Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi thắt chặt chi tiêu. Những lời kêu gọi tiết kiệm và hạn chế chi tiêu ngày càng trở nên nổi bật hơn trong lúc Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và kinh tế.

Trước tình hình kinh tế suy thoái, chính quyền Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng. Liên quan đến chính sách tài khóa năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (Lan Fo'an) một lần nữa kêu gọi thắt chặt chi tiêu và yêu cầu “không tiêu bừa bãi một xu tiền nào không đáng tiêu”.

Vào ngày 4/1, khi truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng tải phần câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An về tình hình kinh tế và tài chính hiện tại của Trung Quốc, ông Lam đã đưa ra phát biểu như trên.

Về cái gọi là "nâng cao chất lượng và hiệu quả", ông Lam nói: "Hãy làm việc chăm chỉ để thực hiện các yêu cầu về cuộc sống thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm tất cả số tiền có thể, không tiêu bất kỳ khoản tiền nào không nên chi, và hãy tập trung nguồn tài chính của bạn vào những việc lớn lao". Ông cũng cho biết “chúng tôi sẽ kiên quyết điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và quy định”.

Ông Lam Phật An cũng đề cập rằng tỷ lệ thâm hụt tài chính được ấn định ở mức 3% vào đầu năm 2023. Nhiều nơi ở Trung Quốc phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt, bão và các thảm họa khác vào giữa năm nên chính quyền phải phát hành thêm 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) trái phiếu trong quý IV. Tương ứng, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng từ 3% lên khoảng 3,8%.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Ông Lam năm nay 67 tuổi, đã đến tuổi nghỉ hưu của quan chức cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, sau khi ông từ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây vào tháng 9/2023, ông đã được đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nhà bình luận thời sự Vương Hách (Wang He )trước đó đã viết một bài phân tích rằng mặc dù ông Lam Phật An đã làm việc trong hệ thống tài chính gần 20 năm và có 8 năm kinh nghiệm kiểm toán nhưng ông lại không có kinh nghiệm trong công tác chính quyền trung ương. Cho nên, việc ông tiếp quản Bộ Tài chính là khá bất ngờ.

Ông Vương Hách cho rằng nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, tài chính eo hẹp, nợ địa phương có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào và rủi ro tài chính ngày càng gia tăng. Những thách thức mà ông Lam phải đối mặt không phải là nhỏ.

Về lý do tại sao lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lại chọn ông Lam làm Bộ trưởng, ông Vương Hách tin rằng điều đó không phụ thuộc chủ yếu vào năng lực chuyên môn. Ông Lam là người không có vòng ảnh hưởng trong chính quyền trung ương và có thể tận tâm thực hiện chỉ thị của ông Tập.

Chính quyền các cấp tại Trung Quốc đề cao ‘thắt lưng buộc bụng'

Tình cảnh khó khăn về kinh tế và tài chính đã trở thành chủ đề bao trùm tại Trung Quốc. Đi cùng với đó là những lời kêu gọi tiết kiệm và hạn chế chi tiêu.

Gần đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tài liệu hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa. Ngoài ra, chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh “sống thắt lưng buộc bụng”.

Ngày 22/12/2023, Bộ Tài chính công bố văn bản nội dung hội nghị công tác thường niên. Từ khóa “những ngày thắt chặt chi tiêu” xuất hiện một cách đáng chú ý.

Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ "những ngày thắt chặt chi tiêu" từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm 2023 vừa rồi. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm trước đó, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm vừa rồi.

Được biết, bất động sản từng là "vũ khí thuế" của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (trái) và ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po), (phải) Cục trưởng Tài chính Hong Kong, trước khi bắt đầu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Toàn thể với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Moscone vào ngày 13/11/2023 ở San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Bộ Tài chính dường như coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Tỉnh ủy Chiết Giang tổ chức ngày 20/12/2023, Bí thư Tỉnh ủy Yi Lianhong nhấn mạnh các cơ quan đảng, chính quyền phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Gần đây, Chính quyền thành phố Hạ Môn đã ban hành "Thông báo về tăng cường quản lý ngân sách và tuân thủ lối sống thắt lưng buộc bụng". Thông báo cho thấy rằng ngoài việc đình chỉ xây dựng đối với các dự án về thành tựu và làm hình ảnh ở địa phương, chi phí đặc biệt của các phòng ban và quỹ công sẽ bị thu hẹp lần lượt 10% và 20% vào năm 2024, các khoản chi chung như "3 chi phí chung" sẽ được kiểm soát chặt chẽ ("3 chi phí chung" đề cập đến 3 khoản chi tiêu tài chính do chính quyền Trung Quốc đài thọ, bao gồm chi phí đi công tác nước ngoài, chi phí mua và vận hành phương tiện giao thông, và chi phí tiếp đãi công vụ. Các quan chức, cán bộ, công chức của đảng và nhà nước Trung Quốc thường lạm dụng ba khoản chi này để dùng tiền công vào việc tư).

