Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà kinh tế chỉ ra rằng ĐCSTQ không phải là chính phủ của người dân thường. Nó chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của giới tinh hoa Trung Quốc. Do đó, GDP của Trung Quốc không liên quan gì đến công chúng.

Kể từ đầu năm mới, một số viện nghiên cứu của Nhật Bản đã công bố các báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 5% vào năm 2023 và sẽ giảm xuống vào năm 2024, có thể xuống mức 4%. Nhà kinh tế học Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) ở Mỹ đồng ý rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm, nhưng ông tin rằng số liệu thống kê GDP của Trung Quốc không có ý nghĩa thực sự vì ngay từ đầu, số liệu này đã bị thao túng.

Ông Lý là một kế toán viên được chứng nhận ở Mỹ, người đã chứng kiến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bỏ tù một năm sau khi ông tham gia các cuộc biểu tình.

Vào ngày 3/1, The Epoch Times đã phỏng vấn ông Lý về các xu hướng hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc.

Vào ngày 5/3 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ đã đệ trình ngân sách cho năm mới, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 5%, mức thấp nhất trong gần 30 năm.

Theo ông Lý, ĐCSTQ đặt mục tiêu này do sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế sau 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19.

Ông nói: “Một số người nghĩ rằng sau ba năm hạn chế vì đại dịch, sẽ có sự gia tăng trong chi tiêu trả thù ở Trung Quốc sau khi các hạn chế được dỡ bỏ”. “Đó là lý do tại sao mục tiêu tăng trưởng GDP được đặt ở mức khoảng 5%.”

Ông Lý nói: “Tuy nhiên, điều này hóa ra đơn giản chỉ là một ảo ảnh”.

“Nền kinh tế Trung Quốc trì trệ trong quý đầu tiên, sau đó cải thiện một chút trong quý hai và sau đó giảm trở lại trong quý ba. Vì vậy, đã có một nỗ lực lớn trong quý bốn, nhưng những số liệu mới cho quý đó vẫn chưa được công bố. Đơn giản là việc chi tiêu trả thù đã không xảy ra”.

Thuật ngữ “chi tiêu trả thù” xuất phát từ kỳ vọng rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi tiêu rất nhiều khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chi tiêu bù cho khoảng thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19.

Hỗn loạn về kinh tế

Trong những năm qua, ĐCSTQ đã dựa vào đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, vào năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Evergrande Group, Country Garden và các công ty bất động sản hàng đầu khác ngấp nghé bờ vực sụp đổ. Giá cổ phiếu của họ đã giảm mạnh. Nhiều công ty ở Trung Quốc đã đóng cửa và một lượng lớn người dân trở nên thất nghiệp.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Một công nhân nhập cư đi qua Thành phố Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 24/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng này. Vốn ngoại và các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc. Chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng đã được dịch chuyển sang các nước khác và các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã ngăn chặn khả năng tiếp cận chất bán dẫn và các công nghệ khác của Trung Quốc. Sự đồng thuận ở phương Tây hướng đến ngăn chặn kế hoạch mở rộng toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Lý nói: “Kết quả là hoạt động xuất khẩu của [Trung Quốc] đi vào đình trệ”.

“Mối quan hệ hỗn loạn giữa ĐCSTQ và các nước khác đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm. Số tiền mà ĐCSTQ đổ vào Sáng kiến Vành đai và Con đường giống như cấp tín dụng, không rõ khi nào mới được hoàn trả. Nó có thể biến thành nợ xấu. Tình hình tài chính của Trung Quốc tồi tệ đến mức các ngân hàng không muốn tăng nợ nước ngoài”, ông nói.

“Khi nhu cầu trong nước và tiêu dùng đều giảm, thứ duy nhất còn lại là đầu tư và mua sắm của nhà nước. Cái gọi là mua sắm nhà nước là các dự án cơ sở hạ tầng do chính quyền tài trợ. ĐCSTQ không muốn thực hiện thêm điều này để tránh vướng phải nợ nần”, ông nói.

