Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khó khăn tài chính có thể đã khiến các nhân viên điện lực tại Trung Quốc bị nợ lương. Đáng chú ý, cư dân mạng đã chế giễu tình huống này, đồng thời tỏ ra ngạc nhiên khi đơn vị cung cấp điện Trung Quốc không có tiền trả lương.

Trung Quốc đang gặp khó khăn về tài chính và đã xuất hiện thông tin về tình trạng nợ lương ở nhiều bộ phận chức năng. Một đoạn video ghi lại cảnh các nhân viên của đơn vị cung cấp điện địa phương biểu tình đòi tiền lương đã được đăng tải trên mạng cách đây vài ngày. Một số cư dân mạng đã chế giễu tình huống này.

Một đoạn video quay cảnh các nhân viên đơn vị cung cấp điện biểu tình đòi tiền lương đã được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục vài ngày trước. Trong video, hàng chục người, bao gồm cả nam và nữ, đang diễu hành trên đường phố, một số người được cho là mặc đồng phục thợ điện.

Phía trước đoàn diễu hành là hai biểu ngữ lớn có in chữ trên giấy trắng. Biểu ngữ đầu tiên có nội dung "Nhân viên Đơn vị Cung cấp Điện yêu cầu trả lương" và biểu ngữ thứ hai có nội dung "Hãy hoàn trả số tiền mà tôi vất vả kiếm được!" Hầu hết đám đông phía sau đều cầm tờ giấy trắng có in dòng chữ "Yêu cầu trả tiền lương".

Đoạn video đã gây ra các cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông mạng xã hội. Một số cư dân mạng cho rằng đơn vị cung cấp điện là "đơn vị giàu có nhất" trong hệ thống của chính quyền Trung Quốc. "Tôi không thể tin nổi rằng Đơn vị Cung cấp Điện không thể trả lương". Tuy nhiên, một số người cho rằng với tình hình giá nhiên liệu tăng như hiện nay và suy thoái kinh tế, nguồn cung điện dự kiến sẽ bị hạn chế cho đến cuối năm nay. Vì vậy, việc đơn vị cung cấp điện nợ lương "có thể là sự thật" (do hoạt động cung cấp điện bị hạn chế). Những người khác cho rằng, đủ thứ chuyện kỳ lạ đều có thể xảy ra dưới hệ thống nhà nước của Trung Quốc. "Giá dầu của Trung Quốc cao nhất thế giới nhưng PetroChina vẫn thua lỗ hàng năm".

Một số cư dân mạng chế giễu: “Những kẻ cướp bóc ở đây để đòi tiền công”. “Thật buồn cười. Từng giây phút hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đồng hồ điện của mỗi hộ gia đình ở Trung Quốc đều quay với tốc độ vượt quá 35% tốc độ bình thường. Lượng điện tiêu thụ vượt quá lượng điện tạo ra, và bạn không có tiền để trả lương?”

Cách đây không lâu, Bắc Kinh công bố mức tiêu thụ điện quốc gia vượt xa sản lượng điện, điều này từng gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng Trung Quốc. Cư dân mạng cáo buộc đơn vị cung cấp điện “cướp bóc dân thường một cách trắng trợn”, rằng lượng điện tiêu thụ do công tơ điện lắp đặt chính thức đo được vượt xa lượng điện tiêu thụ thực tế của người dùng. Quan chức Trung Quốc vội vàng “bác bỏ tin đồn” và đưa ra nhiều “lời giải thích” khác nhau về việc tại sao lượng điện tiêu thụ của nước này vượt quá công suất phát điện nhưng cư dân mạng lại không tin vào những lời giải thích.

Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương
Công nhân Trung Quốc đứng bên trong Dự án Mạng lưới điện DC linh hoạt Trương Bắc vào ngày 15/7/2021 tại Trương Gia Khẩu, Trung Quốc. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Theo dữ liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mức tiêu thụ điện công nghiệp và tiêu thụ điện dân dụng của Trung Quốc vẫn "tăng đều" qua từng năm. Tuy nhiên, tính xác thực của những dữ liệu này, giống như số liệu dân số quốc gia được ĐCSTQ chính thức công bố, vẫn còn nhiều nghi vấn.

