Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc vốn đã không “giàu có" như những gì Bắc Kinh tô vẽ. Giờ đây, họ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng bất động sản tại đất nước này. Thậm chí, vấn đề không chỉ mang tính ngắn hạn.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang khủng hoảng sâu sắc và nó đang “nuốt chửng” tài sản của các gia đình Trung Quốc. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đang chịu gánh nặng với các khoản vay thế chấp đã mắc nợ và buộc phải cân nhắc xem nên bán tài sản của mình, tìm kiếm lợi nhuận hay tìm kiếm sự ổn định. Những chủ nhà bị ảnh hưởng nặng nề ở Bắc Kinh và Quảng Châu đã than thở trước những thay đổi gây sốc trên thị trường bất động sản.

Theo Nền tảng Dịch vụ Thông tin Nhà ở và Bất động sản Trung Quốc, thị trường nhà ở cao cấp đã qua sử dụng vào năm 2023 chứng kiến số lượng rao bán tăng lên và giá niêm yết giảm.

“Chợ nhà Wen Hai Tan”, một nhà truyền thông nổi tiếng chuyên về bất động sản công nghiệp, mới đây cho biết, một khi mua nhà, nó sẽ trở thành tài sản chết trong đời, hạn chế sự lựa chọn của tầng lớp trung lưu, và buộc họ phải trải qua chuỗi ngày trả nợ thế chấp. Lựa chọn trói buộc đến chết mang lại cho họ sự bất ổn rất lớn. Nhìn từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại, tỷ lệ sinh giảm và giá nhà ở nhiều nơi cũng giảm. Vì vậy, đối với tầng lớp trung lưu, mua nhà là một gánh nặng rất lớn.

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói
Các tòa nhà dân cư ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 14/5/2019. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

"Axing AX", có 210.000 người hâm mộ, cho biết trong một chương trình video ngày 9/1 rằng ở các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, tài sản chính của nhiều gia đình là nhà cửa và một số gia đình được cho là có tài sản lên tới hàng chục triệu CNY (nhân dân tệ), thậm chí hàng trăm triệu. Nhưng điều này dựa trên giá nhà đất cao. Với sự suy thoái của bất động sản, nhiều ngôi nhà trở nên vô giá trị, nhiều ngôi nhà khó bán, và nhiều ngôi nhà liên tục bị giảm giá.

Ông cho rằng khi bất động sản sụt giảm, một lượng lớn người dân thuộc tầng lớp trung lưu sẽ thực sự bước vào tầng lớp nghèo đói. Bởi ở các thành phố lớn, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu mua nhà thông qua vay vốn. Khi giá nhà giảm, họ có thể rơi vào cảnh nghèo đói.

"Axing AX" đưa ra ví dụ về một ngôi nhà trị giá 10 triệu CNY, trả trước 3 triệu và vay 7 triệu. Nhưng căn nhà này giá đột ngột giảm 3 triệu, hiện tại chỉ còn 7 triệu, đồng nghĩa với việc 3 triệu đặt cọc không còn nữa, 7 triệu chỉ là giá trị tài sản còn lại. Sẽ phải mất thời gian để trả hết nợ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc một gia đình tự nhận có tài sản hàng chục triệu CNY giờ có thể phải gánh khoản nợ 7 triệu CNY.

Ông nói: "Bây giờ có rất nhiều gia đình như vậy. Giá bất động sản giảm, tài sản không ngừng sụt giảm giá trị. Vô số người thuộc tầng lớp trung lưu chịu gánh nặng nợ nần sẽ rơi vào hàng ngũ nghèo đói. Nếu họ mất việc làm hoặc tiền lương bị giảm, khoản vay sẽ được hoàn trả như thế nào?”.

“Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngay từ đầu đã không nhiều và khi giá nhà ở giảm, các khoản vay mà họ phải gánh sẽ khiến họ trở thành nhóm chìm trong nợ nần và họ sẽ bị choáng ngợp. Điều này cũng khiến mức tiêu dùng của Trung Quốc không thể tăng lên chút nào". "Axing AX" tiếp tục cho biết: "Xu hướng này đáng để người ta cảnh giác. Trong vài năm tới, sẽ có nhiều gia đình hơn rơi vào hàng ngũ nghèo đói. Chúng ta có thể chờ xem".

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói
Các tòa nhà chung cư ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/6/2017. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Không thể bán nhà

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 11/1 đưa tin hai phụ nữ được phỏng vấn đã dùng những từ ngữ nặng nề để nói về thị trường bất động sản Trung Quốc.

Bà Ning Huimei, ở độ tuổi ngoài 50, là một người Bắc Kinh gốc. Gia đình bà có 3 người sống trong một ngôi nhà thuộc sở hữu của bố mẹ bà. Mẹ của bà Ning Huimei đã qua đời cách đây vài năm, cha bà cũng qua đời trong đại dịch, để lại cho bà hai căn nhà nhỏ. Bà Ning Huimei đã bắt đầu cân nhắc việc bán hai căn hộ vào năm ngoái để sau đó chuyển đến một căn hộ lớn hơn ở Bắc Kinh.

Trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2023, bà ủy quyền cho đại lý niêm yết một trong những căn nhà. Căn nhà chỉ rộng hơn 70 mét vuông. Khi mới niêm yết, nó có giá 8,5 triệu CNY nhưng không ai để ý. Sau đó giá lại giảm gần 1 triệu mà cũng không ai để ý. Bà nói: "Một số người đã bán cùng loại nhà trong cùng một khu dân cư với giá hơn 4 triệu hoặc dưới 5 triệu, khiến thị trường hoàn toàn rối loạn. Đây là một ngôi nhà khu trường học ở quận Hải Điến!"

Bà Ning Huimei đã rút thông tin ngôi nhà đầu tiên và chọn rao bán ngôi nhà thứ hai ra thị trường sau ngày đầu năm mới 2024. Bà nói: “Đây là một căn hộ chung cư nhỏ nằm trong Đường Vành đai Thứ hai, rộng khoảng 60 mét vuông, và tôi định giá 10 triệu. Người môi giới thấy khó bán nhưng tôi nhất quyết đòi giá này vì cùng căn hộ cùng tòa nhà năm ngoái bán 11 triệu”.

Bà Ning Huimei cho biết bà “sẽ không bao giờ bán giá thấp” và bà chọn sống lâu dài ở Bắc Kinh.

Ở một trường hợp khác, nhà bà Lai ở Quảng Châu nằm trong khu thương mại trung tâm trên trục trung tâm thành phố mới của Quảng Châu. Nó đã được niêm yết trên thị trường gần ba năm nhưng vẫn chưa bán được. Bà cho biết: “Tôi mua với giá chưa đến 8 triệu, năm 2021 được niêm yết giá 11 triệu. Sau đó, một ông chủ trả giá chỉ hơn 10 triệu nhưng tôi không bán. Giá niêm yết hiện tại chỉ hơn 8 triệu một chút. Nếu bán đi thì tương đương lỗ 2 triệu. Tôi hối hận đến mức muốn chết”.

Gia đình ba người của bà Lai đã bắt đầu nộp đơn xin nhập cư đầu tư vào Canada trước đại dịch COVID-19 và vẫn đang chờ đợi tin tức phản hồi. Bà nói: “Chúng tôi đã quyết định đi, nhưng căn nhà này sẽ để làm gì, bán hay cho thuê sau khi nhập cư thì tôi vẫn chưa quyết định”.

Bloomberg gần đây đưa tin rằng vấn đề cốt lõi của sự suy giảm tài sản hộ gia đình Trung Quốc là sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, điều này đã có tác động sâu rộng đến một xã hội nơi 70% tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản. Theo dữ liệu từ Bloomberg Economics, giá nhà đất giảm 5% sẽ xóa đi lượng tài sản nhà ở trị giá 19 nghìn tỷ CNY của người dân Trung Quốc.

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói
Các tòa nhà dân cư ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông phía đông nam Trung Quốc, vào ngày 7/4/2023. (Ảnh: LUDOVIC MARIN/AFP qua Getty Images)

Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc sẽ không thể trở lại như xưa

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong khó khăn. Những dấu hiệu cho thấy, lĩnh vực quan trọng này đang trải qua những thay đổi về bản chất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ không giảm bớt.

Ông Mike Sun, một chiến lược gia đầu tư và chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng lời hùng biện của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại Đại hội 20 vào năm 2022 hướng đến việc định hình lại bối cảnh kinh tế của Trung Quốc, liên quan đến một sự chuyển mình từ sự tập trung vào lĩnh vực bất động sản sang tập trung nhiều hơn vào ô tô điện và ngành công nghệ cao.

Năm 2023 đánh dấu thời kỳ cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự và từ chức trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Một số giám đốc hàng đầu đã bị điều tra, và một số đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.

“Cho dù đó là một cuộc đàn áp của giới lãnh đạo ĐCSTQ đối với lĩnh vực bất động sản hay một sự thay đổi chính sách, nó chắc chắn sẽ cản trở lợi ích của nhiều người. Trước đây, bất động sản là một khoản đầu tư hấp dẫn và nhiều người ở Trung Quốc đã kiếm tiền và làm giàu nhờ bất động sản. Một khi các cuộc điều tra được tiến hành, nhiều hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị vạch trần và nhiều giám đốc chắc chắn sẽ bị bắt giữ”, ông Sun nói.

Nhiều người tham gia thị trường và các nhà phân tích từng tin rằng sự bùng nổ bất động sản tại Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất hai thập kỷ nữa.

Trong khi đó, ông Sun giải thích rằng có một tiêu chuẩn phổ biến để phân tích xu hướng phát triển bất động sản ở Trung Quốc. “Xu hướng ngắn hạn phụ thuộc vào chính sách, xu hướng trung hạn phụ thuộc vào sự phát triển đất đai và dài hạn phụ thuộc vào dân số”.

