Trung Quốc không nên hy vọng quá nhiều vào 'chi tiêu trả thù'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lý do để hy vọng rằng những người dân với tài khoản tiết kiệm dồi dào sau giai đoạn phong tỏa sẽ chi tiêu mạnh tay, giúp nâng đỡ nền kinh tế. Nhưng cấu trúc chi tiêu hiện nay của người Trung Quốc cho thấy họ vẫn còn cảnh giác với tương lai. Trong khi đó, sẽ khó có một giải pháp thần kỳ cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Nhiều tin tức kinh tế đến từ Trung Quốc đề cập đến “chi tiêu trả thù”. Đó là một cách sử dụng ngôn ngữ kỳ lạ. Ở những nơi sử dụng cụm từ này, không có bất kỳ ai chỉ ra ai đang trả thù hay ai bị trả thù.

Có vẻ như nó xuất phát từ kỳ vọng rằng mức chi tiêu cao của người tiêu dùng hiện nay khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại - chi tiêu với sự “trả thù” - sẽ khắc phục các vấn đề khác trong nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung lên mức cao vào năm 2023. Đó chắc chắn là hy vọng của Bắc Kinh. Bỏ qua ngữ nghĩa căng thẳng, có vẻ nhiều khả năng có một số sự hỗ trợ cho nền kinh tế từ việc tăng chi tiêu. Nếu không, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại tăng trưởng sẽ không dễ dàng vượt qua.

Các hộ gia đình Trung Quốc chắc chắn đã tích lũy đủ để chi tiêu một cách thoải mái. Trong năm vừa qua với phong tỏa và cách ly zero-COVID, họ đã tích lũy thêm khoảng 17,8 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) vào khoản tiết kiệm của mình, tương đương với 2,6 nghìn tỷ USD, hơn gần 900 tỷ USD so với những gì họ có thể tích lũy theo những xu hướng trước đây.

Với số dư ngân hàng tăng khoảng 80% so với mức của năm 2021, rõ ràng có nhiều phương tiện cho sự gia tăng chi tiêu. Nhiều nhà dự báo lạc quan hơn kỳ vọng khoản tiền tăng thêm này sẽ thúc đẩy mạnh chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay, 9,5%, theo một phân tích gần đây của PNB Paribas, cho phép Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng thực tổng thể là 5% theo phân tích của họ.

Các báo cáo ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng Trung Quốc. Du lịch tăng mạnh cho lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán vào tháng 1. Khoảng 300 triệu khách du lịch đã chi số tiền tương đương 56 tỷ USD chỉ trong bảy ngày. Đặt phòng khách sạn tăng gấp mười lần. Theo Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc, các nhà hàng đã quá tải và ban quản lý báo cáo rằng lượng khách quá đông khiến cơ sở của họ thiếu nhân lực trầm trọng. Doanh thu phòng vé tăng tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, kết quả tháng 1 tốt nhất được ghi nhận. Chỉ số quản lý mua hàng dịch vụ (PMI) được theo dõi bởi công ty dữ liệu Caixin/S&P Global đã tăng vào tháng 1, lần đầu tiên sau 5 tháng.

Trung Quốc không nên hy vọng quá nhiều vào 'chi tiêu trả thù'
Người dân đi bộ qua một khu phức hợp trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/01/2023. (Ảnh: JADE GAO / AFP qua Getty Images)

Không nên quá hy vọng

Mặc dù vậy, dấu hiệu của sự kiềm chế tồn tại trong xu hướng hiện nay là rõ ràng. Tổng chi tiêu du lịch tăng 30% so với mức của năm trước. Điều đó thật ấn tượng, nhưng nó còn cách quá xa so với mức tăng 80% của số tiền khả dụng. Người ta cũng nói rằng ngoài du lịch và giải trí, hầu hết mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng nói chung tập trung vào “hàng hóa xa xỉ”, cho thấy rằng việc phân bổ các khoản tiết kiệm thêm có lẽ quá hẹp để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế một cách bền vững. Ở các phân khúc thấp trong phân phối thu nhập, mức tiết kiệm chỉ tăng khoảng 5%.

Đáng nói nhất là nền kinh tế đang tiếp tục bị kìm hãm do lĩnh vực bất động sản vẫn đang gặp khó khăn. Từng chiếm tới 30% nền kinh tế Trung Quốc, hoạt động phát triển nhà dân cư đang chìm trong nợ nần và không có dấu hiệu phục hồi. Doanh số bán bất động sản đã giảm 32% trong tháng 1 và đang giảm 40% so với mức năm 2022. Tính đến tháng 12 năm ngoái, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu, giá nhà đã giảm trong 16 tháng liên tiếp. Vì bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc, những thông tin vẫn còn rất tiêu cực này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính bền vững của bất kỳ đợt “chi tiêu trả thù” nào.

Những gì được chi tiêu dường như tập trung vào việc mang tới sự hài lòng ngay lập tức và rất ít trong số đó cho thấy sự cam kết về lâu dài của các hộ gia đình Trung Quốc. Chi tiêu cho các mặt hàng nhiều tiền đã cho thấy mức tăng ít hơn nhiều. Bất chấp tất cả các kỷ lục được thiết lập trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và giải trí, chi tiêu dành cho ô tô, chẳng hạn, vào giữa tháng 1 vẫn duy trì ở mức thấp hơn khoảng 21% so với mức của năm trước.

Nhìn toàn cảnh, có lý do để kỳ vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế nói chung vào năm 2023, nhưng đồng thời, sẽ là một sai lầm nếu đi quá xa với “chi tiêu trả thù”. Cấu trúc chi tiêu cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc vẫn còn cảnh giác với tương lai và sẽ khó xuất hiện một giải pháp thần kỳ cho các vấn đề bất động sản của quốc gia. Thực tế đó sẽ ngày càng trở nên rõ ràng theo thời gian khi sự nhiệt tình ban đầu đối với việc mở cửa lại nền kinh tế dần thay đổi theo thời gian.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không nên hy vọng quá nhiều vào 'chi tiêu trả thù'