Sự sụp đổ của Evergrande là bằng chứng của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt ở Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Hứa Gia Ấn có quan hệ mật thiết với cựu Phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, và sự sụp đổ của Evergrande có liên hệ với cuộc thanh trừng các đối thủ của ông Tập Cận Bình.

Khi tập đoàn bị phá sản Evergrande đang phải vật lộn với các món nợ khổng lồ, các phương tiện truyền thông và nền tảng trực tuyến của Trung Quốc tràn ngập tin đồn về người sáng lập tập đoàn bất động sản, ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin, hay còn được gọi là Hui Ka Yan).

Trong nhiều câu chuyện khác nhau, có một điều chắc chắn: giống như mọi thứ ở Trung Quốc, vận mệnh của ông Hứa và của công ty của ông đều gắn liền với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng sự sụp đổ của Evergrande là bằng chứng phản ánh cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.

Ông Hứa có thể đã bị mắc kẹt giữa nhà lãnh đạo của ĐCSTQ Tập Cận Bình và cựu Phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng – người mà ông Hứa có quan hệ mật thiết. Ông Tăng và những người ủng hộ ông đã nhiều lần trở thành mục tiêu trong các động thái củng cố quyền lực của ông Tập.

Con đường đi lên

Trong hai thập kỷ qua, Tập đoàn Evergrande đã phát triển nhanh chóng để trở thành công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, cạnh tranh với 500 công ty hàng đầu thế giới. Người sáng lập của nó, ông Hứa Gia Ấn, từ một công nhân nhà máy thép đã có bước đột phá lớn trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Câu chuyện cuối cùng đã kết thúc với việc Evergrande nộp đơn xin phá sản tại New York vào ngày 17/8, sau vài năm không thể thanh toán các khoản nợ lên tới hàng tỷ USD.

Ông Tang Jingyuan, một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc và cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết vào ngày 7/9: “Chắc chắn phải có một người ủng hộ vững chắc đằng sau [Hứa Gia Ấn], người có thể cung cấp cho ông ấy những đợt 'truyền máu' liên tục và rất nhiều sự tạo điều kiện”. Ông Tang cho biết, nếu không có sự hỗ trợ đó, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ bị bóp nghẹt dưới hệ thống kinh tế của ĐCSTQ.

Trong một bài báo ngày 30/8 trên ấn bản tiếng Trung của NTD TV, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Wang Youqun đã kết nối việc Evergrande phá sản với lòng trung thành của ông Hứa với cựu Phó chủ tịch họ Tăng. Ông Wang, cựu thư ký của ủy viên bộ chính trị Wei Jianxing và là cộng tác viên của Epoch Times, cho biết cả hai có mối liên hệ trực tiếp với nhau.

Ông Tăng là một “thái tử đảng” có ảnh hưởng của ĐCSTQ - thuật ngữ dùng để chỉ con cái của các nhà cách mạng kỳ cựu và các cán bộ cấp cao của ĐCSTQ - và là đối tác trung thành của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Trong nhiều thập kỷ, ông ta đã củng cố quyền lực kinh tế và chính trị của phe mình, gắt kết lĩnh vực tài chính của Trung Quốc vào hoạt động của gia đình ông, đồng thời chiếm vị thế độc quyền trong các cơ quan và ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm tuyên truyền, ngân hàng, công nghệ và bất động sản.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã nỗ lực tiêu diệt các phe phái đối lập này dưới danh nghĩa nỗ lực chống tham nhũng hoặc thực thi các quy định của ngành.

Về phần mình, ông Tăng được cho là đã cùng với các đảng viên kỳ cựu khác khiển trách lãnh đạo ĐCSTQ tại cuộc họp thường niên của các lãnh đạo đảng ở Bắc Đới Hà vào mùa hè này, theo một bài báo ngày 5/9 trên Nikkei Asia.

Những đồn đại và suy đoán

Khi cuộc khủng hoảng của Evergrande ngày càng trầm trọng, truyền thông Trung Quốc tràn ngập tin đồn về người sáng lập đang gặp khó khăn của công ty. Vào tháng 12/2022, có tin đồn ông Hứa đã tự tử, một câu chuyện thêu dệt được cho là đã bị vạch trần bằng một bản ghi âm kêu gọi các giám đốc điều hành của ông đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Vào tháng 8, cổng thông tin Trung Quốc Tencent đã làm dấy lên nhiều đồn đoán khi đưa tin rằng ông Hứa, 64 tuổi, hiện đang ở quê nhà Quảng Châu và việc đến thăm ông bị hạn chế.

