Kế hoạch 'thúc đẩy' đầu tư tư nhân của Trung Quốc sẽ chẳng đi đến đâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc dường như đang muốn thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân với kế hoạch tăng chi tiêu đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch này lại sặc mùi kinh tế kế hoạch, và hoàn toàn phớt lờ tín hiệu của thị trường.

Bắc Kinh dường như cuối cùng đã nhận ra một thực tế là nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều sự trợ giúp hơn.

Cách đây vài tháng, cuối cùng, các nhà chức trách đã dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt ngột ngạt trong chính sách zero-COVID. Tuy nhiên, đảo ngược một chính sách sai lầm là không đủ. Vì vậy, gần đây, họ đã bắt đầu nỗ lực khôi phục lòng tin trong các doanh nghiệp tư nhân, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, mở rộng và thuê nhân công mới.

Các kế hoạch của Bắc Kinh rất có thể sẽ thất bại. Chính sách của họ sặc mùi kinh tế kế hoạch, chỉ huy và kiểm soát tập trung. Nói cách khác, họ lặp lại những sai lầm trong quá khứ bằng cách tiếp tục phớt lờ các tín hiệu thị trường. Trong khi đó, tín hiệu thị trường chính là những đường hướng cơ bản cho bất kỳ nỗ lực cải thiện kinh tế thành công nào. Nếu những nỗ lực mới này có bất kỳ tác động tích cực nào, chúng có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thậm chí có thể gieo mầm cho những rắc rối kinh tế trong tương lai.

Doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc thiếu tự tin

Doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc thiếu tự tin vì hai lý do. Một là di sản của chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Trong ba năm, các biện pháp này, theo một cách có vẻ tùy tiện, đã áp đặt một loạt các biện pháp phong tỏa và cách ly cưỡng chế. Chúng đã làm suy yếu sự tự tin các cá nhân và doanh nghiệp về việc lập kế hoạch, tiết kiệm, đầu tư hay thậm chí kiếm tiền. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà quản lý và chủ sở hữu doanh nghiệp đã hạn chế đầu tư tiền vào các dự án mới.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác ban lãnh đạo của ông trong nhiều năm nay đã tuyên truyền về sự cần thiết của việc Trung Quốc rời bỏ nền kinh tế cạnh tranh mà nước này từng nuôi dưỡng. Những tư tưởng này đã chuyển thành những lời hùng biện chính thức. Họ chỉ trích các doanh nghiệp tư nhân - dù lớn hay nhỏ, cho rằng các doanh nghiệp này có thái độ thù địch với xã hội vì chạy theo các cơ hội kiếm lời theo các tín hiệu thị trường thay vì tuân theo các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tác động của hành vi này đối với các doanh nghiệp tư nhân là yếu tố cản trở nền kinh tế Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ đã đóng góp 4,4% giá trị gia tăng cho nền kinh tế Trung Quốc, thì các công ty tư nhân lại trì trệ, chỉ đóng góp thêm 1,9%. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước đã tăng chi tiêu cho đầu tư lên 8,1% thì đầu tư tư nhân lại giảm 0,2%. Bắc Kinh cũng đã nhận thức được tình hình chênh lệch này là không bền vững. Xin lưu ý rằng các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu thu thuế, chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, áp dụng khoảng 70% tổng lượng đổi mới công nghệ của Trung Quốc, và chiếm 80% việc làm ở thành thị.

Kế hoạch 'thúc đẩy' đầu tư tư nhân của Trung Quốc sẽ chẳng đi đến đâu
Người dân nói chuyện với một nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 09/06/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đối mặt với những thực tế này và hậu quả là nền kinh tế vẫn đang chững lại của Trung Quốc, ông Tập và ĐCSTQ đã thay đổi thái độ của họ. Như đã ngầm thừa nhận sự thất bại của các chính sách trước đây, họ đã dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt zero-COVID vào tháng 1 và gần đây bắt đầu đảo ngược các luận điệu chống doanh nghiệp tư nhân. Giờ đây, ông Tập gọi các doanh nhân tư nhân là “người của chính chúng ta”.

