'Thứ 2 đen tối' của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị 'huỷ diệt hoàn toàn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lĩnh vực tài chính của Trung Quốc liên tiếp đón tin xấu kể từ đầu năm mới. Trung Quốc vừa mới công bố việc hoàn thành mục tiêu GDP cho năm 2023, tuy nhiên thị trường chứng khoán của đất nước này sau đó lại trải qua một ngày thứ 2 (22/1) hết sức tồi tệ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua "thứ 2 đen tối". Trong toàn bộ thị trường cổ phiếu hạng A (cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến), tất cả các ngành và lĩnh vực đều giảm điểm, điều có thể được mô tả là sự “hủy diệt hoàn toàn”. Chỉ số Shanghai Composite Index lại giảm xuống dưới 2.800 điểm. Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng tiếp tục sụt giảm với chỉ số Hang Seng một lần nữa tụt xuống dưới mốc 15.000 điểm.

Dựa trên báo cáo từ thị trường, vào thứ 2 (22/1), cổ phiếu hạng A ở Thượng Hải và Thâm Quyến đều sụt giảm. Tổng cộng có 5.253 cổ phiếu loại A giảm giá, trong khi chỉ có 153 cổ phiếu tăng giá. Tổng doanh thu của thị trường chứng khoán ở hai thành phố là 794 tỷ CNY (nhân dân tệ).

Chỉ số Shanghai Composite một lần nữa giảm xuống dưới mốc 2.800 điểm, tiếp tục chạm mức thấp mới trong gần 4 năm và ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 25/4/2022. Ngay cả chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 2,3%, một lần nữa xuống dưới 15.000 điểm, gần mức đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2009.

Cụ thể, Chỉ số Shanghai Composite mở cửa giảm điểm vào ngày 22/1 và tiếp tục mở rộng đà giảm trong phiên chiều. Mức giảm tối đa là 3,42%, chạm mức thấp 2.735 điểm. Nó đóng cửa ở 2.756 điểm, giảm 2,68%.

Mức giảm lớn nhất của Chỉ số thành phần Thâm Quyến vào ngày 22/1 là 4,06%, chạm mức thấp 8.430 điểm. Cuối cùng nó đóng cửa ở 8.479 điểm, giảm 3,5%.

Chỉ số CSI 300 đóng cửa ở mức 3.218 điểm vào ngày 22/1, giảm 1,56%, chạm mức thấp nhất trong gần 5 năm. Chỉ số GEM đóng cửa ở mức 1.666 điểm, giảm 2,83%. Chỉ số Science and Technology Innovation 50 (Đổi mới Khoa học và Công nghệ 50) giảm 3,04%, đóng cửa ở mức 742,23 điểm.

Trong ngày thứ 2 đen tối này, tất cả các ngành trên thị trường cổ phiếu loại A đều giảm điểm. Trong đó, cổ phiếu truyền thông và giải trí giảm nhiều nhất, hơn 6%; cổ phiếu thép, hóa chất, dầu khí, kim loại cơ bản, bất động sản, xi măng giảm hơn 5%; cổ phiếu điện lực giảm hơn 4%; cổ phiếu sản xuất than và ô tô giảm hơn 3%; cổ phiếu tài chính giảm hơn 1%.

Về tình hình lao dốc của cổ phiếu hạng A, tài khoản @caijingshujuku đăng trên X: “GDP có thể bị thay đổi, dữ liệu thất nghiệp có thể bị thay đổi, nhưng việc thị trường chứng khoán lao dốc tới mức như sụp đổ thì không thể thay đổi, cũng không thể cứu vãn được!”

Người này viết tiếp: “Bây giờ thị trường chứng khoán Mỹ đang bay cao, Đài Loan và Nhật Bản đang bay cao, còn Trung Quốc đang ở trong địa ngục… Tài sản ở Trung Quốc lao dốc không thấy đáy, và không còn rõ điều gì sẽ xảy ra nữa".

Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Cao Jitw đã đăng trên tài khoản @caojitw của mình rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 22/1 cho thấy những sự kiện sau có thể sắp xảy ra: 1) Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ và sự suy giảm của nền kinh tế trong tương lai là không thấy đáy; 2) Khả năng Trung Quốc trở thành Triều Tiên trong tương lai ngày càng cao, nước này sẽ không còn cần đến thị trường chứng khoán…; 3) Khủng hoảng tài chính Trung Quốc sắp bùng nổ; 4) Mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ ngày càng gay gắt, những chuyện lớn bất ngờ có thể xảy ra, cuộc khủng hoảng bất ổn đang đến gần. Trong trường hợp thiết quân luật toàn quốc, mọi giao dịch sẽ chấm dứt.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Cử chỉ của các nhà đầu tư khi họ nhìn vào bảng điện tử hiển thị thông tin chứng khoán tại một công ty môi giới ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/1/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Hỗn loạn đầu năm của chứng khoán khiến Bắc Kinh lo lắng

The Wall Street Journal đưa tin các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về điều kiện kinh tế, và các chỉ số chứng khoán lớn ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều sụt giảm trong nhiều năm liên tiếp. Ngay cả theo những cơ sở đó, tình hình đầu năm nay vẫn có vẻ rất hỗn loạn.

