Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên tiếp các số liệu tiêu cực xuất hiện, trong khi Bắc Kinh vẫn đang loay hoay tìm kiếm giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế. Những vấn đề kinh tế nổi cộm dường như đã tồn tại trong thời gian dài, và nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một suy yếu.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã trải qua đợt suy giảm liên tiếp dài nhất kể từ năm 2009. Đồng thời, đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang suy yếu, có thể đẩy Trung Quốc vào vòng luẩn quẩn của giảm phát.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI nằm trong vùng giảm phát.

Trong số đó, giá thực phẩm giảm 3,7%, tốt hơn một chút so với mức giảm 4,2% trong tháng 11. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ 6, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.

Ông nói thêm, khi áp lực giá giảm vẫn tiếp tục, các công ty đã giảm giá bán và người lao động nhập cư cũng bị cắt giảm lương đáng kể.

Tình trạng giảm phát đang diễn ra cũng làm giảm giá trị các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá xuất khẩu chạm mức thấp mới kể từ năm 2006 và chỉ tăng nhẹ trong tháng 11.

Đồng thời, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn trì trệ, điều này có thể làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và làm tăng áp lực giá cả.

Cùng với xuất khẩu yếu hơn và việc giá cả giảm làm giảm doanh thu kinh doanh, vấn đề của ngành bất động sản có thể gia tăng ảnh hưởng đối với tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng. Với việc giảm pháp tiếp tục diễn ra dai dẳng, động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Người dân xách rau sau khi đi mua đồ trong một khu dân cư ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 04/07/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, “công xưởng thế giới" chứng kiến lĩnh vực sản xuất chìm trong diện thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 12/2023.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất chính sách ngay trong tuần tới. Mặc dù điều này sẽ ít có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nhưng nó có thể giảm bớt áp lực trả nợ.

Những tuần tới có thể sẽ là giai đoạn quan trọng trong hoạt động ra chính sách khi Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức cho năm 2024 vào thời điểm đó.

Giảm phát hay là suy thoái kinh tế

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với lạm phát - như ở Mỹ với mức lạm phát cao nhất là 7,0% vào năm 2021 và sau đó là quá trình suy giảm của lạm phát sau khi nước này tăng lãi suất - thì Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược, đang trải qua một giai đoạn giảm phát đáng lo ngại.

Theo ông Wang Jun, một nhà kinh tế Trung Quốc được The Epoch Times phỏng vấn, “Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại với các nền kinh tế nước ngoài và đây không phải là một dấu hiệu tốt. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu và Mỹ đang gặp phải tình trạng lạm phát, liên tục tăng lãi suất. Trung Quốc đang giảm lãi suất, cho thấy giảm phát. Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là suy thoái kinh tế”.

Đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, và ông Wang bày tỏ hoài nghi về khả năng phục hồi trong ngắn hạn của nước này. Nhìn về tương lai trong 3, 5 hoặc thậm chí 10 năm tới, ông dự đoán những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế Trung Quốc trong việc lấy lại sức mạnh tăng trưởng trước đây.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Trung Quốc dự đoán xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn

Theo CNN, ông Lyu Daliang, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan, cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ 6 (12/1): “Sự phục hồi kinh tế toàn cầu rất yếu trong năm qua”. “Nhu cầu bên ngoài chậm chạp đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc”.

Ông dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp “khó khăn” trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu trong năm nay. Ngoài ra, “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương” cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng 2,3% trong tháng 12/2023, chủ yếu là do nhu cầu ô tô và phụ tùng ô tô tăng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động lực tích cực này không kéo dài lâu vì sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động chiết khấu từ các nhà xuất khẩu đang tìm cách giành thị phần.

“Hướng tới năm 2024, sự phức tạp, nghiêm trọng và bất ổn của môi trường bên ngoài ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng ổn định trong ngoại thương, cần phải vượt qua một số khó khăn và cần nhiều nỗ lực hơn nữa”, ông Wang Lingjun, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nói, theo South China Morning Post.

Mối nguy hiểm từ giảm phát

Những ví dụ điển hình nhất về giảm phát là Mỹ trong cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 và Nhật Bản sau khi nền kinh tế bong bóng vỡ vào những năm 1990.

Cuộc Đại khủng hoảng tồi tệ đến mức nào? Có rất nhiều người bị đói, vô số tài sản của người dân biến thành nợ chỉ sau một đêm, và người dân bình thường khó có thể tìm được việc làm. Nước Mỹ sau đó lại trở nên giàu có và hùng mạnh, nhưng cái giá mà người dân thường phải trả trong thời kỳ Đại khủng hoảng là quá nặng nề.

Sau khi Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi lời nguyền giảm phát vào những năm 1990, nền kinh tế nước này về cơ bản không tăng trưởng trong 30 năm tiếp theo. Mặc dù năm nay nó đã quay trở lại xu hướng tăng trưởng nhưng vẫn chưa chắc liệu nó có thoát ra khỏi tình trạng trì trệ hay không.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không thể tăng trưởng trong 30 năm tới?

Cụ thể tình hình giảm phát tại Trung Quốc hiện nay nghiêm trọng như thế nào?

Sự sụt giảm kép của cả chỉ số CPI và PPI rõ ràng là do “vấn đề cũ” của nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, đó là tình trạng dư thừa công suất sản xuất. Nghĩa là, sản xuất quá nhiều nhưng nhu cầu vẫn quá yếu.

Theo dữ liệu, trong nửa đầu năm 2023, công suất lắp đặt tích lũy của pin điện ở Trung Quốc là 152,1GWh, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, sản lượng tích lũy của pin điện là khoảng 293,6GWh, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng pin điện gần gấp đôi công suất lắp đặt, nghĩa là sản lượng cao hơn đáng kể so với nhu cầu thị trường.

Đây là một ví dụ thực tế về tình trạng dư thừa công suất sản xuất.

Hãy cùng tiến thêm một bước nữa và xem xét tốc độ tăng trưởng của GDP.

Câu hỏi cốt lõi ở đây là: Tại sao số liệu GDP tốt (dự kiến đạt khoảng 5% trong năm 2023) nhưng giá tiêu dùng và giá nhà máy lại giảm? GDP này đến từ đâu? Theo lẽ thường, GDP và chỉ số giá cần có mức tăng trưởng đồng bộ.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Nhân viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Wuling Motors ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 1/3/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Lúc này, kết hợp với tình trạng dư thừa công suất vừa nêu, chúng ta sẽ có câu trả lời: GDP thực chất là do sản xuất thừa và đầu tư của chính phủ chứ không phải do kinh tế được phục hồi. Những cục pin được sản xuất dư thừa và những thứ tương tự là động lực chính của GDP. Trên thực tế, vấn đề không đủ cầu trong nền kinh tế đang trở nên trầm trọng hơn.

Có thể nói, nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc đã không uống đúng liều thuốc trong năm 2023. Nhiều năm dư thừa công suất và đầu tư quá mức đã tích lũy những bất lợi trong nền kinh tế và vẫn đang tiến về phía trước dưới lá cờ GDP. Tuy nhiên, nhu cầu không những không theo kịp mà thậm chí còn tụt hậu hơn nữa. Hiện tượng dùng thuốc độc giải khát bằng cách mở rộng năng lực sản xuất và đầu tư của chính phủ để duy trì tăng trưởng GDP cao vẫn tiếp diễn.

Giờ đây, với vấn đề nợ nần và vấn đề bất động sản lại được thêm vào, cho dù chính sách tài khóa có được đưa ra để “rót thêm nước", nó cũng khó có thể khiến nước chảy đến nơi cần chảy trong khi rất có thể sẽ lấp đầy hố từ các khoản nợ. Do đó, trên thực tế, danh sách các biện pháp kích thích của Bắc Kinh trở nên ít đi.