Sự sụp đổ của Evergrande là bằng chứng của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt ở Bắc Kinh
Ông Hứa Gia Ấn phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Tencent cũng đưa tin ông Hứa đã ly dị vợ là bà Ding Yumei vào năm ngoái.

Tin tức này làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Hứa đang cố gắng hạn chế tác động của nợ nần bằng cách loại trừ một thành viên lớn trong gia đình. Cũng có các dự đoán rằng quyền tự do cá nhân của ông chắc chắn sẽ bị hạn chế do trách nhiệm của ông đối với khoản nợ khổng lồ của Evergrande.

Trong một thông báo ngày 14/8 của Evergrande, bà Ding Yumei không còn được coi là vợ của ông Hứa nữa; nhưng được gọi là “bên thứ ba độc lập với công ty và các bên liên quan của công ty”.

“Đây được coi là một cuộc ly hôn kỹ thuật, để lại tài sản cho bà Ding Yumei và để các khoản nợ cho Evergrande”, một luật sư tài chính ở Thượng Hải được truyền thông tài chính nhà nước STCN.com dẫn lời hôm 17/8.

Bình luận trên mạng viết: “Đừng để vợ của Hứa Gia Ấn bỏ chạy!” và "Đừng để Hứa Gia Ấn bỏ chạy!"

Vay tiền để trả cổ tức?

Ngày 17/7, Evergrande công bố kết quả kinh doanh vốn đã bị trì hoãn công bố, công khai mức nợ khổng lồ. Đây là lần đầu tiên tập đoàn công bố kết quả kinh doanh kể từ năm 2021.

Báo cáo cho thấy tổng nợ của công ty lên tới 2,44 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (330 tỷ USD) vào cuối năm ngoái. Khoản lỗ ròng trong hai năm của nó lên tới 81 tỷ CNY (11 tỷ USD), con số phá kỷ lục về nợ doanh nghiệp của Trung Quốc.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là Evergrande đã thực hiện cái gọi là "thanh lý tài sản" - loại bỏ tài sản dài hạn khỏi hồ sơ tài chính của công ty, dẫn đến khoản lỗ 66,4 tỷ CNY (9 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Evergrande. Điều này khiến người ta đặt dấu hỏi về việc chi trả cổ tức của công ty.

Thông thường, Evergrande thực hiện chi trả cổ tức cao dựa trên lợi nhuận vận hành, để các cổ đông và giám đốc điều hành lớn thu được lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù nhà phát triển bất động sản này đã trả cổ tức hàng năm ngoại trừ năm 2016, nhưng theo báo cáo thường niên, tổng nợ phải trả của họ vẫn tăng lên hàng năm kể từ khi IPO.

Có nhiều bài báo trên cả phương tiện truyền thông Trung Quốc và phương Tây khẳng định Evergrande đã vay tiền để trả cổ tức trong nhiều năm, đẩy khoản nợ của công ty lên cao hơn bao giờ hết.

Theo bài báo của Wall Street Journal vào tháng 9/2021, “Khi nợ nần chồng chất, Evergrande đã trả hàng tỷ cổ tức cho các cổ đông, trong đó phần lớn số tiền mặt đó thuộc về ông Hứa với tư cách là cổ đông lớn nhất”.

“Một khi việc gian lận tài chính như vậy được xác minh, ông Hứa Gia Ấn sẽ bị bỏ tù”, một bài báo của Tencent cho biết vào ngày 21/8.

Ông Hứa từng là người giàu nhất Trung Quốc, dẫn đầu Danh sách Hurun về người giàu Trung Quốc năm 2017.

Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu ông Hứa sử dụng tài sản cá nhân của mình để làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, Reuters cho biết trong một bài báo tháng 11/2021, trích dẫn “hai người riêng biệt hiểu biết về vấn đề này”.

Thắt chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản

Đầu năm 2016, ông Tập Cận Bình đề xuất cải tổ lĩnh vực bất động sản. Ông nhấn mạnh điều này một lần nữa trong báo cáo của Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào năm sau.

Sau tuyên bố của ông Tập rằng “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”, ĐCSTQ đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay thế chấp và ban hành một loạt biện pháp nhằm hạn chế việc các nhà phát triển vay tiền tràn lan. Kết quả là hàng trăm công ty bất động sản tuyên bố phá sản.

