Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn thực chất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kết thúc cuộc họp công tác kinh tế mà không có kế hoạch rõ ràng để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã kết thúc cuộc họp quan trọng vào ngày 8/12, do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, nhằm chỉ đạo công tác kinh tế của Trung Quốc trong năm tới. Cuộc họp nhằm phác thảo các nguyên tắc cần thiết để ổn định và cải thiện nền kinh tế Trung Quốc trước môi trường bên trong và bên ngoài phức tạp. Tuy nhiên, kết quả dường như mang tính hùng biện hơn trong khi không có nội dung thực chất.

Các tuyên bố chính thức từ cuộc họp cho biết “chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường và cải thiện một cách thích hợp về chất lượng và hiệu quả”, mặc dù không có bước đi rõ ràng nào được vạch ra để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế suy yếu. Tương tự, ĐCSTQ đặt ưu tiên “ngăn chặn và hạ nhiệt rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm và kiên quyết bảo vệ các điểm mấu chốt trước các rủi ro hệ thống”. Mặc dù đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chú ý đang hướng tới bong bóng nợ bất động sản, nhưng một lần nữa, không có sự đề cập nào đến kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này.

Các tuyên bố cho thấy sẽ có cải cách và mở cửa nền kinh tế nhưng cũng khẳng định rằng sẽ có “điều tiết kinh tế vĩ mô gia tăng”. Hai mục tiêu chính sách này xung đột trực tiếp với nhau và là biểu hiện của tình thế tiến thoái lưỡng nan của ĐCSTQ. Một mặt, ông Tập dường như hiểu rằng khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, ĐCSTQ không muốn từ bỏ quyền kiểm soát và để các lực lượng thị trường điều tiết nền kinh tế.

Cuộc họp kinh tế này, cùng với nhiều tuyên bố trước đó của ông Tập trong 5 năm qua, đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và phát triển nền kinh tế thông qua nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Tờ Global Times thuộc sở hữu nhà nước đưa tin Bộ Chính trị Trung Quốc cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, cho biết: “Đánh giá từ các tín hiệu từ cuộc họp, thúc đẩy tiêu dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu”. Tuy nhiên, người dân thường cắt giảm tiêu dùng khi đối mặt với triển vọng kinh tế yếu kém, và tình hình hiện tại của Trung Quốc không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Xuất khẩu tăng nhẹ trong tháng 11 nhưng giá tại nhà máy và giá tiêu dùng vẫn giảm, dấu hiệu của giảm phát. Các chuyên gia cũng tin rằng sự gia tăng khiêm tốn trong xuất khẩu có thể chỉ là tạm thời. Nó chủ yếu bao gồm xuất khẩu phương tiện và tàu thủy, cũng như các đơn đặt hàng gấp cho dịp Giáng sinh.

Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn là thực chất
Một công nhân được nhìn thấy tại dây chuyền sản xuất của công ty SMC, một nhà sản xuất linh kiện khí nén ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trong chuyến tham quan truyền thông do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO) tổ chức vào ngày 10/1/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, những vụ vỡ nợ bất động sản được dự đoán từ lâu hiện đang trở thành hiện thực. Nợ chính quyền địa phương tiếp tục tăng. Mặc dù Bắc Kinh đã chỉ ra rằng họ sẽ không cho phép chính quyền địa phương vỡ nợ, nhưng ĐCSTQ cũng thiếu giải pháp cho những thách thức kinh tế, khiến các chính quyền này nợ quá nhiều đến mức không thể trả được.

Do vấn đề nợ chính quyền địa phương và bất động sản đang diễn ra, Moody's Investor Service đã hạ triển vọng nợ chính phủ của Trung Quốc. Và do số lượng đáng kể các khoản vay bất động sản do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ, Moody’s đã hạ triển vọng của một số ngân hàng Trung Quốc.

Hơn nữa, bất kỳ khoản tiền nào do Bắc Kinh chỉ đạo nhằm giải cứu chính quyền địa phương đều là những nguồn lực, thay vì đó, có thể được sử dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mặc dù sự sụp đổ hoàn toàn và thảm khốc của chính quyền địa phương có thể được ngăn chặn nhưng triển vọng kinh tế tổng thể khó có thể cải thiện đáng kể.

Một yếu tố khác cản trở tiêu dùng là thất nghiệp. Những người không có việc làm không thể tăng mức tiêu dùng. Bắc Kinh phải xử lý vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ vì hơn 21% thanh niên hiện đang thất nghiệp. Hơn nữa, cần phải tìm việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư, những người đang nhận ra rằng các nhà máy nơi họ từng làm việc hiện đang cắt giảm sản xuất.

Ông Tập kêu gọi những người tham dự “củng cố niềm tin vào sự phát triển và tích cực đưa ra các gợi ý và đề xuất cho ĐCSTQ nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao”. Rõ ràng, ĐCSTQ tin rằng niềm tin vào nền kinh tế có thể được khôi phục bằng cách ra lệnh cho các đảng viên cảm thấy tự tin hơn.

Một tuyên truyền thú vị tương tự là lời kêu gọi “cải thiện kỳ vọng của xã hội như một phần trong nỗ lực của quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý vào năm 2024”. Có vẻ như Bắc Kinh đang có ý định hạ thấp kỳ vọng của người dân về nền kinh tế hơn là sửa chữa nó.

ĐCSTQ sẽ tổ chức cuộc họp lớn tiếp theo, hội nghị toàn thể, từ ngày 8 đến ngày 10/1. Tại cuộc họp đó, có thể những chính sách cụ thể hơn sẽ được vạch ra. Tuy nhiên, hiện tại, có vẻ như các cuộc họp kinh tế của ĐCSTQ tạo ra nhiều danh sách các mong muốn hơn là danh sách việc cần làm.

Moody's thừa nhận các vấn đề của Trung Quốc

Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn là thực chất
Tên của hãng xếp hạng Moody's tại trụ sở công ty ở New York, Mỹ, vào ngày 18/9/2012. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP qua Getty Images)

Trong khi Bắc Kinh dường như chưa đưa ra được giải pháp thực chất, các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc đang dần được phơi bày trước công chúng.

Mới xuất hiện thêm một tiếng nói hưởng ứng mối lo ngại toàn cầu ngày càng tăng đối với nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc. Các chuyên gia xếp hạng tín nhiệm của Moody's hôm thứ 3 (5/12) đã hạ cấp kỳ vọng của họ về triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc.

Theo Moody's, việc hạ cấp này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng cho thấy chính quyền có thể phải cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và công ty nhà nước vốn đang chìm trong nợ nần, tạo ra những mối đe dọa lớn đối với tình hình tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.

Đồng thời, trong Ghi chú Nghiên cứu Đại Trung Hoa hôm thứ 3 (5/12), công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Úc ANZ cho biết họ dự kiến Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm" vào năm 2024 do những tai ương trong lĩnh vực bất động sản và giảm phát. [Hạ cánh mềm: suy giảm nhẹ sau đợt tăng trưởng nóng].

“GDP thực của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 4,2% vào năm 2024 và 4,0% vào năm 2025. Nhưng tăng trưởng danh nghĩa có thể sẽ chỉ ở mức 3,8%. Áp lực giảm phát vẫn ở mức cao với chênh lệch sản lượng [kinh tế] âm”, báo cáo của ANZ cho biết.

Tuy nhiên, Moody's đã xác nhận xếp hạng A1 của Trung Quốc vào thứ 3, cho biết nền kinh tế vẫn có khả năng cao trong việc hấp thụ các cú sốc. Nhưng hãng xếp hạng dự báo tăng trưởng GDP hàng năm sẽ giảm xuống 4,0% vào năm 2024 và 2025, và đạt mức trung bình 3,8% từ năm 2026 đến năm 2030.

Việc hạ cấp của Moody's là lần sửa đổi đầu tiên đối với triển vọng Trung Quốc kể từ khi nước này bị hạ xếp hạng xuống A1 vào năm 2017, với lý do tăng trưởng chậm hơn và nợ gia tăng. Mặc dù xếp hạng A1 vẫn được duy trì, nhưng việc hạ cấp triển vọng cho thấy xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc có thể sẽ bị hạ thấp trong tương lai.

