Công dân Trung Quốc bị cáo buộc âm mưu xuất khẩu công nghệ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc bị cáo buộc âm mưu xuất khẩu công nghệ Mỹ nhằm thúc đẩy các hoạt động quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông Hàn Lực (Han Li) - 44 tuổi, và ông Lâm Thân (Lin Chen) - 64 tuổi, đã bị truy tố nhiều tội danh liên quan đến việc cấu kết vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR), do âm mưu xuất khẩu máy móc gia công vi mạch silicon.

Bộ trưởng Công tố Liên bang Khu vực phía Bắc California, ông Ismail Ramsey, cho biết trong một thông cáo báo chí về vụ bắt giữ: "Các hạn chế xuất khẩu có liên quan trong vụ án này được đưa ra để ngăn chặn việc mua sắm bất hợp pháp hàng hóa và công nghệ phục vụ mục đích quân sự trái phép tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Cơ quan này cam kết thực thi nghiêm minh luật xuất khẩu quốc gia, bao gồm cả quy định về công nghệ tiên tiến, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olson cho biết các bị cáo đã "dùng thủ đoạn lách luật kiểm soát xuất khẩu để sở hữu chip bán dẫn của Hoa Kỳ" và sau đó tuồn sang một công ty Trung Quốc.

Năm 2014, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế đối với Công ty Công nghệ GaStone Thành Đô (CGTC) có trụ sở tại Trung Quốc, khiến công ty này "mất quyền nhận xuất khẩu một số công nghệ và dịch vụ nhất định của Hoa Kỳ".

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2015 đến tháng 8/2018, ông Hàn Lực và Lâm Thân đã thông đồng vi phạm lệnh cấm xuất khẩu của Bộ Thương mại áp dụng với CGTC bằng cách sử dụng các công ty trung gian.

Cụ thể, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn bất hợp pháp để mua cho CGTC một Máy Cắt Kim Cương Tự Động DTX-150 từ Công ty Dynatex International, có trụ sở tại Santa Rosa, California, Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định các bị cáo đã cố ý né tránh việc xin phép Bộ Thương mại để xuất khẩu thiết bị cho CGTC.

"Các bị cáo đã tìm cách mua thiết bị thông qua một công ty trung gian có tên là công ty TNHH Quốc tế Giang Tô Hantang (JHI). Họ đã gian dối khai báo JHI là bên mua và bên sử dụng cuối cùng, đồng thời tạo ra một bên trung gian giả mạo với mục đích tương tự", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Để che giấu hành vi vi phạm, hai bị cáo này đã yêu cầu Công ty Dynatex International không ghi nhận CGTC là người nhận hàng cuối cùng trong thông tin xuất khẩu của lô hàng.

Cơ quan chức năng Mỹ xác định ông Hàn Lực hiện đang lẩn trốn tại Trung Quốc.

Hai bị cáo Hàn Lực và Lâm Thân phải đối mặt với nhiều tội danh nghiêm trọng liên quan đến vi phạm IEEPA. Theo quy định, hành vi này có thể dẫn đến mức án tù lên đến 20 năm và khoản tiền phạt 1 triệu USD. Ngoài ra, hai bị cáo còn bị truy tố vì cung cấp thông tin điện tử xuất khẩu gian dối, với khung hình phạt tối đa 5 năm tù giam và 250.000 USD tiền phạt.

Vụ án còn cáo buộc hai bị cáo tội buôn lậu, với mức án tù tối đa 10 năm và 250.000 USD tiền phạt. Đồng thời, vi phạm IEEPA cũng có thể khiến Hàn Lực và Lâm Thân phải đối mặt với mức án tù lên đến 20 năm và khoản tiền phạt 1 triệu USD.

Vụ việc sẽ được Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ Khu vực Bắc California phối hợp cùng Vụ Chống Tình báo & Kiểm soát Xuất khẩu thuộc Phân khu An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra và truy tố.

Trưởng Ban Đặc nhiệm Điều tra An ninh Nội địa Tatum King nhấn mạnh: "Vụ bắt giữ này cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác liên ngành trong việc ngăn chặn xuất khẩu trái phép, hành vi có thể gây nguy hiểm cho các công nghệ nhạy cảm và an ninh quốc gia, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ".

Ông Brent Burmester, Trưởng Ban Đặc nhiệm thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, khẳng định việc ngăn chặn "dòng chảy công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ" được chuyển giao nhằm thúc đẩy "nỗ lực hiện đại hóa quân sự" của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đóng vai trò then chốt trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Trưởng Ban Đặc nhiệm FBI Robert Tripp cũng đề xuất rằng các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ nên thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với văn phòng thực địa FBI địa phương nhằm chung tay bảo vệ trước mối đe dọa thường trực từ các đối tượng tội phạm có ý định đánh cắp công nghệ Mỹ.

Ông Tripp tuyên bố: "Chúng tôi sẽ kiên quyết truy tố bất kỳ ai vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và nền kinh tế của chúng tôi".

Trong một báo cáo năm 2023 về cuộc thảo luận bàn tròn của Giám đốc FBI Christopher Wray trên đài CBS News, ông Wray đã gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là "mối đe dọa định hình thế hệ này".

Trong cuộc thảo luận, quan chức này cho biết FBI hiện đang tiến hành 2.000 cuộc điều tra liên quan trực tiếp đến “nỗ lực đánh cắp thông tin của chính phủ Trung Quốc".

Quan chức này khẳng định: "Không có quốc gia nào khác gây ra mối đe dọa rộng khắp và toàn diện hơn đối với tư tưởng, đổi mới, an ninh kinh tế và cuối cùng là an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Công dân Trung Quốc bị cáo buộc âm mưu xuất khẩu công nghệ Mỹ