Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loạt các sản phẩm thường được tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng chứng kiến sự sụt giảm doanh số đáng kể, thậm chí ở mức rất lớn. Rõ ràng, áp lực tài chính lên tầng lớp trung lưu đang là rất nặng nề, trong khi đây lại là một bộ phận quan trọng của xã hội Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng bất động sản và các khó khăn về kinh tế ở Trung Quốc đã khiến sức mua của tầng lớp trung lưu nước này giảm sút rõ rệt. Sự thay đổi được thể hiện rõ qua sự sụt giảm doanh số bán các sản phẩm thường được nhóm đối tượng này ưa chuộng, chẳng hạn như điện thoại thông minh mới nhất của Apple, đàn piano, ô tô sang và đồng hồ cao cấp.

Đầu năm 2024, doanh số bán điện thoại thông minh của Apple tại Trung Quốc đã giảm đáng kể ở mức 30% so với cùng kỳ năm trước. Cố gắng chống lại xu hướng này, Apple đã giới thiệu “Ưu đãi trong thời gian có hạn cho lễ Xuân Tiết [tết Nguyên Đán]” vào ngày 15/1 trên trang web chính thức cho thị trường Trung Quốc. Động thái chưa từng có này bao gồm việc giảm giá cho một loạt sản phẩm, với mức tiết kiệm lên tới 500 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 70 USD) cho điện thoại thông minh và lên tới 800 CNY (khoảng 110 USD) cho MacBook Air.

Việc giảm giá này nhanh chóng trở thành chủ đề nóng thu hút sự chú ý trên weibo, làm dấy lên cuộc thảo luận rộng rãi về chiến thuật ít thấy về giá này của Apple.

Theo báo cáo của Jefferies Group, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mỹ, những đợt giảm giá này, bao gồm cả việc giảm giá đáng kể đối với các mẫu như iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, vẫn chưa đủ để ngăn chặn doanh số bán hàng giảm mạnh.

Ngành công nghiệp piano ở Trung Quốc đang gặp phải những thách thức tương tự. Ông Fan, một người kỳ cựu trong lĩnh vực bán đàn piano cũ trong hơn hai thập kỷ, nhận thấy rằng hơn một nửa số đại lý và cửa hàng đàn piano ở Trung Quốc đã đóng cửa vào năm 2023.

Sự suy thoái của ngành, bắt đầu vào năm 2019, càng trầm trọng hơn do đại dịch và sau đó ngành này đã lao dốc mạnh từ tháng 4/2023. Ông lưu ý rằng các đại lý duy trì thậm chí 30% lượng bán hàng trước đó của họ cũng được coi là thành công, với mức trung bình lượng bán hàng dao động chỉ còn khoảng 15%.

Pearl River Piano, nhà sản xuất đàn piano hàng đầu Trung Quốc, báo cáo doanh thu giảm 60,62% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm ngoái. Mặc dù báo cáo của công ty không nêu rõ nguyên nhân nhưng nó nhấn mạnh thị trường nhạc cụ trì trệ và những thách thức như cạnh tranh gia tăng và phục hồi kinh tế chậm là những rủi ro chính.

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Một nhân viên đang đánh bóng những cây đàn piano mới sản xuất vào ngày 23/11/2021 tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Tác động cũng lan sang các cơ sở đào tạo chơi piano, với khoảng 30% trong số 650.000 cơ sở đào tạo âm nhạc ở Trung Quốc đã đóng cửa trong năm 2022.

Tương tự, thị trường ô tô hạng sang và đồng hồ cao cấp đang phải đối mặt với sự suy thoái, đặc biệt là ở phân khúc đồ cũ. Vào ngày 15/1, nền tảng truyền thông Explosive Angle Tracking đưa tin rằng cả xe hạng sang mới và đã qua sử dụng ở Trung Quốc đều đang giảm giá đáng kể, tuy nhiên doanh số bán hàng vẫn tiếp tục giảm.

Thị trường đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng thậm chí còn chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng hơn, với khối lượng giao dịch lao dốc mạnh kể từ tháng 5/2023, giá giảm mạnh vào cuối năm và nhiều mặt hàng được bán với giá chỉ bằng một nửa giá gốc.

Những xu hướng trên nhiều lĩnh vực này nhấn mạnh những thách thức kinh tế mà tầng lớp trung lưu Trung Quốc phải đối mặt và báo hiệu một sự thay đổi lớn hơn trong bối cảnh thị trường.

Ngoài tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, tầng lớp trung lưu cũng đang bị ảnh hưởng bởi thua lỗ trên thị trường chứng khoán. Chỉ số Shanghai Composite đã trải qua một đợt suy giảm đáng kể, tụt xuống dưới các ngưỡng quan trọng trong năm qua và chỉ phục hồi nhẹ gần đây. Sau khi tụt xuống dưới mức 3.000 điểm vào cuối tháng 10 năm ngoái, chỉ số này giảm xuống dưới 2.900 điểm vào đầu tháng 1 năm nay, và rơi xuống dưới 2.800 điểm vào ngày 18/1, trước khi phục hồi nhẹ.

