Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc khó khăn, sức hấp dẫn của đất nước này trong mắt các công ty nước ngoài giảm đi, dẫn đến tình hình việc làm trở nên căng thẳng. Điều khó tránh khỏi là làn sóng biểu tình và đình công của người lao động.

Xu hướng suy giảm kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã dẫn đến việc một số lượng lớn các công ty phải đóng cửa và cắt giảm nhân viên. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người lao động đã nổ ra ở Trung Quốc do bị cắt giảm đột ngột mà không được bồi thường.

Đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ tăng vọt. Theo dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc, trong quý III năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến mức thâm hụt 11,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Đây là mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận. Suy giảm kinh tế của đất nước được coi là lý do chính cho việc thất thoát vốn.

Xu hướng này đã khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dẫn đến việc cắt giảm hàng loạt.

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đình công ở Dương Châu

Kể từ ngày 30/11, hàng ngàn người lao động ở Dương Châu, Giang Tô, đã biểu tình phản đối và yêu cầu bồi thường hợp lý cho việc công ty của họ, Yangzhou Baoyi Footwear Ltd (Công ty TNHH Giầy dép Bảo Ức Dương Châu), đình chỉ sản xuất và chấm dứt hợp đồng một cách đột ngột.

Ông Wang Qi (hóa danh), một nhân viên kỳ cựu của công ty trong hơn mười năm, nói với The Epoch Times vào ngày 6/12 rằng nhà máy đã bất ngờ thông báo vào ngày 29/11 rằng do ảnh hưởng của môi trường quốc tế, công ty sẽ đóng cửa vào ngày 31/12 và sẽ chấm dứt hợp đồng với nhân viên. Đại dịch, chiến tranh Nga-Ukraine, thuế xuất nhập khẩu, chi phí lao động và việc đồng USD tăng lãi suất là những lý do được công ty viện dẫn để đóng cửa. Người lao động không chấp nhận điều này và đã đình công để phản đối hành động này.

Ông Wang nói: “Hơn 1.000 người đã đình công. Nếu họ tuân thủ luật pháp thì người lao động đã không biểu tình, nhưng bây giờ chúng tôi không còn cách nào khác là phải đình công”.

Theo ông Wang, nhà máy sản xuất đã bắt đầu chuẩn bị cho việc di dời và ngừng sản xuất ngay từ năm ngoái. Kể từ năm ngoái, công ty đã cắt giảm dây chuyền sản xuất và giảm lương của người lao động. Công ty đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Indonesia.

Ông Wang hiện đang bi quan về tương lai vì những người lao động như ông ở độ tuổi 40 và 50 sẽ phải vật lộn để tìm một công việc khác sau khi bị cắt giảm. Một nhân viên khác của công ty đã có thâm niên 15 năm cũng nói với The Epoch Times rằng người lao động chỉ đơn giản là đang yêu cầu được trả tiền thôi việc một cách hợp lý.

Yangzhou Baoyi Footwear Ltd. đi vào sản xuất năm 2007, với khoản đầu tư 49,8 triệu USD từ Tập đoàn Pou Chen của Đài Loan trong giai đoạn đầu và vốn đăng ký là 32 triệu USD, với 15 dây chuyền sản xuất và từng có hơn 3.200 nhân viên. Hiện tại, công ty chỉ còn lại 1.500 nhân viên. Tính đến ngày 8/12, các cuộc đình công và đàm phán vẫn đang tiếp diễn khi tập đoàn Đài Loan tìm cách rút lui khỏi Trung Quốc.

Làn sóng biểu tình và đình công

Hiện tại, các doanh nghiệp lớn và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc đang cắt giảm nhân sự, đóng cửa, di dời hoặc tạm ngừng sản xuất. Làn sóng biểu tình nổ ra xuất phát từ hàng loạt vấn đề nảy sinh từ tình trạng thất nghiệp, nợ lương và thiếu tiền đền bù. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân rất khó truyền bá thông điệp biểu tình trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc.

Chỉ trong hai tháng qua, đã có hàng chục cuộc biểu tình và đình công trên khắp Trung Quốc liên quan đến việc thiếu trợ cấp thôi việc, cắt giảm đột ngột và di dời các nhà máy sản xuất sang nước khác.

Bản tin Lao động Trung Quốc đưa tin, trong nửa đầu năm nay, số vụ đình công và biểu tình của người lao động ở Trung Quốc lên tới 741 vụ, gần bằng con số của cả năm 2022 là 830 vụ. Việc biểu tình xuất hiện trong hàng loạt các ngành công nghiệp từ sản xuất đến xây dựng, khai khoáng, vận tải và công nghiệp dịch vụ.

Những cuộc biểu tình như vậy bị ĐCSTQ coi là mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của họ.

Nhà hoạt động dân quyền Trung Quốc tại Mỹ Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), từng nói với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng: “Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất là việc tính bất hợp pháp của chính họ sẽ bị vạch trần”. ĐCSTQ sử dụng một hệ thống cơ quan chính phủ phức tạp để giám sát người dân và dập tắt mọi hình thức bất mãn chính trị. Bất kỳ hình thức phản kháng nào đều bị coi là đe dọa sự ổn định của chế độ.

Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times vào ngày 7/12 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty nước ngoài rời sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người nước ngoài dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý không rõ ràng, điều này khiến nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

Ông Lý tin rằng nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề này là do những hành vi thối nát của ĐCSTQ. Ông nói: “Việc cắt giảm hàng loạt dẫn đến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng, nhưng ĐCSTQ cố gắng che đậy chúng. Chế độ càng làm điều này thì càng trở nên kém minh bạch và điều này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rời khỏi thị trường Trung Quốc. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”.

Tỷ lệ thất nghiệp cao đáng sợ

Gần đây, trên mạng xã hội, một số cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở nước này rất đáng sợ. Nền tảng tìm kiếm việc làm nổi tiếng Maimai chứa đầy thông tin thất nghiệp. ByteDance đã quyết liệt cắt giảm nhân viên và Ping An cũng đang cắt giảm nhân viên; một số người bị cắt giảm hai lần một năm; có người nói rằng họ đã làm việc mười năm và chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy. Trước đây, người dân có thể có việc làm trong vòng nhiều nhất là hai tháng sau khi nghỉ việc. Bây giờ, thật may mắn nếu tìm được việc làm trong vòng nửa năm. Một số người nói rằng khắp nơi đang có những tiếng kêu la về việc bị cắt giảm, và một số người đã bắt đầu thu dọn đồ đạc và về nhà đón năm mới.

Mạng xã hội Weibo xuất hiện tin tức rằng Tập đoàn Zhengzhou Zhengwei, xếp thứ 124 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới, đã dọn sạch các tòa nhà của mình chỉ trong một đêm. Tất cả các thiết bị và văn phòng đều bị dọn sạch và lương của nhân viên không được trả.

Căng thẳng vấn đề thất nghiệp trong thanh niên

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Trong bối cảnh vấn đề thất nghiệp của Trung Quốc đang gay gắt, tình trạng thất nghiệp trong thanh niên càng trở thành vấn đề nóng. Đặc biệt, tầng lớp thanh niên hay những người mới tốt nghiệp đại học thường gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong quá trình khởi đầu sự nghiệp và kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Khi tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế tăng cao, những người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và chưa tích lũy được nhiều kĩ năng cũng thường khó có thể kiếm được việc làm. Tình trạng thất nghiệp của họ thường tạo ra những mối lo ngại về bất ổn xã hội, khi đây cũng là một đối tượng rất nhạy cảm.

Trên thực tế, tình hình đã đạt đến mức cực đoan. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (đối với những người từ 16 đến 24 tuổi) của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Số liệu trở nên đặc biệt tồi tệ, và Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã không công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cho các tháng sau đó kể từ sau số liệu cho tháng 6.

Mối lo ngại về vấn đề thất nghiệp và việc làm lại được dấy lên sau những tin tức mới về lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc vào năm 2024.

Vào năm 2024, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc sẽ đạt mức cao mới, dự kiến đạt 11,79 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp tại Bắc Kinh để triển khai công tác việc làm và khởi nghiệp cho thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp. Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục cho biết, theo thống kê của Bộ, số sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 11,79 triệu vào năm 2024, tăng 210.000 so với năm nay.

Bộ Giáo dục tuyên bố rằng để thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, các trường cao đẳng và đại học ở các khu vực phải có đội ngũ nhân viên hỗ trợ việc làm ở cấp trường một cách tương xứng. Gần đây, Bộ Giáo dục đã ban hành 26 biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Cư dân mạng "Yiwei Hangzhi" cho biết: "Chúng ta không biết có bao nhiêu người sẽ mất việc vào năm 2024 và 11,79 triệu người khác sẽ cần tìm việc làm”.

Blogger tài chính "Little Probability_n" nói: "Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị của Trung Quốc trong tháng 10 là 5%, giống như tháng 9. Tuy nhiên, sau tháng 6, Trung Quốc vẫn từ chối công bố dữ liệu thất nghiệp ở thanh niên. Truyền thông Hong Kong chỉ ra rằng triển vọng cho 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học [và cao đẳng] năm nay đang là đáng lo ngại”.

“Bình luận: Phấn đấu có việc làm là điều đúng đắn để làm. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, bạn không được khởi nghiệp chứ đừng nói đến việc dùng tiền lương hưu của bố mẹ để khởi nghiệp. Nếu mất hết tiền thì cả gia đình sẽ bị hủy hoại".

"Qiming Wangyue" cho biết: "Không có cơ hội vào nhà máy. Làm sao có thể có nhiều nhà máy sản xuất đến như vậy [để đủ cơ hội việc làm]? Các nhà máy đang trên bờ vực phá sản. Có quá nhiều bên không đủ khả năng trả lương, và việc nợ lương đang bị kéo ra rất dài”.

"Không phải mặt trời, không phải mặt trăng, không phải vì sao" chế nhạo: "Xin đẻ ba con sẽ giải quyết được cả tỷ lệ việc làm [nghỉ đẻ và không đi làm] và tỷ lệ sinh sản".