Vì vậy, câu hỏi bây giờ là làm thế nào Trung Quốc có thể tránh rơi vào vực thẳm của khủng hoảng. Kinh tế vốn là một “con bài” quan trọng của chính quyền Trung Quốc, liệu Bắc Kinh sẽ làm gì? Tuy nhiên, những diễn biến gần đây chưa cho thấy Bắc Kinh đã tìm ra một giải pháp thực sự. Những vấn đề của kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như giảm phát, xuất khẩu giảm, bất động sản trì trệ, thất nghiệp…, đã được chỉ ra từ lâu, và chúng ngày một trở nên nổi bật, và kinh tế Trung Quốc ngày một suy yếu, trong khi các biện pháp của chính quyền không có nhiều hiệu quả.

Bắc Kinh thừa nhận thách thức kinh tế, nhưng chưa có giải pháp

Trong bài báo “Lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận kinh tế yếu kém, trong khi không có giải pháp", đăng ngày 3/1/2024 trên tờ The Epoch Times, chuyên gia Antonio Graceffo đã phân tích những phát biểu năm mới của ông Tập và bối cảnh kinh tế của Trung Quốc. Ông Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã sống 20 năm ở châu Á.

Ông Graceffo chỉ ra, theo cách thông thường, ĐCSTQ không thích công khai những thách thức kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tung ra làn sóng chỉ trích chống lại Moody's Investor Services vào đầu tháng 12 khi tổ chức này hạ triển vọng đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Gần đây hơn, ĐCSTQ đã trấn áp việc đưa tin những thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc, với hy vọng xây dựng lại niềm tin của công chúng.

Tuy nhiên, ông Graceffo cho biết, trong bài phát biểu năm mới, ông Tập đã thừa nhận nền kinh tế đang gặp khó khăn: “Một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn. Một số người gặp khó khăn trong việc tìm việc làm và đáp ứng các nhu cầu cơ bản”.

Ông Tập tuyên bố: “Chúng ta sẽ củng cố và tăng cường đà phục hồi kinh tế, đồng thời nỗ lực đạt được sự phát triển kinh tế ổn định và lâu dài”.

Tuy nhiên, ông Graceffo khẳng định, dường như Bắc Kinh không có kế hoạch nào để thực hiện điều đó. Thậm chí, Bắc Kinh vẫn đang hướng đến phương án xâm lược Đài Loan, trong khi đây chính là điều đang xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Các cọc chống đổ bộ dọc theo bờ biển của quần đảo Kim Môn của Đài Loan, nằm cách bờ biển Trung Quốc đại lục (ở hậu cảnh) chỉ 3,2 km (hai dặm) ở Eo biển Đài Loan, vào ngày 20/10/2020. (Ảnh: SAM YEH/AFP qua Getty Images)

Cấm nói xấu nền kinh tế hay là gián tiếp thừa nhận tình hình nghiêm trọng

Việc ông Tập thừa nhận các thách thức về kinh tế còn đáng chú ý bởi mới gần đây, Bắc Kinh còn đang rất tích cực đàn áp việc nói xấu nền kinh tế Trung Quốc.

Ngoài việc đưa ra thông báo yêu cầu những người nổi tiếng trên Internet phải im lặng, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc thậm chí còn trực tiếp vào cuộc để đe dọa. Những động thái này đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Ảnh chụp màn hình được đăng trực tuyến cho thấy các tài khoản quản trị của Weibo (một mạng xã hội lớn của Trung Quốc) là "Weibo Finance" và "Weibo Stocks" đã thông báo cho những người nổi tiếng trên Internet vào ngày 14/12/2023, "Xin hãy chú ý đến tiêu chuẩn ngôn luận khi đăng bài trong thời gian sắp tới và không đăng bất kỳ nhận xét nào nói xấu nền kinh tế". "Weibo Law" thông báo: "Hình phạt cho tội nói xấu nền kinh tế sẽ rất nghiêm khắc trong thời gian sắp tới. Vui lòng không chạm vào vạch đỏ khi đăng bài".

Không chỉ vậy, Weibo còn mở rộng phạm vi của các biện pháp, thậm chí nói tốt cho kinh tế Mỹ cũng bị cấm.

​​Tuy nhiên, vẫn có một số người nổi tiếng về lĩnh vực tài chính trên Internet dường như không ủng hộ cuộc đàn áp của Weibo. Vì vậy, Bộ An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trực tiếp tham gia. Sáng ngày 15/12/2023, tài khoản công khai WeChat của Bộ An ninh Quốc gia đã đăng bài viết “Các cơ quan An ninh Quốc gia kiên quyết xây dựng hàng rào an ninh kinh tế mạnh mẽ”, nâng những phát biểu thể hiện thái độ bi quan về nền kinh tế lên thành vấn đề an ninh quốc gia.

Bộ An ninh Quốc gia cho rằng nhiều "lời nói rập khuôn" nhằm bôi nhọ nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuất hiện, dựng nên "bẫy diễn ngôn" và "bẫy nhận thức" về "sự suy tàn của Trung Quốc". Bài viết tóm tắt một số nhận xét "nói xấu nền kinh tế Trung Quốc", bao gồm cáo buộc chính quyền "thay thế phát triển bằng an ninh", "xua đuổi đầu tư nước ngoài" và "đàn áp các doanh nghiệp tư nhân". Bài viết đe dọa "đàn áp và trừng phạt" "những người có động cơ ẩn giấu".

Bài viết cũng tuyên bố rằng cơ quan này sẽ duy trì an ninh kinh tế của Trung Quốc. Nó sẽ trấn áp và trừng phạt cái gọi là “các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” trong lĩnh vực an ninh kinh tế; làm việc với các bộ phận liên quan để ngăn chặn và giải quyết các rủi ro an ninh trong lĩnh vực kinh tế và duy trì các yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa rủi ro hệ thống.

Trước đó, ngày 12/12/2023, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương do Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đăng tải, đã đề cập rõ ràng về cái gọi là “tăng cường tuyên truyền kinh tế và hướng dẫn dư luận”.

Trước cuộc đàn áp “ồn ào” của Bắc Kinh đối với việc "nói xấu nền kinh tế Trung Quốc", nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận trên các nền tảng xã hội ở nước ngoài để chế giễu: "Tuyệt vời, điều này tương đương với việc xác nhận chính thức rằng nền kinh tế Trung Quốc là vô vọng". "Còn cần nói xấu nữa à? Không cần nói xấu nữa. Không thể tệ hơn được nữa". "Hệ thống chuyên quyền vốn đã không bền vững, và sự suy tàn của nó là điều khó tránh khỏi".

Cư dân mạng "Jinchi Luyeji" viết trên mạng xã hội Weibo (một nền tảng trong nước của Trung Quốc): "Vấn đề kinh tế nên được giải quyết bằng biện pháp kinh tế. Nó chẳng liên quan gì đến bộ phận an ninh. Họ càng kiểm soát thì càng hỗn loạn!".

"Under the clear sky_" bình luận: "Điều tốt nhất là hãy im lặng. Đó là điều quan trọng".

“guy against the wind” nói: “Trông đáng sợ quá. Không biết doanh nghiệp tư nhân, giới truyền thông và vốn nước ngoài nghĩ sao”.

Trước lần can thiệp này, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã từng đăng một bài viết trên tài khoản chính thức của mình trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc vào ngày 2/11/2023, cam kết “tham gia tích cực vào việc bảo vệ sự ổn định tài chính của đất nước và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong ngành”. Nó cảnh báo rằng cần phải “hiểu rõ ràng nhiều rủi ro và thách thức đối với an ninh tài chính của đất nước”.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Một sĩ quan cảnh sát đứng gác trước phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 10/3/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Bài viết nói rằng có bốn loại người: những người dự đoán về sự "rút ruột" của nền kinh tế Trung Quốc, những người đã thực hiện hành động rút tiền khỏi Trung Quốc, những người nói và thúc đẩy ý tưởng rút vốn ra khỏi Trung Quốc, và những kẻ đang vắt kiệt nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong. Những người này và hành động của họ đang cố gắng làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế vào hoạt động đầu tư vào Trung Quốc và gây ra tình trạng bất ổn tài chính trong nước ở Trung Quốc. Bài viết đe dọa sẽ trừng phạt những “tội phạm tài chính” này theo quy định của pháp luật.

Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc cũng đồng thời chỉ trích những “con gấu” thị trường, những người luôn là những kẻ bi quan nhắm vào lĩnh vực tài chính của Trung Quốc nhằm làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế khi đầu tư vào Trung Quốc, với mục đích duy nhất là gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính. Bộ cảnh báo rằng những “hoạt động tội phạm” gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

Bắc Kinh đã gán cho những người “nói xấu kinh tế Trung Quốc" tội phá hoại nền kinh tế trong nước. Giữa lúc kinh tế rối ren, biện pháp của Bắc Kinh là đẩy mạnh việc quy trách nhiệm và đổ lỗi. Một số đối tượng được nhắm đến để Bắc Kinh quy trách nhiệm là các giám đốc tài chính, các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) và cố Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Các nhà đầu tư vào công ty cho vay ngang hàng trực tuyến Ezubao của Trung Quốc hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 4/2/2016. (Ảnh: Greg Baker /AFP qua Getty Images)

Các cuộc họp kinh tế thiếu thực chất

Trong khi các vấn đề lớn của kinh tế Trung Quốc đã được chỉ ra từ lâu, người ta vẫn chờ đợi Bắc Kinh sẽ có các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, trong các cuộc họp kinh tế gần đây, ĐCSTQ không cho thấy nhiều biện pháp thực chất có thể thực sự cải thiện tình hình.

​​​​Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) của ĐCSTQ đã kết thúc vào tối thứ 3 (12/12/2023). Trong cuộc họp, Bắc Kinh cam kết sẽ coi trọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng việc thiếu các biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng khiến tầm nhìn phát triển kinh tế trở thành những lời nói trống rỗng và vô nghĩa.

CEWC thường đề ra quan điểm chung cho chính sách kinh tế của năm tới. Cuộc họp vừa rồi cam kết sẽ “tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền kinh tế và nhiệm vụ hàng đầu là phát triển chất lượng cao”.

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, nói với CNN rằng Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2024 ở mức "4,5% đến 5%" hoặc "khoảng 5%", sát với mục tiêu cho năm 2023.

Nhưng các nhà phân tích khác đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đạt được mức tăng trưởng như vậy hay không nếu không có các biện pháp kích thích nhắm trực tiếp vào người tiêu dùng. Đây vốn là điều mà Trung Quốc tránh nói đến.

Hôm thứ 4 (13/12/2023), các nhà phân tích của Citi cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tiêu dùng quy mô lớn” và “không có cuộc thảo luận chi tiết nào về việc tăng thu nhập hộ gia đình”.

Hiện tại, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng sâu sắc, trong đó sức tiêu dùng yếu là lực cản chính. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần hứa sẽ mở rộng nhu cầu trong nước và kích thích tiêu dùng nhưng nước này vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào.

Trước đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã kết thúc một cuộc họp quan trọng khác vào ngày 8/12/2023, do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, nhằm chỉ đạo công tác kinh tế của Trung Quốc trong năm sắp tới. Cuộc họp nhằm phác thảo các nguyên tắc cần thiết để ổn định và cải thiện nền kinh tế Trung Quốc trước môi trường bên trong và bên ngoài phức tạp. Tuy nhiên, kết quả dường như mang tính hùng biện hơn trong khi không có nội dung thực chất.

Các tuyên bố chính thức từ cuộc họp cho biết “chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường và cải thiện một cách thích hợp về chất lượng và hiệu quả”, mặc dù không có bước đi rõ ràng nào được vạch ra để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế suy yếu. Tương tự, ĐCSTQ đặt ưu tiên “ngăn chặn và hạ nhiệt rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm và kiên quyết bảo vệ các điểm mấu chốt trước các rủi ro hệ thống”. Mặc dù đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chú ý đang hướng tới bong bóng nợ bất động sản, nhưng một lần nữa, không có sự đề cập nào đến kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Giảm phát dai dẳng, xuất khẩu sụt giảm, Bắc Kinh sẽ làm gì?