Lượng sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin về số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt mức cao mới ở Trung Quốc đã làm dấy lên những mối lo ngại về vấn đề việc làm. Khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên ở Trung Quốc đang rất nghiêm trọng, và chính các chính sách của Bắc Kinh là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tồi tệ này.

Vào năm 2024, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc sẽ đạt mức cao mới, dự kiến đạt 11,79 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp tại Bắc Kinh để triển khai công tác việc làm và khởi nghiệp cho thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp. Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục cho biết, theo thống kê của Bộ, số sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 11,79 triệu vào năm 2024, tăng 210.000 so với năm nay.

Bộ Giáo dục tuyên bố rằng để thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, các trường cao đẳng và đại học ở các khu vực phải có đội ngũ nhân viên hỗ trợ việc làm ở cấp trường một cách tương xứng. Gần đây, Bộ Giáo dục đã ban hành 26 biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Tin tức về số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đã làm dấy lên mối lo ngại của công chúng về vấn đề việc làm.

Cư dân mạng "Yiwei Hangzhi" cho biết: "Chúng ta không biết có bao nhiêu người sẽ mất việc vào năm 2024 và 11,79 triệu người khác sẽ cần tìm việc làm”.

Blogger tài chính "Little Probability_n" nói: "Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị của Trung Quốc trong tháng 10 là 5%, giống như tháng 9. Tuy nhiên, sau tháng 6, Trung Quốc vẫn từ chối công bố dữ liệu thất nghiệp ở thanh niên. Truyền thông Hong Kong chỉ ra rằng triển vọng cho 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học [và cao đẳng] năm nay đang là đáng lo ngại”.

“Bình luận: Phấn đấu có việc làm là điều đúng đắn để làm. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, bạn không được khởi nghiệp chứ đừng nói đến việc dùng tiền lương hưu của bố mẹ để khởi nghiệp. Nếu mất hết tiền thì cả gia đình sẽ bị hủy hoại".

"Qiming Wangyue" cho biết: "Không có cơ hội vào nhà máy. Làm sao có thể có nhiều nhà máy sản xuất đến như vậy [để đủ cơ hội việc làm]? Các nhà máy đang trên bờ vực phá sản. Có quá nhiều bên không đủ khả năng trả lương, và việc nợ lương đang bị kéo ra rất dài”.

"Không phải mặt trời, không phải mặt trăng, không phải vì sao" chế nhạo: "Xin đẻ ba con sẽ giải quyết được cả tỷ lệ việc làm [nghỉ đẻ và không đi làm] và tỷ lệ sinh sản".

Lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Tỷ lệ thất nghiệp cao đáng sợ

Tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài đang rời đi và các công ty tư nhân bị mất niềm tin, dẫn đến sự sụp đổ của các công ty và làn sóng cắt giảm.

Trên mạng xã hội, một số cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở nước này rất đáng sợ. Nền tảng tìm kiếm việc làm nổi tiếng Maimai chứa đầy thông tin thất nghiệp. ByteDance đã quyết liệt cắt giảm nhân viên và Ping An cũng đang cắt giảm nhân viên; một số người bị cắt giảm hai lần một năm; có người nói rằng họ đã làm việc mười năm và chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy. Trước đây, người dân có thể có việc làm trong vòng nhiều nhất là hai tháng sau khi nghỉ việc. Bây giờ, thật may mắn nếu tìm được việc làm trong vòng nửa năm. Một số người nói rằng khắp nơi đang có những tiếng kêu la về việc bị cắt giảm, và một số người đã bắt đầu thu dọn đồ đạc và về nhà đón năm mới.

Mạng xã hội Weibo xuất hiện tin tức rằng Tập đoàn Zhengzhou Zhengwei, xếp thứ 124 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới, đã dọn sạch các tòa nhà của mình chỉ trong một đêm. Tất cả các thiết bị và văn phòng đều bị dọn sạch và lương của nhân viên không được trả. Nhà máy giày Baoyi ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, đã hoạt động được 17 năm, đang chuẩn bị đóng cửa trước cuối năm và chuyển nhà máy sang Indonesia. Công nhân đã đình công vào ngày 30/11 về vấn đề bồi thường.

Lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Thất nghiệp cao dễ dẫn đến bất ổn xã hội

Ông Tạ Điền, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken và là cộng tác viên của The Epoch Times, đã trao đổi với The Epoch Times và so sánh những nguy cơ từ thất nghiệp của Trung Quốc và phương Tây vào ngày 02/06, thời điểm vấn đề thất nghiệp tại Trung Quốc đang rất thu hút sự chú ý.