“Nhưng sau khi số liệu quý III được công bố, lãnh đạo ĐCSTQ trở nên lo lắng. Để đảm bảo GDP tăng trưởng thì họ phải làm điều này, và họ phải làm điều đó cho dù có phải gánh bao nhiêu nợ đi chăng nữa. Vì vậy, từ quý IV trở đi, họ tăng số nợ và khởi xướng thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Khi tiền vào, số liệu GDP tăng lên”.

Số liệu GDP vô nghĩa

Theo ông Lý, số liệu GDP của Trung Quốc là vô nghĩa đối với người dân thường ở Trung Quốc.

“Nếu nền kinh tế phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc người dân có thể cảm nhận được, nhưng cuộc sống thực tế của người dân [Trung Quốc] không phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều mà người dân thực sự đang cảm thấy là họ không thể tìm được việc làm và không thể thanh toán các hóa đơn”, ông nói.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Một người bán hàng đẩy xe đạp chuẩn bị băng qua đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/1/2024. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Ông Lý giải thích: “Vì vậy, tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% này đã bị thao túng thông qua hoạt động mua sắm của chính phủ”. “Ví dụ, khi việc đóng một tàu chiến và chi tiêu của lực lượng an ninh nhà nước được tính vào GDP, đây đều là những khoản mua sắm của chính phủ và chúng không có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. Những dự án này chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Chỉ khi phúc lợi kinh tế của người dân được cải thiện thì mới có sự tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa”.

Ông Lý cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ không phải là chính phủ của người dân thường. Nó chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của giới tinh hoa Trung Quốc. Do đó, GDP của Trung Quốc không liên quan gì đến công chúng.

‘Không có hy vọng vào tương lai'

Ông Lý đưa ra rất ít hy vọng về việc Trung Quốc sẽ sớm có sự đảo ngược về phát triển kinh tế.

“Xu hướng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc có thể dự đoán được. Đó là – nó sẽ trở nên tồi tệ hơn mỗi năm”, ông Lý nói. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ giảm so với năm nay”.

“Vậy cơ sở của việc này là gì?”

Ông nói: “Trước hết là sự rút vốn của một lượng lớn vốn nước ngoài, cuộc di cư ồ ạt và “phi Trung Quốc hóa” chuỗi cung ứng”.

“Thứ hai, người dân không có hy vọng vào tương lai. Họ không dám tiêu dùng và không đủ khả năng tiêu dùng. Từng chiếm hơn 30% GDP của Trung Quốc là ngành bất động sản, số lượng lớn các công ty [bất động sản] chìm trong hỗn loạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiệu suất cận biên của hoạt động mua sắm của chính phủ đang giảm dần và do ĐCSTQ hạn chế đổi mới, hoạt động mua sắm của chính phủ sẽ ngày càng yếu đi. Đây là xu hướng chính”, ông nói.

“Tất nhiên, trừ khi Trung Quốc trải qua một sự thay đổi căn bản, chẳng hạn, Trung Quốc trở thành một quốc gia tự do và dân chủ, với môi trường kinh doanh dựa trên pháp quyền chứ không phải sự cai trị tùy tiện của con người, khi đó các doanh nghiệp sẽ phục hồi. Chỉ khi đó niềm tin mới được phục hồi, nền kinh tế sẽ hồi phục và thịnh vượng, GDP của Trung Quốc sẽ ổn định”.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Một công nhân nhìn từ bệ cần cẩu bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Dự đoán về suy giảm kinh tế ở Trung Quốc

Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai, Viện nghiên cứu Itochu và các tổ chức nghiên cứu khác từ Nhật Bản đều đã đánh giá nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên dữ liệu do ĐCSTQ công bố. Họ đã xem xét nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 và dự đoán hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sẽ tiếp tục chậm lại, chủ yếu do nhu cầu trong nước thấp. Đồng thời, xuất khẩu và nhập khẩu đang giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giảm đáng kể, doanh số bán bất động sản thương mại trì trệ và đầu tư cơ sở hạ tầng đã được tổ chức lại. Đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc cũng đang suy yếu so với đồng USD và giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn những gì được phản ánh qua các con số, với tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không thể tránh khỏi vào năm 2024. Biện pháp phản ứng kinh tế hiện tại của Trung Quốc là mở rộng đầu tư nhà nước. Trong khi chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng tránh rủi ro tài chính, điều này không thể đạt được bằng cách né tránh các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu.