​​China Business News đưa tin, sau khi thị trường chạm đáy vào ngày 18/1, sự sự phục hồi và ổn định mà các nhà đầu tư mong đợi đã không thành hiện thực. Ngược lại, thị trường lại trải qua đợt giảm điểm trên diện rộng.

Theo FactSet, chỉ số Hang Seng đã giảm 12% trong năm nay, trở thành chỉ số chính hoạt động kém nhất châu Á. Chỉ số này đang trên đà có mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2022. Đây là chỉ số bao gồm nhiều công ty lớn của Trung Quốc.

Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 7% trong tháng 1, tháng tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2022.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Một người phụ nữ rời khỏi tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Dữ liệu từ Wind cho thấy tính đến ngày 22/1, tổng giá trị thị trường của cổ phiếu hạng A là 80,07 nghìn tỷ CNY, giảm so với 87,66 nghìn tỷ CNY vào đầu năm, giảm 7,59 nghìn tỷ CNY sau 15 ngày giao dịch. Số lượng cổ phiếu có giá trị thị trường 100 tỷ đã giảm từ 122 vào đầu năm xuống còn 115 hiện nay. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 4,2 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán đại lục trong năm nay thông qua cơ chế kết nối chứng khoán, so với dòng vốn chảy vào 15,7 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình cũng ảm đạm không kém đối với các nhà đầu tư đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Mỹ; chỉ số Nasdaq Golden Dragon China giảm hơn 13% vào năm 2024.

Một số nhân vật từ các tổ chức và quỹ cổ phần tư nhân cho biết, từ góc độ giao dịch, vấn đề từ các sản phẩm Quả cầu tuyết (Snowball product - một loại sản phẩm tài chính mà khách hàng càng nắm giữ lâu có thể càng thu được nhiều lợi nhuận) là một trong những nguyên nhân khiến thị trường sụp đổ. Về kỳ vọng và niềm tin, việc cắt giảm lãi suất vào đầu năm vẫn chưa được thực hiện, lãi suất cho vay cơ bản tiếp tục “đứng yên” trong tháng 1, ngành bất động sản tiếp tục suy giảm và rủi ro đã lan rộng sang ngành tài chính, đồng thời người dân không sẵn lòng tiêu dùng. Đây là những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu hạng A sụt giảm mạnh.

Tính đến thời điểm kết thúc giao dịch vào ngày 22/1, thị trường cổ phiếu loại A đã giảm 7,35% trong 15 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2024. Từ một góc nhìn bi quan, con số này cao hơn gấp đôi mức giảm trong cả năm 2023.

Kênh truyền thông tài chính "Gelonghui" đã đăng một bài viết vào ngày 22/1 nói rằng trong vài ngày qua, tin xấu trên thị trường cổ phiếu A hầu như ngày nào cũng xuất hiện theo những cách mới, đặc biệt là tin tức về việc thanh lý các quỹ đòn bẩy khác nhau. Nó gây ra rất nhiều sự hoảng loạn trên thị trường.

Ví dụ, tin đồn "Hợp đồng Quả cầu tuyết của Jiang Shuying nổ tung" lan truyền gần như bùng nổ trên nhiều trang web và nhóm thảo luận. Ngay cả khi bên môi giới đứng ra bác bỏ tin đồn, thì phản ứng đó cũng là vô ích.

Những biến động của thị trường đã thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngày 22/1, Thủ tướng Lý Cường chủ trì cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Nhà nước để nghe báo cáo về hoạt động của thị trường vốn. Cuộc họp kêu gọi đưa ra các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn để ổn định thị trường và ổn định niềm tin, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đưa các quỹ trung và dài hạn vào thị trường và tăng cường sự ổn định của thị trường.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tại một công ty chứng khoán ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Kinh tế Trung Quốc đi theo quỹ đạo xấu

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra vào đầu năm, với mức tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) là 5,2% trong năm 2023.

Theo ông Evans-Pritchard, mặc dù dữ liệu GDP quý IV mới được công bố củng cố cho quan điểm có sự gia tăng nhỏ về động lực kinh tế gần đây, nhưng sự phục hồi là yếu và có rất ít khả năng Trung Quốc tránh được một cuộc suy thoái hơn nữa trong năm nay.

Ông Evans-Pritchard viết trong ghi chú: “Và mặc dù chúng tôi vẫn dự đoán một số tác động thúc đẩy ngắn hạn từ việc nới lỏng chính sách, nhưng điều này khó có thể ngăn cản sự suy giảm thêm nữa muộn hơn trong năm nay”. “Tuy nhiên, việc đạt được tốc độ tăng trưởng đó vào năm 2024 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa”.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Các tòa nhà của khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/7/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết trong một bình luận với Reuters: “Tôi không nghĩ đây [thông tin về GDP] sẽ được coi là một tin tuyệt vời”.

Theo bà Herrero, trong một năm như năm 2023 sau đại dịch COVID-19, chuẩn mực tăng trưởng phù hợp để so sánh phải là năm 2021, khi tốc độ tăng trưởng là 8,1% chứ không phải 5,2%. Do tình trạng suy thoái cơ cấu đang diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể vào năm 2024 so với năm 2023.

