Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình tài chính eo hẹp của người dân đang được thể hiện qua nhiều hiện tượng của xã hội Trung Quốc. Mới đây, một xu hướng “ngược đời” đã xuất hiện, khi giới trẻ Trung Quốc lựa chọn các nhà hàng có mức xếp hạng thấp thay vì các nhà hàng được đánh giá 5 sao.

Suy thoái kinh tế và hạ cấp tiêu dùng được cho là đã tạo ra một xu hướng mới ở Trung Quốc.

Ngày 9/1, chủ đề “Giới trẻ đổ xô tới nhà hàng 3,5 sao một cách ngược đời” nằm trong danh sách tìm kiếm thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội của Trung Quốc. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đưa tin, một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có tâm lý "Muốn xem mùi vị tệ đến thế nào" và đổ xô tới những nhà hàng có điểm đánh giá thấp 3,5 sao (trên thang điểm 5 sao), trong khi nhiều người tiêu dùng tỏ ra thất vọng với "các nhà hàng có điểm cao", nhưng lại có được trải nghiệm ngoài mong đợi ở “cửa hàng có điểm thấp”.

Hầu như cuối tuần cô Luan đều tụ tập với bạn bè. Khi chọn nhà hàng, cô sẽ chọn nhà hàng có điểm đánh giá thấp.

Anh Zhang, người thường xuyên đi ăn ngoài, cho biết hầu hết các nhà hàng ở gần đều có điểm đánh giá rất cao và rất khó lựa chọn. Trong khi đó, anh ấy từng ăn ở một nhà hàng có điểm đánh giá chỉ 3,9 và đồ ăn có vị khá ngon.

Theo bài báo, nhiều người Trung Quốc được phỏng vấn cho rằng xếp hạng của các nền tảng trực tuyến bị bóp méo và một số nhà hàng bị đánh giá thấp cũng không tệ đến thế.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Người dân dùng bữa trong một nhà hàng tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Nhiều cư dân mạng nói rằng lý do các nhà hàng có điểm đánh giá cao là “vì ông chủ đầu tư rất nhiều vào quảng cáo”.

Một số cư dân mạng chỉ ra rằng lý do thực sự của việc lựa chọn nhà hàng ít sao để ăn là do sự hạ cấp của tiêu dùng (người dân chi tiền cho các sản phẩm rẻ hơn) do suy thoái kinh tế.

"yn2129970" nói: "Lựa chọn ngược đời? Nó buồn cười đến mức bạn không muốn biết tại sao".

“Đo bằng đôi chân” nói: “Nói trắng ra vẫn là vấn đề hạ cấp tiêu dùng”.

Khi giới trẻ chọn những nhà hàng có điểm đánh giá thấp, vào cuối năm ngoái, các tiệm bánh giá 2 nhân dân tệ mọc lên ở nhiều thành phố ở Sơn Đông và giới trẻ trở thành đối tượng khách hàng chính của các tiệm bánh này. Khi xu hướng đó xuất hiện, người dân nói: Điều đó có nghĩa là mọi người đều không có tiền.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Người dân dùng bữa tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/6/2022. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Các cửa hàng bánh đóng cửa vì quá đắt đỏ

Dữ liệu từ China Red Meal cho thấy tính từ đầu năm 2023 đến tháng 10/2023 ở Trung Quốc, 120.100 cửa hàng bánh đã đóng cửa và 122.000 cửa hàng đã xuất hiện.

"Báo cáo Meituan về danh mục dịch vụ ăn uống tại cửa hàng năm 2023: Thông tin sâu về sự phát triển và thay đổi sau đại dịch của ngành làm bánh" cho thấy trong số 100 cửa hàng bán bánh hàng đầu của Meituan năm 2019, 39 cửa hàng đã không còn kinh doanh và 32 cửa hàng đã giảm số lượng cửa hàng vào năm 2023. Trong số đó có rất nhiều thương hiệu làm bánh nổi tiếng.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Khách hàng xem các mặt hàng tại tiệm bánh "La Boutique de Joel Robuchon" ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 6/8/2018. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Các nhà đầu tư cũng đang mất đi hứng thú đối với các tiệm bánh. Dữ liệu của Qichacha cho thấy số lượng vụ tài trợ cho ngành làm bánh vào năm 2023 chỉ là 12 vụ, gần bằng một nửa so với con số 22 vào năm 2022 và số tiền tài trợ được tiết lộ công khai ít hơn 1/3 so với năm 2022.

Thống kê của Meituan cho thấy thời gian tồn tại trung bình của các cửa hàng bánh Trung Quốc là 32 tháng, 57,7% cửa hàng đóng cửa trong vòng 2 năm và chỉ 23,8% cửa hàng bánh có thể tồn tại trên 4 năm.