Các công ty nước ngoài tìm đến Đông Nam Á thay vì Trung Quốc

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc
Các đại biểu tham dự cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, vào ngày 31/03/2023. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images)

Việc các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đã góp phần không nhỏ tạo ra khủng hoảng thất nghiệp tại nước này. Một điểm đến đang ngày càng trở nên hấp dẫn là Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, trong giai đoạn từ 2017 đến 2022 khi xung đột thương mại Trung Quốc - Mỹ leo thang, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới 11 nước Đông Nam Á đã tăng 40%, vượt mức tăng đầu tư nước ngoài vào các khu vực như Trung Quốc, Mỹ Latinh và châu Phi.

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về các dự án đầu tư vốn ở Đông Nam Á, chi 74,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy cũng như tài trợ các dự án khác từ năm 2018 đến năm 2022, theo Hệ thống theo dõi đầu tư trực tiếp nước ngoài xuyên biên giới của Financial Times.

Các công ty Mỹ ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung đầu tư vào các ngành liên quan đến chất bán dẫn ở các quốc gia như Singapore và Malaysia.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9: “Việt Nam dự kiến sẽ là đối tác trong việc đảm bảo tính đa dạng và khả năng vững bền của chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.

Đáp lại, các công ty Mỹ như Marvell Technology và Synopsys đã bày tỏ sự háo hức đầu tư vào Việt Nam.

Amkor Technology đã khai trương nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam vào tháng 10. Nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD này được thiết kế để trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của công ty Hoa Kỳ này và tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Mục đích chính của các công ty Mỹ khi tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á là giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và tìm kiếm sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thứ 2 (27/11), Tòa Bạch Ốc đã công bố gần 30 biện pháp mới nhằm tăng cường chuỗi cung ứng quan trọng, nhấn mạnh việc hợp tác với các đồng minh. Các lĩnh vực bao gồm là y học, chất bán dẫn, năng lượng và khoáng sản quan trọng.

Doanh nghiệp Trung Quốc hướng sang Đông Nam Á để né tránh căng thẳng

Đồng thời, đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á đạt 68,5 tỷ USD, theo sát Mỹ. Các công ty Trung Quốc chủ yếu tham gia các dự án như xe điện ở Thái Lan và đầu tư khai thác mỏ ở Indonesia.

Vào tháng 7, Malaysia cho biết nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc Chiết Giang Geely Holding Group sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô ở bang Perak phía tây Malaysia. Công ty cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Thái Lan.

Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu thông qua các nhà máy ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh tình hình tiếp tục căng thẳng và xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung và châu Âu - Trung Quốc. [Các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á để né tránh căng thẳng trong mối quan hệ giữa các khu vực].

Đầu tư từ Đài Loan chuyển hướng

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Wang Meihua gần đây đã tham gia một cuộc phỏng vấn độc quyền với "Nikkei Asia" và chỉ ra rằng "Đầu tư của Đài Loan vào Đông Nam Á và Nam Á thực sự đã vượt quá đầu tư vào Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2022. Chúng tôi tin rằng do tác động từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, xu hướng này sẽ chỉ tiếp tục [trong tương lai]”.

Năm 2018, sau khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà cung cấp công nghệ lớn của Đài Loan đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Và nhiều khách hàng Mỹ đang yêu cầu các nhà cung cấp của họ xây dựng năng lực sản xuất tại Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan và Ấn Độ.

Bà Wang Meihua cho rằng xu hướng này đã trở nên sắc nét hơn trong năm nay. Bà chỉ ra rằng trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư của các công ty Đài Loan vào Đông Nam Á và Ấn Độ đạt 4,3 tỷ USD, trong khi đầu tư vào Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ là 1,26 tỷ USD.

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc
Logo Foxconn (Hon Hai Technology Group) trên một tòa nhà Foxconn ở Đài Bắc vào ngày 31/01/2019. (Ảnh: SAM YEH / AFP qua Getty Images)

Việt Nam đã thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất lớn như Hon Hai, Wistron, Quanta, Pegatron, Compal và Inventec và trở thành trung tâm lớn của ngành công nghiệp điện tử. Các quan chức của Bộ Kinh tế Đài Loan phân tích, chi phí lao động thấp của Việt Nam, lợi thế về địa lý khi nằm ngay cạnh Trung Quốc và nhiều hiệp định ưu đãi được ký kết với nhiều nước sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ di dời cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất linh kiện điện tử sang Việt Nam.

Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở một cuộc điều tra về cái gọi là rào cản thương mại của Đài Loan và tuyên bố sẽ hoàn thành vụ điều tra trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/1 năm sau. Bà Wang Meihua chỉ ra rằng động thái này "rất có động cơ chính trị". Bà cảnh báo: "Chúng tôi dự đoán các biện pháp gây áp lực kinh tế của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) sẽ chỉ tăng chứ không giảm".

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Làn sóng biểu tình và đình công của người lao động tại Trung Quốc