Người mua nhà biểu tình khắp Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các dự án nhà ở bị đình chỉ xây dựng khiến người mua nhà gặp khó khăn với những khoản thanh toán thế chấp. Ở khắp nhiều tỉnh và thành phố, họ đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, và vấp phải sự đàn áp quyết liệt của chính quyền.

Các nhà phát triển Trung Quốc đã đình chỉ việc xây dựng các tòa nhà chung cư trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản đang căng thẳng. Điều này đã gây ra làn sóng tẩy chay không trả thế chấp rộng rãi trong người mua nhà ở một số tỉnh và thành phố trên khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây.

Những chủ nhà này đã tổ chức các cuộc biểu tình tại các công trường xây dựng và văn phòng chính quyền địa phương, yêu cầu hoàn thiện những ngôi nhà mà họ đã đặt cọc trước và đang thực hiện thanh toán thế chấp.

Những cuộc biểu tình này lan rộng khắp nhiều tỉnh và thành phố của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Tứ Xuyên, Hà Nam và Sơn Đông, đồng thời được cho là đã vấp phải sự đàn áp và các biện pháp bạo lực từ chính quyền địa phương.

Các cuộc biểu tình

Vào ngày 10/10, chính quyền thị trấn Nandayuan, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, thông báo rằng một người dân địa phương tên Tao, người đã mua một căn hộ trong cộng đồng nhà ở có tên XiuLan Yufeng Garden, đã phải chịu “các biện pháp cưỡng chế hình sự” vì bị cáo buộc “tổ chức và kích động các chủ nhà" tham gia biểu tình đòi quyền lợi ở Bắc Kinh. Thông báo chính thức cho biết thêm rằng 15 cá nhân khác cũng đã bị trừng phạt.

XiuLan Yufeng Garden là công ty con của Hebei Xiulan Real Estate và có danh mục bất động sản lớn nhất trong khu vực. Nó cũng giữ vị trí hàng đầu về số lượng tòa nhà chưa hoàn thiện ở thành phố Bảo Định. Chủ đầu tư Shandong Janbon Holding Group đã hứa sẽ hoàn thành việc xây dựng và bàn giao các căn hộ cho người mua vào ngày 31/12 năm nay. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn bị đình chỉ kể từ tháng 9/2019, khiến người mua nhà phải đến Bắc Kinh và nộp đơn khiếu nại.

Vào ngày 8/10, hơn 200 người mua nhà của dự án Thành phố Quốc tế Zhongxin đang bị tạm dừng ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã biểu tình tại một trung tâm mua sắm được điều hành bởi cùng một nhà phát triển, Shandong Janbon Holding Group, dẫn đến việc đối đầu với cảnh sát.

Một người mua nhà cho biết tòa nhà ban đầu được dự kiến hoàn thành vào ngày 30/9 nhưng đã bị hoãn lại, ảnh hưởng đến hơn 1.000 người mua, theo truyền thông Trung Quốc.

Vào sáng ngày 7/10, khoảng 200 chủ sở hữu nhà của khu phát triển Kangqiao Nayunxi Giai đoạn II bị đình chỉ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã tổ chức biểu tình. Thông tin cho biết chính quyền địa phương đã bắt giữ họ vào ngày hôm đó, nhưng vẫn chưa xác định được tung tích và tình trạng của họ.

Vào ngày 7/10, một số lượng đáng kể chủ nhà của khu phát triển Rừng Hoa Hải chưa hoàn thiện ở quận Đại Trúc, tỉnh Tứ Xuyên, đã tập trung tại lối vào tòa nhà chính quyền địa phương để biểu tình phản đối và vấp phải phản ứng dữ dội từ cảnh sát, dẫn đến việc bắt giữ một số người, theo thông tin của phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Cư dân Wang Qiang, người sử dụng hóa danh vì lý do an toàn, nói với The Epoch Times rằng ông đã nghe người dân địa phương kể rằng cuộc xung đột rất căng thẳng vào ngày hôm đó.

Vào tháng 5, các chủ nhà đã phàn nàn trên trang “Hỏi và Trả lời” của chính quyền địa phương, và Cục Phát triển Nhà ở và Đô thị-Nông thôn Quận Đại Trúc đã phản hồi bên dưới bài đăng, nói rằng họ rất coi trọng vấn đề.

Người mua nhà biểu tình khắp Trung Quốc
Một khu phức hợp dân cư và thương mại đang được xây dựng ở Nam Ninh, vùng Quảng Tây của Trung Quốc, vào ngày 9/11/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mất niềm tin vào ngành bất động sản

Ông Wang, một người dân địa phương, đã mua một căn hộ ở Rừng Hoa Hải vào năm ngoái. Ông nói với The Epoch Times rằng ông đã bị thu hút bởi lời khuyến mại “mua một tặng một” nên đã quyết định ký hợp đồng trong vòng hai giờ. Nhưng ông không ngờ việc xây dựng ngôi nhà lại bị dừng lại.

Ông Wang cảnh báo không nên mua nhà bán trước (trước khi hoàn thiện) ở Trung Quốc, nói rằng: "Trước đó, bạn có thể thấy việc xây dựng đang diễn ra. Nhưng ngày hôm sau, việc xây dựng có thể bị đình trệ".

Ông Jiang Hao (hoá danh), người sở hữu một căn hộ tại Wanda Royal House ở quận Tĩnh Hải, Thiên Tân, đã chi hơn 2 triệu CNY (nhân dân tệ) (270 triệu USD) để mua bất động sản này với sự giúp đỡ của cha mẹ. Tuy nhiên, ngôi nhà mới chỉ được xây dựng một nửa và ông ấy rất tức giận với chủ đầu tư.

Ông nói rằng việc hoàn thành ngôi nhà sẽ cho phép ông thu lại một phần khoản đầu tư của mình thay vì phải gánh khoản nợ 30 năm và cuối cùng chẳng có gì.

Ông Jiang cho biết ông đã mất niềm tin vào ngành bất động sản và tin rằng chính sách bán trước nhà ở đã tạo ra tình trạng này.

Ông bày tỏ mong muốn giá nhà trở nên phải chăng hơn để những người bình thường như ông không phải trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo và đánh mất tiền tiết kiệm cả đời.

Người mua nhà biểu tình khắp Trung Quốc
Các tòa nhà dân cư đang được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 9/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vụ việc tại một khu nhà cao cấp

Vào đêm trước ngày 8/10, khoảng 20–30 chủ sở hữu của dự án Binjiang Yipin Yuan đang gặp khó khăn ở quận Phố Đông của Thượng Hải đã tham gia một cuộc biểu tình bên trong tòa nhà, yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo việc hoàn thành tòa nhà. Họ cũng sử dụng đèn nhấp nháy để thu hút sự chú ý của công chúng.

Theo người biểu tình Liu Yu (hóa danh), cuộc biểu tình kết thúc khi cảnh sát đến hiện trường và bắt giữ 5 người biểu tình. Bà nói rằng người biểu tình có thể vào tòa nhà vì họ đã nhận được thông báo về sự kiện này thông qua truyền miệng nhằm tránh sự giám sát của cảnh sát trên điện thoại và mạng xã hội.

Bà Liu (cũng là một người mua nhà) nói với The Epoch Times: “Cảnh sát luôn biết về các cuộc biểu tình của chúng tôi; họ theo dõi nhóm WeChat của chúng tôi, đến các địa điểm trước chúng tôi và thường đông hơn chúng tôi”.

Bà nói thêm: “Chủ nhà sợ thảo luận các vấn đề trong nhóm WeChat”.

Bà Liu đã mua một căn nhà bán trước trị giá 20 triệu CNY (khoảng 2 triệu USD) tại dự án Binjiang Yipin Yuan, với khoản trả trước được lấy từ tiền tiết kiệm của bà và cha mẹ, cộng với khoản vay ngân hàng 1,5 triệu CNY (khoảng 200.000 USD).

Binjiang Yipin Yuan, khu bất động sản cao cấp trước đây gọi là Chung cư Higashi Sakura, là tòa nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân được phát triển và xây dựng bởi Higashi Sakura Real Estate thuộc Tập đoàn Công nghiệp Matsushita của Nhật Bản vào năm 1995, được Shanghai Chengli Real Estate mua lại vào năm 2016 với giá hơn 3 tỷ CNY (410 triệu USD).

Nằm trên sông Hoàng Phố nhộn nhịp, dự án đã tung ra thị trường gần 200 căn, với tổng giá trị của căn nhỏ nhất 131 mét vuông là gần 15 triệu CNY (khoảng 2,05 triệu USD), cũng như một căn hộ thông tầng rộng 500 mét vuông với tổng trị giá 60 triệu CNY (khoảng 8,22 triệu USD).

