Bình luận: Chính quyền Trung Quốc đang ‘đùa cợt' với các doanh nghiệp tư nhân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau thời gian tỏ ra thù địch với các doanh nghiệp tư nhân, Bắc Kinh dường như đang muốn sửa sai. Nhưng biện pháp họ thực hiện có vẻ giống như một trò đùa.

Bài bình luận

Điều này sẽ là một trò đùa thú vị nếu nó không thực sự xảy ra trong thực tế. Nhưng nó đang xảy ra. Sau khi các chỉ đạo mạnh tay phá hủy niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân và làm mất đà tăng trưởng của nền kinh tế, Bắc Kinh đã quyết định giải quyết vấn đề bằng một cơ quan chính phủ mới nhằm phối hợp các cơ quan chính phủ và đề ra các ưu tiên cho doanh nghiệp.

Chắc hẳn tình hình sẽ tốt hơn nếu chính quyền Trung Quốc đưa ra lời hứa sẽ không can thiệp vào hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân, nhưng rõ ràng, Bắc Kinh không có khả năng nhận ra điều đó chứ đừng nói đến việc hành động vì nó.

Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế lớn. Xuất khẩu - vẫn là động lực tăng trưởng chính - đang suy giảm, giảm gần 7% từ tháng 3 đến tháng 8, tháng gần đây nhất có dữ liệu. Châu Âu, khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, đang trong thời kỳ suy thoái hoặc sắp suy thoái và đang mua hàng ít hơn trước. Nền kinh tế Mỹ cho đến nay đã tránh được suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm rõ rệt so với cuối năm ngoái và đầu năm nay.

Thực tế kinh tế này, cộng với những căng thẳng đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington, đã khiến người Mỹ giảm mua sản phẩm Trung Quốc cũng như hạn chế dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc. Sự gia tăng thương mại với Nga thậm chí không thể bù đắp được điểm yếu này. Đồng thời, bất động sản nhà ở đang rơi tự do. Từng thống trị khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc, hầu hết các nhà phát triển đã phá sản và giá nhà đất đang sụt giảm, làm xói mòn tài sản của hàng triệu người dân Trung Quốc.

Không chỉ vậy, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu di sản của nhiều năm bị phong tỏa và cách ly do chính sách zero-COVID của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã dỡ bỏ những chính sách sai lầm này vào đầu năm nay và chi tiêu tiêu dùng tăng vọt. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, phần lớn chỉ giới hạn ở những công dân giàu có nhất. Sau khi thoát khỏi những thời kỳ bị hạn chế nghiêm ngặt đó, một người Trung Quốc bình thường không chắc liệu mình có thể trông cậy vào khoản tiền lương đều đặn hay không. Đặc biệt vì bất động sản nhà ở chiếm phần lớn tài sản của hộ gia đình, hầu hết người Trung Quốc không muốn mở rộng chi tiêu tiêu dùng của mình, và do đó, Bắc Kinh khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng chung.

Các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc cũng phải chịu thiệt hại tương tự như các hộ gia đình do các biện pháp zero-COVID. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để giết chết niềm tin, hạn chế dòng đầu tư và dập tắt mọi động lực mở rộng, nhưng còn nhiều vấn đề hơn thế nữa.

Thay đổi thái độ với các doanh nghiệp tư nhân

Trong một thời gian trước khi xảy ra đại dịch, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng sự ở Bắc Kinh đã tỏ ra thù địch với các doanh nghiệp tư nhân, chỉ trích họ chạy theo lợi nhuận thay vì chương trình chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra. Ông Tập thậm chí còn đe dọa các doanh nghiệp, cho rằng Trung Quốc cuối cùng đã đạt đến trình độ phát triển có thể quay trở lại cội nguồn kế hoạch hoá tập trung. Là một phần của lập trường này, Bắc Kinh đã từ chối tài trợ cho đế chế bán lẻ của Jack Ma và phá hủy một cách hiệu quả khu vực dạy thêm tư nhân đang phát triển nhanh chóng.

Bình luận: Chính quyền Trung Quốc đang ‘đùa cợt' với các doanh nghiệp tư nhân?
Ông Jack Ma, chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu Bloomberg ở thành phố New York, Mỹ, vào ngày 20/9/2017. (Ảnh: John Moore/Getty Images)

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp tư nhân đang chùn bước. Ngay cả khi Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng chi tiêu cơ sở hạ tầng theo cách truyền thống để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đã tăng chi tiêu đầu tư, thì các công ty tư nhân, lớn và nhỏ, đã thực sự rút lui, cắt giảm chi tiêu đầu tư sản xuất của họ ở mức 0,2% trong nửa đầu năm và thậm chí còn cắt giảm nhiều hơn trong tháng 7, khiến 7 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 0,5%.

Để đáp lại, ĐCSTQ đã thay đổi giọng điệu. Trong khi cách đây không lâu ông Tập đã chê bai các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, thì gần đây ông lại gọi họ là “người của chúng ta”. Nhưng sự sụt giảm nhanh chóng trong chi tiêu đầu tư tư nhân cho thấy sự thay đổi về mặt hùng biện không có tác dụng, ít nhất là chưa. Vì vậy, Bắc Kinh đã quyết định thực hiện những nỗ lực thực chất hơn để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng hoạt động của mình. Đây là nơi mà yếu tố hài hước xuất hiện.

Việc đánh đập sẽ tiếp tục cho đến khi tinh thần được cải thiện

Thay vì khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân theo đuổi lợi nhuận và trấn an họ rằng Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào hoạt động của họ, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan chính phủ mới để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch của Trung Quốc, cho biết cơ quan mới này sẽ chỉ đạo nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và giám sát các doanh nghiệp tư nhân để theo dõi sự hợp tác và tuân thủ của họ. Việc gia tăng kiểm soát chính là thứ đã làm xói mòn niềm tin ngay từ đầu. Bắc Kinh dường như không thể thoát ra khỏi con đường cũ cố hữu của mình.

Cơ quan mới này khó có khả năng có hiểu biết sâu sắc về các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng không chỉ vậy, cơ quan mới này chưa chắc sẽ có nhiều quyền lực để giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân trong nội bộ cơ quan kế hoạch lớn hơn hay giữa bộ máy quan liêu rộng lớn ở Bắc Kinh nói chung. Theo ông Zhang Shixin, nhà hoạch định cấp cao của NDRC, cơ quan mới này thậm chí sẽ không có cấp thứ trưởng.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang quá chú tâm vào hệ tư tưởng kế hoạch hoá tập trung của mình nên không thể thấy rằng việc bổ sung thêm một cơ quan và một cấp chỉ đạo khác của chính phủ sẽ không tạo được phản ứng hưởng ứng nhiệt tình từ các doanh nghiệp tư nhân. Suy cho cùng, chính việc lập kế hoạch và chỉ đạo mạnh tay của chính phủ đã phá hủy niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân ngay từ đầu. Nỗ lực mới nhất này có thể sẽ thất bại. Theo một cách nào đó, nó gợi nhớ đến một lời giễu cợt khác về những nỗ lực từ trên xuống không đúng chỗ. Đó câu nói “việc đánh đập sẽ tiếp tục cho đến khi tinh thần được cải thiện”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Chính quyền Trung Quốc đang ‘đùa cợt' với các doanh nghiệp tư nhân?