Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đang thực hiện những hoạt động tuyên truyền quy mô lớn nhằm cố gắng giữ chân đầu tư nước ngoài và kiểm soát chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chính đường hướng và các chính sách của Bắc Kinh đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài e sợ, và xu hướng rời xa chuỗi cung ứng Trung Quốc đang phát triển mạnh.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại San Francisco và cuộc họp APEC, Bắc Kinh đã tổ chức một hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng như một động thái thể hiện sự không tách rời với thế giới và nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia phân tích rằng trong cuộc khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đang thực hiện tuyên truyền quy mô lớn nhằm cố gắng giữ chân đầu tư nước ngoài và kiểm soát chuỗi cung ứng. Một số người sẽ bị lừa, nhưng việc phương Tây rời xa chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã trở thành xu hướng chung. Đồng thời, sự cai trị toàn trị của Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc rút vốn của nước ngoài.

Ảo tưởng hào nhoáng

​Vào ngày 28/11, Bắc Kinh đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố trong bài phát biểu rằng ông sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức "tách rời và mất kết nối". Ông Lý Cường cũng nói rằng Bắc Kinh “sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” và “cung cấp nhiều sự thuận tiện hơn và sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết vào ngày 29/11 rằng Bắc Kinh hiện đang gặp khó khăn về kinh tế và một số lượng lớn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc. Chính quyền đang tổ chức loại hội chợ này để xúc tiến đối ngoại, cố gắng tạo ra ảo tưởng hào nhoáng rằng thị trường Trung Quốc vẫn được ưa chuộng, thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Phùng, khi tình hình hiện giờ đang hỗn loạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và giữ các chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (​​Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cũng cho biết vào ngày 29/11 rằng việc Bắc Kinh tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng phản ánh những khó khăn mà Bắc Kinh đang gặp phải. Bởi vì các nhà sản xuất trong các ngành khác nhau thường tự kết nối với các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng nên không cần phải tổ chức các triển lãm đặc biệt để quảng bá. ​​Ông Tô cho rằng hội chợ này nêu bật điểm yếu của Bắc Kinh.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Trong năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể và “giảm thiểu rủi ro” trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân cho biết do những mối đe dọa từ sự cai trị toàn trị của Bắc Kinh, Trung Quốc không thể có được những con chip tiên tiến. Bắc Kinh bị mắc kẹt với vấn đề chip.

Vào ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen đã chỉ ra rằng “sự kết hợp rõ ràng giữa các lĩnh vực quân sự và thương mại” của Bắc Kinh đã mang lại rủi ro cho an ninh châu Âu và do đó cần phải giảm thiểu rủi ro.

Ngay trước khi khai mạc hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Biden đã thành lập “Hội đồng Tòa Bạch Ốc về sự vững bền của chuỗi cung ứng” vào ngày 27/11 và công bố gần 30 biện pháp mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng, thứ đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ.

Ông Tô Tử Vân cho rằng việc Mỹ tăng cường sự vững bền của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ yêu cầu của Tổng thống Trump vào năm 2017. Ông Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ nộp báo cáo an ninh về việc làm vững mạnh chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ. Sau khi ông Biden nhậm chức, một báo cáo khác vào năm 2021 được đưa ra nhằm củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng khả năng phục hồi kinh tế. Thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một xu hướng lớn.

Theo ông Tô, phương hướng chung trong chính sách của Mỹ đã được đặt ra. 30 biện pháp của ông Biden là nhằm thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng sẽ không bị ĐCSTQ kiểm soát.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những lo ngại rằng Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan, đã khiến các công ty có vốn nước ngoài chọn không mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà chuyển sang các quốc gia khác có quan hệ tốt hơn với Mỹ, chẳng hạn như như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên
(Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)

Những đối tượng muốn cấu kết với Bắc Kinh

Ông Trương Thiếu Cương (Zhang Shaogang), Phó chủ tịch "Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc", bên tổ chức hội chợ triển lãm, đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 21/11 và thông báo rằng có tổng cộng 515 công ty Trung Quốc và nước ngoài tham gia triển lãm, với tỷ lệ công ty nước ngoài chiếm 26%, bao gồm 55 quốc gia và khu vực.