“Tình hình hiện tại của Trung Quốc cho thấy có một vấn đề lớn trong chính sách kinh tế, đất đai ngày càng khan hiếm và tỷ lệ sinh giảm mạnh. Số người chết khổng lồ ở Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 có thể đã góp phần khiến dân số giảm mạnh”.

Ông Sun cho biết lĩnh vực bất động sản Trung Quốc sẽ không trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây.

Ông chỉ ra rằng ông Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan), cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, cho biết vào năm 2019 rằng Trung Quốc không cần 100.000 công ty bất động sản mà chỉ cần khoảng 10.000.

Vào cuối năm 2023, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán rằng đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ chứng kiến “sự thu hẹp hai con số” vào năm 2024 và sự suy thoái liên tục trong lĩnh vực bất động sản sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1%.

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói
Một người mua nhà đi bộ qua khu vực xây dựng trong khu phức hợp nơi anh ấy mua một căn hộ ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ngày 2/6/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

3 cuộc khủng hoảng giáng đòn mạnh vào tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Với sự xuống dốc của kinh tế của Trung Quốc, tài sản của người dân cũng bị suy giảm nhanh chóng. Ba cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm sự sụp đổ của bất động sản và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và tài chính, cũng như việc giảm lương và cắt giảm nhân sự, đã giáng một đòn mạnh vào tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Khi tiền lương giảm và tài sản sụt giảm giá trị, nhiều gia đình trung lưu buộc phải thay đổi các ưu tiên tài chính của mình. Một số đã từ bỏ khuynh hướng đầu tư và quyết định bán tài sản để lấy tiền mặt.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg cho biết: “Đây có thể chỉ là khởi đầu cho nhiều sự mất mát tài sản hơn nữa trong những năm tới”.

Ông Eric Zhu nói tiếp: “Trừ khi có một thị trường giá lên lớn [thị trường con bò], sự gia tăng nhỏ về tài sản tài chính khó có thể bù đắp được sự mất mát của cải trong lĩnh vực nhà ở”.

Bloomberg Economics cho rằng đến năm 2026, giá trị ngành bất động sản Trung Quốc có thể giảm từ khoảng 20% GDP hiện nay xuống còn khoảng 16%. Điều này có thể khiến khoảng 5 triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Trong lúc cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, các tài sản tài chính cũng đang cho kết quả mờ nhạt. Mới đây, chỉ số tiêu chuẩn CSI 300 đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến mở đầu năm 2024 đầy tồi tệ, xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm vào thứ 2 (8/1).

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói
Người dân băng qua đường ở khu phố trung lưu Thượng Đế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/8/2022. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Các quỹ tương hỗ Trung Quốc cũng báo lỗ đáng kể trong quý III năm 2023. Và mới gần đây, gã khổng lồ ngân hàng ngầm Zhongzhi đã được chấp thuận thanh lý phá sản, một sự kiện có thể sẽ gây sốc với nhiều người và khiến tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: "Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]".

Trước đó, UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu vào tháng 8/2023 rằng giá trị tài sản ròng bình quân đầu người của người trưởng thành Trung Quốc đã giảm 2,2% xuống còn 75.731 USD vào năm 2022. Do thị trường nhà ở suy thoái, tài sản phi tài chính đã giảm giá trị, và tổng tài sản bình quân đầu người cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Ông Thomas Zhou, một chuyên gia tài chính 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết khi nhìn lại năm 2023, khoản đầu tư vào cổ phiếu của ông giảm 30%, lương giảm 30% và khoản đầu tư vào bất động sản giảm 20%.

Ông Zhou cho biết: “Điều duy nhất khiến tôi tiếp tục làm việc vào lúc này là nhằm giữ được công việc để có thể nuôi sống gia đình lớn của mình”.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Bain Strategies thực hiện cho thấy ngay cả những người giàu có ở Trung Quốc cũng trở nên thận trọng hơn.

Vào năm 2023, trong số những cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc, số người liệt kê "bảo vệ tài sản" là mục tiêu quản lý tài chính chính của họ đã tăng lên đáng kể, trong khi số người hướng đến "tạo ra của cải" đã giảm đáng kể.

Tình hình của ông Thomas vẫn còn là tương đối tốt. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Lần cuối cùng thông tin này được công bố, nó đã cao tới 21,3% trong tháng 6/2023, mức cao kỷ lục.

Giáo sư Xu Chenggang tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Mỹ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh không còn công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vì nó sẽ mâu thuẫn với dữ liệu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 20% thanh niên thất nghiệp, các nhà kinh tế trong nước ước tính một cách độc lập rằng con số này lên tới 40%. Không có lý do gì nền kinh tế lại có thể tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn người thất nghiệp phải ngủ ngoài đường. Nhiều người đang ở độ tuổi sung mãn nhất - trên 35 tuổi - không thể tìm được việc làm.

Cùng với sự eo hẹp về thu nhập và tài chính, việc hạ cấp tiêu dùng - hướng việc mua sắm tới các mặt hàng giá rẻ - đang ngày càng trở nên nổi bật ở Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng bất động sản đẩy tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào diện nghèo đói