Những câu chuyện kịch tính đằng sau biến cố của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đằng sau biến cố của Chủ tịch Evergrande là những câu chuyện kịch tính: Từ quá khứ nghèo đói đến người giàu nhất Trung Quốc, sau đó là việc vướng vào những tranh chấp chính trị tại Bắc Kinh; giờ đây, khi đang thực hiện kế hoạch tẩu tán tài sản, ông Hứa Gia Ấn đã bị bắt, và con tàu Evergrande chưa rõ sẽ ra sao.

Hai tuần sau khi Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh bắt giữ vị Chủ tịch Hứa Gia Ấn của công ty. Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ được cho là cách để ông Hứa bảo vệ tài sản ở nước ngoài của mình khỏi bị truy tố và tiếp tục tẩu tán tài sản.

Ông Hứa đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào đầu tháng 9 và được cho là đang bị giám sát tại một địa điểm “được chỉ định”.

Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Bộ luật Phá sản Mỹ vào ngày 18/8, điều này đã khiến các cơ quan hữu quan của Trung Quốc phải cảnh giác. Chính quyền Trung Quốc đã mở cuộc điều tra và bắt giữ ông Hứa cùng một số giám đốc điều hành khác vào đầu tháng 9 nhằm ngăn chặn nguồn vốn của Evergrande chảy ra khỏi đất nước, theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan.

Từ quá khứ nghèo khó tới người giàu nhất Trung Quốc

Ông Hứa sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Hà Nam. Ông từng hồi tưởng lại trường tiểu học của ông chỉ là vài túp lều tranh không có cửa sổ và không thể che mưa. Những tấm bảng đen được làm bằng xi măng bôi đen bằng mực. Sàn lớp học bẩn thỉu. Khi trời mưa, khắp nơi đều lầy lội. Trời lạnh cóng vào mùa đông.

Bữa ăn hàng ngày của ông là các thức ăn đặc trưng của vùng nông thôn Trung Quốc những năm 1960. Ông từng được đưa đến bệnh viện trong làng vì bị đau bụng do ăn bánh ngô kiểu Trung Quốc bị mốc.

Câu chuyện của ông Hứa đã được truyền thông Trung Quốc quảng bá như một câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, với thông điệp cơ bản rằng ở Trung Quốc, mọi người đều có thể đi từ nghèo đói đến thịnh vượng nếu họ làm việc chăm chỉ.

Rõ ràng đó là một lời nói dối trắng trợn.

Ở Trung Quốc, đằng sau mỗi ông trùm kinh doanh đều có sự hậu thuẫn chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Nếu không có sự hỗ trợ của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một nhà phát triển thậm chí không thể có được một mảnh đất hoặc một khoản vay xây dựng.

Vậy quan chức ĐCSTQ nào đứng đằng sau sự trỗi dậy của ông Hứa?

Ông Viên Hồng Băng, cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, hiện đang sống lưu vong ở Úc, nói với The Epoch Times rằng ông Hứa là con tốt của gia đình Tăng Khánh Hồng, và những người tiếp xúc trực tiếp với ông Hứa chủ yếu là em trai của ông Tăng Khánh Hồng là ông Tăng Khánh Hoài và con trai của ông Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ.

Năm 1996, ông Hứa thành lập Evergrande tại Thâm Quyến. Sau đó, ông làm quen với ông Tăng Khánh Hồng, thành viên Thường vụ Bộ Chính trị vào thời điểm đó, và hoạt động kinh doanh của Evergrande nhanh chóng mở rộng từ Thâm Quyến ra cả nước.

Những câu chuyện kịch tính đằng sau biến cố của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn
Cựu Phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng tại phiên khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 18 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 8/11/2012. (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Chỉ trong hai thập kỷ, Evergrande đã trở thành một trong 500 công ty hàng đầu thế giới và ông Hứa trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Vướng vào tranh chấp chính trị

Vì ông Tăng Khánh Hồng đã giúp ông Hứa trở nên giàu có và nổi tiếng, ông Hứa sẵn sàng làm con tốt cho ông Tăng.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tăng Khánh Hồng luôn tìm cách hạ bệ ông Tập để đảm bảo an toàn cho bản thân. Ông Hứa, với tư cách là nhân vật hàng đầu trong ngành bất động sản, đã gây ra rất nhiều rắc rối cho ông Tập.

Năm 2016, để hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng, ông Tập nhấn mạnh “nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ”.

Tuy nhiên, Evergrande hoàn toàn phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục đầu tư số tiền khổng lồ để đẩy giá nhà đất lên cao.

Cùng năm đó, nợ phải trả lãi suất của Evergrande tăng 80% so với năm trước, đạt 535,1 tỷ CNY (nhân dân tệ) (73,4 tỷ USD).

Cách sử dụng đòn bẩy cao này chắc chắn là không bền vững. Evergrande lần đầu tiên vỡ nợ đối với các thương phiếu của mình vào tháng 11/2020. Một vụ việc căng thẳng khác xảy ra vào tháng 9/2021 khi Evergrande Wealth vỡ nợ. Tình hình lên đến đỉnh điểm vào ngày 3/12/2021, khi Evergrande công khai thừa nhận không có khả năng xử lý các cam kết nợ của mình, khiến vấn đề nợ của họ trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Những câu chuyện kịch tính đằng sau biến cố của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn
Một công nhân nhập cư đi qua Thành phố Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 24/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Dắt mũi chính quyền Tập và tẩu tán tài sản

Trong hai năm qua, ông Hứa đã đảm bảo với chính quyền Tập về việc hoàn thành và bàn giao những ngôi nhà mới của Evergrande, thậm chí còn nói rằng ông sẽ bán tài sản của mình ở Hong Kong và nước ngoài để đảm bảo việc bàn giao những dự án này.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Hứa thậm chí còn hứa trước công chúng tại một cuộc họp của công ty rằng “Tôi có thể ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng các nhà đầu tư không thể ra đi với hai bàn tay trắng hoàn toàn”.

Tình hình nợ của Evergrande dường như cũng được cải thiện. Tính đến ngày 31/12/2022, số tiền gốc và lãi chưa trả của Evergrande Wealth đã giảm từ hàng trăm tỷ USD xuống còn khoảng 34 tỷ USD, chỉ bằng 30% số nợ ban đầu. Ngoài ra, các dự án cao tầng của Evergrande cũng đang dần được hoàn thiện và lần lượt bàn giao cho người mua nhà.

Sau đó người ta phát hiện ra rằng gia đình ông Hứa bề ngoài đang tích cực giải quyết vấn đề nợ nần nhưng bên trong lại bí mật chuyển nhượng tài sản.

Các kế hoạch của họ bao gồm việc sử dụng cấu trúc VIE (mô hình sở hữu đặc biệt) để chuyển nhượng cổ phần của Evergrande cho công ty Cayman ở nước ngoài; thu cổ tức lãi suất cao từ trái phiếu doanh nghiệp; lập quỹ tín thác của gia đình để chuyển hàng triệu USD cho con trai ông Hứa, Peter Hui; nộp đơn ly hôn vào đầu năm nay và sau đó đưa "vợ cũ" rời Trung Quốc trước tháng 8.

Vào thời điểm Evergrande bị chôn vùi dưới một khoản nợ khổng lồ, gia đình ông Hứa lại bỏ túi tổng cộng 53 tỷ CNY (khoảng 7,26 tỷ USD) tiền cổ tức. Thậm chí đến năm 2021, khi kỳ phiếu đã quá hạn, ông Hứa vẫn kiên trì chia cổ tức cho mình.

Những chiến thuật này không chỉ giúp gia đình ông Hứa chuyển tài sản ra nước ngoài mà còn rút ruột Evergrande để trục lợi cá nhân.

Vào ngày 18/8, ông Hứa, người đã dắt mũi chính quyền Tập Cận Bình với một lời hứa hão huyền trong gần hai năm, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ. Nếu được chấp thuận, ông sẽ có thể giữ một lượng tài sản khổng lồ trong túi cá nhân và để lại khoản nợ 2,4 nghìn tỷ CNY (khoảng 329 tỷ USD) cho các công ty, ngân hàng Trung Quốc và công chúng nói chung.

Chính quyền Tập Cận Bình đã ra lệnh bắt giữ ông Hứa vào tháng 9. Điều này có thể sẽ làm hỏng kế hoạch nộp đơn xin phá sản của ông ở Mỹ.

Theo thông báo ngày 24/9 của Evergrande, công ty không thể đáp ứng các tiêu chí để đủ điều kiện phát hành trái phiếu mới vì đang bị điều tra. Việc phát hành trái phiếu mới là một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài của Evergrande.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những câu chuyện kịch tính đằng sau biến cố của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn