Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tình hình kinh tế và tài chính khó khăn, đã xuất hiện những làn sóng cắt giảm lương công chức tại Trung Quốc. Đi cùng với nó là hoạt động “duy trì sự ổn định". Tình hình ngày càng căng thẳng, cho dù chính quyền vẫn muốn bác bỏ các thông tin về việc cắt giảm lương.

Tháng trước, tin đồn lan truyền trên Internet rằng các cơ quan và tổ chức chính phủ ở tỉnh Giang Tây sẽ cắt giảm lương. Cơ quan chức năng vội vàng "bác bỏ tin đồn" nhưng cư dân mạng không bị thuyết phục. Và vừa mới đây, trên mạng lan truyền tin tức tỉnh Sơn Đông ra lệnh cho các bộ phận cắt giảm lương.

Ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện đăng trực tuyến ngày 5/1 cho thấy một người trong hệ thống chính quyền ở tỉnh Sơn Đông tung tin tỉnh này đã ban hành văn bản chấp thuận giảm lương công chức, theo đó, việc giảm lương sẽ bắt đầu vào tháng 2.

Theo thông tin, mức giảm lương sẽ dao động từ 25% đến 35%, bao gồm cả lương của giáo viên và nhân viên cộng đồng. Nhưng chính quyền sẽ cố gắng đảm bảo rằng giáo viên không bị nợ lương.

Người tung tin còn cho biết đơn vị của ông đã thành lập “đội cắt giảm lương”.

Đối tác nói chuyện với người tung tin hỏi: "Có phải tất cả chính quyền ở tỉnh Sơn Đông đều không có tiền?" Người tung tin trả lời: "Chỉ có Lịch Hạ (quận Lịch Hạ của thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông) có một số tiền".

Người tung tin cũng cho rằng do việc cắt giảm lương diễn ra trên toàn tỉnh nên trước hết cơ quan chức năng đã bố trí “hoạt động duy trì sự ổn định” (để dập tan sự phản kháng và bất bình trong người dân).

Tin tức này đã thu hút sự chú ý trên nền tảng X (trước đây là Twitter). Cư dân mạng nói: "Sơn Đông vẫn là một tỉnh tương đối giàu có, không thể tưởng tượng được một tỉnh nghèo sẽ ra sao". "Hiện tượng như vậy sẽ là chuyện bình thường ở Trung Quốc! Họ hứa rằng lương của giáo viên sẽ được đảm bảo trước tiên, sau đó lương của giáo viên có thể là thứ đầu tiên bị tác động". “Những ngày khó khăn của người dân đã bắt đầu...; Các công dân của Tường Quốc [chỉ Trung Quốc], các bạn đã sẵn sàng chưa?"

Tháng trước, tin tức về việc “cắt giảm lương trong các cơ quan chính phủ và tổ chức công” cũng xuất hiện ở tỉnh Giang Tây. Khi đó, ảnh chụp màn hình thông báo “Chính quyền tỉnh Giang Tây quyết định điều chỉnh lương cho các cơ quan, tổ chức trên toàn tỉnh” đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Cư dân mạng đã thảo luận sôi nổi về việc "Giang Tây đã tung ra đợt cải cách chính sách đầu tiên về cắt giảm lương".

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Sau đó, các quan chức Giang Tây tuyên bố thông qua truyền thông Trung Quốc rằng tin tức nói trên chỉ là "tin đồn". Tuy nhiên, cư dân mạng địa phương không tin vào việc "bác bỏ tin đồn" chính thức và đăng các thông tin xung quanh họ liên quan tới việc bị cắt lương. Một cư dân mạng Giang Tây đã đăng: "Bạn (chính phủ) có chắc chắn về tin đồn này không? Dù sao thì mức lương hiệu suất 1.600 nhân dân tệ vào tháng tới của tôi cũng không còn nữa". Một cư dân mạng Giang Tây khác cho biết: "Em gái tôi đã mất hơn 1.000 nhân dân tệ ở Nam Xương". Cư dân mạng từ các tỉnh khác cũng bình luận, đưa tin về việc cắt giảm lương cho công chức ở khu vực của họ.

Kể từ năm ngoái, đã có những làn sóng tin tức về việc cắt giảm lương công chức trên khắp Trung Quốc đại lục. Ở một số tỉnh nghèo phía Đông Bắc, Tây và Nam, tình trạng nợ lương giáo viên đã trở nên phổ biến, thậm chí có thành phố cơ quan công an không trả được lương cho nhân viên.

Gần đây, có tin các quân nhân đang phục vụ trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bị cắt lương.

Ngoài ra, người ta đều biết rằng quỹ duy trì ổn định xã hội của Bắc Kinh vượt quá chi tiêu quân sự, nhưng gần đây, cùng với việc cắt giảm lương đối với công chức, quỹ duy trì ổn định xã hội cũng bị cắt giảm.

Một nhà bất đồng chính kiến ở Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô cho biết: “Tôi bị giam giữ trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á nhằm phục vụ việc duy trì sự ổn định. Trong cuộc trò chuyện, các nhân viên chính trị và an ninh cho biết họ không biết có thể tìm lương tháng tới ở đâu. Chính quyền hiện nay rất keo kiệt trong mọi việc chính quyền làm và không có đủ kinh phí để duy trì sự ổn định”.

Bà Yan đến từ Hàng Châu cho biết: “Đúng là lương nhân viên công đang bị cắt giảm. Có lần tôi trò chuyện với những người công nhân đường phố, họ nói rằng bây giờ họ không thể nhận được lương. Đất không thể bán được và các công ty nước ngoài đã rút lui. Chính phủ hết tiền rồi!”

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức
Một người lái xe ô tô di chuyển trên đường phố khi tuyết rơi dày đặc ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, vào ngày 22/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Thắt chặt chi tiêu là chủ chương chung của chính quyền Trung Quốc các cấp

Trước tình hình kinh tế suy thoái, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng. Liên quan đến chính sách tài khóa năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (Lan Fo'an) một lần nữa kêu gọi thắt chặt chi tiêu và yêu cầu “không tiêu bừa bãi một xu tiền nào không đáng tiêu”.

Vào ngày 4/1, khi truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng tải phần câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An về tình hình kinh tế và tài chính hiện tại của Trung Quốc, ông Lam đã đưa ra phát biểu như trên.

Về cái gọi là "nâng cao chất lượng và hiệu quả", ông Lam nói: "Hãy làm việc chăm chỉ để thực hiện các yêu cầu về cuộc sống thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm tất cả số tiền có thể, không tiêu bất kỳ khoản tiền nào không nên chi, và hãy tập trung nguồn tài chính của bạn vào những việc lớn lao". Ông cũng cho biết “chúng tôi sẽ kiên quyết điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và quy định”.

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lam Phật An (trái) và ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po), (phải) Cục trưởng Tài chính Hong Kong, trước khi bắt đầu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Toàn thể với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Moscone vào ngày 13/11/2023 ở San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Lam Phật An cũng đề cập rằng tỷ lệ thâm hụt tài chính được ấn định ở mức 3% vào đầu năm 2023. Nhiều nơi ở Trung Quốc phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt, bão và các thảm họa khác vào giữa năm nên chính quyền phải phát hành thêm 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) trái phiếu trong quý IV. Tương ứng, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng từ 3% lên khoảng 3,8%.

Tình cảnh khó khăn về kinh tế và tài chính đã trở thành chủ đề bao trùm tại Trung Quốc. Đi cùng với đó là những lời kêu gọi tiết kiệm và hạn chế chi tiêu. Như một hệ quả tất yếu, các đợt cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự cũng liên tục xuất hiện.

Trước đó, vào ngày 22/12/2023, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tài liệu hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa.

Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ "những ngày thắt chặt chi tiêu" từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm 2023 vừa rồi. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm trước đó, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm vừa rồi.

Được biết, bất động sản từng là "vũ khí thuế" của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức
Người dân xách rau sau khi đi mua đồ trong một khu dân cư ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 04/07/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Bộ Tài chính dường như coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Tỉnh ủy Chiết Giang tổ chức ngày 20/12/2023, Bí thư Tỉnh ủy Yi Lianhong nhấn mạnh các cơ quan đảng, chính quyền phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Gần đây, Chính quyền thành phố Hạ Môn đã ban hành "Thông báo về tăng cường quản lý ngân sách và tuân thủ lối sống thắt lưng buộc bụng". Thông báo cho thấy rằng ngoài việc đình chỉ xây dựng đối với các dự án về thành tựu và làm hình ảnh ở địa phương, chi phí đặc biệt của các phòng ban và quỹ công sẽ bị thu hẹp lần lượt 10% và 20% vào năm 2024, các khoản chi chung như "3 chi phí chung" sẽ được kiểm soát chặt chẽ ("3 chi phí chung" đề cập đến 3 khoản chi tiêu tài chính do chính quyền Trung Quốc đài thọ, bao gồm chi phí đi công tác nước ngoài, chi phí mua và vận hành phương tiện giao thông, và chi phí tiếp đãi công vụ. Các quan chức, cán bộ, công chức của đảng và nhà nước Trung Quốc thường lạm dụng ba khoản chi này để dùng tiền công vào việc tư).

Một bài viết có tựa đề “Sống thắt lưng buộc bụng” đăng trên trang web của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô vào ngày 19/12/23 cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa được tổ chức tại Bắc Kinh và cuộc họp yêu cầu các cơ quan đảng, chính quyền làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Đảng viên, cán bộ Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đi đầu trong việc sống thắt lưng buộc bụng.

Do các hạn chế về tài chính, chính quyền địa phương ở Chiết Giang và Thâm Quyến đã đưa ra thông báo yêu cầu các cơ quan chính quyền các cấp phải “sống thắt lưng buộc bụng”, và các cơ quan, tổ chức chính phủ ở nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý những nhân sự không phải là nhân viên chính thức.

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc nằm phía trước khu tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 21/5/2007. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Một số cư dân mạng bình luận rằng, quan chức Bộ Tài chính nói chính quyền đang “thắt chặt chi tiêu” để đổi lấy việc người dân có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng “người dân cũng muốn được sống một cuộc sống như của cán bộ nhà nước…không cần thiết phải đặt ra hai tiêu chuẩn”.

Bà Zhou, một cư dân ở Thạch Gia Trang, cho biết tình hình tài chính eo hẹp của nhiều chính quyền quận đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền. Bà cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công chức ở các đơn vị khác nhau bắt đầu sống thắt lưng buộc bụng. Về vấn đề lương của cán bộ ở các đơn vị liên kết với chính quyền cấp quận, một số nơi phải tự mình giải quyết. Con gái bạn tôi hiện đang du học tại một trường đại học ở nước ngoài. Anh ấy hiện đang yêu cầu cô bé nhanh chóng nộp đơn xin nhập cư và cố gắng hết sức để ở lại nước ngoài”.

Được biết, vào tháng 2 năm 2023, 31 tỉnh, thành ở Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch “sống thắt lưng buộc bụng”, bao gồm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chung như "3 chi phí chung" được đề cập ở trên.

Ngoài ra, trong mùa đông này, Trung Quốc đã thiếu tiền để dọn tuyết. Trong khi đó, những nạn nhân của trận động đất tại Tích Thạch Sơn cũng không nhận được sự hỗ trợ một cách thích đáng.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Một tỉnh giàu có của Trung Quốc cắt giảm lương công chức