Tác động lan tỏa của khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng bất động sản là một vấn đề có tính dài hạn đối với kinh tế Trung Quốc. Không những thế, tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng đối với các lĩnh vực khác cũng là điều đáng chú ý.

Với doanh số bán bất động sản giảm nhanh hơn trong tháng 10 và đầu tư vào bất động sản giảm mạnh, các nhà phân tích lo ngại rằng rủi ro lan tỏa của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này.

Bất chấp những hành động và biện pháp gần đây của Bắc Kinh, các nhà phân tích tin rằng tác động lan tỏa sẽ vẫn tồn tại dai dẳng trong “tương lai có thể thấy trước”.

Moody's cho biết trong một ghi chú khách hàng: “Sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản đang dẫn đến những tác động lan tỏa bất lợi đến các khu vực doanh nghiệp phi tài chính khác thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, [trong khi] hầu hết các lĩnh vực sẽ phải đối mặt với [những] tác động trong tương lai có thể thấy trước”.

Đợt ảnh hưởng đầu tiên là các tác động trực tiếp, chủ yếu thông qua hoạt động kinh tế suy giảm, bao gồm cả chuỗi cung ứng liên quan đến bất động sản. Tác động gián tiếp sẽ diễn ra sau đó dưới dạng “vòng phản hồi của môi trường kinh tế vĩ mô suy yếu và người tiêu dùng khó khăn hơn, và tâm lý đầu tư dẫn đến xu hướng vay mượn giảm sút và sự ghét rủi ro”, ghi chú cho biết.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 5 (16/11), giá nhà mới ở Trung Quốc đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10, với hàng chục thành phố chứng kiến sự sụt giảm - đánh dấu mức suy giảm đáng kể nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 năm ngoái. Xu hướng này mang hàm ý về sự suy yếu rộng hơn trong lĩnh vực này và có khả năng cản trở sự phục hồi chung của đất nước.

Giá trung bình của một ngôi nhà mới ở 70 thành phố vừa và lớn đã giảm 0,4% trong tháng 10, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ mức giảm 0,5% vào tháng 2 năm 2015. Trong khi đó, tháng 9 ghi nhận mức giảm 0,3%.

Đầu tư vào bất động sản giảm 9,3% trong 10 tháng đầu năm, đây cũng là điều tồi tệ hơn so với mức giảm 9,1% trong 9 tháng đầu năm.

Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực gần đây của chính quyền, như nới lỏng giới hạn mua nhà và giảm chi phí vay, đã không thể thúc đẩy sự phục hồi trong lĩnh vực này.

Trong một báo cáo đặc biệt được công bố hôm thứ 3, Nomura ước tính rằng “có khoảng 20 triệu căn nhà bán trước chưa được xây dựng hoặc bị chậm bàn giao. Để hiểu con số này, nó tương đương với 20 lần quy mô một Country Garden tính đến cuối năm 2022. Chúng tôi cũng ước tính rằng tổng thiếu hụt kinh phí để hoàn thành các đơn vị nhà còn lại sẽ vào khoảng 3,2 nghìn tỷ nhân dân tệ [CNY]”.

Báo cáo cho biết số lượng lớn nhà ở đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện là trở ngại chính cho sự hồi sinh của bất động sản. “Vào một thời điểm nào đó trong năm tới, vấn đề giao nhà có thể trở thành một vấn đề xã hội và gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội”.

Người mua có thể ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn trong khi chờ đợi những ngôi nhà mới mua của họ được giao giữa lúc lĩnh vực bất động sản sụp đổ và các nhà phát triển bất động sản ngập trong nợ không thể giao những căn nhà đã bán trước. Các nhà quan sát về Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội.

Tác động lan tỏa của khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc
Các tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện tại khu phát triển Thung lũng Y tế của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc ở ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc, vào ngày 22/10/2021. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)

Mối đe dọa từ sự lây lan

Trong khi sự đi xuống kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có tác động lan tỏa tồi tệ nhất tới các lĩnh vực chủ yếu liên quan đến chuỗi cung ứng của ngành, như vật liệu xây dựng và máy móc xây dựng, thì những tác động bất lợi cũng rất đáng kể trong các lĩnh vực như tài chính của chính quyền khu vực và địa phương, cũng như phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV), theo Moody's.

