Bình luận: Đội quân thất nghiệp ở Trung Quốc hùng hậu đến mức nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 3 năm thi hành Zero Covid, tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã không thể nhanh chóng như Phố Wall dự đoán. Thay vào đó là tiêu dùng giảm sút, nền kinh tế rơi vào suy thoái, xuất hiện làn sóng thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp liên tục phá kỷ lục

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Năm và tháng Sáu của thanh niên từ 16-24 tuổi lần lượt là 20,8% và 21,3%. Đây lại là một kỷ lục mới kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 2018. Nhưng dư luận cho rằng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trong buổi họp báo hôm 15/8 về “nền kinh tế quốc dân tháng 7/2023”, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng từ tháng 8 năm nay sẽ tạm ngừng công bố số liệu thất nghiệp ở thành thị đối với mọi lứa tuổi.

Khi lấy ví dụ về nhóm thanh niên thành thị từ 16-24 tuổi, phát ngôn viên này đưa ra lý do: “Những năm gần đây, trong giới trẻ thành thị ở nước ta, số lượng học sinh [THPT] và sinh viên không ngừng tăng lên. Năm 2022 có hơn 96 triệu thanh niên thành thị trong độ tuổi từ 16-24, trong đó có hơn 65 triệu là học sinh [THPT] và sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiệm vụ chính của họ là học tập, liệu có nên đưa nhóm này vào thống kê điều tra lực lượng lao động hay không, có nhiều quan điểm khác nhau trong xã hội, vấn đề này cần được nghiên cứu hơn nữa".

Bức ảnh này được chụp vào ngày 17/5/2023 cho thấy các học sinh trung học phổ thông ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, đang làm bài thi thử trước Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (NCEE), còn được gọi là "Cao khảo". (STR/AFP via Getty Images)

Báo cáo nghiên cứu của công ty Haitong Securities Trung Quốc cho thấy, số người có việc làm tăng ròng (lấy số người có việc làm của năm nay trừ đi của năm trước) ở thành thị đã liên tục giảm kể từ năm 2010. Số liệu được ghi nhận trong năm 2021 là 5,02 triệu người, là mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Còn trong chương trình tổng kết 10 năm kinh tế “nhảy vọt” phát trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm ngoái, một bộ dữ liệu khác lại nói rằng, “trung bình mỗi năm từ 2013 đến 2022, mức tăng trưởng dân số có việc làm tại thành thị luôn duy trì trên 11 triệu người”.

Ngay cả trong 3 năm suy thoái kinh tế từ 2020 đến 2022, giới chức Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng đã tạo ra 12,06 triệu việc làm mới trong năm 2022.

Vậy thì, chính quyền Trung Quốc tính tỷ lệ thất nghiệp như thế nào?

Cách tính tỷ lệ thất nghiệp của chính quyền Trung Quốc

Thứ nhất, mỗi tuần làm việc 1 tiếng cũng được tính là có việc làm.

Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp không bao gồm dân số nông thôn, mà tình hình việc làm ở nông thôn thậm chí còn tồi tệ hơn.

Thứ ba, 200 triệu người làm việc linh hoạt cũng được tính là có việc làm, trong khi làm việc linh hoạt có nghĩa là họ không có việc làm chính thức.

Thứ tư, ‘lực lượng phi lao động’ không được tính vào phạm vi thống kê thất nghiệp. Vậy lực lượng phi lao động này là gì?

Theo ông Phó Lăng Huy, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 5, có hơn 33 triệu thanh niên trong độ tuổi 16-24 đang thực sự tìm việc làm, và phần còn lại thuộc lực lượng phi lao động, tức là những người không sẵn sàng làm việc hoặc mất khả năng làm việc. Nói cách khác, những người ‘nằm thẳng’ (hay ‘nằm ngửa’), ‘làm con toàn thời gian’, và những ‘quan nhị đại’ (con của quan chức), ‘phú nhị đại’ (con nhà giàu) không cần tìm việc thì đều được tính là “lực lượng phi lao động”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều thanh niên Trung Quốc chọn "nằm thẳng", tức là làm việc ít đi, sao cho có đủ chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống, chứ không “bán mạng” cho công việc hay những “giấc mơ đổi đời” nữa. (NICOLAS ASFOURI/AFP via Getty Images)

Sau một loạt thủ pháp ‘co kéo’ nói trên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vẫn lên tới 21%.

Tỷ lệ thất nghiệp thực tế là bao nhiêu?

Từ các video trên Internet có thể thấy: các quán cà phê Starbucks ở Bắc Kinh có rất nhiều người trung niên thất nghiệp đến ngồi vào giờ đi làm và rời đi sau khi ‘tan ca’; chợ việc làm Mã Câu Kiều ở quận Thông Châu, Bắc Kinh tập trung rất đông lao động, họ làm việc hơn 10 tiếng/ngày với mức lương chưa đến 2,5 USD (60 nghìn VND)/giờ.