Theo ông Tạ, đối với các nước phương Tây, thất nghiệp không đồng nghĩa với mất nguồn sinh kế.

Ông Tạ nói: “Hãy lấy Mỹ làm ví dụ, mọi người ở Mỹ đều có bảo hiểm thất nghiệp". “Với ít hơn 5% dân số Mỹ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân về cơ bản không gặp vấn đề thất nghiệp”.

“Dân số phi nông nghiệp ở đô thị nếu đã có thời gian làm việc thì khi thất nghiệp có thể được hưởng BHTN, từ vài tháng, 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt trong thời kỳ COVID-19, đã có những người nhận bảo hiểm thất nghiệp từ sáu tháng đến một năm. Tiền trợ cấp thất nghiệp không nhiều nhưng cũng đủ sống và không bị đói".

Ông Tạ nói: “ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] không gọi 'thất nghiệp' là 'thất nghiệp'. Nó gọi đó là 'chờ việc làm', đó là một cái tên mang tính lừa đảo".

“Bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc không bao quát toàn bộ dân số và phần lớn lao động nông thôn không có nó… Chính quyền không có đủ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả cho những người bị mất việc làm ở thành phố, bao gồm cả lao động nông thôn. Một khi họ mất việc làm, họ sẽ quay trở lại nông thôn, nơi không cần nhiều lao động như vậy, vì vậy Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng”.

Ông Tạ đã so sánh tình hình trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 với tình hình hiện tại. Ông tin rằng tình hình hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Ông nói: “Trung Quốc cũng đã trải qua sự sụp đổ kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong giai đoạn sau của Cách mạng Văn hóa, khi lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Mao Trạch Đông kêu gọi thanh niên trí thức về nông thôn và đẩy họ về nông thôn”.

“Bây giờ [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình cũng đang cố gắng lôi kéo những người trẻ tuổi về nông thôn, nhưng ông ấy không có đủ sức hút để làm điều đó, và người dân không lắng nghe ông ấy, vì vậy ĐCSTQ không thể sử dụng chiến thuật này nữa. Vấn đề là rất lớn. Bảy mươi đến tám mươi phần trăm sinh viên đại học tốt nghiệp năm nay sẽ không thể tìm được việc làm”.

“Ví dụ, nếu tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Đông hoặc các quốc gia Nam Mỹ khác vượt quá 15 đến 20%, tình trạng bất ổn xã hội sẽ bùng phát. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang đứng trước bờ vực của bất ổn xã hội”, ông Tạ nói.

Lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên
Người dân tham dự một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên

Chuyên gia Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York, đã có một bài phân tích tập trung vào nguyên nhân gây ra khủng hoảng thất nghiệp trong thanh niên tại Trung Quốc. Bài báo có tựa đề “Trung Quốc có một vấn đề thất nghiệp thanh niên nghiêm trọng”, đăng trên The Epoch Times vào ngày 13/6. Ông Ezrati cho rằng, chính Bắc Kinh đã tự mình tạo ra cuộc khủng hoảng này.

Theo chuyên gia Ezrati, trong nhiều năm, thế giới đã kinh ngạc trước số lượng bằng cấp khoa học và kỹ thuật tại các trường đại học Trung Quốc. Nhưng giờ đây, có vẻ như Trung Quốc không thể cung cấp được những công việc có ý nghĩa cho những sinh viên mới tốt nghiệp trong các ngành này.

Số lượng thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng cao vọt. Vấn đề là nghiêm trọng đến mức nó đe dọa tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế của Trung Quốc, bất chấp giao ước xã hội mà ĐCSTQ đã thiết lập với người dân Trung Quốc: mang lại sự thịnh vượng để đổi lấy sự độc quyền cầm quyền của ĐCSTQ.

Trên thực tế, tình hình đã đạt đến mức cực đoan. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (đối với những người từ 16 đến 24 tuổi) của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Số liệu trở nên đặc biệt tồi tệ, và Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã không công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cho các tháng sau đó kể từ sau số liệu cho tháng 6.

Chuyên gia Ezrati khẳng định, vấn đề của Trung Quốc gần như hoàn toàn do các nhà hoạch định ở Bắc Kinh tự gây ra. Việc tự làm tổn thương chính mình này thường xảy ra ở các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và cũng thường xảy ra ở các nền kinh tế thị trường khi chính quyền trung ương khăng khăng áp đặt ý tưởng "sáng suốt" của mình.