Bất chấp những biện pháp kiềm chế của chế độ và sự sụt giảm sau đó của thị trường nhà đất, ông Hứa của Evergrande vẫn tiếp tục tiến hành vay nợ một cách mạnh mẽ, khiến tỷ lệ nợ của công ty tăng hơn 80% mỗi năm.

Vào tháng 8/2020, chính quyền Tập đặt ra “ba ranh giới đỏ” cho các nhà phát triển bất động sản, yêu cầu họ giữ mức nợ trong giới hạn hợp lý.

Không thể tuân thủ các quy định mới, Evergrande không còn có thể vay các ngân hàng Trung Quốc và rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Sau đó, Evergrande vỡ nợ với khoản nợ khổng lồ vào năm 2021, với gánh nặng nợ lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY (330 tỷ USD).

Sự sụp đổ của Evergrande là bằng chứng của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt ở Bắc Kinh
Một khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Huaian, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 17/9/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Tập đã châm ngòi cho vụ sụp đổ của Evergrande

Theo ông Yuan Hongbing, một chuyên gia pháp luật và là nhà bình luận người Úc gốc Hoa, có tin đồn rộng rãi trong giới quan chức của Bắc Kinh rằng chính ông Tập đã châm ngòi cho vụ sụp đổ của Evergrande.

Ông Yuan nói với cổng thông tin Trung Quốc Vision Times có trụ sở tại Mỹ vào tháng 9/2021 rằng ông Tập đã ra lệnh cho các ngân hàng cắt các khoản vay gia tăng cho Evergrande. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thực hiện các biện pháp ngăn Evergrande nhận các khoản vay và bơm vốn từ các kênh tài chính khác. Kết quả là chuỗi vốn của Evergrande bị phá vỡ.

Ông Yuan cũng liên hệ hành động này với lòng trung thành của ông Hứa với ông Tăng.

“Ông Tập Cận Bình có ý định tiêu diệt các đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực và trước hết là chinh phục nền tảng kinh tế của mình. Mục tiêu nhắm vào Evergrande chính là mục tiêu nhắm vào Tăng Khánh Hồng”, ông nói.

Vào ngày 16/8/2023, đơn vị tại Trung Quốc của Evergrande thông báo rằng họ đang bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) điều tra vì nghi ngờ vi phạm công bố thông tin.

Vào ngày 17/8, công ty đã nộp đơn xin bảo vệ khỏi các chủ nợ lên tòa án phá sản ở Mỹ.

Điểm quan trọng của việc bảo hộ phá sản, theo quan điểm của ông Wang, là bảo toàn tài sản được chuyển sang nước ngoài của ông Hứa, ông Tăng và các gia đình quyền lực khác của ĐCSTQ. Ông nói, động thái này sẽ khiến ông Tập phải gánh chịu hậu quả từ những khoản nợ khổng lồ của Evergrande.

Mối liên hệ mật thiết với gia đình Tăng Khánh Hồng

Ông Wang cho biết Evergrande là một ví dụ về cách các gia đình quyền lực của ĐCSTQ thu được lợi nhuận khổng lồ thông qua “găng tay trắng”, thuật ngữ để chỉ những người trung gian giúp thực hiện “những hành động bẩn thỉu” trong hoạt động rửa tiền.

Theo ông Yuan, ông Hứa chính là “găng tay trắng” cho gia đình ông Tăng. Ông cho biết, sự tăng trưởng phi thường của Evergrande phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của em trai ông Tăng Khánh Hồng, ông Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai).

Là "ông trùm hậu trường" của ngành văn hóa Hong Kong, ông Tăng Khánh Hoài có mối quan hệ tốt với giới giàu có và có tầm ảnh hưởng ở đó. Theo báo cáo trên cổng thông tin tiếng Trung Liberty Times, chính mối liên hệ của ông Hứa với người em trai họ Tăng đã dẫn đến sự hỗ trợ của các ông trùm Hong Kong, những người đã giúp ông Hứa niêm yết thành công Evergrande ở Hong Kong.

Ông Hứa cũng thân với con trai của ông Tăng Khánh Hồng là ông Zeng Wei. Hai người là hàng xóm trong khu Point Piper cao cấp của Sydney.

Những cuộc phiêu lưu khác của ông Hứa

Ông Hứa đã tham gia vào một loạt ngành đầu cơ khác ngoài lĩnh vực bất động sản, với Đoàn múa và ca hát Evergrande, Evergrande Health và Evergrande Auto.

Theo truyền thông Trung Quốc, Đoàn múa và ca hát Evergrande được thành lập vào năm 2011 với số vốn đăng ký là 2 triệu CNY (270.000 USD).

Đoàn có số lượng hơn 100 thành viên; những người phụ nữ không chỉ biểu diễn cho các khách hàng cấp cao của Evergrande mà còn tham gia biểu diễn thương mại quy mô lớn. Ông Hứa được cho là đã chi hàng triệu USD mỗi năm để hỗ trợ đoàn kịch.

Đoàn đã giải tán vào năm 2022.

Năm 2018, Evergrande hợp tác với Brigham Health, một bệnh viện giảng dạy của Đại học Harvard, để xây dựng Bệnh viện Quốc tế Boao Evergrande tại thị trấn Boao, thuộc tỉnh đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc. Hải Nam được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc".

Thương vụ Brigham–Evergrande diễn ra sau khi ông Hứa quyên góp 200 triệu USD cho Harvard vào năm 2016. Ông Hứa đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào bệnh viện hiện đại này.

Tuy nhiên, dự án đã không thành công. Theo bài báo của Boston Globe vào tháng 12/2021, thông thường chỉ có khoảng 10 bệnh nhân trong bệnh viện 647 giường. Theo Boston Globe, Brigham Health đã chấm dứt quan hệ đối tác với Evergrande khi hợp đồng hết hạn.

Vào tháng 7/2020, ông Hứa đổi tên Evergrande Health thành Evergrande New Energy Vehicle Group, hay còn gọi là Evergrande Auto.

Vào tháng 7/2023, Evergrande Auto báo cáo khoản lỗ ròng tổng hợp là 71,12 tỷ CNY (9,95 tỷ USD) cho năm 2021 và 2022.

Số phận của ông Hứa

Vào ngày 27/8, Evergrande báo cáo khoản lỗ 33 tỷ CNY (4,53 tỷ USD) trong nửa đầu năm, mức lỗ ròng nhỏ hơn so với cùng kỳ năm trước.

Một ngày sau, khi cổ phiếu của Evergrande bắt đầu giao dịch trở lại - lần đầu tiên kể từ khi bị đình chỉ vào tháng 3/2022 - công ty đã mất 2,2 tỷ USD, tương đương 79% giá trị thị trường.

Số phận của ông Hứa gắn liền với những khoản nợ ngày càng chồng chất của Evergrande. Mặc dù vẫn chưa rõ điều gì đang chờ đợi ông Hứa, nhưng ông Hứa có thể tham khảo những trường hợp tương tự.

Một là của ông Chen Feng, cựu Chủ tịch của Tập đoàn HNA, một công ty hàng không lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, du lịch, hậu cần và các lĩnh vực khác. Ông Chen bị bỏ tù vào tháng 9/2021 sau khi tập đoàn này phá sản với khoản nợ hơn 700 tỷ CNY (96 tỷ USD).

Một người khác là ông Lý Hà Quân (Li Hejun), người sáng lập Hanergy Holding Group, một công ty sản xuất tấm pin mặt trời màng mỏng. Ông trùm năng lượng đứng đầu Danh sách người giàu toàn cầu Hurun năm 2015. Tháng 12/2022, ông Lý bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn. Mặc dù nguyên nhân vụ bắt giữ ông không rõ ràng nhưng truyền thông Trung Quốc đưa tin vụ bắt giữ có liên quan đến Ngân hàng Cẩm Châu đang gặp khó khăn, tổ chức đã tài trợ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của ông Lý vào năm 2015 với số tiền gần 10 tỷ CNY (1,5 tỷ USD). Ngay sau khi ông Lý bị bắt, Hanergy tiến hành thủ tục phá sản và thanh lý dưới sự chỉ đạo của chính quyền ĐCSTQ.

Sáng thứ 7 (16/9) có tin cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ một số nhân viên của một công ty con của Evergrande. Một tuyên bố của cảnh sát thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc không nêu rõ số lượng nhân viên bị bắt hoặc cáo buộc chống lại họ, nhưng yêu cầu công chúng báo cáo các trường hợp nghi ngờ gian lận liên quan đến công ty.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sự sụp đổ của Evergrande là bằng chứng của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt ở Bắc Kinh