Trung Quốc giảm phát sâu nhất trong hơn 14 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu CPI mới nhất, kinh tế Trung Quốc tiếp tục chìm sâu trong giảm phát. Giới chuyên gia tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh đưa ra giải pháp, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề còn nghiêm trọng hơn: khủng hoảng niềm tin.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc có mức giảm lớn nhất trong hơn 14 năm trong tháng 1, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) vẫn giảm, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt với rủi ro giảm phát.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 5 (8/2), chỉ số CPI đã giảm 0,8% so với cùng kỳ trong tháng 1, vượt mức giảm 0,5% mà các nhà kinh tế dự đoán. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, và cũng là đợt giảm phát dài nhất kể từ năm 2009.

Trong đó, giá cả ở thành thị giảm 0,8%, giá cả ở nông thôn giảm 0,8%, giá thực phẩm giảm 5,9%, giá phi thực phẩm tăng 0,4%, giá hàng tiêu dùng giảm 1,7% và giá dịch vụ tăng 0,5%.

PPI giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,2% so với tháng trước. Giá sản xuất các sản phẩm công nghiệp đã giảm phát trong 16 tháng liên tiếp.

Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, lạm phát lõi tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 0,6% trong tháng 12.

Giảm phát nhà máy dài hạn đang đe dọa sự sống còn của các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc, những doanh nghiệp đang bị mắc kẹt trong các cuộc chiến giá cả bất tận để cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh đang bị thu hẹp.

Kể từ khi kết thúc lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn cho thấy ảm đạm và đã không thể trở lại mức phát triển trước đại dịch. Khảo sát PMI (Chỉ số quản lý mua hàng) chính thức cho thấy hoạt động của nhà máy tiếp tục giảm trong tháng 1 do niềm tin vẫn còn yếu trong bối cảnh thị trường nhà ở lao dốc, nợ chính quyền địa phương tăng cao và nhu cầu toàn cầu yếu.

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Baoyin Asset Management, cho biết: “Dữ liệu CPI hiện nay cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát vẫn còn tiếp diễn”.

Ông nói: “Trung Quốc cần hành động mạnh mẽ nhanh chóng để tránh kỳ vọng giảm phát bén rễ trong người tiêu dùng”.

Trung Quốc đã vật lộn với tình trạng giá cả chậm lại kể từ đầu năm 2023, buộc chính quyền phải cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chứng kiến nhiều biến động hơn những gì các nhà đầu tư mong đợi. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ tuyên bố cắt giảm yêu cầu dự trữ vào cuối tháng 1, hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi đối với các tổ chức tài chính xuống 0,5%. Mức cắt giảm này là lớn nhất trong hai năm qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính quyền vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin và nhu cầu.

Việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục chìm trong giảm phát cho thấy động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc giảm phát sâu nhất trong hơn 14 năm
Một người quét đường làm việc khi sương mù và ô nhiễm không khí bao phủ các tòa nhà ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 28/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Một loạt các số liệu tồi tệ được công bố

Trước đó, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ 4 (31/1) cho thấy hoạt động nhà máy tại Trung Quốc suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1, cho thấy nhu cầu yếu sẽ tiếp tục cản trở nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc đã tăng nhẹ lên 49,2 trong tháng 1 từ mức 49 trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, nó vẫn ở dưới ngưỡng 50 phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp. Con số này thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà kinh tế Bloomberg.

Về dữ liệu PMI chính thức, chiến lược gia thị trường mới nổi Galvin Chia của Natwest Markets cho biết: "Không có tín hiệu về một bước ngoặt".

Ông nói thêm: “Những điều ngạc nhiên này quá nhỏ để thay đổi thái độ bi quan đã ăn sâu của mọi người về triển vọng”.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán thường là một quãng thời gian trầm lắng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, khi kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần đang đến gần và sẽ khiến hoạt động của nhà máy bị đình trệ.

Tuy nhiên, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, tin rằng ngay cả như vậy, kết quả tồi tệ của chỉ số sản xuất tổng thể cho thấy một nền kinh tế yếu kém và triển vọng vẫn không lạc quan.

Ông Bruce Pang cho biết: "Chỉ riêng các yếu tố mùa vụ không thể giải thích một cách đầy đủ cho chỉ số PMI sản xuất bị trì trệ". Ông nói thêm: "[Trung Quốc] Vẫn cần hỗ trợ chính sách để kích thích nhu cầu xã hội một cách hiệu quả và duy trì sự phục hồi kinh tế liên tục".

Cơ sở so sánh đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ cao hơn năm ngoái và nền kinh tế sẽ không còn được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Đồng thời, những trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn, với sự suy thoái của thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc và giá cả tiếp tục giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 giảm 4,6% so với năm trước đó, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Trung Quốc giảm phát sâu nhất trong hơn 14 năm
Các cánh tuabin gió và container hàng hóa nằm tại một cảng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 1/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nguy cơ Trung Quốc không thể phục hồi kinh tế

Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, đồng thời tích cực đề cao tính hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc trong mắt cộng đồng đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh màu hồng mà ĐCSTQ cố gắng tô vẽ cho kinh tế Trung Quốc, các chuyên gia không có cái nhìn tích cực như vậy.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Nhóm Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Vấn đề nan giải: Khủng hoảng niềm tin

Tâm lý của công chúng và nhà đầu tư đang được thể hiện qua những kết quả tồi tệ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, với các nhà đầu tư nổi giận lên mạng kêu gọi “nổi loạn".

Đằng sau những tin tức tiêu cực về chứng khoán Trung Quốc hay những kỷ lục buồn về kinh tế là một vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đó chính là sự mất lòng tin của công chúng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến người dân ngần ngại chi tiền, các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư kinh doanh, nền kinh tế trì trệ với giảm phát dai dẳng, và thị trường chứng khoán cũng theo đó lao dốc.

Trung Quốc giảm phát sâu nhất trong hơn 14 năm
Một nhà đầu tư xem bảng điện tử chứng khoán vào ngày 19/6/2018 tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: VCG/Getty Images)

Trong bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng", đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, tác giả Ezrati đã phân tích về khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ông Ezrati cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 của Trung Quốc không mấy hứa hẹn.

Tâm lý thị trường vốn đã rất tồi tệ ở Trung Quốc trong thời gian qua. Không những vậy, tình từ đầu năm mới, liên tiếp các sự kiện xuất hiện, tiếp tục tạo ra thêm các ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý chung. Vào ngày 29/1, tòa án Hong Kong đã ra lệnh buộc Evergrande phải thanh lý. Sự kiện đã làm tổn hại tâm lý thị trường và gây ra mối lo ngại về hiệu ứng domino trong nền kinh tế.

Moody's cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.

Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.

Trước đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc giảm phát sâu nhất trong hơn 14 năm