Hay như thành phố Côn Sơn ở tỉnh Giang Tô, vốn là một trong 100 huyện/thành phố có mức độ phát triển mạnh nhất Trung Quốc nhưng hiện giờ các văn phòng tuyển dụng nhân sự tại đây vắng tanh, doanh nhân Đài Loan đã chạy hết (do đại dịch và chính sách của chính quyền), không còn việc làm.

Trước đây, nếu bạn thất nghiệp, bạn có thể làm tài xế gọi xe trực tuyến, nhưng khi một lượng lớn người thất nghiệp đổ dồn vào ngành này, sẽ rất khó để nuôi sống gia đình nếu chỉ dựa vào công việc này. Ông Lý (Li), tài xế gọi xe trực tuyến ở Hàng Châu, chạy xe 16 tiếng một ngày nhưng chỉ kiếm được hơn 100 nhân dân tệ (hơn 3 triệu VND). Ngày càng nhiều người trẻ nằm thẳng, có những người chỉ đơn giản là ở nhà làm con cái toàn thời gian.

Một tài xế xe công nghệ sử dụng ứng dụng gọi xe Didi Chuxing trên điện thoại thông minh của mình khi đang lái xe trên đường phố ở Bắc Kinh vào ngày 2/7/2021. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), Phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đăng bài cho biết, vào tháng 3 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tối đa của thanh niên Trung Quốc phải lên tới 46,5%, cao hơn nhiều so với con số chính quyền công bố.

Trong bài viết, bà Trương chỉ ra rằng, theo dữ liệu tháng 3 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số từ 16 đến 24 tuổi ở các khu vực thành thị trên cả nước có tổng cộng khoảng 96 triệu người. Dân số lao động chiếm 1/3, tương đương với 32 triệu người, nhưng 6,3 triệu người trong số họ được liệt kê là thất nghiệp; 2/3 còn lại tương đương với 64 triệu người là lực lượng phi lao động, trong đó có 48 triệu người là học sinh, sinh viên; 16 triệu người còn lại là nhóm thanh niên không đi học cũng không đi làm, phần lớn họ chọn “nằm thẳng” hoặc “ăn bám cha mẹ”.

Bài viết đề cập rằng nếu coi 16 triệu dân số ‘phi lao động’ nói trên là thất nghiệp, thì số thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 - 24 ở Trung Quốc có thể lên tới 22,3 triệu; nếu lấy tổng số 48 triệu học sinh, sinh viên làm mẫu số thì tỷ lệ thất nghiệp tối đa của thanh niên Trung Quốc vào tháng 3 năm nay lên tới 46,5%, cao hơn nhiều so với mức 19,7% mà chính quyền công bố vào tháng đó.

Tại sao kiếm việc làm lại khó đến vậy?

Hiện tại, hai vấn đề phổ biến ở Trung Quốc là thanh viên "bốn không" (không kết hôn, không mua nhà, không sinh con và không tiêu dùng), cũng như vấn đề những người trên 35 tuổi khó tìm việc làm. Chính quyền đã yêu cầu những người trẻ tuổi "tự mình chịu khổ", thậm chí khuyến khích giới trẻ đi theo con đường “lên núi, về nông thôn".

Bức ảnh này chụp vào ngày 7/1/2023 cho thấy những người lớn tuổi đang ngồi trước một ngôi nhà ở vùng nông thôn ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Có các lý do thất nghiệp như sau:

Trước hết, chính sách Zero Covid trong ba năm đã dẫn đến tình trạng kinh tế trì trệ, một lượng lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động khó tìm việc trên quy mô lớn, mà đây lại là hậu quả của chính sách do Bắc Kinh thúc đẩy.

Thứ hai, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp các doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây, lần lượt từ các công ty Internet, ngành giáo dục đào tạo cho đến các ngành khác. Chỉ riêng cuộc đàn áp giáo dục và đào tạo đã khiến gần 10 triệu người mất việc làm. Theo dữ liệu của "Qichacha" - một nền tảng cung cấp thông tin về các công ty Trung Quốc, có hơn 4,45 triệu doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã đóng cửa, trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân lại cung cấp gần 80% việc làm ở nước này.

Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc đang trong xu thế tách rời thế giới, dẫn đến sự dịch chuyển của chuỗi công nghiệp và sự sụt giảm đơn hàng. Theo dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố, “các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2% chủ thể thị trường và đã tạo việc làm cho khoảng 40 triệu người, chiếm 10% dân số có việc làm ở thành thị trên toàn quốc".

Xu hướng tách rời nền kinh tế thế giới khỏi nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ trở thành trạng thái bình thường trong vài năm tới, điều này sẽ khiến người Trung Quốc khó tìm việc làm hơn.