Giống như Mỹ, mặc dù không có ý định bắt chước, Bắc Kinh đã quyết định từ nhiều năm trước rằng họ cần nhiều người có trình độ đại học hơn để tạo ra một nền kinh tế hiện đại với công nghệ tiên tiến. Không giống như Mỹ, mặc dù Mỹ dường như đang phát triển theo hướng của Bắc Kinh, các nhà chức trách ở Trung Quốc nhấn mạnh đến khoa học và kỹ thuật. Giờ đây, Trung Quốc có một tầng lớp đông đảo những người có học nhưng không tìm được chỗ đứng cũng như những vị trí có thể áp dụng các kỹ năng và chứng chỉ của họ trong nền kinh tế.

Như để minh chứng cho những sai lầm của các nhà lập kế hoạch, Bắc Kinh đã dự đoán rằng cùng lúc với việc nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động có trình độ đại học, thì nó cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân sản xuất. Đến năm 2025, các nhà hoạch định của Bắc Kinh thừa nhận, khoảng 30 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, gần một nửa số lượng việc làm cần thiết của ngành, sẽ không được lấp đầy.

Lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên
Một công nhân được nhìn thấy tại dây chuyền sản xuất của công ty SMC, một nhà sản xuất linh kiện khí nén ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trong chuyến tham quan truyền thông do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO) tổ chức vào ngày 10/1/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong tình huống này. Ngoài sự thiếu hụt nghiêm trọng về công nhân sản xuất, nó còn phải đối mặt với tình trạng dư thừa những người được giáo dục tốt và đang rất thất vọng, những người có thể cảm thấy bị chính quyền phản bội. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách đưa ra nhiều kế hoạch hơn. Nằm trong các kế hoạch đó là một nỗ lực lớn về đào tạo, hay có lẽ nói đúng hơn là “đào tạo lại” những sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp và mở rộng hỗ trợ của nhà nước cho cái mà Bắc Kinh gọi là “tham vọng khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp đại học”.

Nếu Bắc Kinh có thể làm được nhiều hơn trong một tham vọng khác của họ, thì họ có thể phải đối mặt với một vấn đề ít nghiêm trọng hơn trong hiện tại. Nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thường viện dẫn mong muốn của Bắc Kinh là chuyển Trung Quốc từ sự chú trọng hiện tại vào sản xuất với kỹ năng thấp và trung bình sang một nền kinh tế định hướng dịch vụ, tiên tiến hơn. Nhưng tham vọng đó luôn mang tính hùng biện hơn là thực tế.

Thật vậy, sự phát triển của một nền kinh tế dịch vụ luôn mâu thuẫn với việc ông Tập Cận Bình đề cao việc giành quyền thống trị toàn cầu trong một số hoạt động sản xuất và khai thác mỏ. Tham vọng khai thác mỏ và sản xuất của ông đã hướng chi tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước và từ chối cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến người tiêu dùng, những doanh nghiệp có thể dịch chuyển theo hướng nền kinh tế dịch vụ một cách tự nhiên.

Trung Quốc không đơn độc. Phần lớn các nước phát triển nhấn mạnh vào đại học và có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp với năng lực của họ. Nhưng Trung Quốc - nền kinh tế kế hoạch điển hình - đã tự đặt mình vào một tình thế nghiêm trọng hơn hầu hết các quốc gia khác.

Nếu Bắc Kinh không xây dựng một hệ thống đại học đồ sộ và đưa hàng triệu người vào đó, Trung Quốc ngày nay có thể có nhiều công nhân sẵn sàng làm những công việc sản xuất hơn. Nếu Bắc Kinh không bỏ đói tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ồ ạt theo đuổi tham vọng của mình thông qua các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về mặt chính trị nhưng không linh hoạt, thì giờ đây họ có thể có nền kinh tế dịch vụ, thứ mà Bắc Kinh vốn đang chỉ nói suông. Nhưng những điều đó đã không xảy ra, và giờ Bắc Kinh phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng do chính mình tự gây ra đối với tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Nó cũng mang đến cho thế giới một bài học sống động về những hậu quả không lường trước được và những nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung độc đoán, chuyên gia Ezrati kết luận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lượng sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc sắp đạt kỷ lục mới giữa khủng hoảng thất nghiệp thanh niên