Ông Trương cũng cho biết các công ty Mỹ đã hưởng ứng nhiệt tình, chiếm 20% số nhà triển lãm nước ngoài. Apple, Amazon, Tesla, FedEx và các công ty Fortune 500 khác đã cử đại diện cấp cao đến tham dự.

Ông Phùng cho biết không có gì ngạc nhiên khi những doanh nhân này tham gia triển lãm. “Luôn có một nhóm người muốn ‘liếm máu trên lưỡi dao’ [ý chỉ có tâm lý biến thái]. Họ nghĩ rằng ở đó có thị trường và có dân số đông như vậy. Những người này muốn cấu kết với ĐCSTQ để kiếm bộn tiền”.

Ông Phùng cho rằng Mỹ và phương Tây đã quá phụ thuộc vào Bắc Kinh. Mặc dù chiến lược của các quốc gia hiện nay đã thay đổi và họ biết Bắc Kinh là kẻ thù và họ sẽ không thể chi tiền để làm cho Bắc Kinh mạnh hơn nhưng bên dưới vẫn có một nhóm người cấu kết với Bắc Kinh. Những người này bao gồm các doanh nhân tồi và các phương tiện truyền thông tồi, và cũng có những học giả tồi trong giới học thuật đang bảo vệ Bắc Kinh.

Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, trước đó cho biết sau 3 năm kiểm soát đại dịch, căng thẳng địa chính trị và thách thức trong quan hệ Trung - Mỹ, việc thu hút các công ty nước ngoài đầu tư trở lại Trung Quốc “không dễ như bật một cái công tắc”.

Tuy nhiên, ông Phùng cho rằng có một số người sẽ luôn bị lừa. "Nếu bạn không chỉ trích vấn đề nhân quyền của tôi, tôi sẽ ưu đãi cho bạn nếu bạn đến đầu tư. Điều này sẽ luôn thu hút một số kẻ thông đồng bước vào".

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/8/2023. (Ảnh: ANDY WONG/POOL/ AFP qua Getty Images)

Ông Tập 'tự bắn vào chân mình'

Chiều 27/11, một ngày trước khi khai mạc hội chợ triển lãm, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo ĐCSTQ, chủ trì Bộ Chính trị tập trung vào “công tác pháp lý liên quan đến nước ngoài”. Ông Tập nói về “mở cửa ở cấp độ cao” và “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, nhưng đồng thời nhấn mạnh việc cải thiện “khả năng duy trì sự cởi mở và an ninh”.

Nhân danh an ninh quốc gia, Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt kiểm soát xã hội và rủi ro đối với an toàn cá nhân của các doanh nhân nước ngoài tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Vào tháng 3 năm nay, 5 nhân viên tại văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group của Mỹ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Vào cuối tháng 4, văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn quản lý Bain & Company của Mỹ đã bị đột kích. Vào tháng 5, công ty tư vấn Capvision bị cáo buộc là "đồng phạm của cơ quan tình báo nước ngoài" và đã bị điều tra.

Ông Tô Tử Vân cho rằng bằng cách đe dọa đầu tư nước ngoài với lý do đảm bảo an ninh, ông Tập Cận Bình đã ‘tự bắn vào chân mình’.

Với việc Bắc Kinh đưa ra "Luật chống gián điệp" trong năm nay để mở rộng phạm vi hoạt động chống gián điệp, việc rút vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc đã trở thành một xu hướng. Ngay cả số liệu chính thức của Bắc Kinh, vốn luôn bị cáo buộc là không chính xác, cũng đang ngày càng trở nên xấu xí.

Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Trung Quốc tuyên bố rằng trong quý III năm nay, nợ đầu tư trực tiếp, một chỉ số về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, lần đầu tiên chuyển sang mức âm kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được ghi nhận vào năm 1998, với mức thâm hụt đạt 11,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 15 tỷ USD, giảm gần 92% so với năm 2022.

Ông Tô cho rằng cái gọi là sự mở cửa chiến lược với thế giới bên ngoài của Bắc Kinh đã bị xé toạc, và thủ phạm chính là ông Tập Cận Bình.

Ông Tô phân tích rằng năm 1998 là một năm quan trọng. Chính quyền Clinton ở Mỹ đã ảo tưởng về Trung Quốc, cho phép Trung Quốc gia nhập WTO và trao quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn cho Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh sẽ tiến hành cải cách chính trị. Khi đó, Mỹ tin tưởng vào công cuộc cải cách và mở cửa của Bắc Kinh, đồng thời cũng tin vào tuyên bố của Bắc Kinh rằng tình trạng của Hong Kong sẽ không thay đổi trong 50 năm. Một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài đã đổ vào Trung Quốc. Nhưng 20 năm sau, vào năm 2017, ông Trump chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi. Bắc Kinh không chỉ kiếm được 400 tỷ USD mỗi năm mà còn phát triển sức mạnh quân sự để đe dọa các nước láng giềng. Kết quả là Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc chiến thương mại và chiến tranh công nghệ, Bắc Kinh bước vào thời kỳ khó khăn cả về bên trong và bên ngoài.

Ông nói: “Sự suy tàn của ĐCSTQ lần này về cơ bản có thể coi là không thể đảo ngược, tượng trưng cho sự biến mất của thời kỳ cải cách và mở cửa của ĐCSTQ. Cũng giống như cái chết của ông Lý Khắc Cường, quá trình cải cách và mở cửa của ĐCSTQ đã kết thúc, đầu tư nước ngoài cũng đã rút đi”.

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng khi ấy là ông Lý Khắc Cường đến dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2018. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Doanh nghiệp Mỹ ‘thất vọng' trong bữa tối với ông Tập

Trong cuộc họp Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco từ ngày 15 đến ngày 17/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ăn tối với hàng trăm CEO hàng đầu của Mỹ, hy vọng rằng những giám đốc điều hành kinh doanh và công nghệ này sẽ trở thành người hòa giải cho mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung.

Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Tập chỉ ra rằng câu hỏi chính mà mối quan hệ Mỹ - Trung phải đối mặt là “Chúng ta là đối thủ hay đối tác?” Sau đó, ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng trở thành “đối tác và bạn bè” của Mỹ.

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics Inc., nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times rằng các CEO, những người đã trả hàng chục nghìn USD để tham dự bữa tối, đã không nghe được những gì họ muốn nghe: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cải thiện môi trường hoạt động ngày càng khắc nghiệt cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

“Trong bài phát biểu, ông Tập không thừa nhận môi trường kinh doanh đang xấu đi ở Trung Quốc hay sự kiểm soát ngày càng gia tăng của ông đối với nền kinh tế. Về phía ông, đây dường như là vấn đề không thể thương lượng, điều này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác tiếp tục nỗ lực rời khỏi Trung Quốc”.

Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Ohio, nói với The Epoch Times rằng bà tin rằng sự thiếu cam kết của ông Tập trong bữa tối thực sự là một động thái có tính toán.

“Tôi chắc chắn rằng ông Tập và các cố vấn của ông có chiến lược đối phó với các CEO phương Tây. Rất nhiều tin tức kinh doanh từ Trung Quốc gần đây cho thấy nước này có thể có kế hoạch dài hạn để thu hẹp quy mô hoặc thậm chí loại bỏ các công ty nước ngoài khỏi Trung Quốc. Vì vậy, tất nhiên, ông Tập sẽ không nói về vấn đề này một cách thẳng thắn vì ông ấy cần các công ty nước ngoài đó trong ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Ông ấy không muốn tạo ra bất kỳ sự lo ngại nào trong tâm trí họ, nhưng ông ấy cũng không muốn đưa ra bất kỳ lời hứa nào”, bà nói.

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên
Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Tăng trưởng kinh tế không phải ưu tiên hàng đầu

Trong bối cảnh những chính sách đàn áp và gây áp lực của Bắc Kinh đang khiến các doanh nghiệp nước ngoài e sợ, phải chăng Bắc Kinh đang quên mất vấn đề kinh tế?

Ông Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu China Beige Book và là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times: “Không phải ông Tập Cận Bình và lãnh đạo ĐCSTQ ghét tăng trưởng kinh tế – đó chỉ không phải là ưu tiên hàng đầu”.

“Ưu tiên hàng đầu là kiểm soát xã hội, bao gồm cả nền kinh tế. Vì vậy, bất cứ khi nào có sự đánh đổi giữa kiểm soát kinh tế và tăng trưởng, họ sẽ chọn kiểm soát”, ông nói.

“Và khi chúng ta nói, ‘Ồ, bạn biết đấy, bạn có thể phát triển nhanh hơn. Tại sao bạn lại làm những điều này?’ Câu trả lời rất rõ ràng: Đó là vì đấy không phải là ưu tiên của họ”.

Ông Scissors và các chuyên gia khác nói với The Epoch Times rằng tăng trưởng kinh tế tổng thể không phải là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Thay vào đó, Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi về mô hình trong cách nước này tương tác với nền kinh tế toàn cầu và đang sàng lọc ra các nhà đầu tư nước ngoài trung thành với ông Tập.

Kết quả là, bối cảnh chính trị và kinh doanh tổng thể của Trung Quốc thách thức các kinh nghiệm trong quá khứ, và những diễn giải của phương Tây sẽ tạo ra những giả định sai lầm về Trung Quốc – thậm chí còn sai lầm hơn trước.

Trung Quốc bày tỏ thiện chí với Mỹ để giữ lại đầu tư nước ngoài

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên
Người dân biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Tuần lễ Các Nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, California, Mỹ, vào ngày 15/11/2023. (Ảnh: Gilles Clarenne/AFP qua Getty Images )

Trong nỗ lực giữ lại đầu tư nước ngoài để nuôi sống nền kinh tế Trung Quốc, ông Tập đã có cử chỉ thiện chí với các CEO tại bữa tiệc ở San Francisco, tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng làm bạn với Mỹ.

Ông cũng cho biết: “Trung Quốc cảm thông sâu sắc với người dân Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, về những đau khổ do fentanyl gây ra”.

Ông Corr đã vạch trần đây là một lời nói dối.

“Ông Tập đã nói dối trong suốt bài phát biểu của mình, kể cả khi ông ấy tuyên bố là bạn của Mỹ và có sự đồng cảm với những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi fentanyl. Việc ông ấy sử dụng fentanyl làm điểm thương lượng với [Tổng thống Mỹ Joe Biden] về vấn đề Đài Loan là trường hợp ví dụ rõ ràng nhất”, ông nói.

Vào ngày 2/8 năm ngoái, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ - California), Bắc Kinh đã áp đặt một loạt biện pháp trả đũa Mỹ, bao gồm cả việc đình chỉ hợp tác với Washington trong việc hạn chế buôn lậu ma túy.

“Ngày càng rõ ràng rằng ĐCSTQ là kẻ thù của các nền dân chủ và các quốc gia có chủ quyền trên toàn thế giới, những quốc gia mà họ nhìn nhận là đang cạnh tranh với họ để giành quyền bá chủ toàn cầu. ĐCSTQ cố gắng che giấu nỗ lực giành quyền bá chủ thông qua những lời nói hữu nghị để câu giờ, nhưng bất cứ ai chú ý đều thấy rõ những lời dối trá”, ông Corr nói.

Bà Dunn cũng chia sẻ quan điểm tương tự, cho rằng bằng chứng nằm ở thực tế.

Bà nói: “Ông ấy đã rất chậm chạp trong việc giúp đỡ Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl vốn là một thảm kịch đối với người Mỹ”.

Bà còn chỉ ra thêm rằng với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập đã không có bất kỳ hành động nào để giải quyết tội ác thu hoạch nội tạng sống, một tội ác chống lại loài người chưa từng có.

Bà nói rằng, nếu ông Tập tiếp tục coi thường các nguyên tắc đạo đức quan trọng mà nền văn minh phương Tây dựa vào, thì bà không thể nhìn thấy nhiều tương lai cho ý tưởng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng là ảo tưởng hào nhoáng do Trung Quốc dựng nên