Trong khi các cửa hàng bánh đang phải đóng cửa, một số tiệm bánh 2 CNY (nhân dân tệ) đã lợi dụng tình hình và mọc lên.

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 10/2023, đã có một làn sóng kinh doanh bánh mì 2 CNY trên khắp Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng 10, nhiều tiệm bánh 2 CNY đã mở tại các thành phố như Tế Nam, Thanh Đảo, Đại Liên, Nam Ninh, Côn Minh, Nam Kinh, Hợp Phì, Từ Châu và Ninh Đức. Các tiệm bánh 2 CNY cũng đã xuất hiện ở các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Quảng Châu, và bắt đầu có thương hiệu và hình thành chuỗi.

Nguyên nhân khiến các cửa hàng bánh tiếp tục phải đóng cửa là vì một mặt, các thương hiệu bánh cao cấp phải chịu chi phí cao hơn cho vị trí cửa hàng, đồ trang trí và các chi phí khác, đồng thời giá sản phẩm của họ cũng đắt đỏ; ngoài ra, với sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, thu nhập của người dân bắt đầu giảm và tiêu dùng có xu hướng hướng tới sự hợp lý và thực dụng. Theo một cuộc khảo sát về "Bạn có thể chấp nhận tiêu bao nhiêu tiền để mua một chiếc bánh mì" trên Sina Weibo, kết quả cho thấy trong số 344.000 cư dân mạng, hơn 90% cư dân mạng đã chọn "trong vòng 10 CNY" và "10 đến 20 CNY".

Vào năm 2023, các chủ đề về việc bánh mì ngày càng đắt hơn như “Lương tháng 10.000 CNY không đủ tiền mua bánh mì” và “Một ổ bánh mì đắt hơn một bữa ăn” đã trở thành những lượt tìm kiếm nóng.

Cư dân mạng "Tian nan Chen" cho biết: "Tôi thực sự không hiểu tại sao những đồ bánh nướng này lại đắt đến thế. Nó chỉ là một ít bột mì lên men và không có nhiều giá trị dinh dưỡng. Tôi sẽ không ăn nó!"

"Zhiwen" cho biết: "Bán lẻ thực phẩm và đồ uống, những ngành này quá đắt đỏ".

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Một người phụ nữ chọn bánh tại tiệm bánh trong trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/9/2018. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Vấn đề chung của lĩnh vực bán lẻ

Sự khó khăn về kinh tế ở Trung Quốc đã tác động mạnh tới ngành bán lẻ, không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể như làm bánh. Để hấp dẫn được những người tiêu dùng Trung Quốc không sẵn lòng chi tiền, bối cảnh bán lẻ ở Trung Quốc đang được định hình lại. Các thương gia đang tham gia vào cuộc chiến giá cả để thu hút người tiêu dùng với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ.

Đã có rất nhiều ví dụ về việc các nhà bán lẻ Trung Quốc cắt giảm chi phí hoặc đưa ra các lựa chọn thay thế có giá thấp hơn để phục vụ những người tiêu dùng không sẵn lòng chi tiền.

Ví dụ, chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc Haidilao đã mở hai cửa hàng thương hiệu giá rẻ "Hailao Hotpot" vào cuối tháng 9/2023. So với thương hiệu chính Haidilao, được định vị là thương hiệu từ trung cấp đến cao cấp, mức chi tiêu bình quân đầu người của "Hailao Hotpot" là 78 nhân dân tệ (CNY). Rẻ hơn gần 30% so với mức chi tiêu bình quân đầu người của Haidilao ở Bắc Kinh, ở đây đang xảy ra tình trạng “cha con tranh giành làm ăn”.

Rượu Mao Đài, được bán với giá 1.499 CNY (209,89 USD) cho một chai 500 ml, đã tung ra các sản phẩm latte và sô cô la pha Mao Đài trong năm 2023, với giá thấp nhất là 35 CNY.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Rượu Mao Đài dùng trong lễ mừng đám cưới. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Chuỗi Sam's Club của Walmart và Hema Fresh của Alibaba cũng đã rơi vào cuộc chiến giá cả, với cả hai bên cạnh tranh để giảm giá. Giá của những mặt hàng phổ biến như bánh sầu riêng tại Sam's Club thậm chí còn giảm tới 34%.

Reuters đưa tin ông Mark Tanner, người sáng lập công ty tiếp thị China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết việc theo đuổi “giá trị tương xứng với đồng tiền bỏ ra” của người tiêu dùng đang thay thế những sự “nâng cấp" về tiêu dùng trước đây đối với nhiều sản phẩm khác nhau. Ông nói thêm rằng việc giảm giá và giới thiệu sản phẩm rẻ hơn đã dẫn đến giá bán trung bình thấp hơn ở nhiều danh mục sản phẩm, bao gồm sản phẩm bổ sung, sản phẩm từ sữa, chăm sóc da và mỹ phẩm.

Trung Quốc từng cho biết họ dự đoán lạm phát sẽ tăng, nhưng dữ liệu chỉ số giá cho tháng 11/2023 cho thấy giá tiêu dùng giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm và giảm phát tại các nhà máy ngày càng sâu sắc. Người tiêu dùng không cảm thấy được sự tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao và lương nhân viên đã giảm.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bối cảnh tiêu dùng thắt chặt này cũng đã tạo ra một “dòng" các cửa hàng giảm giá mới, một hiện tượng mới ở Trung Quốc đại lục, thúc đẩy sự cạnh tranh lớn hơn khi các thương gia đổ xô cắt giảm giá một cách mạnh mẽ.

"Đồ ăn vặt bận rộn" là một thương hiệu snack (đồ ăn vặt) có lịch sử 6 năm. Theo công ty có trụ sở tại Trường Sa, sản phẩm của họ rẻ hơn so với siêu thị và họ có kế hoạch mở rộng số lượng cửa hàng lên 10.000 vào năm 2025 từ mức 4.000 hiện tại.

Thương hiệu snack lớn nhất Trung Quốc "Bestore" đã có hành động đáp trả vào tháng 11/2023, giảm giá trung bình 300 sản phẩm ở mức trung bình 22%, với mức giảm giá lớn nhất là 45%, mức giảm giá lớn nhất trong lịch sử.

Hotmaxx, chuyên bán các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng với giá rẻ hơn, cũng đặt mục tiêu mở rộng số lượng cửa hàng lên 5.000 trong 3 năm tới từ con số 250 tại thời điểm tháng 12/2023.

Các nhà phân tích tin rằng với việc giảm giá, sự nở rộ của các cửa hàng giá rẻ và việc cung cấp các phiên bản sản phẩm nhỏ hơn, rẻ hơn, các công ty Trung Quốc đại lục có thể bước vào một vòng luẩn quẩn với tỷ suất lợi nhuận giảm sút, từ đó kìm hãm tăng trưởng tiền lương và việc làm và hạn chế hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo thông tin được chuyên gia Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, đưa ra vào cuối tháng 11/2023, “hạ cấp chi tiêu” đã trở thành xu hướng trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo. Các nhà bán lẻ truyền thống như Alibaba và JD.com chứng kiến doanh số sụt giảm, trong khi các trang mua sắm giảm giá như Pinduoduo nổi lên. Người tiêu dùng cũng lựa chọn các nhãn hiệu mỹ phẩm và quần áo nội địa rẻ hơn thay vì các nhãn hiệu nước ngoài. Meituan, nền tảng của Trung Quốc cung cấp dịch vụ giao hàng, đã báo cáo lượng đơn đặt hàng giảm do người tiêu dùng tránh phải trả thêm phí giao hàng.

Tình hình tài chính eo hẹp của người dân

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp
Một người phụ nữ nghỉ trên bàn tại hội chợ việc làm vào ngày 9/6/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Với sự xuống dốc của kinh tế của Trung Quốc, tài sản của người dân đang bị suy giảm nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu chi tiêu của họ.

Trên thực tế, ba cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm sự sụp đổ của bất động sản và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và tài chính, cũng như việc giảm lương và cắt giảm nhân sự, đã giáng một đòn mạnh vào tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Tình hình tài chính eo hẹp của người dân Trung Quốc còn được thể hiện qua một xu hướng tiết kiệm tiền đầy “kịch tính” của giới trẻ nước này.

China Youth Daily, The Paper, Changjiang News Cloud và nhiều phương tiện truyền thông khác đã đưa tin, giới trẻ Trung Quốc đang tạo ra một xu hướng trong lĩnh vực “cắt giảm chi tiêu” – “phương pháp giả vờ để tiết kiệm tiền”.

Phương pháp mô phỏng nhiều cảnh đời khác nhau, cốt truyện bao gồm nhiều chủ đề như tình yêu, du hành thời gian, lịch sử, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu, v.v. Nhiệm vụ chính là “gây quỹ” cho nhân vật chính hư cấu và cuối cùng là gửi tiền vào tài khoản ngân hàng. Chẳng hạn, một cư dân mạng đã ghi lại quá trình "giả vờ nuôi em bé" và tiết kiệm được hơn 3.000 CNY (nhân dân tệ) trong 74 ngày.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tới nhà hàng có điểm đánh giá thấp