Ông Evans-Pritchard cho biết thêm rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc “rõ ràng vẫn còn lung lay”.

Theo chuyên gia này, mức giảm giá nhà mới hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2015 – 0,4% trong tháng 12, theo báo cáo của NBS – là điều đặc biệt đáng lo ngại vì nó có khả năng làm xói mòn thêm niềm tin vào thị trường nhà đất.

Dữ liệu hôm thứ 4 của NBS cho thấy giá nhà mới giảm mạnh nhất trong 9 năm, doanh số bán hàng giảm 8,5% theo năm tính theo diện tích sàn và sự sụp đổ trong hoạt động khởi công xây dựng.

Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp tới 30% GDP. Tài sản bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Nó lưu ý rằng “các dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn ngày càng sâu sắc” đã được quan sát thấy vào năm 2023, bao gồm sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Moody’s hạ triển vọng, giao dịch bất động sản trì trệ và thị trường chứng khoán suy thoái. Những lo ngại hiện tại về rủi ro địa chính trị leo thang, các chính sách mơ hồ và mâu thuẫn của Trung Quốc cũng như các biện pháp đàn áp về mặt pháp lý được duy trì dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm sự quan tâm đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc trong suốt năm 2024.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Một người đàn ông đạp xe phía trước hai công nhân xây dựng đi bộ trên đường phố vào ngày 1/10/2023 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo của Eurasia Group chỉ ra cơ cấu nhân khẩu học không thuận lợi của Trung Quốc, lợi thế chi phí lao động ngày càng giảm, gánh nặng nợ nần đáng kể, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương, sự phụ thuộc vào đầu tư nhà nước để tăng trưởng và những nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm thiểu rủi ro” là những yếu tố bổ sung sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Báo cáo cũng dự đoán về sự mờ nhạt đi trong động lực của việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, sự chậm lại trong nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự tiếp tục xuất hiện của các hiện tượng như sự vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và việc đóng cửa các ngân hàng.

Báo cáo còn dự đoán rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình và việc ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn cản trở khả năng phản ứng của Bắc Kinh trước các lỗ hổng kinh tế và tài chính. Cùng nhau, những yếu tố này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, “làm lộ ra những lỗ hổng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội”.

Áp lực tâm lý lên nhà đầu tư từ sự sụp đổ của Zhongzhi

Gần đây, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là một diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Vào ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết Tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã nộp đơn xin phá sản với lý do không trả được các khoản nợ đến hạn, không có đủ tài sản để trả hết nợ và rõ ràng là không có khả năng thanh toán.

Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh cho rằng hồ sơ của Zhongzhi đáp ứng các lý do phá sản được quy định tại Điều 2, khoản 1 Luật Phá sản doanh nghiệp và ra phán quyết vào ngày 5/1 chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của Tập đoàn Zhongzhi Enterprise.

‘Thứ 2 đen tối’ của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị ‘huỷ diệt hoàn toàn’
Một người phụ nữ đi bộ trên đường trước văn phòng Bắc Kinh của Zhongrong International Trust Co, thuộc sở hữu một phần của Zhongzhi Enterprise Group, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/8/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Vụ phá sản của Zhongzhi là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, gây thêm áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng vốn đang trong tình trạng mong manh của Trung Quốc. Bất động sản trì trệ, nhu cầu trong nước yếu và thương mại trì trệ đều đang đè nặng lên nền kinh tế. Tất cả dường như đang được thể hiện rõ nét trong kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán.

Vụ phá sản này đã bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường tài sản ủy thác trị giá 22 nghìn tỷ CNY (khoảng 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc, đồng thời nêu bật những rủi ro của thị trường tín dụng tư nhân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thiếu thông tin và không có được sự minh bạch về các kênh tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Reuters cho biết diễn biến tồi tệ của Tập đoàn Zhongzhi đã làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.

Bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng việc Zhongzhi phá sản có thể có những tác động lan tỏa.

Bà nói: "Tâm lý nhà đầu tư trong nước có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư giàu có”. Bà nói tiếp:" Tất nhiên, các tổ chức ngân hàng ngầm khác có thể theo bước [Zhongzhi]”.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: "Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]".

Dù vụ sụp đổ của Zhongzhi đã được dự đoán trước nhưng việc nộp đơn trực tiếp làm thủ tục phá sản là một diễn biến khác thường so với các trường hợp trong quá khứ. Bởi trong những năm gần đây, dù cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc có lớn đến đâu thì việc tái cơ cấu nợ thường là bước đầu tiên để tránh phá sản chính thức.

Đồng thời, vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng việc tòa án chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi cũng cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng giải cứu các công ty tài chính gặp khó khăn do đầu tư bất động sản.

Tờ Wall Street Journal cho biết Zhongzhi đã tuyên bố phá sản sau một năm thảm họa, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

'Thứ 2 đen tối' của chứng khoán Trung Quốc: Cổ phiếu bị 'huỷ diệt hoàn toàn'