Trung Nam Hải tăng cường kiểm soát nền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng cường kiểm soát nền kinh tế với một Phó thủ tướng mới và các cơ quan giám sát mới. Ông Tập dường như đang coi trọng vấn đề ý thức hệ và tập trung hóa quyền lực hơn là tăng trưởng kinh tế.

Dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã liên tục gia tăng kiểm soát nền kinh tế, bao gồm cả tài chính và ngân hàng. Giờ đây, Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm Hà Lập Phong và một số cơ quan mới do đảng lãnh đạo sẽ đảm bảo hệ thống tài chính của Trung Quốc phù hợp với các nguyên tắc của ĐCSTQ. Truyền các giá trị của ĐCSTQ vào các hệ thống ngân hàng và tài chính là bước thụt lùi mới nhất trở về thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất của Trung Quốc diễn ra trong thời kỳ mở cửa, nhưng giờ đây ông Tập dường như coi trọng vấn đề ý thức hệ hơn là tăng trưởng kinh tế.

Ông Hà, một đồng minh thân cận của ông Tập, đã làm việc cho chính quyền trung ương từ những năm 1980. Ông Hà đã trải qua quá trình chuyển đổi từ hệ thống kiểu cũ sang chủ nghĩa xã hội thị trường, sang tự do hóa, và giờ là sự tập trung hóa kiểm soát của ĐCSTQ dưới thời Tập. Với tư cách là Phó thủ tướng, ông sẽ giám sát chính sách công nghiệp và đàm phán thương mại. Ông đã dành 5 năm qua với tư cách là nhà lập kế hoạch trung ương hàng đầu cho nền kinh tế Trung Quốc và giờ đây sẽ còn có nhiều ảnh hưởng hơn nữa để đảm bảo các kế hoạch và sắc lệnh của ông Tập được tuân thủ.

Bắc Kinh tăng cường kiểm soát nền kinh tế
Một công nhân nhập cư băng qua đường sau khi lên xe buýt đường dài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/03/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, cách tiếp cận của ĐCSTQ là quay trở lại tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước và sự giám sát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp. Ông Tập và ông Hà đều ủng hộ việc nhà nước dẫn dắt sự tăng trưởng, đề cao các doanh nghiệp nhà nước và khu vực công. Mặt khác, điều này có nghĩa là tăng nợ cho Trung Quốc, vốn đã bằng 300% GDP.

Ông Hà trước đây là chủ tịch và bí thư của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, một cơ quan lập kế hoạch lớn của quốc gia chịu trách nhiệm đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài đồng thời phát triển các doanh nghiệp nhà nước.

Thành lập các cơ quan giám sát tài chính mới

Ngoài việc bổ nhiệm ông Hà, một số cơ quan giám sát tài chính mới đang được thành lập. Các cơ quan này sẽ được ủy ban trung ương ĐCSTQ giám sát. Chúng bao gồm Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy định Tài chính (SAFR), Ủy ban Tài chính Trung ương (CFC) và Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương (CFWC).

SAFR sẽ giám sát lĩnh vực tài chính, ngoại trừ chứng khoán, và báo cáo trực tiếp với Hội đồng Nhà nước, do Thủ tướng Lý Cường làm chủ tịch. Theo ngân sách năm 2023, SAFR có kế hoạch thanh tra 2.500 tổ chức ngân hàng và 800 tổ chức tài chính phi ngân hàng trên toàn quốc. Trong khi đó, một kế hoạch cải cách của ĐCSTQ được công bố vào tháng 3 cho biết mục đích của CFC là “củng cố sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương đảng đối với công tác tài chính”.

CFWC, sẽ do một ủy viên bộ chính trị lãnh đạo, chịu trách nhiệm giám sát vai trò tư tưởng và chính trị của ĐCSTQ trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Là một ủy ban xây dựng đảng, CFWC sẽ đảm bảo rằng hệ thống tài chính phù hợp với các mục tiêu và lý thuyết của ĐCSTQ, cũng như đạo đức và kỷ luật của đảng.

Về mặt kỹ thuật, CFWC không phải là một tổ chức mới mà là sự tái sinh của CFWC ban đầu, được thành lập vào năm 1998 dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Vào thời điểm đó, CFWC được thiết kế nhằm đảm bảo vai trò của ĐCSTQ trong hệ thống ngân hàng và tài chính nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh. CFWC cũ, đã bị giải tán vào năm 2003, hoạt động nhằm đảm bảo sự tách biệt giữa chính phủ và doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, CFWC sẽ hỗ trợ kết hợp lĩnh vực tài chính vào sự hợp nhất đang diễn ra. Với việc tái lập CFWC, ông Tập và các đồng minh của ông sẽ có thể nhanh chóng tái cấu trúc các yếu tố trong ngành tài chính, thanh trừng những nhân vật cuối cùng từ các chính quyền trước đó và lấp đầy các vị trí bằng những người trung thành với ông Tập.

Vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất và Trung Quốc đang thực hiện các chính sách mở rộng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ mất khả năng ban hành chính sách tiền tệ độc lập. Tại Mỹ, các đảng phái chính trị, chính phủ và doanh nghiệp là những thực thể riêng biệt. Và trong chính phủ, có sự phân chia quyền lực với sự kiểm tra và cân bằng. Hơn nữa, Fed tồn tại độc lập với chính phủ. Tại Trung Quốc, ông Tập kiểm soát các chức vụ cao nhất trong cả đảng và chính phủ. Những người trung thành với ông, những người được bổ nhiệm và các thành viên bộ chính trị giờ đây sẽ có quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với ngân hàng và tài chính. Người ta nói rằng ông Tập đã thiết lập Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường bởi vì bây giờ mọi con đường dường như đều dẫn đến ông Tập.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Nam Hải tăng cường kiểm soát nền kinh tế