Viện nghiên cứu Itochu đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng vào năm 2023, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất hỗn loạn do bong bóng bất động sản vỡ, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và số lượng lựa chọn chính sách sẵn có còn hạn chế. Mặc dù ĐCSTQ cho biết họ muốn đạt được “tăng trưởng vững chắc” vào năm 2024, nhưng các chính sách của họ chỉ nhấn mạnh đến sự ổn định mà không thấy có sự thúc đẩy kinh tế cụ thể nào. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4%.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 yếu và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, và đến năm 2025 sẽ còn suy giảm hơn nữa.

Các nhà kinh tế Nhật Bản nhìn chung tin rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ và suy thoái kinh tế Trung Quốc là do chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ và sự lãnh đạo độc tài của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Trong khi đó, trong báo cáo công bố hôm thứ 5 (14/12/2023) Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024 và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ 5,2% trong năm 2023 xuống còn 4,5%.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Hai người đi ngang qua tòa nhà của Ngân hàng Thế giới, tổ chức cho vay phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington, ở Washington, Mỹ, vào ngày 17/1/2019. (Ảnh: ERIC BARADAT/AFP qua Getty Images)

Trong báo cáo, WB cho biết tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn “mong manh” do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, cùng với nhu cầu toàn cầu yếu đối với hàng hóa Trung Quốc, mức nợ cao và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 5% trong năm 2023 nhưng sẽ giảm trong thời gian tới, phù hợp với các dự báo khác. WB cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại hơn nữa trong năm 2025, giảm xuống 4,3% từ mức 4,5% của năm 2024.

Giảm phát dai dẳng và xuất khẩu sụt giảm

Tình hình tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xấu đi. Giá tiêu dùng của Trung Quốc đang trải qua đợt suy giảm liên tiếp dài nhất kể từ năm 2009. Đồng thời, đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang suy yếu, có thể đẩy Trung Quốc vào vòng luẩn quẩn của giảm phát.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI nằm trong vùng giảm phát.

Trong số đó, giá thực phẩm giảm 3,7%, tốt hơn một chút so với mức giảm 4,2% trong tháng 11. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm 2023, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ 6, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Ngoài ra, “công xưởng thế giới" chứng kiến lĩnh vực sản xuất chìm trong diện thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 12/2023.

Một loạt các kết quả kinh tế tiêu cực, và Trung Quốc đón chào năm mới trong tâm trạng không mấy vui vẻ. Những nguy cơ lớn về suy giảm kinh tế đang hiện rõ trước mắt.

Dường như các vấn đề của kinh tế Trung Quốc đã trở nên quá nổi bật, và ngay cả Bắc Kinh cũng không thể không thừa nhận.

Thật vậy, mặc dù Bắc Kinh đã ra tay trấn áp việc “nói xấu" nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua, tuy nhiên trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với các khó khăn.

Đánh giá của người dân Trung Quốc

Đối với người dân Trung Quốc, khó khăn về kinh tế dường như thật dễ cảm nhận. Chắc chắn, họ là những người hiểu rõ nhất tình hình thực sự lúc này, và tình hình trên thực tế chắc chắn còn tồi tệ hơn nhiều các con số được Bắc Kinh báo cáo.

Ông Yan là một người dân Phúc Châu. Ông Yan từ lâu đã chú ý đến nền kinh tế Trung Quốc và tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ông cho biết trong tương lai nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng tồi tệ hơn và ông đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục thắt lưng buộc bụng.

Tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Khi mức tiêu dùng của người dân giảm, điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập giảm. Ngày càng có ít người tiêu thụ thực phẩm ở một số chợ nông sản nhỏ và chuỗi siêu thị lớn. Ông Yan nói: "Gần đây, buổi tối khi tôi đến Siêu thị Yonghui thì có rất ít người. Tôi hỏi nhân viên bán hàng tại sao lại ít người như vậy. Anh ấy nói rằng người [khách hàng] càng ngày càng ít, nền kinh tế đóng băng và sức mua ngày càng thấp hơn”.