Sau khi đại dịch bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp tục suy yếu, điều này thể hiện rõ hơn trong năm nay với hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa. Các video đăng trực tuyến cho thấy ngay cả ở các thành phố hạng nhất như Thâm Quyến và Thượng Hải, nhiều khu kinh doanh nhộn nhịp trước đây không còn có dấu hiệu đông đúc, và các khu công nghiệp sầm uất trước đây đã trở nên vắng vẻ.

Đồng thời, đại dịch đã khiến tỷ lệ tử vong của dân số tăng mạnh, trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh. Các lò hỏa táng trên cả nước đã quá tải vào cuối năm ngoái và hiện nhiều nhà tang lễ phải hoạt động 24/24. Thế giới bên ngoài nhìn chung tin rằng số người chết vì đại dịch ở Trung Quốc cao ở mức đáng kinh ngạc. Nhưng Bắc Kinh vẫn che đậy và tiếp tục công bố số liệu sai lệch về dân số.

Về sản xuất điện, Trung Quốc đã nhiều lần trải qua tình trạng “thiếu điện” trong những năm gần đây. Có thông tin cho rằng do giá than để phát điện quá cao nên nhiều nhà máy nhiệt điện đã “đóng cửa để bảo trì”, giảm phát điện.

Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương
Một nhà máy điện chạy bằng than bốc khói ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc, vào ngày 4/11/2021. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Nghi vấn công tơ điện chạy sai

Những năm gần đây, nhiều khu dân cư ở Trung Quốc đã thay thế đồng hồ đo điện truyền thống bằng đồng hồ thông minh. Sau khi thay đồng hồ, nhiều người dân phàn nàn rằng họ phải trả thêm tiền điện dù mức tiêu thụ điện của họ không thay đổi.

Sự đồn đoán của dư luận về việc gian lận đồng hồ đo điện đã tồn tại trong nhiều thập kỷ bất chấp các phương tiện truyền thông nhà nước nhiều lần phủ nhận.

Đầu năm 2018, một bài viết trên ứng dụng blog Jianshu của Trung Quốc tuyên bố rằng “75% công tơ điện [đồng hồ đo điện] của Trung Quốc được tăng tốc một cách có chủ ý, với độ lệch lớn nhất là nhanh hơn 28%”. Bài báo cáo buộc rằng công tơ điện được tăng tốc vì “một số công ty điện lực yêu cầu một cách riêng tư các nhà sản xuất tăng tốc độ chỉ số của đồng hồ đo”.

Bài báo được truyền thông nhà nước Trung Quốc People's Daily Online đăng lại, đã khiến đồng hồ thông minh (đo điện) của Trung Quốc trở thành chủ đề nóng trong năm đó.

Vào tháng 8/2021, một bài phân tích trực tuyến về vấn đề này cho biết rằng đồng hồ thông minh vốn đã tiêu thụ một lượng điện nhất định chỉ để hoạt động, chi phí này sau đó sẽ được chuyển sang cho người dùng.

Dù hoá đơn tiền điện tăng cao, người dân vẫn thiếu điện

Nhiệt độ lạnh kỷ lục của mùa đông này đã mang tuyết đến cả các tỉnh cận nhiệt đới phía nam Trung Quốc. Vấn đề thiếu sưởi ấm đang gây khó khăn cho các thành phố đông dân phía bắc và các tỉnh phía tây bắc - các khu vực như Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ và Tân Cương.

Reuters hôm 24/12/2023 đưa tin Bắc Kinh đã phá kỷ lục thời tiết lạnh kéo dài 7 thập kỷ.

Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương
Các công nhân đang dọn băng khỏi đường dây truyền tải điện và cột điện giữa lúc tuyết rơi ở Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 21/2/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 24/12/2023, một cư dân mạng ẩn danh đã đăng một bài viết lên mạng xã hội kêu gọi sự chú ý đến những vấn đề về sưởi ở miền bắc Trung Quốc sau trận tuyết rơi gần thời điểm đó.

Cư dân mạng không nêu rõ vị trí nhưng cho biết nhiệt độ đã giảm xuống âm 15 độ F (khoảng -26 độ C), nhưng “nhiệt độ trong nhà của nhiều căn hộ cư dân là khoảng 10 đến 15 độ [-12 đến -9 độ C]”.

