Khủng hoảng BĐS ở Trung Quốc tác động mạnh tới ngành xi măng và thép

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự đổ vỡ trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của nhiều loại vật liệu xây dựng, và những tác động đầu tiên của nó có thể được cảm nhận rõ ràng trong ngành xi măng và thép.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc hiện đang tác động trực tiếp đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Vào năm 2022, theo dữ liệu chính thức, có tới 336 công ty xây dựng Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản để tái cơ cấu. Điều này khiến cuộc khủng hoảng của ngành vật liệu xây dựng trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến cuộc chiến giá cả không thể tránh khỏi.

Thép và xi măng đang trong tình trạng dư cung nghiêm trọng tại Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc đã mở rộng ra nước ngoài, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.

Vào thời điểm này, tổng thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng vẫn chưa được xác định. Mặc dù tác động của ngành xi măng Trung Quốc đến thị trường vật liệu toàn cầu là tương đối hạn chế, nhưng nó lại rõ rệt hơn ở thị trường thép.

‘Ngành xi măng đang hỗn loạn'

The Epoch Times gần đây đã cố gắng trao đổi với các nhân viên tại các công ty xi măng Trung Quốc để có cái nhìn trực tiếp về tình hình. Một kỹ sư xây dựng cấp cao ở Quảng Đông, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói với The Epoch Times vào ngày 5/10 rằng việc sản xuất xi măng và bê tông đã bị dừng ở nhiều nơi do các công ty xây dựng phá sản và các dự án bị bỏ hoang.

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Trung Quốc, nhu cầu xi măng hàng năm ở Trung Quốc vốn đã chậm chạp trong suốt năm 2022. Sản lượng xi măng hàng năm đạt 2,13 tỷ tấn, giảm 10,5% so với năm trước và là sản lượng sản xuất thấp nhất trong một thập kỷ.

Giá xi măng biến động trong những tuần gần đây; giảm trên toàn Trung Quốc vào tháng 9, sau đó tăng lên vào tháng 10.

“Hiện tại, ngành xi măng đang hỗn loạn”, Mạng lưới Xi măng Nhân dân, một trang web của ngành, nhận xét vào cuối tháng 9. Trang web đưa tin rằng các công ty xi măng đang cắt giảm nhân viên, giảm sản xuất và cắt giảm lương tới 60%.

Tác động hạn chế của ngành xi măng Trung Quốc đối với thế giới

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Châu Âu (Cembureau), Trung Quốc chiếm 51,5% trong tổng sản lượng 4,1 tỷ tấn xi măng của thế giới vào năm 2022. Đó là mức giảm so với năm 2021, khi thị phần sản xuất xi măng toàn cầu của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn, ở mức 55,9%, theo một báo cáo khác của Cembureau.

Bất chấp thị phần lớn của Trung Quốc, phần lớn xi măng nước này sản xuất được sử dụng trong nước. Xuất khẩu xi măng của Trung Quốc tương đối nhỏ, và điều này hạn chế tác động của nó đến nguồn cung và giá xi măng toàn cầu.

Theo số liệu từ Công ty tư vấn Zhiyan của Trung Quốc, lượng xuất khẩu xi măng của Trung Quốc năm 2022 thấp hơn 10,9% so với năm 2021. Nguyên nhân chính là do nhu cầu trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, sụt giảm.

Hơn nữa, xi măng của Trung Quốc được định giá cao hơn mức trung bình trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây, khiến sản phẩm của nước này kém cạnh tranh hơn.

Khủng hoảng ngành thép

Trước đại dịch, thép xây dựng - được sử dụng chủ yếu cho cơ sở hạ tầng, các tòa nhà dân cư và thương mại cũng như nhà máy - chiếm 60% lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường về thép xây dựng giảm mạnh do lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 và sự sụp đổ sau đó của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Đến tháng 8/2022, 892 công ty thép báo lỗ nghiêm trọng. Đến tháng 6/2023, giá thép ren ở Trung Quốc đã giảm từ 4.600 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 657 USD) xuống còn 3.600 CNY (khoảng 514 USD) mỗi tấn.

Kết quả là nhiều công ty thép đã phá sản. Cuộc khủng hoảng ngành thép càng làm chậm lại hoạt động xây dựng bất động sản.

Ngành thép Trung Quốc tác động mạnh tới thế giới

Trái ngược với tác động tương đối hạn chế của ngành xi măng Trung Quốc đối với quốc tế, ngành thép nước này tiếp tục làm rung chuyển thị trường toàn cầu.

Do nền kinh tế trì trệ và tình trạng dư cung thép, Trung Quốc đang xuất khẩu nhiều thép hơn. Theo thông tin của Reuters, năm nay nước này dự kiến sẽ xuất khẩu nhiều thép nhất kể từ năm 2016.

Các công ty thép lớn của Trung Quốc đã cố gắng bán phá giá thép, gây ảnh hưởng nặng nề đến các nước Đông Nam Á có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.

Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến thuật bán phá giá của Bắc Kinh. Theo một báo cáo tháng 6 trên Tạp chí Đầu tư Việt Nam (VIR - một ấn phẩm của Báo Đầu tư), “những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy xuất khẩu bằng cách giảm giá xuống dưới 1.000 USD/tấn đã làm trầm trọng thêm gánh nặng vốn đang gia tăng đối với ngành thép Việt Nam”. Tập đoàn thép Formosa Hà Tĩnh của Việt Nam đã phải giảm giá hai lần trong sáu tháng, với mức giảm tổng cộng là 82 USD/tấn. Nhà máy thép Hòa Phát của Việt Nam giảm 70 USD/tấn.

Thị trường thép Đài Loan cũng bị ảnh hưởng bởi chiến thuật này của Trung Quốc. Công ty thép hàng đầu của Đài Loan, China Steel Corporation (CSC), đã buộc phải hạ giá để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

CSC đang đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sử công ty, Chủ tịch CSC Wong Chao-Tung cho biết vào ngày 26/9, do cuộc khủng hoảng bất động sản và nhu cầu giảm đột ngột. “Tình hình năm nay còn tồi tệ hơn đợt sụt giảm năm 2020”, ông Wong nói trong thư gửi nhân viên, theo tờ Taipei Times.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng BĐS ở Trung Quốc tác động mạnh tới ngành xi măng và thép