3 cuộc khủng hoảng lớn ở Trung Quốc khiến giới trung lưu nghèo đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối lo ngại về giảm thu nhập và sự sụt giảm giá trị tài sản dường như đang đè nặng lên người dân Trung Quốc. Họ phải đối mặt với cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng lớn.

Với sự xuống dốc của kinh tế của Trung Quốc, tài sản của người dân cũng bị suy giảm nhanh chóng. Ba cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm sự sụp đổ của bất động sản và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và tài chính, cũng như việc giảm lương và cắt giảm nhân sự, đã giáng một đòn mạnh vào tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Khi tiền lương giảm và tài sản sụt giảm giá trị, nhiều gia đình trung lưu buộc phải thay đổi các ưu tiên tài chính của mình. Một số đã từ bỏ khuynh hướng đầu tư và quyết định bán tài sản để lấy tiền mặt.

Khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc được đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, Bloomberg Economics ước tính rằng cứ mỗi 5% sụt giảm trong giá nhà ở sẽ xóa đi 19 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,7 nghìn tỷ USD) trong tài sản nhà ở.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg cho biết: “Đây có thể chỉ là khởi đầu cho nhiều sự mất mát tài sản hơn nữa trong những năm tới”.

Ông Eric Zhu nói tiếp: “Trừ khi có một thị trường giá lên lớn [thị trường con bò], sự gia tăng nhỏ về tài sản tài chính khó có thể bù đắp được sự mất mát của cải trong lĩnh vực nhà ở”.

Mặc dù dữ liệu chính thức của Trung Quốc chỉ cho thấy giá nhà ở giảm nhẹ, nhưng các đại lý bất động sản và dữ liệu tư nhân cho thấy giá cả ở những vị trí đắc địa ở một số thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm ít nhất 15%.

Bloomberg Economics cho rằng đến năm 2026, giá trị ngành bất động sản Trung Quốc có thể giảm từ khoảng 20% GDP hiện nay xuống còn khoảng 16%. Điều này có thể khiến khoảng 5 triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Trong lúc cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, các tài sản tài chính cũng đang cho kết quả mờ nhạt. Đầu tháng này, chứng khoán Trung Quốc có kết quả hoạt động yếu kém hơn các thị trường mới nổi ở mức độ lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1998.

Các quỹ tương hỗ Trung Quốc cũng báo lỗ đáng kể trong quý III. Lợi suất của các sản phẩm tài chính ngân hàng vẫn trì trệ và lãi suất tiền gửi đã bị cắt giảm ba lần trong năm qua.

Ba cuộc khủng hoảng lớn ở Trung quốc khiến giới trung lưu nghèo đi
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Trước đó, UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu vào tháng 8 năm nay rằng giá trị tài sản ròng bình quân đầu người của người trưởng thành Trung Quốc đã giảm 2,2% xuống còn 75.731 USD vào năm 2022. Do thị trường nhà ở suy thoái, tài sản phi tài chính đã giảm giá trị, và tổng tài sản bình quân đầu người cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Ông Thomas Zhou, một chuyên gia tài chính 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết khi nhìn lại năm 2023, khoản đầu tư vào cổ phiếu của ông giảm 30%, lương giảm 30% và khoản đầu tư vào bất động sản giảm 20%.

Ông Zhou cho biết: “Điều duy nhất khiến tôi tiếp tục làm việc vào lúc này là nhằm giữ được công việc để có thể nuôi sống gia đình lớn của mình”.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Bain Strategies thực hiện cho thấy ngay cả những người giàu có ở Trung Quốc cũng trở nên thận trọng hơn.

Vào năm 2023, trong số những cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc, số người liệt kê "bảo vệ tài sản" là mục tiêu quản lý tài chính chính của họ đã tăng lên đáng kể, trong khi số người hướng đến "tạo ra của cải" đã giảm đáng kể.

Ba cuộc khủng hoảng lớn ở Trung quốc khiến giới trung lưu nghèo đi
Người dân đi bộ qua cầu vượt tại khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Tình hình của ông Thomas vẫn còn là tương đối tốt. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào ngày 15/12, nhưng vẫn chưa có số liệu nào về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Lần cuối cùng thông tin này được công bố, nó đã cao tới 21,3% trong tháng 6, mức cao kỷ lục.

Giáo sư Xu Chenggang tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Mỹ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh không còn công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vì nó sẽ mâu thuẫn với dữ liệu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 20% thanh niên thất nghiệp, các nhà kinh tế trong nước ước tính một cách độc lập rằng con số này lên tới 40%. Không có lý do gì nền kinh tế lại có thể tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn người thất nghiệp phải ngủ ngoài đường. Nhiều người đang ở độ tuổi sung mãn nhất - trên 35 tuổi - không thể tìm được việc làm.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, số giờ làm việc trung bình hàng tuần của người lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước là 48,9 giờ. Con số này đã vượt qua mức cao nhất trước đó trong hai thập kỷ là 48,8 giờ vào tháng 4 năm nay.

Theo Luật Lao động của Trung Quốc, thời gian làm việc trung bình của người lao động Trung Quốc không được vượt quá 44 giờ mỗi tuần, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà chức trách “đưa ra thông tin tin để thừa nhận họ đã vi phạm quy định”.

Về tình hình làm thêm giờ ở Trung Quốc hiện nay, bà Chen, người đã làm việc nhiều năm ở Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng trên thực tế, trong ngành phương tiện truyền thông mới mà bà tham gia, bất cứ khi nào nhận được dự án, bà đều bận rộn làm việc hơn 60 giờ một tuần. “Ngoài ra, thường không có lương quá giờ khi làm thêm giờ và bạn sẽ chỉ được nghỉ một số ngày và nhận trợ cấp bữa ăn”.

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc

Xu hướng suy giảm kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã dẫn đến việc một số lượng lớn các công ty phải đóng cửa và cắt giảm nhân viên. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người lao động đã nổ ra ở Trung Quốc do bị cắt giảm đột ngột mà không được bồi thường. Mối lo ngại về giảm thu nhập và sự sụt giảm giá trị tài sản dường như đang đè nặng lên người dân Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ tăng vọt. Theo dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc, trong quý III năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến mức thâm hụt 11,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Đây là mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận. Suy giảm kinh tế của đất nước được coi là lý do chính cho việc thất thoát vốn.

Xu hướng này đã khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dẫn đến việc cắt giảm hàng loạt. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm nhân sự, đóng cửa, di dời hoặc tạm ngừng sản xuất. Làn sóng biểu tình nổ ra xuất phát từ hàng loạt vấn đề nảy sinh từ tình trạng thất nghiệp, nợ lương và thiếu tiền đền bù. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân rất khó truyền bá thông điệp biểu tình trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc.

Chỉ trong hai tháng qua, đã có hàng chục cuộc biểu tình và đình công trên khắp Trung Quốc liên quan đến việc thiếu trợ cấp thôi việc, cắt giảm đột ngột và di dời các nhà máy sản xuất sang nước khác.

Ba cuộc khủng hoảng lớn ở Trung quốc khiến giới trung lưu nghèo đi
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bản tin Lao động Trung Quốc đưa tin, trong nửa đầu năm nay, số vụ đình công và biểu tình của người lao động ở Trung Quốc lên tới 741 vụ, gần bằng con số của cả năm 2022 là 830 vụ. Việc biểu tình xuất hiện trong hàng loạt các ngành công nghiệp từ sản xuất đến xây dựng, khai khoáng, vận tải và công nghiệp dịch vụ.

Những cuộc biểu tình như vậy bị ĐCSTQ coi là mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của họ.

Nhà hoạt động dân quyền Trung Quốc tại Mỹ Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), từng nói với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng: “Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất là việc tính bất hợp pháp của chính họ sẽ bị vạch trần”. ĐCSTQ sử dụng một hệ thống cơ quan chính phủ phức tạp để giám sát người dân và dập tắt mọi hình thức bất mãn chính trị. Bất kỳ hình thức phản kháng nào đều bị coi là đe dọa sự ổn định của chế độ.

Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times vào ngày 7/12 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty nước ngoài rời sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người nước ngoài dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý không rõ ràng, điều này khiến nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

Ông Lý tin rằng nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề này là do những hành vi thối nát của ĐCSTQ. Ông nói: “Việc cắt giảm hàng loạt dẫn đến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng, nhưng ĐCSTQ cố gắng che đậy chúng. Chế độ càng làm điều này thì càng trở nên kém minh bạch và điều này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rời khỏi thị trường Trung Quốc. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”.

Tỷ lệ thất nghiệp cao đáng sợ

Trên mạng xã hội, một số cư dân mạng Trung Quốc đã tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở nước này rất đáng sợ. Nền tảng tìm kiếm việc làm nổi tiếng Maimai chứa đầy thông tin thất nghiệp. ByteDance đã quyết liệt cắt giảm nhân viên và Ping An cũng đang cắt giảm nhân viên; một số người bị cắt giảm hai lần một năm; có người nói rằng họ đã làm việc mười năm và chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy. Trước đây, người dân có thể có việc làm trong vòng nhiều nhất là hai tháng sau khi nghỉ việc. Bây giờ, thật may mắn nếu tìm được việc làm trong vòng nửa năm. Một số người nói rằng khắp nơi đang có những tiếng kêu la về việc bị cắt giảm, và một số người đã bắt đầu thu dọn đồ đạc và về nhà đón năm mới.

Mạng xã hội Weibo xuất hiện tin tức rằng Tập đoàn Zhengzhou Zhengwei, xếp thứ 124 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới, đã dọn sạch các tòa nhà của mình chỉ trong một đêm. Tất cả các thiết bị và văn phòng đều bị dọn sạch và lương của nhân viên không được trả.

Trong bối cảnh vấn đề thất nghiệp của Trung Quốc đang gay gắt, tình trạng thất nghiệp trong thanh niên càng trở thành vấn đề nóng. Đặc biệt, tầng lớp thanh niên hay những người mới tốt nghiệp đại học thường gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong quá trình khởi đầu sự nghiệp và kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Khi tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế tăng cao, những người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và chưa tích lũy được nhiều kĩ năng cũng thường khó có thể kiếm được việc làm. Tình trạng thất nghiệp của họ thường tạo ra những mối lo ngại về bất ổn xã hội, khi đây cũng là một đối tượng rất nhạy cảm.

Ba cuộc khủng hoảng lớn ở Trung quốc khiến giới trung lưu nghèo đi
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Mối lo ngại về vấn đề thất nghiệp và việc làm lại được dấy lên sau những tin tức mới về lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc vào năm 2024. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc vào năm 2024 được dự đoán sẽ đạt mức cao mới, dự kiến đạt 11,79 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp tại Bắc Kinh để triển khai công tác việc làm và khởi nghiệp cho thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp. Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục cho biết, theo thống kê của Bộ, số sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 11,79 triệu vào năm 2024, tăng 210.000 so với năm nay.

Ba cuộc khủng hoảng lớn ở Trung quốc khiến giới trung lưu nghèo đi
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tài chính người dân xuống dốc: Ví dụ ở tỉnh Thiểm Tây

Nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc, và tỉnh Thiểm Tây dẫn đầu lập các kỷ lục tiêu cực. Chuyên gia Lao Man, một nhà truyền thông cá nhân về tài chính, đã chỉ ra rằng theo số liệu thống kê chính thức, trong 3 quý đầu năm nay, cán cân thu chi của người dân tỉnh Thiểm Tây đã giảm so với năm ngoái. Trong 3 quý đầu năm nay, con số này là 7.984 CNY (nhân dân tệ), giảm 4,6% so với 8.369 CNY của năm ngoái.

Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là lần đầu tiên cán cân thanh toán của người dân cấp tỉnh giảm kể từ khi thống kê được thu thập trên khắp Trung Quốc và mức giảm không hề thấp.

Cán cân thu chi của cư dân là phần còn lại khi lấy thu nhập khả dụng bình quân đầu người trừ đi chi tiêu tiêu dùng cần thiết. Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là một chỉ số rất quan trọng. Số tiền người dân chi để mua nhà, đi du lịch, mua sắm xa xỉ đều đến từ cán cân thu chi này [người dân dùng phần tiền thừa còn lại cho các hoạt động kể trên]. Xu hướng tiêu cực trong cán cân thu chi của Thiểm Tây sẽ tạo ra tác động to lớn và khó cưỡng lại cho nền kinh tế Thiểm Tây.

Chuyên gia Lao Man liệt kê những tác động lên nền kinh tế Thiểm Tây, từ sự sụt giảm đầu tư tài sản cố định đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong tiêu dùng. Cuối cùng ông kết luận rằng nền kinh tế Thiểm Tây sụp đổ nhanh hơn các tỉnh khác và nó đã lập kỷ lục lịch sử, bắt đầu từ khía cạnh thu chi của người dân.

Sẽ rất đáng để quan sát sự “bi thảm” này sẽ lan rộng khắp Trung Quốc nhanh như thế nào.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

3 cuộc khủng hoảng lớn ở Trung Quốc khiến giới trung lưu nghèo đi