“Người già và trẻ em mặc áo khoác cotton dày [ở nhà] mà vẫn bị cảm lạnh và đổ bệnh”, bài đăng cho biết và cho biết thêm người dân đã khiếu nại lên chính quyền nhưng không có phản hồi. “Đường dây nóng dịch vụ chính phủ 12345 chỉ là trò diễn. Cái gọi là dịch vụ khách hàng do công ty sưởi ấm quảng bá thật vô dụng”.

Một cư dân mạng khác đến từ Thiên Tân, một thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc, phàn nàn vào ngày 23/12/2023 rằng trong vài ngày đầu tiên của đợt lạnh, nhiệt độ trong nhà chỉ là 14 độ F (-10 độ C).

Trung Quốc đã trải qua tình trạng thiếu điện đáng kể trong những năm gần đây. Vào mùa hè, việc sử dụng điều hòa không khí chỉ được duy trì ở mức tối thiểu và các nhà máy phải sắp xếp lịch trình hoạt động do các vấn đề về lưới điện. Trong khi đó vào mùa đông, việc thiếu điện đã ảnh hưởng tới hoạt động sưởi ấm vốn là rất cần thiết. Ông Liu Xin (hóa danh), một cư dân ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times: “Việc các khu dân cư gặp phải tình trạng mất điện trong cả mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá không phải là hiếm”.

Ông Liu cho biết, cộng thêm vào nỗi khốn khổ của người dân là hóa đơn tiền điện cao ngất trời. Mùa đông năm nay, đèn ở một số tòa nhà bị tắt và một số đường phố trong thành phố của ông không sáng đèn.

Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương
Một công nhân trèo lên cột điện để loại bỏ băng khỏi đường dây truyền tải điện ở Tất Tiết, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 21/2/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Hàng tỷ USD thuế năng lượng ngầm

Vào ngày 22/12/2023, một bài viết trên cổng thông tin NetEase của Trung Quốc đã đặt câu hỏi: “Có phải đồng hồ [đo điện] quay nhanh là một bí mật?” Bài viết trích dẫn một ví dụ trong đó một cư dân mạng bị tính phí cho 135 độ điện mà đồng hồ của anh ấy hiển thị, mặc dù mức tiêu thụ thực tế trong nhà là 100 độ.

Bài viết ước tính công ty điện lực quốc doanh Trung Quốc đã mua 10 tỷ kWh điện nhưng bán ra 13,5 tỷ kWh.

Bài viết của NetEase cũng so sánh hai bộ dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 15/12/2023 đối với 11 tháng đầu năm 2023, một về sản xuất điện và một về tiêu thụ điện. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy tổng sản lượng điện của cả nước từ tháng 1 đến tháng 11 là 8.073,2 tỷ kilowatt giờ (kWh), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Trung Quốc chỉ ra rằng tổng lượng điện tiêu thụ từ tháng 1 đến tháng 11 là 8.367,8 tỷ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý là, các số liệu chính thức chỉ ra rằng lượng điện được báo cáo đã được sử dụng của Trung Quốc đã vượt quá lượng điện thực sự được tạo ra, với khoảng chênh lệch là 294,6 tỷ kilowatt giờ. Nếu tính ở mức 0,5 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 0,07 USD) một đơn vị, sự chênh lệch sẽ lên tới khoảng 147,3 tỷ CNY (20,6 tỷ USD), một khoản tính phí quá mức rất lớn đối với hóa đơn điện của Trung Quốc.

Bài viết của NetEase kết luận rằng lời giải thích duy nhất cho hiện tượng phi logic này là đồng hồ đo điện của nhiều người Trung Quốc - kể cả người dùng công nghiệp - bị lỗi. Kết quả là khoản phí quá mức dẫn đến một mức thuế năng lượng ngầm, tăng thêm gánh nặng cho những người nộp thuế Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn, với khoản gia tăng hàng tỷ USD tiền thuế bổ sung.

Bài viết sau đó đã bị kiểm duyệt.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cư dân mạng chế nhạo khi nhân viên điện lực Trung Quốc biểu tình đòi tiền lương