Tuy nhiên, Bộ tài chính Trung Quốc không đồng ý với động thái này của Moody's và đã phản ứng bằng cách nói rằng họ "thất vọng" trước việc Moody's hạ triển vọng xếp hạng của nước này và rằng nền kinh tế "sẽ duy trì xu hướng phục hồi và tích cực".

“Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết. Tác động của sự suy thoái trên thị trường bất động sản đối với ngân sách công nói chung của địa phương và ngân sách chính phủ là có thể kiểm soát được và mang tính cơ cấu”, Bộ cho biết.

Những thách thức đối với Trung Quốc

Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn là thực chất
Một người đàn ông sử dụng thang cuốn trước khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/10/2021. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Theo các chuyên gia xếp hạng, sự phục hồi của Trung Quốc đã bị cản trở bởi niềm tin yếu kém của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục và suy thoái kinh tế toàn cầu, thứ đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Khi mà cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên tồi tệ hơn và sự phục hồi sau các quy định khắc nghiệt về COVID-19 kém mạnh mẽ hơn dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc đang khó lấy lại được động lực trong năm nay. Vào tháng 11, dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm, củng cố cho quan điểm ​​cho rằng chính quyền Trung Quốc cần phải can thiệp nhiều hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi đang chững lại.

“Trong ngắn hạn, rủi ro đi xuống đối với tăng trưởng vẫn còn, vì việc thu hẹp quy mô lĩnh vực bất động sản là một sự thay đổi cơ cấu lớn trong các động lực tăng trưởng của Trung Quốc đang diễn ra và có thể là lực cản đáng kể hơn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc so với đánh giá hiện nay”, Moody's nói.

Hãng xếp hạng cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt hơn trong thời gian ngắn và trung hạn sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt và nợ của chính quyền địa phương.

Vấn đề nợ là tâm điểm

Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn là thực chất
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được đếm tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Trọng tâm của chính quyền Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tài chính do thị trường bất động sản đang xấu đi, với việc tăng cường vay mượn là công cụ chính để hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó làm dấy lên lo ngại về mức nợ của nước này, đặc biệt vì Bắc Kinh dự kiến sẽ phát hành nhiều trái phiếu hơn bao giờ hết trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Khi thâm hụt ngân sách của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tín hiệu rằng nước này sẽ không chấp nhận tình trạng tăng trưởng chậm lại nghiêm trọng hoặc các mối đe dọa giảm phát dai dẳng. Theo Bloomberg, tỷ lệ thâm hụt trên GDP hiện tại là 3,8%, cao hơn đáng kể so với giới hạn 3% có thể chấp nhận được.

Sự suy giảm kinh tế đã buộc chính quyền trung ương phải bán thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (140 tỷ USD) trong năm nay. Theo chính quyền Trung Quốc, nguồn tài chính này sẽ hướng tới các dự án xây dựng và cứu trợ thiên tai, giảm một số khoản nợ ngoại bảng có mức chi phí cao hơn.

Chính quyền địa phương cũng đang ráo riết bán trái phiếu đảo nợ đặc biệt như một nguồn thu thay thế để bù đắp sự phụ thuộc vào việc bán đất trong bối cảnh ngành bất động sản suy thoái.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tăng từ 62,2% năm 2019 lên chiếm 76% sản lượng kinh tế vào năm 2022, đạt 92 nghìn tỷ CNY (12,6 nghìn tỷ USD).

Điều kiện tài chính của chính quyền địa phương sẽ tiếp tục xấu đi vào năm 2024, ANZ dự kiến một số dạng phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGVF) sẽ vỡ nợ ít nhất là trong cái gọi là thỏa thuận nợ tư nhân phi tiêu chuẩn.

“Việc thay đổi sang triển vọng tiêu cực phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính quyền và khu vực công bao trùm sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chính quyền khu vực và địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính, gây ra rủi ro tiêu cực lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc”, Moody’s nói.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc họp công tác kinh tế của Bắc Kinh mang tính hùng biện hơn thực chất