Tầng lớp trung lưu, thường được đặc trưng bởi trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, sức mạnh tiêu dùng, thu nhập ổn định và địa vị xã hội, được coi là yếu tố ổn định quan trọng trong sự phát triển xã hội. Một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ góp phần ổn định xã hội, trong khi sự suy yếu của tầng lớp này có thể dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, nhu cầu xã hội khác biệt và xung đột xã hội gia tăng.

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Một nhân viên Apple Store chuẩn bị mở cửa bán hàng tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu vào diện nghèo đói

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang khủng hoảng sâu sắc và nó đang “nuốt chửng” tài sản của các gia đình Trung Quốc. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đang chịu gánh nặng với các khoản vay thế chấp đã mắc nợ và buộc phải cân nhắc xem nên bán tài sản của mình hay chờ đợi thị trường ổn định.

Dữ liệu từ một dịch vụ thông tin bất động sản nhà ở Trung Quốc cho thấy sự thay đổi trong thị trường nhà ở cao cấp thứ cấp (đã qua sử dụng) vào năm 2023, với số lượng giao dịch tăng và giá niêm yết giảm. Tại các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, lượng giao dịch mua nhà thứ cấp có giá trên 10 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 1,4 triệu USD) tăng 34% so với năm trước. Đồng thời, giá niêm yết của các bất động sản nhà ở cao cấp này giảm khoảng 5% đến 15%.

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Một khu phức hợp chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

“Chợ nhà Wen Hai Tan”, một nhà truyền thông nổi tiếng chuyên về bất động sản công nghiệp, mới đây cho biết, một khi mua nhà, nó sẽ trở thành tài sản chết trong đời, hạn chế sự lựa chọn của tầng lớp trung lưu, và buộc họ phải trải qua chuỗi ngày trả nợ thế chấp. Lựa chọn trói buộc đến chết mang lại cho họ sự bất ổn rất lớn. Nhìn từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại, tỷ lệ sinh giảm và giá nhà ở nhiều nơi cũng giảm. Vì vậy, đối với tầng lớp trung lưu, mua nhà là một gánh nặng rất lớn.

"Axing AX", có 210.000 người hâm mộ, cho biết trong một chương trình video ngày 9/1 rằng ở các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, tài sản chính của nhiều gia đình là nhà cửa và một số gia đình được cho là có tài sản lên tới hàng chục triệu CNY (nhân dân tệ), thậm chí hàng trăm triệu. Nhưng điều này dựa trên giá nhà đất cao. Với sự suy thoái của bất động sản, nhiều ngôi nhà trở nên vô giá trị, nhiều ngôi nhà khó bán, và nhiều ngôi nhà liên tục bị giảm giá.

Ông cho rằng khi bất động sản sụt giảm, một lượng lớn người dân thuộc tầng lớp trung lưu sẽ thực sự bước vào tầng lớp nghèo đói. Bởi ở các thành phố lớn, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu mua nhà thông qua vay vốn. Khi giá nhà giảm, họ có thể rơi vào cảnh nghèo đói.

"Axing AX" đưa ra ví dụ về một ngôi nhà trị giá 10 triệu CNY, trả trước 3 triệu và vay 7 triệu. Nhưng căn nhà này giá đột ngột giảm 3 triệu, hiện tại chỉ còn 7 triệu, đồng nghĩa với việc 3 triệu đặt cọc không còn nữa, 7 triệu chỉ là giá trị tài sản còn lại. Sẽ phải mất thời gian để trả hết nợ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc một gia đình tự nhận có tài sản hàng chục triệu CNY giờ có thể phải gánh khoản nợ 7 triệu CNY.

Ông nói: "Bây giờ có rất nhiều gia đình như vậy. Giá bất động sản giảm, tài sản không ngừng sụt giảm giá trị. Vô số người thuộc tầng lớp trung lưu chịu gánh nặng nợ nần sẽ rơi vào hàng ngũ nghèo đói. Nếu họ mất việc làm hoặc tiền lương bị giảm, khoản vay sẽ được hoàn trả như thế nào?”.

“Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngay từ đầu đã không nhiều và khi giá nhà ở giảm, các khoản vay mà họ phải gánh sẽ khiến họ trở thành nhóm chìm trong nợ nần và họ sẽ bị choáng ngợp. Điều này cũng khiến mức tiêu dùng của Trung Quốc không thể tăng lên chút nào". "Axing AX" tiếp tục cho biết: "Xu hướng này đáng để người ta cảnh giác. Trong vài năm tới, sẽ có nhiều gia đình hơn rơi vào hàng ngũ nghèo đói. Chúng ta có thể chờ xem".