Nhưng như những con số trích dẫn ở trên cho thấy, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn cảnh giác. Theo đó, Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch mới nhằm xây dựng lại niềm tin của các chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý khu vực tư nhân. Lời hứa ủng hộ doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh hẳn là rất đáng ngờ.

Kế hoạch mới là gì?

Kế hoạch 31 điểm mới bao gồm 17 biện pháp nhằm tăng chi tiêu đầu tư đối với các doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch của Trung Quốc, sẽ xác định “các ngành công nghiệp trọng điểm” để tăng cường đầu tư. NDRC đã tổng hợp danh sách 2.900 dự án đầu tư nhằm thu hút khoảng 3,2 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 447,5 tỷ USD) trong các khoản đầu tư mới. Các nhà quy hoạch đã nói rõ rằng tất cả các dự án này đều được chính quyền địa phương khuyến nghị. Kế hoạch này cũng kêu gọi NDRC phát triển cơ sở dữ liệu về các dự án này cho các tổ chức tài chính có liên quan - tất cả là các doanh nghiệp nước - để cung cấp tài chính cho khoản đầu tư. Các công ty tư nhân sẽ đăng ký để được tham gia vào chương trình.

Khó có thể tưởng tượng làm thế nào một kế hoạch như vậy có thể khôi phục niềm tin kinh doanh. Toàn bộ chương trình được chỉ đạo bởi các nhà hoạch định trung ương từ trên xuống; họ sẽ phê duyệt các ứng viên cho các khoản đầu tư tài chính. Kế hoạch này đề cập đến việc “lắng nghe” các “mối quan tâm” của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nó không tính đến bất kỳ mong muốn nào của người tiêu dùng cuối cùng mà các doanh nghiệp tiếp xúc hàng ngày. Nói cách khác, nỗ lực kích thích kinh tế này hoàn toàn bỏ qua các tín hiệu thị trường để ủng hộ các quyết định do chính phủ chỉ định và lựa chọn.

Kế hoạch này sẽ không chỉ không truyền cảm hứng cho các nỗ lực đầu tư tư nhân hoặc xây dựng lại động lực kinh tế, mà còn mang theo tất cả những rủi ro điển hình của hoạt động kế hoạch hóa tập trung. Nó sẽ tập trung các nguồn lực và nguồn tài trợ to lớn cho những quyết định mà các nhà lập kế hoạch và các quan chức chính phủ mong muốn. Tuy nhiên, những quyết định như vậy ít hoặc không liên quan đến những gì người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp thực sự muốn cũng như tín hiệu của thị trường. Tiền bạc và công sức sẽ được đổ vào các hoạt động ít hứa hẹn thu được lợi nhuận tương xứng. Cách tiếp cận này là lý do tại sao Trung Quốc ngày nay có những khu chung cư cao tầng bỏ trống ở những nơi không ai muốn sống và một di sản nợ nần chồng chất do nỗ lực phát triển sai lầm.

Áp lực của chính phủ và nguồn tài chính dồi dào có thể tạo ra phản ứng tích cực ngay lập tức đối với chương trình 31 điểm. Tuy nhiên, cuối cùng, thật khó để tưởng tượng các doanh nghiệp có thể gắn kết với các dự án ít liên quan đến tín hiệu thị trường và do đó, đi cùng với cơ hội tạo lợi nhuận bấp bênh.

Người Mỹ có thể rút ra bài học từ các biện pháp phản ứng của chính quyền Trung Quốc và những sai sót của nó. Xét cho cùng, kinh tế học Biden là một phiên bản giảm nhẹ của những gì Trung Quốc đang làm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch 'thúc đẩy' đầu tư tư nhân của Trung Quốc sẽ chẳng đi đến đâu