Một bài viết có tựa đề “Sống thắt lưng buộc bụng” đăng trên trang web của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô vào ngày 19/12/23 cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa được tổ chức tại Bắc Kinh và cuộc họp yêu cầu các cơ quan đảng, chính quyền làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Đảng viên, cán bộ Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đi đầu trong việc sống thắt lưng buộc bụng.

Do các hạn chế về tài chính, chính quyền địa phương ở Chiết Giang và Thâm Quyến đã đưa ra thông báo yêu cầu các cơ quan chính quyền các cấp phải “sống thắt lưng buộc bụng”, và các cơ quan, tổ chức chính phủ ở nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý những nhân sự không phải là nhân viên chính thức.

Một số cư dân mạng bình luận rằng, quan chức Bộ Tài chính nói chính quyền đang “thắt chặt chi tiêu” để đổi lấy việc người dân có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng “người dân cũng muốn được sống một cuộc sống như của cán bộ nhà nước…không cần thiết phải đặt ra hai tiêu chuẩn”.

Bà Zhou, một cư dân ở Thạch Gia Trang, cho biết tình hình tài chính eo hẹp của nhiều chính quyền quận đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền. Bà cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công chức ở các đơn vị khác nhau bắt đầu sống thắt lưng buộc bụng. Về vấn đề lương của cán bộ ở các đơn vị liên kết với chính quyền cấp quận, một số nơi phải tự mình giải quyết. Con gái bạn tôi hiện đang du học tại một trường đại học ở nước ngoài. Anh ấy hiện đang yêu cầu cô bé nhanh chóng nộp đơn xin nhập cư và cố gắng hết sức để ở lại nước ngoài”.

Được biết, vào tháng 2 năm 2023, 31 tỉnh, thành ở Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch “sống thắt lưng buộc bụng”, bao gồm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chung như "3 chi phí chung" được đề cập ở trên.

Thiếu tiền để dọn tuyết và hỗ trợ nạn nhân động đất

Ngân sách eo hẹp đã khiến chính quyền Trung Quốc không có đủ tiền để dọn tuyết trên đường phố trong đợt lạnh giá mùa đông này. Không chỉ như vậy, những nạn nhân động đất cũng đã không nhận được sự hỗ trợ đáng có.

Ông Chen, một người gốc Hà Bắc làm việc tại Bắc Kinh, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12/2023: “Vì thâm hụt tài chính và việc thiếu tiền trong nguồn tài chính của chính quyền địa phương ở nhiều nơi, công nhân vệ sinh thành phố từ chối làm việc mà không được trả lương. Trong hai ngày này, thành phố chỉ có thể dựa vào việc xúc tuyết thủ công, họ không lái những chiếc xe cào tuyết lớn ra đường để xúc”.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu
Một người đàn ông dùng xẻng để dọn tuyết khi tuyết rơi dày ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 21/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng vì chính quyền trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nằm ở Bắc Kinh nên họ sẽ kiểm soát được việc dọn tuyết ở đó. Tuy nhiên, việc dọn tuyết đã trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều thành phố phía bắc khác ở Trung Quốc.

Ông Lý nói: “Chính quyền địa phương vẫn còn nợ tiền dọn tuyết năm ngoái [2022] và vẫn chưa trả IOU [giấy nợ]”. “Sau đó, năm nay [2023], họ yêu cầu người dân xúc tuyết, nhưng các công ty xúc tuyết và công ty dịch vụ đó đã từ chối cung cấp các dịch vụ. Chính quyền bây giờ phải mang theo tiền mặt để yêu cầu họ dọn tuyết”.

Trong khi đó, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra ở huyện Tích Thạch Sơn, châu Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 18/12/2023, khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nhiều tòa nhà và nhà cửa bị sập trong trận động đất. Tuy nhiên, chỉ 15 giờ sau trận động đất, ĐCSTQ tuyên bố công tác cứu hộ đã kết thúc, khiến các nạn nhân bị mắc kẹt ngoài trời trong nhiệt độ lạnh giá. Những người sống sót sau trận động đất và những người sơ tán đã đốt lửa trên đường phố và gần những ngôi nhà đổ nát của họ để giữ ấm.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu
Người dân tụ tập bên đống lửa trên đường phố sau trận động đất ở huyện Tích Thạch Sơn, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, vào ngày 19/12/2023. (Ảnh: PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Theo Đài quan sát Khí tượng Trung ương, nhiệt độ thấp nhất ở huyện Tích Thạch Sơn, tâm chấn, có thể đạt tới âm 10 đến âm 14 độ C (14 đến 6,8 độ F).

Ông Zheng, một người dân ở huyện Tích Thạch Sơn, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được sự cứu hộ và cứu trợ thực sự.

“Nhà chúng tôi bây giờ không còn ở được nữa. Chúng tôi dựng lều trước nhà và đốt lửa. Trẻ em và người già ngồi trước đống lửa để sưởi ấm”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc kêu gọi không chi tiêu bừa bãi dù chỉ một xu