Chúng cũng ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, với rủi ro lan rộng qua một số kênh.

Ví dụ, các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc đứng đầu danh sách rủi ro. Moody’s cho biết: “Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro lan tỏa ngày càng tăng trong đợt tác động thứ hai từ lĩnh vực bất động sản, nếu sự khó khăn của thị trường có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc”.

Tài sản không tạo ra dòng tiền hoặc nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc dự kiến sẽ phình to vì lĩnh vực bất động sản chiếm phần lớn trong bảng cân đối kế toán của họ và sẽ cần thời gian để các lĩnh vực mới như công nghệ cao và tài chính xanh thay thế hoàn toàn lĩnh vực bất động sản đang suy yếu và các nhu cầu liên quan của lĩnh vực này.

Theo Moody's, các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro đáng kể không chỉ từ các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn mà còn từ các LGFV và các công ty thuộc chuỗi cung ứng.

Lợi nhuận và vốn của các ngân hàng cũng đang bị căng thẳng, do chính phủ kỳ vọng họ sẽ hỗ trợ nền kinh tế thực và giải quyết các vấn đề nợ nần đang phình to của LGFV bằng cách gia hạn các khoản cho vay hoặc thay thế chúng bằng các khoản vay có lãi suất thấp hơn.

Vì những lý do tương tự, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm các công ty quản lý tài sản gặp khó khăn và các công ty ủy thác có tiếp xúc trực tiếp với lĩnh vực bất động sản, sẽ phải đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản, tổ chức xếp hạng cho biết thêm.

Ngoài ra, trong đợt ảnh hưởng đầu tiên, các ngành công nghiệp như thép, hóa chất và vận tải cũng như các doanh nghiệp liên quan đến thiết bị gia dụng, cung cấp khí đốt tự nhiên và cho thuê ô tô - những ngành cung cấp trực tiếp sản phẩm hoặc dịch vụ cho lĩnh vực phát triển bất động sản - cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Làn sóng ảnh hưởng thứ hai sẽ tác động đến các lĩnh vực doanh nghiệp phi tài chính khác không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản nhưng dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong điều kiện chung về vốn hoặc niềm tin thị trường. Chúng bao gồm các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng ô tô, các công ty dầu khí tích hợp, khai thác mỏ, bao gồm than và kim loại, các công ty bán lẻ, vận tải bề mặt [bao gồm xe đường bộ, xe lửa và tàu] và hậu cần, và các doanh nghiệp thương mại.

Khủng hoảng bất động sản là vấn đề dài hạn

Các nhà phân tích tin rằng cuộc khủng hoảng bất động sản là một vấn đề dài hạn sẽ cản trở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm.

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc gặp phải những vấn đề nghiêm trọng khi họ cố gắng quản lý quá trình giảm nợ từng bước, hạn chế rủi ro hệ thống về tài chính và duy trì hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thị trường nhà đất đang chậm lại.

Thứ hai, sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này, Everbright Security cho biết trong một ghi chú công bố hôm thứ 5 (16/11).

Theo Moody's, các nhà chức trách cũng đã đắn đo cẩn thận hơn giữa các lựa chọn trong việc "sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho lĩnh vực [bất động sản] so với các giai đoạn kích thích mạnh mẽ trước đây, chẳng hạn như năm 2015".

“[Do đó,] hỗ trợ chính sách ít hơn có nghĩa là các nhà phát triển và người mua bất động sản thêm không chắc chắn về tương lai tương ứng của doanh số bán bất động sản và giá cả. Điều này làm tăng nguy cơ sự đi xuống trong lĩnh vực bất động sản có thể kéo dài hơn những gì chính quyền dự kiến”, Moody’s cho biết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tác động lan tỏa của khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc