Các giám đốc ngân hàng Trung Quốc phải đặt vé tàu giá rẻ để cắt giảm chi phí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với tình hình khó khăn chung về kinh tế và tài chính, các ngân hàng Trung Quốc đang tích cực cắt giảm chi phí đi lại. Ngành tài chính Trung Quốc vốn đang phải hứng chịu các sức ép lớn.

Các ngân hàng Trung Quốc đang cắt giảm chi phí đi lại, yêu cầu nhân sự không bay hạng thương gia, đặt vé tàu rẻ hơn khi có thể và đặt phòng khách sạn rẻ hơn. Đây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chi tiêu, phù hợp với chính sách “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh.

Những người quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg rằng nhiều tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Công nghiệp, Công ty Ngân hàng Minsheng Trung Quốc và Ngân hàng CITIC Trung Quốc, đang thắt chặt chi tiêu đi lại.

Theo nguồn tin, Ngân hàng Công nghiệp đã nói với các nhân sự vào cuối tháng trước rằng các giám đốc chi nhánh địa phương và người đứng đầu các đơn vị trong nước nên cố gắng đặt chỗ ngồi giá rẻ nhất trên tàu. Ngân sách chỗ ở tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã bị cắt giảm ít nhất 10% mỗi ngày.

Theo bài báo, các nhà môi giới và ngân hàng khác cũng đang nỗ lực cắt giảm chi phí trước áp lực lợi nhuận và các tín hiệu về chi tiêu từ chính quyền Trung Quốc.

Năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bài bình luận dài 3.500 từ kêu gọi những người hành nghề tài chính đấu tranh chống lại “chủ nghĩa khoái lạc và lãng phí” và loại bỏ những ý tưởng như “chủ nghĩa tinh hoa tài chính”. Ngoài ra, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng kêu gọi các ngân hàng quốc doanh kiểm soát ngân sách, cắt giảm lương và chi phí.

Đồng thời, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các gã khổng lồ ngân hàng cung cấp hỗ trợ cho các công ty bất động sản đang gặp khó khăn và các công cụ tài chính của chính quyền địa phương. Điều này càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của ngành tài chính Trung Quốc.

Các giám đốc ngân hàng Trung Quốc phải đặt vé tàu giá rẻ để cắt giảm chi phí
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Tính đến tháng 9/2023, biên lãi ròng của các ngân hàng là 1,73%, mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ này thấp hơn ngưỡng 1,8% mà các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành tin là cần thiết để duy trì mức lợi nhuận hợp lý.

Trong khi đó, nợ xấu đạt mức cao mới. Có suy đoán cho rằng đà tăng trưởng doanh thu liên tục của một số ngân hàng quốc doanh tại Trung Quốc kể từ năm 2017 có thể bị gián đoạn.

Các nhà chức trách đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng cho các ngân hàng, cho phép họ cắt giảm lãi suất tiền gửi và cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc để tăng khả năng cho vay.

Tuy nhiên, Fitch Ratings tin rằng những thay đổi này sẽ không đủ để bù đắp tác động của lãi suất cho vay thấp hơn và ngăn chặn biên lợi nhuận giảm sút. Bloomberg Intelligence dự đoán việc thắt chặt biên lợi nhuận sẽ gia tăng vào năm 2024 và gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng.

Bộ Tài chính Trung Quốc đề cao thắt chặt chi tiêu

Trước tình hình kinh tế suy thoái, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng.

Mới đây, liên quan đến chính sách tài khóa năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (Lan Fo'an) một lần nữa kêu gọi thắt chặt chi tiêu và yêu cầu “không tiêu bừa bãi một xu tiền nào không đáng tiêu”.

Vào ngày 4/1, khi truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng tải phần câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An về tình hình kinh tế và tài chính hiện tại của Trung Quốc, ông Lam đã đưa ra phát biểu như trên.

Về cái gọi là "nâng cao chất lượng và hiệu quả", ông Lam nói: "Hãy làm việc chăm chỉ để thực hiện các yêu cầu về cuộc sống thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm tất cả số tiền có thể, không tiêu bất kỳ khoản tiền nào không nên chi, và hãy tập trung nguồn tài chính của bạn vào những việc lớn lao". Ông cũng cho biết “chúng tôi sẽ kiên quyết điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và quy định”.

Các giám đốc ngân hàng Trung Quốc phải đặt vé tàu giá rẻ để cắt giảm chi phí
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (trái) và ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po), (phải) Cục trưởng Tài chính Hong Kong, trước khi bắt đầu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Toàn thể với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Moscone vào ngày 13/11/2023 ở San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Lam Phật An cũng đề cập rằng tỷ lệ thâm hụt tài chính được ấn định ở mức 3% vào đầu năm 2023. Nhiều nơi ở Trung Quốc phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt, bão và các thảm họa khác vào giữa năm nên chính quyền phải phát hành thêm 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) trái phiếu trong quý IV. Tương ứng, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng từ 3% lên khoảng 3,8%.

Trước đó, vào ngày 22/12/2023, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố văn bản nội dung hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa.

Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ "những ngày thắt chặt chi tiêu" từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm 2023 vừa rồi. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm trước đó, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm vừa rồi.

Được biết, bất động sản từng là "vũ khí thuế" của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.

Bộ Tài chính dường như coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ. Tình cảnh khó khăn về kinh tế và tài chính đã trở thành chủ đề bao trùm tại Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Các giám đốc ngân hàng Trung Quốc phải đặt vé tàu giá rẻ để cắt giảm chi phí