Năm 2020, công ty nhà nước China Cinda Asset tham gia dự án với tư cách là cổ đông lớn nhất, đóng góp gần 2 tỷ CNY (khoảng 274 triệu USD) và nắm giữ 70% cổ phần của công ty. Công ty TNHH Xây dựng số 7 Thượng Hải là tổng thầu thực hiện dự án.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến dòng vốn bị gián đoạn đã khiến cổ đông chính, China Cinda Asset, từ chối thanh toán cho dự án, dẫn đến nợ đọng 70 triệu CNY (khoảng 9 triệu USD), khiến dự án gần như bị dừng hoàn toàn.

Những thời hạn hoàn thành của dự án, ban đầu dự kiến là ngày 12/3/2022 và ngày 10/12/2022, đã bị lùi lại khoảng một năm và chưa ấn định ngày hoàn thành chính thức.

Các chủ nhà không ngờ một dự án cao cấp do doanh nghiệp nhà nước đứng đằng sau lại gặp khó khăn như vậy. Họ đã phản ứng bằng cách tham gia vào các cuộc biểu tình kéo dài và vào tháng 8 năm nay, họ đã đưa ra một tuyên bố chung đình chỉ thanh toán thế chấp.

Sau nhiều cuộc biểu tình, trong đó có việc chặn xe của lãnh đạo quận và nộp đơn khiếu nại chính thức, chính quyền địa phương đã đồng ý thành lập một tài khoản giám sát. Nó sẽ cho phép chủ nhà đóng góp kinh phí để tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên, bà Liu cho biết quá trình này rất phức tạp và cần có sự chấp thuận của China Cinda Asset.

Bà Liu bày tỏ sự thất vọng của mình: “Việc bảo vệ quyền lợi của chúng tôi là một quá trình đầy thách thức khi các cơ quan chính phủ liên tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.

“Chúng tôi, với tư cách là chủ sở hữu nhà, đã phải sử dụng tiền của mình để tự giúp bản thân. … China Cinda Asset ban đầu ký hợp đồng, cho phép giải ngân vốn, nhưng phản hồi của họ bị trì hoãn. Cho đến nay, họ mới chỉ liên lạc với ba hộ gia đình, điều này mất hơn một tháng", bà giải thích.

Bà Liu đã mua căn nhà ở Thượng Hải cho cha mẹ già của mình do nó nằm gần hai bệnh viện, điều rất lý tưởng cho họ. Tuy nhiên, hiện tại bà không chắc liệu cha mẹ đã hơn 80 tuổi của mình có cơ hội sống ở ngôi nhà mới hay không.

“Tôi đang trả khoản vay hàng tháng từ 70.000 CNY đến 80.000 CNY [khoảng 9.000 đến 10.000 USD]”, bà nói.

"Bây giờ, điều kiện kinh tế thật đáng lo ngại. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là mất việc”.

Người mua nhà biểu tình khắp Trung Quốc
Xe cộ qua lại vào buổi sáng sớm trước một khu phát triển bất động sản lớn đang được xây dựng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 19/5/2006. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

Doanh số bán nhà suy yếu dù có khuyến mại

Ngày 29/9 đến ngày 6/10 năm nay là ngày nghỉ lễ ở Trung Quốc đại lục. Tháng 9, tháng 10 từng là mùa cao điểm của thị trường bất động sản hàng năm, được mệnh danh là “Tháng 9 Vàng, Tháng 10 Bạc”.

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Chỉ số Trung Quốc công bố vào ngày 7/10, số lượng nhà mới bán ra ở các thành phố lớn trên cả nước đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày. Nó cũng giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch COVID-19. Những số liệu này cho thấy niềm tin chung của thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Nhà kinh tế học Lý Hằng Thanh làm việc tại Mỹ tin rằng doanh số bán nhà đã suy yếu do sự suy thoái chung của thị trường bất động sản ở Trung Quốc.

Mặc dù các chương trình khuyến mại bán nhà đã được tăng cường trên khắp các thành phố trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhưng kết quả chung lại tỏ ra đáng thất vọng.

Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang mới đây đã tổ chức cho 13 công ty bất động sản tham dự sự kiện khuyến mãi ở Nam Kinh để bán 21 dự án bất động sản và gần 5.000 căn hộ. Tuy nhiên, sự kiện khuyến mãi bất động sản không tạo ra doanh thu nào.

“Thị trường bất động sản Trung Quốc có đặc điểm là ‘cung vượt cầu’; giảm giá là xu hướng tất yếu. Lúc này ai mua nhà sẽ thua lỗ”, ông Lý nói.

Ông nói thêm rằng sự thất vọng với ngành bất động sản đã khiến nhiều người ngần ngại mua nhà vào thời điểm này.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người mua nhà biểu tình khắp Trung Quốc