Thứ tư, quá trình công nghiệp hóa giáo dục do chính phủ chỉ đạo đã gây ra sự chênh lệch nghiêm trọng giữa cung và cầu nhân tài.

Vào năm 2023, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc dự kiến đạt 11,58 triệu người, lập kỷ lục mức cao mới. Hệ thống giáo dục luôn bị kiểm soát bởi mô hình kinh tế kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, còn giáo dục thì không ăn khớp với nhu cầu của thị trường. Năm 1998, Trung Quốc bắt đầu công nghiệp hóa nền giáo dục và mở rộng tuyển sinh giáo dục đại học, nhiều trường trung cấp, cao đẳng, dạy học qua truyền hình và bổ túc buổi tối… được chuyển đổi thành đại học.

Một giáo sư đang điều chỉnh tua rua trên mũ cho một sinh viên trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Vũ Hán vào ngày 20/6/2023 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Trung Quốc được dự đoán sẽ đào tạo ra 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay. (Getty Images)

Thống kê cho thấy trong những năm gần đây, hàng năm có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường đại học.

Để thu hút sinh viên, các trường đại học đào tạo rất nhiều chuyên ngành như tài chính, ngoại thương, bất động sản, máy tính và phần mềm thông tin, v.v. Tuy nhiên, không ai quan tâm đến các trường trung cấp kỹ thuật đào tạo nhân tài cấp thấp và cấp trung trong ngành sản xuất.

Hơn 20 năm qua, có một bộ phận không nhỏ sinh viên Trung Quốc ra trường nhưng phải làm trái ngành. Khi nền kinh tế đang phồn vinh, tình trạng làm trái ngành có thể được thị trường hấp thụ, nhưng khi nền kinh tế đi xuống, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn, ngành sản xuất thiếu nhân công trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học từ chối làm công việc cấp thấp.

Hiện nay, làn sóng thất nghiệp đang lan rộng, thanh niên Trung Quốc rất khó tìm được việc làm.

Ba làn sóng thất nghiệp lớn kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền

Làn sóng thất nghiệp đầu tiên là từ năm 1973-1979. Do khó khăn về kinh tế và chính trị, lãnh đạo khi đó là ông Mao Trạch Đông đã phát động Cách mạng Văn hóa, đưa một lượng lớn thanh niên về nông thôn. Sau Cách mạng Văn hóa, lực lượng này "trở về thành phố" và gây ra làn sóng thất nghiệp đầu tiên ở thành thị.

Ngày 5/12/1957, người dân thành phố Thái Nguyên, Trung Quốc xếp hàng dài trên đường tiễn 7.000 cán bộ lên núi, về nông thôn để "xây dựng nông thôn mới". (Miền công cộng)

Lần thứ hai là quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc từ năm 1998-2001. Cuộc cải cách này là do Trung Quốc thực hiện hệ thống kế hoạch hóa kinh tế quốc doanh, khiến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thấp, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước phá sản và hàng trăm triệu công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước thất nghiệp. Đây là làn sóng thất nghiệp thứ hai.

Lần thứ ba là khi chính phủ Trung Quốc kiên quyết đi theo con đường riêng của mình và thực hiện “Zero Covid trong 3 năm”, khiến nền kinh tế trì trệ, gây ra làn sóng thất nghiệp thứ ba.

Liệu vấn đề việc làm của Trung Quốc có được cải thiện trong tương lai?

Như đã phân tích ở trên, việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, sự tách rời hoàn toàn khỏi nền kinh tế thế giới và hoạt động kém hiệu quả của hệ thống kinh tế do nhà nước sở hữu là những nguyên nhân gốc rễ. Chúng sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc tồn tại trong một thời gian dài và sẽ ngày càng trầm trọng hơn, cũng tức là vấn đề thất nghiệp có thể ngày càng nghiêm trọng hơn.

Phần lớn Phố Wall cho rằng, sau đại dịch, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ phục hồi và nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục thịnh vượng, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Nhưng thực tế lại khác.

Tại sao tiêu dùng của Trung Quốc không phục hồi sau đại dịch mà ngược lại lại giảm mạnh? Theo số liệu của nhiều ngành, lượng tiêu dùng đã giảm 30%, có thể giải thích sự sụt giảm đột ngột này như thế nào?

Có quan điểm cho rằng, khi dân số đột ngột giảm mạnh, mức tiêu thụ sẽ đột ngột giảm theo. Về quan điểm này, mời quý vị tham khảo bài viết Tết 2023 giảm 924 triệu lượt người đi lại, phân tích chỉ ra dân số Trung Quốc giảm đột biến và đón đọc bài “Lượng tiêu thụ muối sụt giảm, Trung Quốc thực sự còn bao nhiêu dân?”.

Theo chương trình "Tài chính Tịnh Viên" - The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đội quân thất nghiệp ở Trung Quốc hùng hậu đến mức nào?