Bloomberg gần đây đưa tin rằng vấn đề cốt lõi của sự suy giảm tài sản hộ gia đình Trung Quốc là sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, điều này đã có tác động sâu rộng đến một xã hội nơi 70% tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản. Theo dữ liệu từ Bloomberg Economics, giá nhà đất giảm 5% sẽ xóa đi lượng tài sản nhà ở trị giá 19 nghìn tỷ CNY của người dân Trung Quốc.

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Một khu phức hợp chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

Thu nhập của người dân Trung Quốc là bao nhiêu?

Vào ngày 26/12/23, ấn phẩm Sanlian Life Weekly đã đăng trên weibo chính thức rằng trên tờ First Financial Daily, vào ngày 25/12/2023, chuyên gia Li Xunlei, phó chủ tịch Diễn đàn kinh tế trưởng Trung Quốc, đã đăng bài báo "Li Xunlei: Đi lên dễ hơn đi xuống? Một góc nhìn kinh tế từ phía cầu". Chuyên gia Li Xunlei là nhà kinh tế trưởng của Zhongtai Securities.

Bài báo của chuyên gia Li Xunlei đã trích dẫn một cuộc khảo sát năm 2021 của Viện Phân phối Thu nhập, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trong đó cho biết khoảng 964 triệu người ở Trung Quốc kiếm được ít hơn 2000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu VND) mỗi tháng.

Theo bài báo, mức GDP bình quân đầu người của người dân Trung Quốc chỉ bằng 1/3 mức bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 1994 và hệ số Gini của Nhật Bản luôn được duy trì ở mức an toàn dưới 0,4, thuận lợi hơn cho thúc đẩy tiêu dùng. Hệ số Gini đo lường mức độ phân phối thu nhập trong một quốc gia, tính toán sự khác biệt của thực tế với một sự phân phối hoàn toàn bình đẳng. Là một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập thấp, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực già trước khi giàu và có thể không có đủ nhu cầu thực đối với việc mua nhà trong tương lai.

Chuyên gia Li Xunlei đã kiểm tra số liệu thống kê và phát hiện ra rằng hầu hết các quốc gia có dân số hơn 100 triệu người đều có hệ số Gini trên 0,4, cho thấy dân số càng lớn thì "phương sai" trong phân phối thu nhập cũng sẽ mở rộng tương ứng.

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Người dân băng qua đường ở khu phố trung lưu Thượng Đế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/8/2022. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Sau đó, tờ First Financial Daily đã xóa bài viết của chuyên gia này.

Trước đó, ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 28/5/2020: “Có 600 triệu người [Trung Quốc] có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ [tương đương 3,4 triệu VND)". Phát biểu này đã gây ra sự quan tâm và thảo luận rộng rãi trong xã hội. Ngày 15/6 cùng năm, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng phát biểu của ông Lý có thể được xác nhận bằng số liệu khảo sát chính thức. Năm 2019, thực sự có 610 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập trung bình hàng tháng dưới 1.000 CNY (nhân dân tệ).

Giờ đây, ba năm rưỡi sau, chủ đề "Số lượng người dân của nước tôi có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ là khoảng 964 triệu" đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi, mặc dù bài báo ban đầu đã bị xóa.

Giám đốc kiêm nhà sản xuất Zhou Yanni, có địa chỉ IP được xác định là của Hong Kong, đăng rằng: “Số người dân ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 CNY là khoảng 964 triệu. Đây là dữ liệu khảo sát do Đại học Sư phạm Bắc Kinh công bố vào năm 2021. Nếu không có dữ liệu này, tôi từng nghĩ rằng mọi người đều có thu nhập hàng tháng trên 10.000 CNY [khoảng 34 triệu VND]”.

Tài khoản "Trại Haimas" cho biết: "Thu nhập trung bình hàng tháng của người dân bình thường ở Mỹ là 3.000 USD, và thu nhập trung bình hàng tháng của người dân bình thường ở Trung Quốc là 300 USD [2000 CNY tương đương khoảng 280 USD], nhưng người nghèo lo lắng liệu người giàu bản thân họ có đủ ăn và đủ mặc hay không…”.

"Công chúa anh đào nhỏ 200708" cho biết: "Tôi sống ở Phúc Châu. Tôi đã hỏi người thân của mình về công việc dọn dẹp cách đây vài năm và tôi được biết rằng nhân viên dọn dẹp ở Phúc Châu chỉ kiếm được 2.600 CNY một tháng, trong khi không có bất kỳ phúc lợi nào như thức ăn và chỗ ở".

“Một nhánh hoa dạ lan hương” cho biết: “Ở địa phương chúng tôi, tuyển người dọn dẹp tiêu tốn 1.750 (CNY) và nhân viên bảo vệ là 1.950 (CNY), chưa tính đến các ngành nghề cơ sở khác ở địa phương”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bằng chứng cho sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc