Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những diễn biến của kinh tế Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý. Nền kinh tế đất nước này không chỉ đi trên quỹ đạo tiêu cực, mà nó còn gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu có những dấu hiệu tương tự như những dấu hiệu đã được chứng kiến ở Mỹ trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.

Đây là lời khẳng định từ bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng", đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, của tác giả Milton Ezrati. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ở nước Mỹ thời đó, sự mất niềm tin bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Ở Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm ra những cách khác để hủy hoại niềm tin. Bức tranh kinh tế Trung Quốc năm 2024 không mấy hứa hẹn.

Một sự xác nhận về cuộc khủng hoảng niềm tin tại Trung Quốc tới từ sự yếu kém trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Luôn là dấu hiệu của kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhu cầu về tín dụng ngân hàng, mặc dù đã tăng từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2023, nhưng vẫn thấp hơn 16% so với mức vào tháng 12/2022 và thấp hơn gần 20% so với kỳ vọng đồng thuận. Điều này càng đáng chú ý hơn vì trong những tháng qua, Bắc Kinh đã cố gắng kích thích kinh tế thông qua chi tiêu cơ sở hạ tầng, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giảm lãi suất và cung cấp thanh khoản một cách hào phóng cho thị trường và các tổ chức tài chính, tăng cung tiền rộng lên khoảng 9,7%.

Lời giải thích khả dĩ nhất cho việc tại sao người dân và doanh nghiệp Trung Quốc không tận dụng được chi tiêu cơ sở hạ tầng và khoản tín dụng hào phóng này là do họ đã mất niềm tin vào tương lai. Ít nhất, họ mất niềm tin rằng kinh tế sẽ được cải thiện đủ mức để khiến rủi ro mắc nợ trở nên đáng giá.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Các phương tiện chạy dọc một con phố tại Khu thương mại trung tâm (CBD) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Theo Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của quốc gia này đã giảm gần 10% so với mức cao nhất vào tháng 3/2023 và hiện ở mức thấp hơn bao giờ hết, ngay cả so với thời điểm trong đại dịch COVID-19 cũng như các đợt phong tỏa và cách ly không cần thiết theo sau đó dưới chính sách zero-COVID của Bắc Kinh. Niềm tin kinh doanh đã tăng nhẹ từ cuối năm 2023 nhưng vẫn rất ảm đạm khi so với các tiêu chuẩn trong lịch sử, thậm chí tính từ đầu thế kỷ này khi quá trình thu thập dữ liệu này bắt đầu.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán không sụp đổ, sự thiếu tự tin này - sự thận trọng trong việc vay mượn và chi tiêu - giống với những vấn đề mà Mỹ phải đối mặt trong cuộc Đại khủng hoảng. Quan sát hành vi của người Mỹ vào thời điểm đó, nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes đã lưu ý rằng các gói kích thích từ Washington và dòng tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thất bại trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ ra rằng, sự kích thích của chính phủ sẽ chỉ có tác dụng nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp có đủ niềm tin vào tương lai để lợi dụng đà thúc đẩy với chi tiêu và đầu tư của chính họ. Nếu họ thiếu sự tự tin để làm điều đó, gói kích thích sẽ nhanh chóng bị dùng hết và nền kinh tế, có lẽ sau một thời gian cải thiện ngắn, lại rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm. Điều này cũng đúng với kích thích tiền tệ. Cho dù ngân hàng trung ương có cung cấp bao nhiêu thanh khoản thì sự thiếu tự tin sẽ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể sử dụng nó. Ông gọi hiện tượng này là “bẫy thanh khoản”.

Giờ đây, Trung Quốc dường như đang mắc phải căn bệnh tương tự, và phần lớn trách nhiệm có thể được quy cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Đóng góp đầu tiên của ông cho tình trạng lộn xộn này là quyết định vào năm 2019–20 đột ngột rút lại sự hỗ trợ lâu nay của Bắc Kinh đối với việc phát triển bất động sản nhà ở. Quyết định đó đã gây ra sự sụp đổ trong lĩnh vực từng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và đồng thời làm giảm giá trị tài sản với những tác động tàn khốc đối với tài sản của các hộ gia đình.

Sai lầm thứ hai của ông Tập là đưa ra một phản ứng mờ nhạt trước sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Từ những vụ sụp đổ đầu tiên của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2021 cho đến chỉ vài tháng trước, Bắc Kinh đã giả vờ rằng vấn đề, trái với bản chất thực tế, không yêu cầu chính quyền làm gì cả. Do đó, các vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài sản hộ gia đình đã lan rộng khắp hệ thống tài chính Trung Quốc, tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế và làm xói mòn niềm tin.

Chính sách zero-COVID là đóng góp thứ ba của ông Tập Cận Bình vào những tai ương của Trung Quốc. Chính sách đó đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị đóng cửa và cách ly lâu hơn ít nhất 18 tháng so với phần còn lại của thế giới. Mục tiêu của ông Tập là một mục tiêu bất khả thi: tiêu diệt virus. Để theo đuổi giấc mơ đó, ông đã kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra cảm giác trong người dân rằng họ không còn có thể trông cậy vào một nguồn thu nhập đều đặn nữa và khiến các doanh nghiệp cảm thấy rằng các kế hoạch mở rộng kinh doanh là vô nghĩa.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ, ông Tập còn đưa ra những lời lẽ hùng biện nhằm chỉ trích các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong thời gian này, nhấn mạnh rằng các nhà quản lý và chủ sở hữu doanh nghiệp cần từ bỏ việc theo đuổi lợi nhuận để tuân theo đường lối và sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hơn tất cả mọi tác động, kiểu nói chuyện này khiến các chủ doanh nghiệp Trung Quốc cảnh giác về tương lai và không sẵn lòng đầu tư vào việc tuyển dụng hoặc mở rộng kinh doanh.

Bất chấp những điểm tương đồng giữa sự mất niềm tin của Trung Quốc và nguyên nhân sâu xa của cuộc Đại khủng hoảng ở Mỹ những năm 1930, sẽ là quá táo bạo nếu dự báo về một cuộc Đại khủng hoảng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, không quá táo bạo khi dự báo rằng hoàn cảnh sẽ kìm hãm triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới, đặc biệt nếu ông Tập và các đồng sự ở Bắc Kinh không nhận thức được nhu cầu phải đưa ra các chính sách có thể xây dựng lại niềm tin của người dân Trung Quốc và giới doanh nghiệp trong tương lai. Kỳ vọng về sự thay đổi có thể là hão huyền, nhưng sự thay đổi đó là hết sức cần thiết, ông Ezrati kết luận.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Quang cảnh một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc vào ngày 8/3/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Người dân ngại chi tiền, kinh tế giảm phát

Việc người dân Trung Quốc mất niềm tin và ngại chi tiền còn được thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm phát.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.

Đồng thời, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn trì trệ, điều này có thể làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và làm tăng áp lực giá cả. Cùng với xuất khẩu yếu hơn và việc giá cả giảm làm giảm doanh thu kinh doanh, vấn đề của ngành bất động sản có thể gia tăng ảnh hưởng đối với tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng. Với việc giảm pháp tiếp tục diễn ra dai dẳng, động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Quang cảnh những biệt thự bỏ hoang ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 31/3/2023. (Cảnh: Matthew WALSH) (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Giới chuyên gia có cái nhìn tiêu cực

Giới chuyên gia, các nhà phân tích và các tổ chức nghiên cứu dường như đang góp thêm tiếng nói thể hiện những thái độ tiêu cực về kinh tế Trung Quốc. Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, với mức tăng trưởng thực tế là 5,2%, con số tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) mà Bắc Kinh đưa ra đã bị nghi ngờ, và các chuyên gia đều dự đoán về một tương lai trước mắt không mấy sáng sủa cho nền kinh tế nước này.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Một tàu chở hàng đang chuẩn bị cập bến tại Cảng Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chứng khoán Trung Quốc trải qua ‘Thứ 2 đen tối’

Dù chưa trải qua sự sụp đổ hoàn toàn như ở Mỹ vào thời kỳ Đại khủng hoảng, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn là một thước đo phản ánh tâm lý thị trường và kỳ vọng kinh tế, đã thể hiện những dấu hiệu hết sức đáng lo ngại.

Cụ thể, vào ngày 22/1 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua "Thứ 2 đen tối". Trong toàn bộ thị trường cổ phiếu hạng A (cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến), tất cả các ngành và lĩnh vực đều giảm điểm, điều có thể được mô tả là sự “hủy diệt hoàn toàn”. Chỉ số Shanghai Composite Index lại giảm xuống dưới 2.800 điểm. Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng tiếp tục sụt giảm với chỉ số Hang Seng một lần nữa tụt xuống dưới mốc 15.000 điểm.

Dựa trên báo cáo từ thị trường, vào thứ 2 (22/1), cổ phiếu hạng A ở Thượng Hải và Thâm Quyến đều sụt giảm. Tổng cộng có 5.253 cổ phiếu loại A giảm giá, trong khi chỉ có 153 cổ phiếu tăng giá. Tổng doanh thu của thị trường chứng khoán ở hai thành phố là 794 tỷ CNY (nhân dân tệ).

Chỉ số Shanghai Composite một lần nữa giảm xuống dưới mốc 2.800 điểm, tiếp tục chạm mức thấp mới trong gần 4 năm và ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 25/4/2022. Ngay cả chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 2,3%, một lần nữa xuống dưới 15.000 điểm, gần mức đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2009.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tại một công ty chứng khoán ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Cụ thể, Chỉ số Shanghai Composite mở cửa giảm điểm vào ngày 22/1 và tiếp tục mở rộng đà giảm trong phiên chiều. Mức giảm tối đa là 3,42%, chạm mức thấp 2.735 điểm. Nó đóng cửa ở 2.756 điểm, giảm 2,68%.

Mức giảm lớn nhất của Chỉ số thành phần Thâm Quyến vào ngày 22/1 là 4,06%, chạm mức thấp 8.430 điểm. Cuối cùng nó đóng cửa ở 8.479 điểm, giảm 3,5%.

Chỉ số CSI 300 đóng cửa ở mức 3.218 điểm vào ngày 22/1, giảm 1,56%, chạm mức thấp nhất trong gần 5 năm. Chỉ số GEM đóng cửa ở mức 1.666 điểm, giảm 2,83%. Chỉ số Science and Technology Innovation 50 (Đổi mới Khoa học và Công nghệ 50) giảm 3,04%, đóng cửa ở mức 742,23 điểm.

Trong ngày thứ 2 đen tối này, tất cả các ngành trên thị trường cổ phiếu loại A đều giảm điểm. Trong đó, cổ phiếu truyền thông và giải trí giảm nhiều nhất, hơn 6%; cổ phiếu thép, hóa chất, dầu khí, kim loại cơ bản, bất động sản, xi măng giảm hơn 5%; cổ phiếu điện lực giảm hơn 4%; cổ phiếu sản xuất than và ô tô giảm hơn 3%; cổ phiếu tài chính giảm hơn 1%.

Về tình hình lao dốc của cổ phiếu hạng A, tài khoản @caijingshujuku đăng trên X: “GDP có thể bị thay đổi, dữ liệu thất nghiệp có thể bị thay đổi, nhưng việc thị trường chứng khoán lao dốc tới mức như sụp đổ thì không thể thay đổi, cũng không thể cứu vãn được!”

Người này viết tiếp: “Bây giờ thị trường chứng khoán Mỹ đang bay cao, Đài Loan và Nhật Bản đang bay cao, còn Trung Quốc đang ở trong địa ngục… Tài sản ở Trung Quốc lao dốc không thấy đáy, và không còn rõ điều gì sẽ xảy ra nữa".

Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Cao Jitw đã đăng trên tài khoản @caojitw của mình rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 22/1 cho thấy những sự kiện sau có thể sắp xảy ra: 1) Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ và sự suy giảm của nền kinh tế trong tương lai là không thấy đáy; 2) Khả năng Trung Quốc trở thành Triều Tiên trong tương lai ngày càng cao, nước này sẽ không còn cần đến thị trường chứng khoán…; 3) Khủng hoảng tài chính Trung Quốc sắp bùng nổ; 4) Mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ ngày càng gay gắt, những chuyện lớn bất ngờ có thể xảy ra, cuộc khủng hoảng bất ổn đang đến gần. Trong trường hợp thiết quân luật toàn quốc, mọi giao dịch sẽ chấm dứt.

The Wall Street Journal đưa tin các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về điều kiện kinh tế, và các chỉ số chứng khoán lớn ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều sụt giảm trong nhiều năm liên tiếp. Ngay cả theo những cơ sở đó, tình hình đầu năm nay vẫn có vẻ rất hỗn loạn.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Cử chỉ của các nhà đầu tư khi họ nhìn vào bảng điện tử hiển thị thông tin chứng khoán tại một công ty môi giới ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/1/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Tâm lý công chúng bị tổn hại sau vụ sụp đổ gây sốc của Zhongzhi

Gần đây, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Diễn biến xảy ra ngay vào đầu năm, báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Vào ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết Tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã nộp đơn xin phá sản với lý do không trả được các khoản nợ đến hạn, không có đủ tài sản để trả hết nợ và rõ ràng là không có khả năng thanh toán.

Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh cho rằng hồ sơ của Zhongzhi đáp ứng các lý do phá sản được quy định tại Điều 2, khoản 1 Luật Phá sản doanh nghiệp và ra phán quyết vào ngày 5/1 chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của Tập đoàn Zhongzhi Enterprise.

Vụ phá sản của Zhongzhi là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, gây thêm áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng vốn đang trong tình trạng mong manh của Trung Quốc. Bất động sản trì trệ, nhu cầu trong nước yếu và thương mại trì trệ đều đang đè nặng lên nền kinh tế. Tất cả dường như đang được thể hiện rõ nét trong kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán.

Vụ phá sản này đã bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường tài sản ủy thác trị giá 22 nghìn tỷ CNY (khoảng 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc, đồng thời nêu bật những rủi ro của thị trường tín dụng tư nhân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thiếu thông tin và không có được sự minh bạch về các kênh tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Reuters cho biết diễn biến tồi tệ của Tập đoàn Zhongzhi đã làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ
Một người đàn ông đạp xe phía trước hai công nhân xây dựng đi bộ trên đường phố vào ngày 1/10/2023 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng việc Zhongzhi phá sản có thể có những tác động lan tỏa.

Bà nói: "Tâm lý nhà đầu tư trong nước có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư giàu có”. Bà nói tiếp:" Tất nhiên, các tổ chức ngân hàng ngầm khác có thể theo bước [Zhongzhi]”.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: "Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]".

Dù vụ sụp đổ của Zhongzhi đã được dự đoán trước nhưng việc nộp đơn trực tiếp làm thủ tục phá sản là một diễn biến khác thường so với các trường hợp trong quá khứ. Bởi trong những năm gần đây, dù cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc có lớn đến đâu thì việc tái cơ cấu nợ thường là bước đầu tiên để tránh phá sản chính thức.

Đồng thời, vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng việc tòa án chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi cũng cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng giải cứu các công ty tài chính gặp khó khăn do đầu tư bất động sản.

Tờ Wall Street Journal cho biết Zhongzhi đã tuyên bố phá sản sau một năm thảm họa, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có điểm tương đồng thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