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc
Một người đàn ông sử dụng điện thoại khi đang nghỉ ngơi tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/7/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Ông Yan nói: “Tôi đánh giá rằng do tất cả lao động nhập cư ở nơi khác đã quay trở lại [quê hương], trong khi lao động nhập cư chủ yếu làm công việc trang trí phụ trợ, ngành bất động sản suy thoái, việc làm của họ không còn, nên họ đều quay trở lại [quê hương], và tiêu dùng đương nhiên sẽ trở nên trì trệ. Phúc Châu vẫn còn tốt hơn một chút. Quảng Châu, Đông Quản, Thâm Quyến, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang còn nghiêm trọng hơn. Ở đó có nhiều ngành công nghiệp, và nhiều nhà máy đã đóng cửa".

Ông Yan cho biết: “Các phương tiện truyền thông cũng đưa tin. Tôi đã hỏi một số bạn bè từ nhiều nơi và hỏi họ rằng liệu nhiều nhà máy ở địa phương có đóng cửa không, có nhiều người mất việc làm không và giá nhà có giảm mạnh không? Họ đều nói: 'Đúng, mọi chuyện là như thế. Nền kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ, số người thất nghiệp ngày càng tăng, ngày càng có nhiều cửa hàng đóng cửa, và ngày càng có nhiều người không đủ khả năng trả nợ thế chấp trên thị trường bất động sản'".

Ông nói: "Ngày nay, nhiều người trẻ đã dừng thanh toán khoản thế chấp. Một số người không đủ khả năng trả tiền thế chấp và đã nhảy khỏi tòa nhà vì điều này. Thật đáng buồn! Bạn có thể thấy trên Internet ngày càng có nhiều những ngôi nhà bị tịch thu tại tòa án, và con số đã tăng lên nhiều lần. Đây là số liệu tôi đã tận mắt chứng kiến. Đây mới chỉ là khởi đầu, và sẽ còn nhiều vụ hơn nữa trong tương lai. Bây giờ giá nhà đã giảm gần một nửa và chúng sẽ giảm thêm nữa, vì bong bóng thị trường nhà ở quá lớn!”

Ông Li đến từ tỉnh Thiểm Tây, làm thợ điện trang trí, cho biết: “Bây giờ thợ điện trang trí không có việc làm và không thể tìm được công việc. Bởi vì nhiều công ty bất động sản hiện đã đóng cửa… Hiện nay có rất ít công trình cải tạo và có một số công việc bạn không thể được trả tiền”.

Trong khi đó, làn sóng cắt giảm lương và cắt giảm nhân sự đối với công chức ở Trung Quốc tiếp tục lan rộng, trong lúc Bắc Kinh đang đối mặt với khủng hoảng tài chính. Trước đây, người ta đều biết rằng quỹ duy trì ổn định xã hội của Bắc Kinh vượt quá chi tiêu quân sự, nhưng gần đây, ngoài việc cắt giảm lương đối với công chức, quỹ duy trì ổn định xã hội cũng bị cắt giảm.

Bà Yan đến từ Hàng Châu cho biết: “Đúng là lương nhân viên công đang bị cắt giảm. Có lần tôi trò chuyện với những người công nhân đường phố, họ nói rằng bây giờ họ không thể nhận được lương. Đất không thể bán được và các công ty nước ngoài đã rút lui. Chính phủ hết tiền rồi!”

“Ở Hàng Châu ngày càng có ít người, nhà không thể cho thuê. Điều tệ nhất là những người mua nhà phải trả nợ thế chấp hàng tháng”.

Ông Yan cho biết, "Ngoại thương, tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, bộ ba thúc đẩy nền kinh tế, đều đã bị đình trệ. Nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang dần tách rời khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhu cầu trong nước trì trệ. Năm tới [2024] dự kiến sẽ còn bi thảm hơn nữa!”

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhà kinh tế tiết lộ sự thực đằng sau GDP Trung Quốc