Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá của các nhà bán lẻ Trung Quốc có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn, thậm chí khiến tiêu dùng tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, giảm giá có lẽ là một hiện tượng tất yếu khi người dân Trung Quốc đang nghèo đi.

Để hấp dẫn được những người tiêu dùng Trung Quốc không sẵn lòng chi tiền, bối cảnh bán lẻ ở Trung Quốc đại lục đang được định hình lại. Các thương gia đang tham gia vào cuộc chiến giá cả để thu hút người tiêu dùng với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ. Điều này có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi sâu hơn vào vũng lầy suy thoái.

Hiện tại, có rất nhiều ví dụ về việc các nhà bán lẻ Trung Quốc cắt giảm chi phí hoặc đưa ra các lựa chọn thay thế có giá thấp hơn để phục vụ những người tiêu dùng không sẵn lòng chi tiền.

Ví dụ, chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc Haidilao đã mở hai cửa hàng thương hiệu giá rẻ "Hailao Hotpot" vào cuối tháng 9. So với thương hiệu chính Haidilao, được định vị là thương hiệu từ trung cấp đến cao cấp, mức chi tiêu bình quân đầu người của "Hailao Hotpot" là 78 nhân dân tệ (CNY). Rẻ hơn gần 30% so với mức chi tiêu bình quân đầu người của Haidilao ở Bắc Kinh, ở đây đang xảy ra tình trạng “cha con tranh giành làm ăn”.

Rượu Mao Đài, được bán với giá 1.499 CNY (209,89 USD) cho một chai 500 ml, đã tung ra các sản phẩm latte và sô cô la pha Mao Đài trong năm nay, với giá thấp nhất là 35 CNY.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Rượu Mao Đài dùng trong lễ mừng đám cưới. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Trong 5 tháng qua, chuỗi Sam's Club của Walmart và Hema Fresh của Alibaba đã rơi vào cuộc chiến giá cả, với cả hai bên cạnh tranh để giảm giá. Giá của những mặt hàng phổ biến như bánh sầu riêng tại Sam's Club thậm chí còn giảm tới 34%.

Reuters đưa tin ông Mark Tanner, người sáng lập công ty tiếp thị China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết việc theo đuổi “giá trị tương xứng với đồng tiền bỏ ra” của người tiêu dùng đang thay thế những sự “nâng cấp" về tiêu dùng trước đây đối với nhiều sản phẩm khác nhau. Ông nói thêm rằng việc giảm giá và giới thiệu sản phẩm rẻ hơn đã dẫn đến giá bán trung bình thấp hơn ở nhiều danh mục sản phẩm, bao gồm sản phẩm bổ sung, sản phẩm từ sữa, chăm sóc da và mỹ phẩm.

Trung Quốc cho biết họ dự đoán lạm phát sẽ tăng, nhưng dữ liệu trước đó trong tháng này cho thấy giá tiêu dùng giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm và giảm phát tại các nhà máy ngày càng sâu sắc. Người tiêu dùng không cảm thấy được sự tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao và lương nhân viên đã giảm.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Hiện tượng cửa hàng giảm giá nở rộ

Bối cảnh tiêu dùng thắt chặt này cũng đã tạo ra một “dòng" các cửa hàng giảm giá mới, một hiện tượng mới ở Trung Quốc đại lục, thúc đẩy sự cạnh tranh lớn hơn khi các thương gia đổ xô cắt giảm giá một cách mạnh mẽ.

"Đồ ăn vặt bận rộn" là một thương hiệu snack (đồ ăn vặt) có lịch sử 6 năm. Theo công ty có trụ sở tại Trường Sa, sản phẩm rẻ hơn so với siêu thị và họ có kế hoạch mở rộng số lượng cửa hàng lên 10.000 vào năm 2025 từ mức 4.000 hiện tại.

Thương hiệu snack lớn nhất Trung Quốc "Bestore" đã có hành động đáp trả vào tháng 11, giảm giá trung bình 300 sản phẩm ở mức trung bình 22%, với mức giảm giá lớn nhất là 45%, mức giảm giá lớn nhất trong lịch sử.

Hotmaxx, chuyên bán các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng với giá rẻ hơn, cũng đặt mục tiêu mở rộng số lượng cửa hàng lên 5.000 trong 3 năm tới từ con số 250 hiện tại, theo trang web của hãng.

Các nhà phân tích tin rằng với việc giảm giá, sự nở rộ của các cửa hàng giá rẻ và việc cung cấp các phiên bản sản phẩm nhỏ hơn, rẻ hơn, các công ty Trung Quốc đại lục có thể bước vào một vòng luẩn quẩn với tỷ suất lợi nhuận giảm sút, từ đó kìm hãm tăng trưởng tiền lương và việc làm và hạn chế hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Một người đàn ông sử dụng điện thoại khi đang nghỉ ngơi tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/7/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Hạ cấp chi tiêu

Theo thông tin được chuyên gia Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, đưa ra vào cuối tháng 11, “hạ cấp chi tiêu” đã trở thành xu hướng trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo. Các nhà bán lẻ truyền thống như Alibaba và JD.com chứng kiến doanh số sụt giảm, trong khi các trang mua sắm giảm giá như Pinduoduo nổi lên. Người tiêu dùng cũng lựa chọn các nhãn hiệu mỹ phẩm và quần áo nội địa rẻ hơn thay vì các nhãn hiệu nước ngoài. Meituan, một nền tảng của Trung Quốc cung cấp dịch vụ giao hàng, đã báo cáo lượng đơn đặt hàng giảm do người tiêu dùng tránh phải trả thêm phí giao hàng.

Giới trung lưu Trung Quốc nghèo đi

Với sự xuống dốc của kinh tế của Trung Quốc, tài sản của người dân đang bị suy giảm nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu chi tiêu của họ, khiến các nhà bán lẻ phải tìm cách giảm giá để hấp dẫn khách hàng.

Trên thực tế, ba cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm sự sụp đổ của bất động sản và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và tài chính, cũng như việc giảm lương và cắt giảm nhân sự, đã giáng một đòn mạnh vào tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Khi tiền lương giảm và tài sản sụt giảm giá trị, nhiều gia đình trung lưu buộc phải thay đổi các ưu tiên tài chính của mình. Một số đã từ bỏ khuynh hướng đầu tư và quyết định bán tài sản để lấy tiền mặt.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được đếm tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc được đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, Bloomberg Economics ước tính rằng cứ mỗi 5% sụt giảm trong giá nhà ở sẽ xóa đi 19 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,7 nghìn tỷ USD) trong tài sản nhà ở.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg cho biết: “Đây có thể chỉ là khởi đầu cho nhiều sự mất mát tài sản hơn nữa trong những năm tới”.

Ông Eric Zhu nói tiếp: “Trừ khi có một thị trường giá lên lớn [thị trường con bò], sự gia tăng nhỏ về tài sản tài chính khó có thể bù đắp được sự mất mát của cải trong lĩnh vực nhà ở”.

Mặc dù dữ liệu chính thức của Trung Quốc chỉ cho thấy giá nhà ở giảm nhẹ, nhưng các đại lý bất động sản và dữ liệu tư nhân cho thấy giá cả ở những vị trí đắc địa ở một số thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm ít nhất 15%.

Bloomberg Economics cho rằng đến năm 2026, giá trị ngành bất động sản Trung Quốc có thể giảm từ khoảng 20% GDP hiện nay xuống còn khoảng 16%. Điều này có thể khiến khoảng 5 triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Một khu phức hợp dân cư do nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden xây dựng ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 31/8/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trong lúc cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, các tài sản tài chính cũng đang cho kết quả mờ nhạt. Đầu tháng này, chứng khoán Trung Quốc có kết quả hoạt động yếu kém hơn các thị trường mới nổi ở mức độ lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1998.

Các quỹ tương hỗ Trung Quốc cũng báo lỗ đáng kể trong quý III. Lợi suất của các sản phẩm tài chính ngân hàng vẫn trì trệ và lãi suất tiền gửi đã bị cắt giảm ba lần trong năm qua.

Trước đó, UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu vào tháng 8 năm nay rằng giá trị tài sản ròng bình quân đầu người của người trưởng thành Trung Quốc đã giảm 2,2% xuống còn 75.731 USD vào năm 2022. Do thị trường nhà ở suy thoái, tài sản phi tài chính đã giảm giá trị, và tổng tài sản bình quân đầu người cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Ông Thomas Zhou, một chuyên gia tài chính 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết khi nhìn lại năm 2023, khoản đầu tư vào cổ phiếu của ông giảm 30%, lương giảm 30% và khoản đầu tư vào bất động sản giảm 20%.

Ông Zhou cho biết: “Điều duy nhất khiến tôi tiếp tục làm việc vào lúc này là nhằm giữ được công việc để có thể nuôi sống gia đình lớn của mình”.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Bain Strategies thực hiện cho thấy ngay cả những người giàu có ở Trung Quốc cũng trở nên thận trọng hơn.

Vào năm 2023, trong số những cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc, số người liệt kê "bảo vệ tài sản" là mục tiêu quản lý tài chính chính của họ đã tăng lên đáng kể, trong khi số người hướng đến "tạo ra của cải" đã giảm đáng kể.

Tình hình của ông Thomas vẫn còn là tương đối tốt. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào ngày 15/12, nhưng vẫn chưa có số liệu nào về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Trong lần cuối cùng thông tin này được công bố, nó đã cao tới 21,3% trong tháng 6, mức cao kỷ lục.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt
Sinh viên tốt nghiệp đại học tham dự hội chợ việc làm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 10/8/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Giáo sư Xu Chenggang tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Mỹ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh không còn công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vì nó sẽ mâu thuẫn với dữ liệu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 20% thanh niên thất nghiệp, các nhà kinh tế trong nước ước tính một cách độc lập rằng con số này lên tới 40%. Không có lý do gì nền kinh tế lại có thể tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn người thất nghiệp phải ngủ ngoài đường. Nhiều người đang ở độ tuổi sung mãn nhất - trên 35 tuổi - không thể tìm được việc làm.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, số giờ làm việc trung bình hàng tuần của người lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước là 48,9 giờ. Con số này đã vượt qua mức cao nhất trước đó trong hai thập kỷ là 48,8 giờ vào tháng 4 năm nay.

Theo Luật Lao động của Trung Quốc, thời gian làm việc trung bình của người lao động Trung Quốc không được vượt quá 44 giờ mỗi tuần, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà chức trách “đưa ra thông tin tin để thừa nhận họ đã vi phạm quy định”.

Về tình hình làm thêm giờ ở Trung Quốc hiện nay, bà Chen, người đã làm việc nhiều năm ở Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng trên thực tế, trong ngành phương tiện truyền thông mới mà bà tham gia, bất cứ khi nào nhận được dự án, bà đều bận rộn làm việc hơn 60 giờ một tuần. “Ngoài ra, thường không có lương quá giờ khi làm thêm giờ và bạn sẽ chỉ được nghỉ một số ngày và nhận trợ cấp bữa ăn”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà bán lẻ Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến giá khốc liệt