Ngành sản xuất Trung Quốc tăng tốc thu hẹp trong tháng 11

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc gia tăng trong tháng 11, điều này cho thấy các biện pháp hỗ trợ chính sách hiện tại vẫn chưa đủ để giúp các nhà máy Trung Quốc thoát khỏi khó khăn trong bối cảnh nhu cầu trong và ngoài nước yếu.

Dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Năm (30/11) cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất trong tháng 11 là 49,4, giảm 0,1 so với tháng trước và dưới ngưỡng 50 phân biệt sự mở rộng với sự thu hẹp.

Trước đó, các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự kiến chỉ số sẽ ở mức 49,7. Trong số 31 tổ chức được khảo sát, chỉ có Goldman Sachs và Standard Chartered dự đoán chỉ số này sẽ ở mức thấp như vậy.

Chỉ số đơn đặt hàng mới giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ là 46,3, nằm trong phạm vi thu hẹp trong tháng thứ 8 liên tiếp.

Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại Guotai Junan International Holdings, nói với Reuters: “Dữ liệu PMI ngày hôm nay sẽ làm tăng thêm kỳ vọng về hỗ trợ chính sách”.

Ông nói: “Chính sách tài khóa sẽ chiếm vị trí nổi bật nhất trong năm tới và sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ”.

Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc cũng bất ngờ giảm xuống 50,2 trong tháng 11 từ mức 50,6 trước đó, cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ khổng lồ và ngành xây dựng tiếp tục chậm lại.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một số yếu tố bất lợi, bao gồm khủng hoảng bất động sản lan rộng, rủi ro nợ của chính quyền địa phương, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và căng thẳng địa chính trị.

Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách nhưng vẫn chưa đạt được mấy thành công.

Chỉ số PMI sản xuất đã giảm 7 trong 8 tháng qua. Lần duy nhất chỉ số này trên ngưỡng 50 là mức 50,2 trong tháng 9. Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế dài hạn kiểu Nhật Bản vào cuối những năm 2020 trừ khi các nhà chức trách điều chỉnh định hướng kinh tế.

Các nhà cố vấn chính sách cho rằng nếu chính quyền Trung Quốc hy vọng duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm “khoảng 5%” trong năm tới, họ cần thực hiện nhiều biện pháp kích thích hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn nghi ngờ liệu Trung Quốc có thể duy trì được đà tăng trưởng trong năm tới hay không.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bị hạn chế thực hiện thêm các biện pháp kích thích tiền tệ do lo ngại rằng chênh lệch lãi suất ngày càng tăng với các nước phương Tây có thể làm suy yếu đồng CNY (nhân dân tệ) và đẩy nhanh dòng vốn thất thoát khỏi Trung Quốc.

Ngành bất động sản vẫn là lực cản lớn cho tăng trưởng kinh tế. Doanh số bán nhà sụt giảm càng làm giảm thêm nhu cầu về đồ nội thất và thiết bị gia dụng. Đà phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ dần suy yếu, thị trường việc làm trì trệ cũng khiến người tiêu dùng thận trọng trong việc tăng chi tiêu.

Ngành sản xuất Trung Quốc tăng tốc thu hẹp trong tháng 11
Người dân đi ngang qua các cửa hàng của gã khổng lồ quần áo Thụy Điển H&M và công ty đồ thể thao Ý Fila ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 26/03/2021. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc nỗ lực xúc tiến chuỗi cung ứng sản xuất

Trung Quốc vốn được mệnh danh là “công xưởng thế giới". Ngành sản xuất của nước này phát triển mạnh, phục vụ cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp quốc tế thường đến Trung Quốc để đặt nhà máy, và ngành sản xuất nội địa của Trung Quốc đồng thời cũng cung cấp đầu vào cho các lĩnh vực và là bộ phận cấu thành chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng xa lánh Trung Quốc, chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới ngành sản xuất của nước này. Do đó, Bắc Kinh rất muốn tìm cách xúc tiến và cải thiện vị thế của chuỗi cung ứng Trung Quốc, đặc biệt trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngành sản xuất Trung Quốc tăng tốc thu hẹp trong tháng 11
Nhân viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Wuling Motors ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 1/3/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 28/11, Bắc Kinh đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố trong bài phát biểu rằng ông sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức "tách rời và mất kết nối". Ông Lý Cường cũng nói rằng Bắc Kinh “sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” và “cung cấp nhiều sự thuận tiện hơn và sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết vào ngày 29/11 rằng Bắc Kinh hiện đang gặp khó khăn về kinh tế và một số lượng lớn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc. Chính quyền đang tổ chức loại hội chợ này để xúc tiến đối ngoại, cố gắng tạo ra ảo tưởng hào nhoáng rằng thị trường Trung Quốc vẫn được ưa chuộng, thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Phùng, khi tình hình hiện giờ đang hỗn loạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và giữ các chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (​​Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cũng cho biết vào ngày 29/11 rằng việc Bắc Kinh tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng phản ánh những khó khăn mà Bắc Kinh đang gặp phải. Bởi vì các nhà sản xuất trong các ngành khác nhau thường tự kết nối với các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng nên không cần phải tổ chức các triển lãm đặc biệt để quảng bá. ​​Ông Tô cho rằng hội chợ này nêu bật điểm yếu của Bắc Kinh.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Trong năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể và “giảm thiểu rủi ro” trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Trung Quốc.

Vào ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen đã chỉ ra rằng “sự kết hợp rõ ràng giữa các lĩnh vực quân sự và thương mại” của Bắc Kinh đã mang lại rủi ro cho an ninh châu Âu và do đó cần phải giảm thiểu rủi ro.

Ngay trước khi khai mạc hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Biden đã thành lập “Hội đồng Tòa Bạch Ốc về sự vững bền của chuỗi cung ứng” vào ngày 27/11 và công bố gần 30 biện pháp mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng, thứ đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ.

Ông Tô Tử Vân cho rằng việc Mỹ tăng cường sự vững bền của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ yêu cầu của Tổng thống Trump vào năm 2017. Ông Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ nộp báo cáo an ninh về việc làm vững mạnh chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ. Sau khi ông Biden nhậm chức, một báo cáo khác vào năm 2021 được đưa ra nhằm củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng khả năng phục hồi kinh tế. Thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một xu hướng lớn.

Theo ông Tô, phương hướng chung trong chính sách của Mỹ đã được đặt ra. 30 biện pháp của ông Biden là nhằm thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng sẽ không bị ĐCSTQ kiểm soát.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những lo ngại rằng Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan, đã khiến các công ty có vốn nước ngoài chọn không mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà chuyển sang các quốc gia khác có quan hệ tốt hơn với Mỹ, chẳng hạn như như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ngành sản xuất Trung Quốc tăng tốc thu hẹp trong tháng 11